Tông thư Salvifici Doloris - Về ý nghĩa đau khổ (6)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1684 | Cập nhật lần cuối: 10/11/2019 10:14:47 AM | RSS

VI. TIN MỪNG VỀ ĐAU KHỔ

25. Các chứng nhân cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Kitô đã truyền lại cho Giáo Hội và nhân loại một Tin Mừng đặc biệt về sự đau khổ. Chính Đấng Cứu Chuộc đã viết nên Tin Mừng này, trước hết bằng đau khổ của riêng Người, được Người đón nhận bằng tình yêu, để con người “khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Đau khổ của Người, cùng với lời giáo huấn sống động, đã trở thành nguồn mạch phong phú cho những ai thông phần vào các đau khổ của Người ở thế hệ đầu, tức là thế hệ các môn đệ đã tuyên xưng niềm tin vào Người, và trải qua các thế hệ kế tiếp theo dòng thời gian.

Trước tiên, thật đáng khích lệ khi ghi nhận - điều này đúng với sự thật của Tin Mừng và lịch sử - rằng bên cạnh Đức Kitô, ở vị trí hàng đầu, và rất rõ ràng, bao giờ cũng có hình ảnh Người Mẹ chí thánh, bởi vì trong suốt cuộc đời, Mẹ đã là chứng tá chói ngời của Tin Mừng đặc biệt về đau khổ. Nơi Mẹ, vô vàn đau khổ dữ dằn đã chồng chất dồn dập và liên tục đến nỗi đã góp phần cứu độ mọi người, đồng thời vẫn cho thấy đức tin không thể lay chuyển của Mẹ. Thật vậy, khởi từ cuộc tiếp xúc âm thầm với sứ thần, Đức Maria linh cảm được rằng sứ mạng làm Mẹ đã “an bài” cho Mẹ phải chia sẻ sứ vụ của Con Mẹ một cách hoàn toàn đặc biệt. Và Mẹ đã chứng nghiệm ngay được điều đó, chẳng hạn qua biến cố ngày Giáng Sinh ở Bêlem, qua những lời nói rõ ràng của cụ già Simêon về một lưỡi gươm nhọn sẽ đâm thấu trái tim Mẹ, hay qua những nỗi lo lắng, những thiếu thốn trên đường vội vã lánh nạn sang Ai Cập vì quyết định tàn ác của Hêrôđê.

Sau những thăng trầm trong cuộc đời ẩn dật và công khai của Đức Kitô, mà chắc chắn Mẹ đã chi sẻ với một tâm hồn nhạy cảm, sâu sắc, Đức Maria còn phải chịu đau khổ cùng với những cực hình của Chúa Giêsu trên đồi Canvê, tới mức con người khó lòng tưởng tượng nổi, nhưng chắc chắn cũng mang tính cách huyền nhiệm và phong phú một cách siêu nhiên xét về phương diện ơn cứu độ phổ quát. Mẹ bước lên núi Canvê, Mẹ hiện diện dưới chân Thập Giá cùng với người môn đệ Chúa yêu quý, như thể Mẹ đã tham dự một cách hoàn toàn đặc biệt vào cái chết cứu độ của Con Mẹ, cũng như những lời Mẹ đón nhận từ môi miệng Đức Kitô đã trở thành lời chuyển giao long trọng về Tin Mừng đặc biệt đó, để loan báo cho toàn thể cộng đoàn những người tin.

Chứng kiến cuộc thương khó của Người Con bằng sự hiện diện, thông phần vào cuộc thương khó bằng sự đồng cảm, Đức Maria rất thánh đã đóng góp đặc biệt vào Tin Mừng về sự đau khổ, và đã sớm thực hiện điều khẳng định của Thánh Phaolô mà tôi đã trích dẫn ở đầu tông thư này (Cl 1,24). Quả đúng như vậy, với những danh nghĩa hoàn toàn đặc biệt, Mẹ đã có thể quả quyết rằng Mẹ đã “bù đắp nơi thân xác Mẹ - như Mẹ đã bù đắp trong tâm hồn Mẹ - những gì còn thiếu trong nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu”.

Dưới ánh sáng gương mẫu cực kỳ rạng ngời của Đức Kitô, Tin Mừng về đau khổ phản ánh một cách hiển nhiên lạ lùngnơi cuộc đời Đức Mẹ, qua kinh nghiệm về giáo huấn của các tông đồ, đã trở thành nguồn mạch vô tận cho cách thế hệ luôn mới mẻ kế tiếp nhau suốt lịch sử Giáo Hội. Tin Mừng về đau khổ, không những có ý nghĩa là sự hiện diện của đau khổ trong Tin Mừng như là một đề tài của Tin Mừng, nhưng còn là một mặc khải về năng lực cứu độ và ý nghĩa cứu độ của đau khổ trong sứ vụ Thiên sai của Đức Kitô, và tiếp đến, trong sứ vụ và ơn gọi của Giáo Hội.

