Thảo kính cha mẹ (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 6433 | Cập nhật lần cuối: 11/7/2015 10:55:41 AM | RSS

Công giáo luôn đề cao hiếu đạo. Truyền thống hiếu thảo này đâm rễ sâu trong Cựu ước, được Chúa Giêsu sống triệt để và trở nên một đòi hỏi đạo đức-luân lý của Kitô giáo. BBT xin lần lượt giới thiệu với bạn đọc phần trình bày của Đức Giám mục Giáo phận Qui Nhơn về Điều răn thứ IV.

Điều răn thứ IV: Thảo kính cha mẹ

Nếu bảng luật thứ nhất của mười điều răn qui định các bổn phận của con người đối với Thiên Chúa và được mở đầu bằng điều răn thứ nhất: “Thờ phượng và kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự”, thì bảng luật thứ hai qui định các bổn phận của con người đối với nhau và được mở đầu bằng điều răn thứ tư: “Thảo kính cha mẹ”. Có một mối dây liên kết giữa sự thảo kính của con người đối với Thiên Chúa là Cha và là nguồn mạch mọi tình phụ tử trên trời dưới đất (x. Ep 3, 15) và sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Có người cho rằng điều răn thứ tư thuộc về cả hai bảng luật và được dùng như chiếc cầu nối giữa hai lệnh truyền: mến Chúa và yêu người lân cận. Có thể nói, nó thuộc về bảng luật thứ nhất nếu xem cha mẹ như những hình ảnh trước hết của Thiên Chúa, và thuộc về bảng luật thứ hai nếu xem cha mẹ như người lân cận trước hết của chúng ta. Con người nhận được sự sống từ Thiên Chúa Tạo Hóa và từ cha mẹ là những người cộng tác với Thiên Chúa trong việc chuyển thông sự sống. Do đó, mọi người cũng phải bày tỏ tình yêu, lòng biết ơn và sự kính trọng đối với cha mẹ. Không tôn kính cha mẹ tức là tự nhục mạ chính mình.[1]

Ngoài ra, cách sắp xếp điều răn “thảo kính cha mẹ” liền ngay sau ba điều răn qui định các bổn phận đối với Thiên Chúa rõ ràng muốn ấn định trật tự của đức ái: Thiên Chúa phải được yêu mến và tôn kính trước hết, tiếp theo sau đó là cha mẹ, vì cha mẹ là những người đã trực tiếp cộng tác với Thiên Chúa để sinh thành dưỡng dục chúng ta, nhất là đã dạy chúng ta biết Thiên Chúa. Sau cha mẹ là những người được Thiên Chúa trao ban quyền hành để mưu ích cho chúng ta. Vì thế, điều răn thứ tư được trình bày dưới hình thức tích cực, trước hết nhằm qui định những bổn phận của con cái đối với cha mẹ: đây là tương quan phổ biến nhất, bởi lẽ mọi người đều có cha có mẹ, không ai từ dưới đất nẻ chui lên. Tiếp đến, điều răn này mở rộng đến bổn phận của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cô dì chú bác; bổn phận đối với anh chị em và những người trong gia tộc; bổn phận của học trò đối với thầy, gia nhân hoặc thợ đối với chủ, kẻ thuộc cấp đối với người lãnh đạo, công dân đối với tổ quốc và nhà cầm quyền. Điều răn này cũng bao hàm và hiểu ngầm những bổn phận của cha mẹ, giám hộ, thầy cô, bề trên, người lãnh đạo, nhà cầm quyền,v.v., nghĩa là tất cả những ai có quyền và có trách nhiệm trên kẻ khác hay trên một tập thể.

