Thư của ĐGH Phanxicô nhân kỷ niệm 25 năm Thông điệp Ut Unum Sint

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 556 | Cập nhật lần cuối: 5/9/2021 9:36:02 PM | RSS

THƯ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ GỬI ĐỨC HỒNG Y KURT KOCH
NHÂN DỊP MỪNG 25 NĂM
BAN HÀNH THÔNG ĐIỆP UT UNUM SINT

Gửi tới người Anh em thân mến của tôi,
Đức Hồng y Kurt Koch,
Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ vũ Sự Hiệp nhất các Kitô hữu

Ngày mai đánh dấu mừng kỷ niệm 25 năm Thông điệp “Ut Unum Sint – Để Tất Cả Nên Một”của thánh Gioan Phaolô II. Với cái nhìn chăm chú tới chân trời của Năm Thánh 2000, thánh Gioan Phaolô II đã mong muốn rằng, trong hành trình hướng tới thiên niên kỷ thứ ba, Giáo hội ghi nhớ lời cầu nguyện chân thành của vị Tôn Sư và cũng là Đức Chúa của mình rằng, “để tất cả nên một” (x. Ga 17,21). Vì lý do này, thánh Gioan Phaolô II đã ban hành Thông điệp để xác nhận rằng việc dấn thân đại kết của Giáo hội Công giáo là “irreversibili – không thể đảo ngược” (Thông điệp Ut Unum Sint, số 3). Ngài đã công bố Thông điệp dịp lễ trọng Chúa Thăng Thiên, đặt Thông điệp này dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng kiến tạo sự hiệp nhất trong đa dạng. Đây cũng chính là bối cảnh phụng vụ và linh đạo, mà một lần nữa, Giáo hội đang cử hành và tiếp tục đề nghị sứ vụ đại kết này với toàn thể Dân Chúa.

Công Đồng Vaticanô II đã nhìn nhận rằng, phong trào tái lập sự hiệp nhất giữa tất cả các Kitô hữu “được nảy sinh do ơn Chúa Thánh Thần” (sắc lệnh Unitatis Redintegratio, số 1). Công đồng cũng dạy rằng: “Chính Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất trong Giáo hội, là Đấng phân phát các ân sủng và các tác vụ khác nhau” (sđd., số 2). Thông điệp Ut Unum Sint đã tái khẳng định rằng: “Sự đa dạng hợp pháp không hề chống lại sự hiệp nhất của Giáo hội, trái lại, còn gia tăng vẻ đẹp rạng ngời của Giáo hội, và góp phần rất lớn lao trong việc hoàn thành sứ vụ của Giáo hội nữa” (số 50). Thật vậy, “chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể khơi dậy sự khác biệt trong đa dạng, đồng thời, mang lại sự hiệp nhất, chính Người là Đấng mang lại sự hài hòa cho Giáo hội”, bởi vì, như thánh Basiliô Cả đã nói rằng: “Chính Người là sự hòa hợp” (Bài giảng trong Vương cung thánh đường Chúa Thánh Thần, tại Istanbul, ngày 29.11.2014).

Vào ngày kỷ niệm này, tôi dâng lời tạ ơn Chúa vì cuộc hành trình mà Chúa đã cho phép chúng ta bước đi như những Kitô hữu trong cuộc tìm kiếm sự hiệp thông trọn vẹn. Tôi cũng chia sẻ sự thiếu kiên nhẫn lành mạnh của những người đôi khi nghĩ rằng, chúng ta có thể làm, và nên làm nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, chúng ta không được thiếu đức tin và lòng biết ơn: nhiều việc đã được thực hiện trong những thập niên qua, để chữa lành các vết thương đã kéo dài hàng thế kỷ và hàng thiên niên kỷ. Sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau được gia tăng, giúp vượt qua những định kiến đã đâm rễ rất sâu. Các cuộc đối thoại thần học và bác ái được phát triển, cũng như các hình thức hợp tác khác nhau trong sự đối thoại sinh động, ở cả các cấp độ mục vụ và văn hóa. Vào lúc này, những suy tư của tôi hướng về các Anh Em yêu dấu của tôi, các vị lãnh đạo các Giáo hội và các cộng đồng Kitô giáo khác nhau, và tới tất cả các anh chị em của chúng ta có cùng các truyền thống Kitô giáo với nhau, là những người bạn đồng hành của chúng ta trên hành trình này. Giống như các môn đệ trên đường Emmaus, chúng ta có thể trải nghiệm sự hiện diện của Đức Kitô phục sinh đang đi bên cạnh chúng ta và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta. Chúng ta có thể nhận ra Người trong việc bẻ bánh, chúng ta mong chờ đến ngày chúng ta sẽ được cùng chia sẻ bàn tiệc Thánh Thể chung với nhau.

Tôi xin gửi lời cám ơn tới tất cả những người đã hoạt động, và còn đang tiếp tục hoạt động trong Hội đồng Giáo hoàng về hiệp nhất các Kitô hữu, để ý thức về mục tiêu không thể đảo ngược này vẫn còn đang sinh động trong Giáo hội. Tôi đặc biệt vui mừng chào đón hai sáng kiến gần đây của Hội đồng. Trước tiên là Bản Ecumenical Vademecum – Cẩm nang Đại kết dành cho các vị Giám mục, sẽ được công bố vào mùa thu này, như một sự khích lệ và hướng dẫn cho việc thực hiện các trách nhiệm thực hành đại kết của các ngài. Thật vậy, phục vụ cho sự hiệp nhất chính là một khía cạnh thiết yếu trong sứ vụ của từng vị Giám mục, bởi “ngài là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất” trong Giáo hội địa phương của mình (Hiến chế Lumen Gentium, số 23; Bộ Giáo luật điều 383 §3; Bộ Giáo luật Đông phương, điều 902-908). Sáng kiến thứ hai là việc phát hành tạp chí Acta Œcumenica – Các hoạt động Đại kết, bằng cách đổi mới các Thông tin của Hội đồng, nhằm hỗ trợ tất cả những người hoạt động trong lãnh vực đại kết.

Trên con đường dẫn đến sự hiệp thông trọn vẹn, điều quan trọng là phải ghi nhớ những tiến bộ đã đạt được, nhưng điều không kém phần quan trọng, đó là đặt lại câu hỏi giúp định hướng về viễn tượng đại kết, như Thông điệp Ut Unum Sint đã nêu lên rằng: “Quanta est nobis qua? – Con đường còn bao xa?” (số 77). Một điều chắc chắn: sự hiệp nhất không phải là thành quả những hoạt động của riêng chúng ta, nhưng chính là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, “sự hiệp nhất sẽ không đến như một phép màu sau cùng. Hay nói đúng hơn, tiến trình hiệp nhất vẫn còn đang trên hành trình của nó; Và Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện điều đó trên hành trình đại kết.” (Bài giảng Kinh Chiều tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, 25.01.2014).

Với một sự xác tín mạnh mẽ, chúng ta hãy nguyện xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn các bước đi của chúng ta, và để cho mọi người có thể lắng nghe lời kêu gọi hoạt động vì tinh thần đại kết với một sức sống mới. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn linh hứng cho những cử chỉ ngôn sứ mới mẻ và củng cố tình bác ái huynh đệ giữa các môn đệ Đức Kitô “để thế gian tin” (Ga 17, 21), và để ngợi khen Cha của chúng ta ở trên trời.

Vatican, ngày 24 tháng 5 năm 2020

PHANXICÔ

Nguồn: xitophuocson.net