Trước các thính giả, Đức Kitô không che đậy sự cần thiết của đau khổ. Người đã quả quyết rất rõ ràng:

“Ai muốn theo Tôi… hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9, 23)

Và với các môn đệ, Người đã đưa ra những đòi hỏi luân lý chỉ có thể thực hiện được với điều kiện từ bỏ chính mình (Lc 9, 23). Con đường dẫn tới Nước Trời thì chật hẹp, ngược với con đường rộng rãi thênh thang dẫn đến diệt vong (Mt 7,13-14). Nhiều lần Đức Kitô cũng nói rằng những ai muốn làm môn đệ Người và tin theo Người, sẽ phải chịu nhiều bách hại, ta biết rằng điều đó không chỉ xảy ra ở trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội thời đế quốc Rôma, mà còn không ngừng xảy ra qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, và ngay cả trong thời đại chúng ta nữa.

Dưới đây là một ít lời của Đức Kitô về vấn đề này:

“Người ta sẽ tra tay trên các ngươi và bắt bớ, nộp các ngươi cho hội đường, và tống ngục, điệu các ngươi đến các vua chúa quan quyền vì danh Ta, một cơ hội để các ngươi làm chứng. Vậy các ngươi hãy ghi kỹ trong lòng là đừng tập dọn biện hộ, vì Ta sẽ cho các ngươi miệng lưỡi cùng khôn ngoan, làm hết thảy những kẻ chống đối các ngươi đều vô phương cự lại hay kháng lý. Các ngươi sẽ bị nộp do cả cha mẹ, anh em, bà con, bạn hữu và họ sẽ giết nhiều người trong các ngươi. Và các ngươi sẽ bị nhiều người ghét vì danh Ta. Nhưng dù một sợi tóc cũng không rơi mất khỏi đầu các ngươi. Chính bởi kiên nhẫn mà các ngươi giữ được mạng sống các ngươi” (Lc 21,12-19).

Nhiều chỗ trong Tin Mừng về đau khổ đã nhấn mạnh đến sự đau khổ “vì Đức Kitô”, “vì danh Đức Kitô”, được diễn tả qua lời Đức Kitô hay lời các tông đồ. Đức Kitô không giấu giếm các môn đệ cũng như những kẻ theo Người cái viễn tượng đau khổ như thế. Trái lại, Người rất thẳng thắn khi mặc khải viễn tượng đó, đồng thời cũng loan báo về những sức mạnh siêu nhiên đi kèm, khi họ bị bách hại và thử thách “vì danh Người”. Những bách hại và nghịch cảnh ấy cũng được coi là cuộc trắc nghiệm đặc biệt về việc nên giống Đức Kitô và hiệp nhất với Người.

“Nếu thế gian ghét các ngươi, thì hãy biết rằng nó đã ghét Ta trước các ngươi…; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và Ta đã chọn các ngươi từ giữa thế gian, bởi vậy mà thế gian ghét các ngươi…Tôi tớ không lớn hơn chủ. Nếu họ đã bắt bớ Ta, họ cũng sẽ bắt bớ các ngươi. Nhưng mọi điều ấy họ sẽ làm cho các ngươi vì cớ danh Ta, vì họ không biết Đấng đã sai ta” (Ga 15,18-21).

“Các điều ấy, Ta đã nói với các ngươi, ngõ hầu trong Ta các ngươi được bình an. Nơi thế gian, các ngươi sẽ phải khốn quẫn. Nhưng hãy vừng lòng! Ta sẽ thắng thế gian” (Ga 16, 33).

