Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ

[ Điểm đánh giá5/5 ]2 người đã bình chọn
Đã xem: 6247 | Cập nhật lần cuối: 12/5/2019 9:32:49 AM | RSS

LỜI GIỚI THIỆU

“Con người bước đi, cách này hay cách khác, trên con đường đau khổ”, và tất cả chúng ta được đưa tới gặp gỡ con người trên đường đó.

Thinh lặng:

Biết nói gì với một người bạn đang hao mòn vì bệnh tật, cơn bệnh mà người ta biết rằng từ từ, nhưng chắc chắn, sẽ cướp đi sự sống của người bạn? Biết nói gì với những người cha, người mẹ đang quỵ ngã vì cái chết của đứa con? Biết nói gì với một người bị tàn tật nặng nề, ngày này sang ngày khác, phải chịu thử thách vì bị những người khác ruồng bỏ và khinh chê?

Đối với một tâm hồn thật sự biết cảm thông, thì hình như thinh lặng vẫn là cách thích hợp nhất để diễn tả mối thiện cảm, tình bằng hữu hoặc cảm tình. Người ta cũng phải hiểu thế về tiếng kêu của Đức Hồng Y Veuiliot, vài giờ trước lúc lâm chung, sau khi đã trải qua những chuỗi ngày dài đau khổ: “Chúng ta đã viết những câu văn hoa mỹ về đau khổ, chính tôi, tôi cũng đã hăng hái nói về đau khổ. Hãy bảo với các Linh mục rằng đừng nói gì về đau khổ cả!”

Hy vọng:

Tuy vậy, khi đang ấp ủ trong lòng một niềm hy vọng, liệu người ta có thể thinh lặng được không? “Kinh Thánh là cuốn sách vĩ đại về đau khổ”, và nhân dịp Năm Thánh 1984 này, năm kỷ niệm cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô, Đức Giáo Hoàng muốn nói lại những lời hy vọng cho con người. Sách Gióp đã nêu lên vấn đề lý do của đau khổ một cách chua xót, sách vẫn chưa giải quyết được vấn đề, đưa ra chỉ dẫn: “Tôi biết rằng Đấng Cứu Độ tôi vẫn sống, và, vào ngày sau hết… Tôi sẽ được trông thấy Thiên Chúa của tôi.”

Nhìn lên Thánh Giá:

Chỉ khi đưa mắt đức tin nhìn lên Đức Giêsu, con Thiên Chúa, người ta mới có thể khám phá ra, chứ không phải là hiểu, ý nghĩa sâu xa của đau khổ. “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian, đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Và Đức Giêsu, sau khi đã trở nên gần gũi với thế giới những nhọc nhằn và nước mắt, sau khi đã chữa lành các bệnh tật và công bố tám mối phúc thật, Người còn muốn chia sẻ nỗi khổ đau của con người với tình yêu thương và hoàn toàn tự nguyện.

Qua cây Thập Giá vẫn thường xuyên cầm nơi tay, Đức Giáo Hoàng trình bày cho chúng ta thấy Đấng đã thật sự chịu đau khổ, mà ngôn sứ Isaia từng tuyên báo: “Như con chiên bị dẫn tới lò sát sinh”.

Với Đức Kitô chịu treo trên Thập Giá, con người không còn cô độc trong đau khổ, vì Thiên Chúa của họ đang yêu thương chia sẻ những khổ đau, để chiến thắng khổ đau cũng như sự chết và tội lỗi.

Thập Giá, dấu hiệu Phục Sinh:

Nhưng ý nghĩa của Thập Giá và sự chết chỉ thật sự phát huy trọn vẹn sức mạnh khi được hoàn tất trong biến cố Phục Sinh. “Các nhân chứng trong cuộc tử nạn của Đức Kitô đều đồng thanh làm chứng Người đã phục sinh”. Thánh Pholô viết: “Cần phải nhận biết Đức Kitô trong sức mạnh của biến cố Phục Sinh và trong hiệp thông với những đau khổ của Người, phải trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết, để có thể phục sinh từ cõi chết.”

Trải qua nhiều thế kỷ, Thập Giá Đức Kitô là dấu chỉ của sự chiến thắng cũng như của đau khổ đã được san sẻ, bời vì chính trong sự yếu đuối mà Đức Kitô đã tỏ bày quyền năng của Người, tình yêu đã thắng sự dữ và đau khổ trong vinh quang Phục Sinh.

Với tất cả xác tín của một người tin, Đức Giáo hoàng đã lập lại ngôn ngữ hùng hồn đó, thứ ngôn ngữ mà thánh Phaolô đã sử dụng. Chính Đức Giáo hoàng đã trải qua những cơn dằn vặt đớn đau trong thân xác, vì thế, những lời này lại càng có ý nghĩa xác thực hơn nữa. Mặc dù trong Tông Thư này, Đức Giáo Hoàng không hề ám chỉ đến lần Người bị ám sát, nhưng những đau khổ của Người vẫn hiện diện một cách thầm lặng trong toàn bộ sứ điệp gởi toàn thể thế giới này.

