Tông thư Salvifici Doloris - Về ý nghĩa đau khổ (7)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1338 | Cập nhật lần cuối: 10/2/2019 10:48:17 PM | RSS

(Tiếp theo)

VII. NGƯỜI SAMARI NHẬN HẬU

28. Dụ ngôn người Samari nhân hậu rõ ràng là một thành phần của Tin Mừng về đau khổ. Qua dụ ngôn này, Đức Kitô muốn trả lời câu hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10, 29). Thật sự, trong ba người khách bộ hành đi từ Giêrusalem đến Giêrocô, chỉ có một người xứ Samari tỏ ra là “người thân cận” đích thực của kẻ bất hạnh bị cướp và bị đánh, đang nằm dở sống dở chết. Người thân cận còn có nghĩa là người chu toàn giới luận yêu thương người khác. Hai người khách lữ hành kia cũng đi trên cùng một con đường: một thầy tư tế, một thầy Lêvi, nhưng cả hai đều “thấy vậy và bỏ qua”. Trái lại, người Samari “thấy thế thì chạnh lòng thương, tiến lại băng bó vết thương cho người ấy, rồi đưa đến quán trọ và săn sóc người ấy” (Lc 10,33-34). Và khi đi, ông còn cẩn thận ủy thác cho chủ quán săn sóc người bị nạn và cam kết thanh toán các chi phí.

Dụ ngôn người Samari nhân hậu nằm trong Tin Mừng về đau khổ. Quả thật, dụ ngôn ấy cho thấy mỗi người chúng ta phải có mối tương quan như thế nào đối với người đồng loại đang đau khổ. Chúng ta không được “dửng dưng bỏ qua”, nhưng phải “dừng lại” bên kẻ đau khổ. Người Samari nhân hậu là tất cả những ai dừng lại bên bất cứ đau khổ nào của người khác. Dừng lại không phải vì tò mò mà là để sẵn sàng giúp đỡ. Thái độ này là sự sẵn sàng nội tâm biết mở lòng và xót thương. Người Samari nhân hậu là tất cả những ai nhạy cảm với đau khổ của người khác, “xúc động” trước sự bất hạnh của người thân cận. Đức Kitô, hiểu biết những gì xảy ra trong tâm hồn người ta, nên đã nhấn mạnh đến khả năng rung động này, đó là vì Người muốn cho thấy tầm quan trọng của nó khi ta ứng xử trước nỗi đau khổ của tha nhân. Vậy cần phải phát triển sự nhạy cảm ấy nơi mình, vì nó là bằng chứng mối đồng cảm của ta đối với một người đang đau khổ. Đôi khi sự cảm thông này là cách diễn tả duy nhất hoặc chính yếu có thể có được để nói lên tình thương và sự liên đới của ta đối với những người đang đau khổ.

Nhưng người Samari nhân hậu trong dụ ngôn của Đức Kitô không chỉ dừng lại ở chổ xúc động, cảm thương. Tình cảm cuồn cuộn trong lòng đã thôi thúc ông ra tay hành động và trợ giúp người bị thương tích. Như thế, bât cứ ai biết nâng đỡ những đau khổ, dù thuộc loại nào, đều là người Samari nhân hậu. Nếu có thể được, phải giúp đỡ thật hữu hiệu. Khi làm như thế, họ làm với tất cả tấm lòng và cũng chẳng tiếc gì những phương tiện vật chất. Người ta có thể nói ngay rằng họ trao tặng chính mình, trao tặng chính cái tôi bằng cách mở rộng cái tôi đó cho người khác. Ở đây, chúng ta đụng chạm tới một trong những điểm quan yếu của toàn bộ khoa nhân học Kitô giáo. Con người chỉ có thể “hoàn toàn nhận ra được chính mình nhờ thành thật trao ban chính mình” (Vat 2, vui mừng và hy vọng, 24). Một người Samari nhân hậu, đó chính là một người có khả năng tặng ban chính mình như vậy.