Chương Tin Mừng về đau khổ đầu tiên này, khi đề cập đến những cuộc bách hại, tức là những cơn quẫn bách vì danh Đức Kitô, hàm chứa một lời mời gọi đặc biệt phải can đảm và mạnh mẽ, nhờ sự Phục Sinh oai hùng của Đức Kitô làm hậu thuẫn. Nhờ sự Phục Sinh, Đức Kitô đã hoàn toàn chiến thắng thế gian; tuy nhiên, vì sự Phục Sinh của Người gắn liền với cuộc thương khó và cái chết, nên Người cũng chiến thắng thế gian bằng đau khổ của Người nữa. Phải, đau khổ ấy đã hòa nhập một cách lạ lùng vào cuộc chiến thắng thế gian biểu lộ qua sự Phục Sinh. Đức Kitô vẫn giữ trong thân thể Phục Sinh của Người những vết thương nơi tay, chân, cạnh sườn do khổ hình Thập Giá gây nên. Nhờ sự Phục Sinh, Người biểu lộ sức mạnh tất thắng của đau khổ, Người muốn những kẻ Người tuyển chọn làm tông đồ cũng như những kẻ Người tiếp tục tuyển chọn và sai đi, phải xác tín rằng sức mạnh ấy vẫn còn đó. Sau này, Thánh Phaolô tông đồ có nói:

“Những ai muốn sống đạo đức trong Đức Giêsu Kitô, đều sẽ bị bắt bớ” (Tm 3,12).

26. Nếu những người bị bách hại vì Đức Kitô đã viết nên một chương dài đầu tiên trong Tin Mừng về đau khổ trải qua các thế hệ, thì cũng có một chương dài khác nữa được viết ra trải dọc theo dòng lịch sử. Chương này do tất cả những ai cùng chịu đau khổ với Đức Kitô viết nên, tức là những người kết hợp những đau khổ nhân loại của mình với đau khổ cứu độ của Đức Kitô. Những điều mà các chứng nhân tiên khởi trong cuộc khổ nạn và Phục Sinh đã nói và đã viết về sự thông phần vào đau khổ của Đức Kitô, thì đã hoàn tất nơi chính họ. Do đó, Tin Mừng về đau khổ được thực hiện nơi họ, và theo một nghĩa nào đó, mỗi người trong họ lại tiếp tục viết nên Tin Mừng này, viết và loan truyền cho thế giới, cho môi trường họ đang sống và những người đương thời của họ.

Qua các thế kỷ và các thế hệ, người ta đã nhận ra rằng, có một sức mạnh đặc biệt ẩn giấu trong đau khổ, sức mạnh này làm cho con người gần gũi mật thiết với Đức Kitô, đó là một ân sủng đặc biệt. Chính nhờ ân sủng đặc biệt này mà biết bao vị thánh đã hoán cải sâu xa, như Thánh Phanxicô Assi, Thánh Ignatio de Loyola,… Hoa quả của sự hoán cải này không phải chỉ là sự kiện người ta khám phá ra ý nghĩa cứu độ của đau khổ, mà nhất là vì qua đau khổ, người ta trở thành con người mới hoàn toàn, trong đó, người ta tìm thấy chiều kích mới cho cả cuộc đời và cho ơn gọi cá nhân của mình. Khám phá này đặc biệt khẳng định nét cao cả linh thiêng vốn có nơi con người, vượt thắng thân xác mà không gì có thể so sánh được. Trong khi thân xác bị bệnh tật tàn phá, đi đến chổ bất lực, trong khi con người thấy chính mình trong tình trạng hầu như không thể sống và hoạt động, thì sự trưởng thành nội tâm và sự cao cả linh thiêng lại càng trở nên rõ rệt hơn, và là một bài học sống động cho những ai đang mạnh khỏe.

Trong đau khổ, sự trưởng thành nội tâm và nét cao cả thiêng liêng này chắc chắn là kết quả của sự hoán cải sâu xa và là sự cộng tác đặc biệt với ân sủng của Đấng cứu độ bị đóng đinh. Chính Người là Đấng hoạt động trong sự khốc liệt của khổ đau, nhờ Thánh Thần chân lý, Thánh Thần an ủi. Theo một nghĩa nào đó, chính Người là Đấng biến đổi bản chất của sự sống thiêng liêng, bằng cách cho người đang đau khổ một địa vị bên cạnh Người. Chính Người - Vị Tôn Sư và là Vị Hướng Đạo nội tâm - là Đấng giáo huấn những anh chị em đang đau khổ về sự trao đổi lạ lùng này, sự trao đổi nằm ở chính trung tâm mầu nhiệm cứu độ. Tự nó, đau khổ chính là cảm thấy sự dữ. Nhưng Chúa Kitô đã biến sự dữ thành nền tảng vô cùng vững chắc cho sự thiện chung cục, tức là ơn cứu độ vĩnh cửu. Nhờ những đau khổ trên Thập Giá, Đức Kitô đã đụng chạm tới chính căn nguyên của sự dữ, nghĩa là căn nguyên của tội lỗi và sự chết. Người đã chiến thắng tác giả của sự dữ là Satan, và đã đập tan cuộc chiến trường kỳ của hắn chống lại Đấng Tạo Hóa. Đối với những anh chị em đang chịu đau khổ, Đức Kitô đã hé mở dần dần cho họ thấy chân trời Nước Thiên Chúa: đó là một thế giới quay về với Đấng Tạo Hóa của mình, một thế giới được giải thoát khỏi tội lỗi và một thế giới được xây dựng trên quyền năng cứu độ của Tình Yêu. Và, từ từ nhưng vững chắc, Đức Kitô dẫn đưa con người đang đau khổ vào trong thế giới đó, là vương quốc của Chúa Cha, và theo một nghĩa nào đó, dẫn đưa họ vào vương quốc qua chính con đường đau khổ của họ. Thật ra, đau khổ không thể biến đổi được bằng ân sủng đến từ bên ngoài mà phải bằng ân sủng ở bên trong. Bằng chính sự đau khổ cứu độ, Đức Kitô đã ở sâu bên trong mọi đau khổ của con người, và bằng quyền năng Thánh Thần chân lý và Thánh Thần an ủi, Người đã tác động ngay từ bên trong.