Được xếp đứng đầu bảng luật thứ hai, điều răn này chuẩn bị cho những điều răn tiếp theo liên quan đến việc tôn trọng sự sống, hôn nhân, của cải trần thế và lời nói. Trong bản văn mười điều răn của Cựu Ước, điều răn thứ IV này có đặc điểm là đi kèm với phần thưởng: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5, 16; x. Xh 20, 12). Đó không phải là động cơ, nhưng là phúc lành đi theo việc tuân giữ điều răn. Như thế, ai tuân giữ điều răn này thì ngoài những lợi ích thiêng liêng còn nhận được những lợi ích trần thế như an bình và thịnh vượng. Ngược lại, việc vi phạm điều răn này sẽ gây nhiều thiệt hại lớn cho cá nhân cũng như cho cộng đoàn.[2]

Điều này sẽ trở nên dễ hiểu hơn nếu chúng ta lưu ý đến sự kiện này là sau sự sụp đổ của cơ chế quốc gia và những băng hoại của đời sống xã hội thời lưu đày, trường phái Đệ Nhị Luật muốn tìm cách củng cố lại các mối quan hệ trong xã hội. Việc tôn kính cha mẹ bao hàm sự nhìn nhận vai trò của họ trong việc cứu vãn truyền thống tôn giáo của dân Chúa. Gia đình cũng đại diện cho những hình thức tự nhiên của cộng đoàn và quyền bính, đặc biệt là cộng đoàn dân Chúa. Trong thư gửi tín hữu Êphêxô, thánh Phaolô lấy lại giáo huấn Cựu Ước và bình giải: “Đó là điều răn thứ nhất” (Ep 6, 2), có lẽ Người muốn nói đến vai trò của gia đình trong việc xây dựng xã hội.[3]

Nhiều người cho rằng điều răn thứ IV không cần thiết, vì tự nhiên ai ai cũng biết những bổn phận gia đình, nhất là mối tương quan giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, mọi người cũng đều nhận thấy rằng ngay cả trong những trường hợp tốt nhất, các mối tương quan giữa cha mẹ và con cái không phải lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng. Nếu Thiên Chúa đã dành riêng một điều răn trong mười điều răn để qui định về những bổn phận trong gia đình, chính là vì sự hòa hợp trong gia đình là một điều không thể thiếu, nhưng đồng thời cũng không phải dễ dàng. Thời nào các gia đình cũng phải chứng kiến những khủng hoảng khiến cho tình yêu của cha mẹ đối với con cái cũng như lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ gặp nhiều sóng gió.[4]

I. Gia đình trong kế hoạch của Thiên Chúa

Trong thư gửi các gia đình nhân dịp năm thánh gia đình 1994, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết:

“Điều răn thứ IV trong mười điều răn liên quan đến gia đình, đến mối dây liên kết nội tại của gia đình và, có thể nói, đến tình liên đới của gia đình nữa. Trong hình thức phát biểu của điều răn, vấn đề gia đình không phải là rõ ràng minh bạch. Tuy nhiên, trong thực tế, đúng là vấn đề của gia đình ở đây. Để diễn tả mối hiệp thông giữa các thế hệ với nhau, Nhà Lập Pháp thần thiêng đã không tìm được từ ngữ nào thích hợp hơn hai chữ thảo kính: “Hãy thảo kính…” (Xh 20, 12). Chúng ta đang gặp thêm một cách thức nữa để diễn tả cái gọi là gia đình. Công thức này không tuyên dương gia đình “một cách giả tạo”, nhưng làm nổi bật diện mạo của gia đình và những quyền lợi phát xuất từ gia đình. Gia đình là một cộng đoàn gồm những tương quan liên vị thắm thiết giữa các vợ chồng với nhau, giữa cha mẹ và con cái, giữa thế hệ này với thế hệ kia. Đó là một cộng đoàn cần được bảo vệ cách đặc biệt”.[5]

Khi tạo dựng con người có nam có nữ, cùng một xương một thịt, Thiên Chúa muốn họ sống cho nhau và từ đó sinh ra những con người mới. Bằng cách đó Thiên Chúa đã thiết lập gia đình và đặt nền tảng cơ bản cho nó,[6] cũng như cho thấy bản chất của gia đình là gì trên bình diện tự nhiên và siêu nhiên. Quả thế, trong xã hội, gia đình là định chế đầu tiên của mọi định chế, là tế bào mẹ và tế bào mẫu của toàn thể xã hội. Gia đình là định chế tự nhiên, đầu tiên, trước hết đối với xã hội dân sự, và được Đức Kitô nâng lên bình diện siêu nhiên bằng bí tích hôn nhân.