29. Khi đọc bài dụ ngôn trong Tin Mừng, người ta có thể nói rằng, đau khổ, vốn mang bộ mặt hết sức đa dạng trong thế giới con người, thì đồng thời cũng xuất hiện để gợi lên khả năng yêu thương trong con người, cụ thể là việc trao ban chính cái tôi của mình để mưu ích cho người khác, cho những người đau khổ. Thế giới những đau khổ của con người không ngừng kêu gọi một thế giới khác, có thể nói như vậy, đó là: thế giới của tình thương nhân loại, và, tình thương chân thành này, phát khởi trong trái tim con người và tỏ hiện trong các hành vi của con người, con người có được là nhờ đau khổ, hiểu theo một nghĩa nào đó. Là “người thân cận”, căn cứ trên luật nền tảng là tình liên lới nhân loại, và hơn nữa căn cứ trên luật yêu thương người thân cận, con người không thể dửng dưng ngoảnh mặt đi trước những đau khổ của người khác. Họ phải “dừng chân”, “động lòng thương” như người Samari nhân hậu trong dụ ngôn Tin Mừng đã làm. Tự nó, dụ ngôn đó đã diễn tả một chân lý thấm nhuần tính chất Kitô giáo, nhưng đồng thời cũng là một chân lý hết sức phổ quát của con người. Ngay trong ngôn ngữ thông thường, người ta đã gọi một cách chí lý mọi hành động nhằm lợi ích cho những người đang đau khổ và cần được giúp đỡ là công việc của những “người Samari nhân hậu”.

Qua dòng lịch sử, hoạt động đó thể hiện trong những hình thức cơ chế có tổ chức, và, trong lãnh vực áp dụng, nó đã thúc đẩy những nghề nghiệp liên quan đến hoạt động đó. Bác sỹ, y tá và những nghề nghiệp khác tương tự quả thật là những hoạt động của “người Samari nhân hậu”. Xét theo hứng khởi “Tin Mừng” đã thúc đẩy hoạt động, chúng ta nên coi đó là một ơn gọi hơn là một nghề nghiệp thuần túy. Các tổ chức, trải qua nhiều thế hệ, đã chu toàn công tác của “người Samari”, nay lại phát triển và chuyên môn hóa hơn nữa trong thời đại chúng ta. Điều đó minh chứng rõ ràng rằng con người ngày nay vẫn luôn hết sức lưu tâm và sáng suốt nhìn tới những đau khổ của người thân cận, tìm cách để hiểu và dự đoán những đau khổ, cùng với những áp dụng thực tiễn phong phú. Trong lãnh vực này, khả năng và chuyên môn của con người cũng đang có nhiều tiến bộ. Khi nghĩ tới tất cả những điều đó, có thể nói dụ ngôn người Samari trong Tin Mừng đã trở nên một trong những yếu tố cốt thiết của nền văn hóa đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Chúng ta cũng nghĩ tới những người, nhờ sự hiểu biết và khả năng riêng của mình, đã thực hiện nhiều công tác phục vụ những người thân cận đang đau khổ, và chúng ta không thể không gởi đến họ lòng biết ơn sâu xa.