Tin mừng về đau khổ:

Chính Đức Giáo hoàng cũng đã cảm nghiệm “Tin mừng về đau khổ” ngay trong thân xác Người, nghĩa là “không phải chỉ là sự hiện diện của đau khổ trong Tin Mừng như là một đề tài của Tin Mừng, nhưng còn là mặc khải về sức mạnh cứu độ, về ý nghĩa cứu độ của đau khổ trong sứ vụ và ơn gọi của Giáo Hội”. Và Đức Giáo hoàng nhắc nhở rằng Tin Mừng này được viết bởi tất cả những người cùng chịu đau khổ với Đức Kitô, từ Đức Maria cho đến ngày nay. Đây không phải chỉ là câu trả lời trừu tượng cho vấn đề ý nghĩa đau khổ, nhưng còn là lời Thầy mời gọi các môn đệ hãy vác Thập Giá mình.

Đối với tất cả các bệnh nhân đã có may mắn được thấy hoặc nghe Đức Giáo hoàng ngỏ lời tại Lộ Đức ngày 15/08/1983, thì lời kêu gọi này chắc chắn sẽ có âm hưởng đặc biệt. (Hôm ấy, Đức Giáo hoàng đã nói chuyện trong một khoảng thời gian dài, dù điều đó có thể làm sai lạc thời khóa biểu đã định trước).

Người Samari nhân hậu:

Đức Giáo hoàng đã nhắc lại dụ ngôn “người Samari nhân hậu”, không phải chỉ để gởi tới các bệnh nhân, những người phải chịu đau khổ, mà còn là gởi tới mọi người.

Đau khổ vẫn ở ngay trên đường đi của chúng ta, đến nỗi con người rất dễ bị cám dỗ “bỏ đi qua” một cách dửng dưng, sự dửng dưng này là một nét đặc trưng của thời đại chúng ta.

Chắc chắn rằng dụ ngôn “người Samari nhân hậu” đã trở nên yếu tố cốt thiết của nền văn hóa đạo đức cũng như nền văn minh phổ quát của nhân loại. Nhưng, “khi đến với đau khổ của người khác, không một tổ chức nào, tự nó, có thể thay thế cho trái tim, sự cảm thông, tình yêu và sáng kiến của con người”.

Và vào ngày phán xét, Chúa sẽ nói với mỗi người chúng ta rằng: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”.

V. Sứ điệp gởi tới mọi người:

Ngày 13/07/1981, từ bệnh viện, Đức Giáo hoàng gởi thư cho các bệnh nhân đang tham dự Đại Hội Thánh Thể Lộ Đức: “Khi tôi gặp gỡ các bệnh nhân, tại Roma hay trong các chuyến du hành, tôi thích ngừng lại trước mỗi người bệnh, lắng nghe họ, chúc lành cho họ và nhắc nhở họ rằng mỗi người trong họ đều được Thiên Chúa tỏ lòng ưu ái. Đức Giêsu đã làm như vậy”.

“Thiên Chúa đã cho chính tôi, lúc này đây, cũng cảm nghiệm được nỗi đau và sự yếu đuối ngay trong thân xác mình. Tôi cảm thấy rất gần gũi với anh chị em. Tôi hiểu những thử thách của anh chị em hơn. “Những gian nan thử thách Đức Kitô phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức” (Cl 1, 24). Tôi kêu mời anh chị em, cùng với tôi, dâng lên Chúa những đau khổ của mình, Người là Đấng đã thực hiện những việc vĩ đại nhờ cây Thánh Giá: hãy hiến dâng để tất cả Giáo Hội, qua bí tích Thánh Thể, có được một sự canh tân Đức Tin và Đức Ái, hầu cả thế giới đón nhận được ơn phúc do sự tha thứ, hòa bình và tình yêu”.

Hôm nay, Đức Giáo hoàng gởi sứ điệp hy vọng, sứ điệp đức tin, sứ điệp tình yêu này tới tất cả mọi người.

RAYMOND MICHEL

Tổng thư ký

Hội Đồng Giám Mục Pháp

Tông thư Salvifici doloris - Về ý nghĩa đau khổ

Chư huynh đáng kính trong hàng Giám Mục,

Anh chị em thân mến!

I. NHẬP ĐỀ

1. Khi giải thích giá trị cứu độ của đau khổ, Thánh Phaolô Tông Đồ viết: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức. Như thế là vì lợi ích của Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24)

Những lời ấy dường như xuất hiện ở cuối một con đường dài, con đường xuyên qua những ngõ ngách của đau khổ, khắc ghi trong lịch sử loài người, và được Lời Chúa soi sáng. Những lời ấy có giá trị gần như một khám phá mấu chốt, tràn đầy niềm vui; vì thế Thánh Tông Đồ cũng viết: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em” (Cl 1,24). Niềm vui đó phát xuất từ việc tìm ra ý nghĩa của đau khổ, và mặc dù đó là kinh nghiệm rất riêng tư của một Phaolô thành Tarso, nhưng cũng có giá trị cho những người khác. Thánh Tông Đồ nói lên khám phá riêng của mình và vui mừng vì khám phá đó có thể giúp cho người khác đi sâu vào ý nghĩa cứu độ của đau khổ, như đã từng giúp cho chính thánh nhân.

