Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2573 | Cập nhật lần cuối: 10/29/2017 6:26:02 AM | RSS

(tiếp theo)

10. Khi đặt vấn đề này với Thiên Chúa, trái tim con người đầy xúc động, và tinh thần thì kinh ngạc và lo lắng. Thiên Chúa chờ đợi và sẵn sàng lắng nghe câu hỏi đó, như chúng ta đã thấy trong mặc khải Cựu Ước. Trong sách Gióp, vấn đề được đặt ra một cách hết sức sinh động.

Chúng ta đã biết câu chuyện người công chính đó, dù không phạm một lỗi lầm nào, nhưng đã phải chịu biết bao đau khổ. Ông bị mất hết tài sản, con cái, sau cùng chính ông cũng bị một chứng bệnh nặng nề. Trong tình cảnh ghê sợ như thế, có ba người bạn cũ đến thăm, và mỗi người dùng lời lẽ riêng để thuyết phục ông rằng: sở dĩ ông phải chịu nhiều đau khổ khủng khiếp như thế, là vì ông đã phạm một lỗi lầm lớn lao. Bởi lẽ, theo họ, đau khổ bao giờ cũng là hình phạt cho con người vì một lỗi phạm. Đau khổ là do Thiên Chúa gởi đến. Ngài tuyệt đối công minh, và nguyên do của đau khổ thuộc lãnh vực công minh. Người ta có thể nói những người bạn cố tri của ông Gióp không những muốn thuyết phục ông về sự chính đáng của sự dữ, mà còn muốn bênh vực cho quan điểm của họ về ý nghĩa luân lý của đau khổ. Đối với họ, đau khổ chỉ có ý nghĩa như là hình phạt của tội lỗi; đó là vì họ hoàn toàn đứng trong lãnh vực sự công minh của Thiên Chúa, Đấng lấy lành báo lành, lấy ác báo ác.

Lập luận này có thể tìm thấy trong một số bản văn khác của Cựu Ước. Những bản văn này diễn tả đau khổ như là hình phạt của Thiên Chúa vì tội lỗi con người. Thiên Chúa của mặc khải là Nhà Lập Pháp và là vị Thẩm Phán tối cao vượt trên mọi quyền bính trần thế. Thật ra, Thiên Chúa của mặc khải trước hết là Đấng Sáng Tạo; khi tạo dựng vạn vật, Người cũng ban cho chúng ta sự thiện hảo, là phẩm tính cốt yếu của việc sáng tạo. Do đó, việc con người ý thức và tự do vi phạm điều thiện không chỉ là vi phạm luật lệ, mà còn là xúc phạm tới Đấng Tạo Hóa, Nhà Lập Pháp tối cao. Sự vi phạm này mang tính chất của tội lỗi, theo nghĩa chính xác của từ này tức là theo nghĩa Kinh Thánh và thần học. Đối với sự dữ luân lý của tội lỗi, cần phải có hình phạt tương xứng để bảo đảm cho trật tự luân lý theo nghĩa siêu việt, nghĩa là trật tự do ý muốn của Đấng Tạo Hóa và là Nhà Lập Pháp tối cao thiết lập. Từ đó, ta cũng rút ra được một trong những chân lý nền tảng của niềm tin tôn giáo, cũng là chân lý dựa trên mặc khải, đó là: Thiên Chúa là vị Thẩm Phán công minh, thưởng điều lành và phạt điều dữ: “Vì lạy Chúa, Ngài thật chí công trong mọi việc Ngài làm cho chúng con; mọi việc Ngài làm thảy đều là chân lý, và đường lối Ngài ngay thẳng. Mọi phán quyết của Ngài đều là sự thật. Ngài đã tuyên án chiếu theo lẽ thật, trong mọi sự Ngài đã giáng xuống trên chúng con… bởi vì, chiếu theo sự thật và đức công minh, Ngài đã giáng xuống tất cả những điều ấy vì tội lỗi chúng con” (Đn 3,27-28).