1. Bản chất tự nhiên của gia đình

Hôn nhân và gia đình là một định chế có mặt ở tất cả mọi nơi và mọi thời. Hình thức của gia đình có thể có một số điểm khác nhau nơi các nền văn hóa và ở những thời đại khác biệt, nhưng bản chất của nó vẫn là một cái gì trường tồn. Gia đình được xây dựng trên khế ước hôn nhân qua đó đôi vợ chồng, một nam một nữ, tự do chấp nhận lẫn nhau bằng tình yêu bền vững, nhằm lợi ích của chính họ cũng như để sinh sản và giáo dục con cái.[7] Điều mà người ta cho là hết sức tự nhiên ấy là do Đấng Tạo Hóa thiết định và khắc ghi ngay trong bản tính của con người, do đó nó cũng trường tồn như chính bản tính ấy. Công đồng Vaticanô II đã dạy:

“Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, chờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị trước mặt xã hội nữa. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, nên sợi dây liên kết thánh thiện này không lệ thuộc sở thích của con người. Chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhau; những điều ấy hết sức quan trọng đối với sự tiếp nối nhân loại, sự phát triển cá nhân và phần rỗi đời đời của mỗi thành phần trong gia đình, quan trọng đối với phẩm giá, sự vững chãi, an bình và thịnh vượng của chính gia đình và của toàn thể xã hội loài người. Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hạnh phúc của hôn nhân”.

Trên phương diện tự nhiên, gia đình là một cộng đồng sinh sống giữa cha mẹ và con cái được xây dựng bằng những yếu tố tự nhiên như: những quan hệ máu mủ cùng với những liên hệ kèm theo về mặt thể xác lẫn tinh thần, những tình cảm và những xu hướng tự nhiên của con cái. [8] Gia đình là cộng đoàn nhân loại đầu tiên, là chiếc nôi ấp ủ và phát sinh những mầm sống mới, vì thế nó trở thành trung tâm điểm bình thường và quan trọng nhất, từ đó con người được phát triển cách lành mạnh về thể xác cũng như tinh thần. Hơn nữa, nhờ tình yêu thương của cha mẹ, gia đình còn là trường dạy con người biết yêu thương và những đức tính luân lý cũng như tôn giáo.

Nói cách khác, ngay cả trên bình diện tự nhiên, gia đình không phải chỉ là mảnh đất từ đó phát sinh những sự sống mới, nhưng còn là môi trường cần thiết không thể thiếu cho việc phát triển thể xác và tinh thần của con người. Nơi dân Israel thời cổ cũng như nơi nhiều nền văn hóa cổ truyền, gia đình bao gồm nhiều thế hệ. Đó là nơi mà ông bà, cha mẹ, con cháu lớn nhỏ cùng sống chung trên phần đất của tổ tiên. Cá nhân lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình, và do đó đời sống ngoài gia đình là điều không thể tưởng tượng được. Nhờ được sưởi ấm bởi tình yêu của cha mẹ, gia đình là nơi phát sinh mầm sống của đời sống tôn giáo và đạo đức, khả năng yêu mến của người trẻ, và đáp lại, tình yêu của con cái đối với cha mẹ cũng nuôi dưỡng các nguồn năng lực tình yêu của cha mẹ đối với con cái. Ngoài ra, chính tại gia đình mà các kho tàng của truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Chính từ gia đình mà cộng đoàn nhân loại không ngừng được xây dựng. Gia đình chính là rào cản mạnh mẽ nhất chống lại những cuộc tấn công của làn sóng nặc danh ô hợp, là liều thuốc giải độc công hiệu nhất chống lại sự cô lập và co rút ích kỷ của xu hướng cá nhân.[9]