2. Đề tài về đau khổ, nhất là xét theo ý nghĩa cứu độ, có lẽ rất phù hợp với bối cảnh Năm Thánh Cứu Độ, năm Toàn xá ngoại lệ của Giáo Hội; và có lẽ chính hoàn cảnh này cũng trực tiếp mời gọi chúng ta quan tâm nhiều hơn nữa đến đề tài đau khổ trong giai đoạn hiện tại. Ngoài ra, đó còn là một đề tài phổ quát gắn liền với con người ở khắp mọi nơi. Có thể nói, đề tài này có mặt thường xuyên cùng với con người trên thế giới, và vì thế cần phải luôn quan tâm đến. Mặc dù trong thư gởi tín hữu Roma Thánh Phaolô đã viết: “Cho đến bây giờ, muôn loài thụ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,22); mặc dù con người cũng biết đến đau khổ của loài vật, gần giống với đau khổ của con người; tuy nhiên, với từ ngữ đau khổ được sử dụng ở đây, chúng tôi muốn nói lên điều có lẽ rất thiết yếu đối với bản tính con người. Ý nghĩa của đau khổ cũng sâu xa như chính con người, bởi vì, theo cách thức của mình, đau khổ vừa biểu lộ vừa vượt lên trên chiều sâu độc đáo của con người. Đau khổ dường như thuộc về siêu việt tính của con người; đó là một trong những điểm cho thấy con người, theo một nghĩa nào đó, có vận mệnh vượt trên chính mình, và được kêu gọi cách huyền nhiệm để thực hiện điều đó.

3. Sở dĩ đề tài đau khổ phải được đề cập đến cách đặc biệt trong Năm Thánh Cứu Độ, trước hết là vì công cuộc cứu độ đã được thực hiện nhờ Thập Giá Đức Kitô, tức là nhờ sự đau khổ của Người. Và cũng thật là chính đáng, trong Năm Thánh Cứu Độ, chúng ta suy tư lại chân lý đã được diễn tả trong thông điệp “Đấng cứu chuộc con người” (Redemptor hominis): trong Đức Kitô, con người trở thành con đường Giáo Hội(1). Có thể nói, con người trở thành con đường của Giáo Hội một cách đặc biệt khi đau khổ đi vào đời sống con người. Như ta biết, điều ấy xảy ra ở những giai đoạn khác nhau của đời sống, dưới nhiều hình thức và mang nhiều chiều kích khác nhau. Thế nhưng, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, đau khổ có vẻ, và thật sự, hầu như không thể tách rời khỏi cuộc đời tại thế của con người.

Vậy, bởi vì trong cuộc đời trần thế, cách này hay cách khác, con người đang tiến bước trên con đường đau khổ, nên trong mọi lúc, có lẽ đặc biệt trong Năm Thánh Cứu Độ này, Giáo Hội phải gặp gỡ con người ngay trên con đường ấy. Giáo Hội đã được sinh ra từ mầu nhiệm cứu độ nơi Thập Giá Đức Kitô, nên Giáo Hội có bổn phận tìm đến gặp gỡ con người một cách đặc biệt trên con đường đau khổ của họ. Chính trong cuộc gặp gỡ này mà con người trở thành con đường của Giáo Hội, và con đường ấy là một trong những con đường quan trọng nhất.

4. Chính vì vậy mà có phần suy tư này, suy tư về đau khổ, được đưa ra đúng vào Năm Thánh Cứu Độ. Đau khổ của con người gợi lên mối cảm thông, đồng thời gợi lên lòng kính trọng, và tự nó, đau khổ gây ra sự lo sợ. Nói thế, bởi vì đau khổ hàm chứa sự cao cả của một mầu nhiệm riêng biệt. Lòng kính trọng đặc biệt đối với mọi nỗi khổ đau của con người phải được diễn tả ở phần đầu của những điều sẽ được khai triển nơi đây, và của những gì phát xuất từ nhu cầu sâu xa nhất của trái tim cũng như từ mệnh lệnh quyết liệt của đức tin. Hai lý do đó hình như rất gần nhau và hợp nhất với nhau xung quanh đề tài đau khổ này: nhu cầu của con tim buộc chúng ta vượt thắng tính rụt rè, và mệnh lệnh của đức tin - được diễn tả trong lời Thánh Phaolô như đã trích dẫn - cho thấy những động cơ thúc đẩy chúng tôi dám đề cập đến vấn đề có vẻ rất huyền bí nơi mỗi người; bởi vì trong đau khổ, con người vẫn là một mầu nhiệm không thể thấu hiểu được.

(còn tiếp)

Ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, 11.2.1984

Năm thứ sáu
Triều đại Giáo Hoàng của tôi

Gioan Phaolô II

Giáo hoàng

__________________

(1) Xc các số 14, 18, 22; ASS 71 (1979) tr.284-285; 304; 320; 323