Ý kiến những người bạn của ông Gióp cho thấy có một xác tín mà người ta cũng gặp thấy trong lương tâm nhân loại: trật tự luân lý khách quan đòi phải trừng phạt sự vi phạm, trừng phạt tội lỗi và sự gian ác. Theo quan điểm này, đau khổ giống như một sự dữ chính đáng. Xác tín của những người quan niệm đau khổ như hình phạt của tội lỗi dựa trên trật tự công bằng, đó cũng là ý kiến của một người bạn ông Gióp: “Như tôi từng thấy, kẻ cày bừa bất hạnh và gieo đau khổ thì lại gặt đau khổ và bất hạnh” (G 4, 8).

11. Tuy nhiên, ông Gióp chối bỏ nguyên tắc muốn đồng hóa đau khổ với hình phạt tội lỗi, căn cứ trên suy nghĩ của riêng ông. Gióp thật sự ý thức mình không đáng phải chịu hình phạt như vậy; ngược lại ông còn minh chứng việc lành ông đã làm. Sau củng chính Thiên Chúa trách cứ bạn bè của ông Gióp về những lời cáo buộc của họ và Người nhìn nhận Gióp vô tội. Đau khổ của ông Gióp là đau khổ của người vô tội. Đau khổ đó phải được đón nhận như một mầu nhiệm mà trí khôn con người chưa đủ khả năng thấu triệt.
Sách Gióp không công kích những nền tảng của trật tự siêu việt dựa trên sự công minh, như đã được trình bày trong toàn bộ mặc khải, Cựu Ước cũng như Tân Ước. Tuy nhiên, sách này cũng mạnh mẽ chứng tỏ rằng những nguyên tắt của trật tự đó không thể đem áp dụng một cách cứng ngắc và hời hợt. Nếu đau khổ thật sự có ý nghĩa là một sự trừng phạt, khi đau khổ là kết quả của một lỗi phạm, thì ngược lại, không phải tất cả mọi đau khổ đều là hậu quả của lỗi phạm và đều mang tính chất trừng phạt. Khuôn mặt ông Gióp, người công chính, là một bằng chứng đặc biệt về điều đó trong Cựu Ước. Mặc khải, là chính lời Thiên Chúa, đã thẳng thắn đặt ra vấn đề đau khổ của người vô tội: có đau khổ mà không do lỗi phạm; không phải ông Gióp đã bị trừng phạt, không có cơ sở nào để bắt ông chịu hình phạt, dù rằng ông đã phải trải qua những thử thách hết sức gay go. Trong bài tựa sách Gióp, ta đã thấy rằng vì Satan đề nghị nên Thiên Chúa mới cho phép có thử thách. Quả vậy, trước mặt Chúa, Satan đã phủ nhận sự công chính của ông Gióp: “Khi không mà Gióp lại kính sợ Thiên Chúa sao?... Ngài đã chúc lành cho công việc tay nó làm và các đàn gia súc của nó đã tràn ngập cả xứ. Nhưng Ngài hãy giơ tay và giáng đòn trên tất cả những gì thuộc về nó, chắc chắn nó sẽ nguyền rủa vào mặt Ngài” (G 1,9-11). Và nếu như Thiên Chúa dùng đau khổ để thử thách ông Gióp, đó là vì Người muốn chứng minh sự công chính của ông. Đau khổ có tính chất thử thách.

Sách Gióp không đưa ra lời phán quyết của mặc khải về vấn đề này. Theo một nghĩa nào đó, sách Gióp là lời loan báo cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Tuy vậy, tự nó, sách Gióp đã là một lý chứng đủ để thấy rằng câu trả lời cho vấn nạn về ý nghĩa đau khổ không luôn luôn nằm trong lãnh vực luân lý dựa trên sự công bằng mà thôi. Nếu một câu trả lời như thế tự nó đã có lý do hiện hữu và có giá trị nền tảng, siêu việt, thì đồng thời, câu trả lời đó không những tỏ ra khiếm khuyết đối với những trường hợp tương tự như nỗi đau khổ của ông Gióp, người công chính, mà hơn nữa, nó dường như và thật sự giản lược và làm cho ý niệm công chính mà chúng ta gặp thấy trong mặc khải trở nên nghèo nàn.