Chúng ta cũng tỏ lòng biết ơn tất cả những người hiến thân phục vụ một cách vô vị lợi đối với những người thân cận trong đau khổ, vì đã tự nguyện dấn thân vào những hoạt động cứu trợ của “người Samari nhân hậu”, và vì họ đã cống hiến tất cả thời giờ và sức lực của mình ngoài giờ làm việc. Hoạt động tự nguyện như “người Samari nhân hậu” hoặc là hoạt động bác ái như thế có thể được gọi là những hoạt động xã hội; cũng có thể coi là hoạt động tông đồ khi được thực hiện với lý do Tin Mừng rõ ràng, nhất là khi liên đới với Giáo Hội hoặc với một cộng đoàn Kitô Giáo nào khác. Hoạt động tự nguyện của “người Samari nhân hậu” được thể hiện trong những môi trường thích hợp hoặc qua những tổ chức được lập ra nhằm mục đích ấy. Hình thức hoạt động này hết sức quan trọng, nhất là khi nó đảm nhận những trách vụ lớn lao, đòi phải có nhiều người cộng tác và sử dụng những phương tiện kỹ thuật. Tuy vậy, hình thức cá nhân không phải là không đáng quý, nhất là với những người thích hợp hơn với việc săn sóc nhiều thứ đau khổ khác nhau, cần đến một sự giúp đỡ riêng tư, cá nhân. Còn về sự trợ giúp gia đình, đó có thể là hoạt động do tình yêu thương “của người thân cận” đối với những phần tử của một gia đình, hoặc có thể là sự trợ giúp lẫn nhau giữa các gia đình.

Thật khó mà kể ra ở đây tất cả những loại hình, những phạm vi hoạt động của “người Samari nhân hậu” trong Giáo Hội cũng như xã hội; ít nhất cũng phải nhìn nhận rằng có rất nhiều, và chúng ta phải vui mừng vì điều đó, bởi lẽ nhờ những hoạt động như vậy, các giá trị luân lý nền tảng, chẳng hạn như tình liên đới con người, tình yêu thương Kitô Giáo đối với người thân cận, làm nên khung cảnh của đời sống xã hội và của những tương quan nhân loại, đồng thời, trên bình diện này, nó cũng kìm hãm nhiều hình thức thù hận, bạo lực, dã man, khinh miệt con người, hoặc đơn giản là sự “vô tâm”, nghĩa là dửng dưng với người thân cận và những đau khổ của họ.

Ở đây, chúng ta phải nhấn mạnh đến tầm mức khá quan trọng trong việc hướng dẫn giáo dục những thái độ. Gia đình, trường học cũng như những thể chế đào tạo khác - đây mới chỉ dựa trên những lý do nhân loại - phải kiên trì giúp cho cảm quan của con người luôn thức tỉnh, bén nhạy đối với người thân cận và nỗi đau khổ của họ, theo mẫu mực là hình ảnh người Samari nhân hậu trong Tin Mừng. Hiển nhiên Giáo Hội cũng phải làm như thế, và nếu có thể, phải đào sâu hơn nữa những động lực rút ra từ giáo huấn của Đức Kitô trong dụ ngôn đó, cũng như trong toàn bộ Tin Mừng. Sức thuyết phục của dụ ngôn “người Samari nhân hậu” cũng như của toàn bộ Tin Mừng được tóm lại như sau: con người phải cảm thấy như được kêu gọi đích danh để làm nhân chứng cho tình yêu trong đau khổ. Các tổ chức rất cần thiết và quan trọng, tuy nhiên, khi đến với những đau khổ của người khác, không một tổ chức nào tự nó có thể thay thế được trái tim, sự cảm thông, tình yêu và sáng kiến của con người. Điều đó có giá trị đối với những đau khổ thể lý, và hơn nữa đối với vô số những đau khổ tinh thần, và nhất là đối với nỗi đau khổ của linh hồn.

30. Như đã nói, dụ ngôn người Samari nhân hậu nằm trong Tin Mừng về đau khổ; dụ ngôn đó, cùng với Tin Mừng này, xuất hiện trong suốt dòng lịch sử Giáo Hội, lịch sử Kitô giáo, lịch sử con người và nhân loại. Dụ ngôn đó minh chứng rằng mặc khải của Đức Kitô về ý nghĩa cứu độ của đau khổ hoàn toàn khác biệt với thái độ thụ động. Trái lại, Tin Mừng là sự phủ nhận thái độ thụ động trước khổ đau. Trong lãnh vực này, chính Đức Kitô cũng hoàn toàn chủ động, và như thế Người thực hiện được sứ vụ thiên sai của mình đúng như lời ngôn sứ:

“Thần khí Chúa ngự trên tôi,

Vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi,

Sai tôi đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,

Băng bó những tấm lòng tan nát,

Tuyên cáo lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm,

Loan tin cho người mù biết sẽ được sáng mắt,

Trả lại tự do cho người bị áp bức,

Công bố một năm hồng ân của Chúa”

(Lc 4,18-19; xc Is 61,1-2)

Sau cùng, xét theo nội dung cơ bản, dụ ngôn này cũng hòa nhập với diễn từ về ngày xét xử cuối cùng, một diễn từ gây kinh ngạc, được thuật lại trong Tin Mừng Mátthêu:

“Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dành sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thành trời đất. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,34-36).

Người sẽ trả lời cho những người công chính hỏi rằng họ đã làm những điều tốt cho Người khi nào:

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

Với những người có thái độ khác thì sẽ bị phán xét ngược lại:

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 45).

Chắc chắn người ta còn có thể kéo dài danh sách những khổ đau đã khơi dậy mối xúc động, sự cảm thương, và thúc giục con người đảm nhận trách nhiệm, mà cũng có khi chẳng gợi lên gì cả. Trong trình thuật phán xét sau cùng, lời tuyên bố thứ nhất và thứ hai của Đức Kitô cho thấy hết sức rõ ràng rằng: việc “dừng lại” bên nỗi đau khổ của người thân cận, cảm thương và giơ tay nâng đỡ theo gương người Samari nhân hậu, điều đó thật quan trọng biết bao đối với sự sống đời đời của mỗi người. Trong chương trình thiên sai của Đức Kitô, tức là chương trình của Nước Thiên Chúa, đau khổ hiện diện trong thế giới để khơi dậy tình yêu, để làm nảy sinh những công việc của tình yêu đối với người thân cận, để biến đổi tất cả nền văn minh nhân loại thành “nền văn minh của tình yêu”. Trong tình yêu đó, ý nghĩa cứu độ của đau khổ được thể hiện tột cùng và đạt đến chiều kích trọn vẹn của nó. Lời Đức Kitô nói về cuộc xét xử sau hết cho phép chúng ta hiểu được điều đó với tất cả tính đơn giản và sáng sủa của Tin Mừng.

Những lời Chúa nói về tình yêu, về những hành vi bác ái cứu giúp người đau khổ còn cho phép chúng ta, một lần nữa, khám phá ra được nỗi đau khổ cứu độ của Đức Kitô nằm ở nền tảng mọi nỗi khổ đau của nhân loại. Đức Kitô nói rằng: “Đó là các ngươi đã làm cho chính Ta”, chính Người hiện diện nơi những người được đón nhận tình thương. Chính Người được nâng đỡ khi người ta nâng đỡ mọi nỗi khổ đau, không trừ điều gì. Chính Người hiện diện nơi người này hay kẻ kia đang phải chịu đau khổ, bởi vì sự đau khổ có tính cách cứu độ của Người đã mãi mãi rộng mở đối với tất cả mọi khổ đau của nhân loại. Và tất cả những người đau khổ cũng được kêu gọi một cách dứt khoát để trở thành những người tham dự vào “những nỗi khổ đau của Đức Kitô”. Cũng vậy, mọi người đều được kêu gọi để, bằng đau khổ của riêng mình, “hoàn tất những gì còn thiếu nơi những nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu” (Cl 1,24). Đức Kitô cũng đã dạy con người phải biết làm điều thiện nhờ đau khổ, đồng thời phải biết làm điều thiện cho những người đau khổ. Qua hai khía cạnh đó, Người đã mặc khải ý nghĩa sâu xa của đau khổ.

Ban hành tại Rôma, gần đền thờ Thánh Phêrô.

Ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, 11.2.1984

Năm thứ sáu Triều đại Giáo Hoàng của tôi

GIOAN PHAOLÔ II

--------------------------------------

Bài liên quan:

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (1)

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (2)

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (3)

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (4)

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (5)

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (6)