Nhưng chưa hết, Đấng cứu độ còn muốn thâm nhập vào tâm hồn mọi người đang chịu đau khổ qua trung gian cung lòng Mẹ rất thánh của Người, hoa quả đầu tiên và đỉnh cao của mọi người được cứu chuộc. Như để kéo dài tình mẫu tử đã hạ sinh Người do quyền năng của Chúa Thánh Thần, khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Kitô đã trao cho Đức Maria trọn đời đồng trinh tình mẫu tử mới - vừa thiêng liêng vừa phổ quát - đối với mọi người. Nhờ đó, trong hành trình đức tin, mỗi người được cùng với Mẹ hợp nhất chặt chẽ với Đức Kitô đến tận Thập Giá, và nhờ đó mọi đau khổ, từ nỗi yếu hèn của con người, khi được tái sinh nhờ Thập Giá, sẽ trở thành quyền năng của Thiên Chúa.

Nhưng tiến trình nội tâm như thế không luôn luôn phát triển theo cùng một cách. Tiến trình ấy thường khởi đầu và hình thành trong khó khăn. Ngay cả khởi điểm cũng khác: con người gặp phải đau khổ với nhiều tâm trạng khác nhau. Tuy nhiên, ta có thể khẳng định ngay rằng, mỗi người hầu như luôn luôn đối đầu với đau khổ bằng sự phản kháng mang nặng tính con người và liền đặt ra câu hỏi “tại sao?”. Mỗi người đều tự hỏi về ý nghĩa của đau khổ và tự kiếm tìm lời giải đáp trên bình diện con người. Chắc hẳn, nhiều lần người ta cũng đặt câu hỏi đó với Thiên Chúa và với cả Đức Kitô, Hơn nữa, người đang đau khổ không thể không nhận ra rằng Đấng mà họ đặt câu hỏi về ý nghĩa đau khổ cũng chính là Đấng đang chịu đau khổ, và Người cũng muốn giải đáp cho họ từ Thập Giá, từ cõi thâm sâu nhất của đau khổ riêng Người. Tuy nhiên, đôi khi phải có thời gian, và thậm chí thời gian rất lâu dài, con người mới có thể nhận thức được câu trả lời từ nội tâm mình. Thật vậy, Đức Kitô không trả lời trực tiếp cũng không trả lời trừu tượng cho câu hỏi về vấn đề ý nghĩa đau khổ. Con người càng thông phần vào đau khổ với Đức Kitô bao nhiêu thì càng hiểu được lời giải đáp cứu độ bấy nhiêu.

Cũng câu trả lời phát xuất từ sự thông hiệp như thế và trong tiến trình gặp gỡ nội tâm với Thầy, sẽ trở thành một điều gì đó lớn lao hơn, chứ không phải chỉ là câu trả lời trừu tượng cho vấn đề ý nghĩa đau khổ. Quả thật, trên tất cả, câu trả lời đó là một lời mời gọi, một ơn gọi. Chúa Kitô không giải thích những lý do đau khổ một cách trừu tượng, nhưng trước hết, Người kêu gọi: “hãy theo Ta!”. Hãy đến, hãy thông phần đau khổ của ngươi vào công cuộc cứu độ trần gian, công cuộc này phải được hoàn tất nhờ vào đau khổ của riêng Ta! Nhờ vào Thập Giá của Ta! Con người cùng vác thập giá mình bằng cách kết hợp thiêng liêng với Thập Giá Đức Kitô, thì càng thấy rõ được ý nghĩa cứu độ của đau khổ. Con người không thể khám phá được ý nghĩa này trên bình diện nhân loại, mà là trên bình diện đau khổ của Đức Kitô. Nhưng đồng thời, từ bình diện này, ý nghĩa cứu độ của đau khổ đã hạ xuống ngang với tầm mức của con người, và cách nào đó, đã trở thành lời giải đáp cho riêng mình. Chính khi ấy, con người sẽ tìm được sự bình an nội tâm và cả sự vui mừng thiêng liêng trong nỗi đau khổ mình.