12. Sách Gióp đặt vấn đề lý do của đau khổ một cách gay gắt và cũng cho thấy rằng đau khổ đổ xuống cả trên người vô tội, nhưng sách vẫn chưa đưa ra giải đáp.

Ngay trong Cựu Ước, người ta ghi nhận có một khuynh hướng muốn vượt qua ý tưởng cho rằng đau khổ chỉ có ý nghĩa là hình phạt của tội lỗi, bởi vì đồng thời người ta cũng nhấn mạnh đến giá trị giáo dục của hình phạt ấy, tức là đau khổ. Vì thế, trong những đau khổ mà Thiên Chúa đã để xảy ra cho dân Người, có hàm chứa lời kêu gọi lòng Thiên Chúa xót thương, lòng thương xót có trừng phạt là để dẫn đến hoán cải: “Những hình phạt ấy không phải để hủy diệt, nhưng cốt để sửa dạy giống nòi chúng tôi” (2Mc 6, 12).

Như vậy, người ta khẳng định được chiều kích cá nhân của hình phạt. Theo chiều kích này, hình phạt có ý nghĩa không những vì nó được sử dụng để đáp lại một sự dữ khách quan của việc vi phạm, nhưng trước hết vì nó còn có thể tái tạo được sự lành trong chính người phải chịu đau khổ.

Đó là một khía cạnh hết sức quan trọng của đau khổ, bắt nguồn sâu xa từ toàn thể mặc khải Cựu Ước, nhất là Tân Ước. Đau khổ phải giúp người ta hoán cải, nghĩa là tái lập sự lành nơi chủ thể, để họ có thể nhận ra lòng Chúa xót thương trong lời mời gọi sám hối này. Đau khổ nhằm mục đích chiến thắng sự dữ vốn tiềm tàng trong con người dưới nhiều hình thức, và nhằm để củng cố sự thiện trong chủ thể bị đau khổ cũng như trong tương quan của họ với người khác, nhất là với Thiên Chúa.

13. Nhưng để có thể nhận ra câu trả lời đích thực cho vấn đề lý do đau khổ, chúng ta phải hướng tới mặc khải về tình yêu Thiên Chúa, là nguồn mạch cho ý nghĩa của tất cả mọi hiện hữu. Tình yêu cũng là nguồn mạch phong phú nhất cho ý nghĩa của đau khổ, cho dù đau khổ vẫn mãi mãi là một huyền nhiệm. Chúng ta ý thức về sự bất lực và tính cách bất tương xứng trong các cách giải thích của chúng ta. Đức Kitô đã dẫn chúng ta và mầu nhiệm này để giúp ta khám phá ra lý do tại sao có đau khổ, trong mức độ chúng ta có thể hiểu được tình yêu cao vời của Thiên Chúa.

Để khám phá được ý nghĩa sâu xa của đau khổ theo Lời mặc khải của Thiên Chúa, phải mở rộng tâm hồn mình ra với chủ thể con người trong khả năng đa dạng của con người. Nhất là phải đón nhận ánh sáng mặc khải, bởi vì mặc khải không những diễn tả trật tự siêu việt của công lý, nhưng còn soi sáng trật tự đó bằng tình yêu, nguồn mạch căn bản nhất của mọi hiện hữu. Tình yêu cũng là nguồn mạch trọn vẹn nhất để trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của đau khổ. Câu trả lời này đã được Thiên Chúa ban cho con người qua Thập Giá Đức Giêsu Kitô.

(còn tiếp)

Ban hành tại Rôma, gần đền thờ Thánh Phêrô.
Ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, 11.2.1984

Năm thứ sáu
Triều đại Giáo Hoàng của tôi
GIOAN PHAOLÔ II

Tông thư Salvifici Doloris - Về ý nghĩa đau khổ của con người theo Kitô giáo, tr. 21-25.

--------------------------

Bài liên quan

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ (2)