Image result for Thảo kính cha mẹ

Trước hết, gia đình là một cộng đồng tinh thần đầu tiên của con người, bởi vì đó là một cộng đồng được xây dựng trên tình yêu thương giữa các nhân vị: “Tình yêu vợ chồng và việc sinh sản con cái tạo ra những tương quan nhân vị và những trách nhiệm hàng đầu giữa những phần tử trong gia đình”.[10] Gia đình hiện diện như một nơi cho sự hiệp thông khai sinh, vì đó là nơi cộng đồng các ngôi vị đích thực được phát triển nhờ tính năng động không ngừng của tình yêu là chiều hướng căn bản trong kinh nghiệm con người. Chính nhờ tình yêu mà mỗi người được nhìn nhận và tôn trọng theo đúng phẩm giá của mình. Quả thế, căn bản của gia đình là giao ước hôn nhân được ký kết bởi một hành vi tự do và ý thức của hai vợ chồng, khiến họ chấp nhận lẫn nhau trong yêu thương, tôn trọng phẩm giá và quyền bình đẳng của nhau. Tình yêu vợ chồng ấy trở nên phong phú khi họ trao hiến bản thân cho nhau để từ đó phát sinh những mầm sống mới là con cái. Từ tình yêu giữa vợ chồng phát sinh tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em một nhà. Đó là một cộng đồng đồng tâm nhất trí, khuôn mẫu cho tất cả mọi cộng đồng nhân loại khác. Tính hiệp nhất và duy nhất của gia đình được thể hiện khi “các tương quan trong gia đình mang lại sự đồng cảm về cảm xúc, tình cảm và tình nghĩa, chủ yếu phát xuất từ sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nhân vị”.[11] Theo J. David, “trong cuộc sống hằng ngày được xây dựng trên tình yêu, sự tín nhiệm, quí trọng và tôn kính, ta có thể trao đổi với nhau các quan điểm, xác tín, giá trị và thái độ, có thể chia sẻ vui buồn, thành bại, một điều không thể tìm được nơi các tập thể khác”.[12]

(còn tiếp)

Gm. Mátthêu Nguyễn Văn Khôi

Trích “Luân lý Kitô giáo qua mười điều răn”, quyển 2, tr.7-16.


[1] Xem LES ÉVÊQUES DE FRACE, Catéchisme pour adultes. L’alliance de Dieu avec les hommes, Association épiscopale catéchistique, Paris 1991, số 560.

[2] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội 2010, số 2197-2200.

[3] Xem A. BONORA, “Decalogo”, trong P. ROSSANO – G. RAVASI – A. GIRLANDA (chủ biên), Nuovo Dizionaria di Teologia biblica, Edizioni San Paolo, Cinisello Balsamo (Milano) 1988, tr. 379.

[4] Xem T. REY-MERMET, Croire, IV: Pour une redécouverte de la morale, Droguet-Ardant, Montréal 1985, tr. 246.

[5] GIOAN PHAOLÔ II, Thư gửi các gia đình (02-02-1994), số 15.

[6] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 2203.

[7] Xem Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 2201.

[8] Về gia đình là một cộng đồng sinh sống, xem J.HOFFNER, La dottrina sociale cristiana, Edizioni San Paolo, Cinisello Balsamo (Milano) 1987, tr. 93-95.

[9] Xem B. HARING, La loi du Christ. Théologie morale à l’intention des prêtres et laics, III: Théologie morale spéciale. La vie en communion fraternelle, Desclée & Cie, Tournai 1959, tr. 640.

[10] Sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 2201.

[11] Sách giáo lý của Hội Thánh Công giáo, số 2206.

[12] J. David, “Marriage”, trong Sacramentum mundi, III, 1969, tr. 413.