27. Trong thư gởi giáo đoàn Côlôsê, Thánh Phaolô đã viết về niềm vui ấy như sau:

“Tôi vui mừng được đau khổ vì anh em” (1, 24)

Việc chế ngự cảm giác về sự vô dụng của đau khổ, một ấn tượng đôi khi lặn sâu trong đau khổ của con người, điều đó đã trở nên một nguồn vui. Không những đau khổ làm hao mòn con người từ bên trong, mà dường như còn làm cho con người nên gánh nặng cho người khác. Người ta cảm thấy mình buộc phải đón nhận sự trợ giúp và nâng đỡ của người khác trong khi chính mình lại cảm thấy mình thật vô dụng. Chính khi khám phá ra ý nghĩa cứu độ của đau khổ việc kết hiệp với Đức Kitô, con người sẽ biến đổi được tâm trạng thất vọng ấy. Chính trong niềm tin vào sự thông hiệp với đau khổ của Đức Kitô đã hàm chứa một xác tín nội tâm sâu xa rằng con người đang đau khổ “bù đắp những gì còn thiếu nơi các thống khổ của Đức Kitô”, và như Đức Kitô, họ đã trở nên hữu ích cho ơn cứu độ của anh em mình, một khi nhìn công cuộc cứu độ theo viễn tượng thiêng liêng. Không những họ sinh ích cho kẻ khác, mà hơn nữa, còn thực hiện được một công việc phục vụ bất khả thay thế. Chính trong Thân Mình Đức Kitô không ngừng lớn lên từ Thập Giá của Đấng Cứu Chuộc, mà đau khổ, một khi được thấm nhuần tinh thần hiến tế của Đức Kitô, đã đương nhiên - và không thể khác được - trở thành trung gian và nguồn mọi ơn lành cần thiết để đem ơn cứu độ cho trần gian. Hơn mọi thứ khác, chính đau khổ làm cho các năng lực cứu độ được hiện diện trong lịch sử nhân loại. Trong cuộc chiến có tính cách “vũ hoàn” giữa sức mạnh thiêng liêng của sự thiện và sự ác được nói đến trong thư Êphêsô (6,12), những đau khổ của con người, một khi kết hợp với những đau khổ của Đức Kitô, sẽ trở thành nguồn đỡ nâng đặc biệt cho sức mạnh của sự thiện bằng cách dọn đường cho sức mạnh (đem ơn) cứu độ đó vinh thắng.

Chính vì thế, Giáo Hội nhìn thấy tất cả những anh chị em đang chịu đau khổ của Chúa Kitô là một chủ thể đa hợp biểu dương sức mạnh siêu nhiên của Người. Biết bao lần các vị chủ chăn trong Giáo Hội đã chạy đến với họ chính vì các ngài tìm được nơi họ sự giúp đỡ và hậu thuẫn. Tin Mừng về đau khổ được viết mãi và không ngừng được diễn tả trong sự nghịch lý kỳ lạ này: nguồn sức mạnh thần linh thật sự tuôn trào từ nỗi yếu hèn của con người. Qua chính những đau khổ của riêng mình, những người thông phần vào đau khổ của Chúa Kitô nắm giữ một phần nhỏ độc đáo kho tàng vô tận ơn cứu độ trần gian, và họ có thể chia sẻ kho tàng ấy cho tha nhân. Con người càng bị tội lỗi đe dọa bao nhiêu, và thế giới hiện nay càng phải chịu những cơ cấu nặng nề của tội lỗi bao nhiêu, thì đau khổ của nhân loại tự nó lại càng có sức thuyết phục bấy nhiêu. Và Giáo Hội cũng càng cảm thấy cần nhờ đến giá trị của những đau khổ nhân loại để cứu độ thế gian bấy nhiêu.

Ban hành tại Rôma, gần đền thờ Thánh Phêrô.

Ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, 11.2.1984

Năm thứ sáu Triều đại Giáo Hoàng của tôi

GIOAN PHAOLÔ II

----------------------

Bài liên quan

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (2)

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (3)

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (4)

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (5)