Giáo lý viên Tổng Giáo Phận Sài Gòn nhận bằng Tốt nghiệp cấp Giáo phận 2024
TGPSG ---“Chúng ta phải tin điều chúng ta đọc, dạy điều chúng ta tin và sống điều chúng ta dạy. Giáo lý viên phải can đảm để Lời Chúa biến đổi đời sống mình mỗi ngày một nên tốt hơn..”
Trên đây là lời nhắn nhủ của Đức Giám mục phụ tá Giuse Bùi Công Trác trong Thánh lễ Tuyên hứa và trao bằng Tốt nghiệp Giáo lý viên cấp Giáo phận cho 147 anh chị Giáo lý viên đến từ 5 cơ sở: Sài Gòn, Bắc Dũng, Tam Hải, Tân Hương và Trung Chánh, do ngài chủ tế vào lúc 16g thứ Bảy 27.07.2024 tại Trung tâm Mục vụ (TTMV) Tổng Giáo phận (TGP) Sài Gòn.
Đồng tế với ngài có linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hiền - Trưởng ban Giáo lý TGP và 2 linh mục Giám học.
Hiệp dâng Thánh lễ có các nữ tu giảng viên, Ban Giám học Giáo lý viên (GLV), các phụ huynh và đặc biệt là 147 Giáo lý viên tốt nghiệp cấp 3 của TGP Sài Gòn.
Chương trình gồm 2 phần: Hồi tâm và Thánh lễ.
Phần I: Hồi tâm
Vào lúc 14g15, các giáo lý viên từ 5 cơ sở trong TGP đã tề tựu đông đủ tại Hội trường Gioan Baotixita của TTMV để cùng tham dự giờ Hồi tâm.
Linh mục Phêrô Trưởng ban Giáo lý đã chủ sự nghi thức Hồi tâm, gồm 3 phần:
- Nhìn lại, nhớ lại những câu chuyện;
- Nhìn về phía trước;
- Nhìn vào hiện tại.
Nhằm giúp các anh chị Giáo lý viên nhìn lại và nhớ lại những gì mình đã học qua 3 năm học và kể cho nhau nghe những câu chuyện mình tâm đắc nhất trong quá trình họp tập, linh mục Phêrô đã gợi ý cho các anh chị GLV: “Chúa Giêsu chuẩn bị 30 năm, nhưng chỉ rao giảng có 3 năm. Tôi chuẩn bị có 3 năm, thử hỏi tôi có thể rao giảng trong bao lâu?”
Một bạn GLV đến từ cơ sở Sài Gòn đã tâm sự: “Con đã trải qua 10 năm dạy Giáo lý. Con thấy tâm đắc nhất là môn môn Sư phạm Giáo lý, vì nhiều kiến thức mới, giúp ích cho con trong công việc dạy giáo lý.”
Một GLV đến từ cơ sở Trung Chánh bộc bạch: “Giáo lý viên cần thực tế và cảm nhận sâu sắc để có thể truyền đạt giáo lý đến các em một cách hiệu quả.”
Trong phần nhìn về phía trước, linh mục Phêrô gợi ý cho các anh chị GLV hãy chiêm ngắm Chúa Giêsu: “Làm sao Chúa có thể cảm thấy 3 ngày sau mình sẽ sống lại, khi gai nhọn đâm thấu xương và đinh sắc đâm thủng tay chân?” Cũng vậy, làm sao chân phước Anrê Phú Yên có thể “chết trong lúc kêu Danh Thánh Giêsu”?
Nhìn vào hiện tại, khởi đi từ đây và lúc này, linh mục Phêrô mời gọi các anh chị GLV cùng chiêm ngắm: “Làm sao trên Thánh giá Chúa vẫn có thể cháy bỏng khát khao dù có phải nếm dấm chua?”
Giờ hồi tâm kết thúc lúc 15g10 và tiếp tục với phần tập nghi thức, chuẩn bị bước vào dâng Thánh lễ.
Phần II: Thánh lễ
Đỉnh cao của chương trình trao bằng Tốt nghiệp là Thánh lễ Tạ ơn.
Trong bài giảng, Đức Giám mục Phụ tá Giuse đã chia sẻ cùng các anh chị GLV về đôi điều chấm phá của một người giáo lý viên theo mẫu gương của chân phước Anrê Phú Yên, hy sinh mạng sống mình cho lý tưởng tông đồ:
“Chân phước Anrê đời nhân chứng,
Một mẫu gương nên thánh kiên trung,
Lưu danh sử sách oai hùng,
Cháu con ca tụng vang danh ngàn đời,
Mãi ghi nhớ từng lời tha thiết,
Lấy tình yêu đền đáp tình yêu,
Tử đạo vinh thắng một chiều,
Trở nên hiến lễ toàn thiêu dâng trời.”
Ngài quảng diễn:
“Chân phước Anrê Phú Yên tử đạo cách đây 380 năm. Ngài được đưa sang Macau, thân xác ngài nằm tại đó, còn thủ cấp của ngài được đưa về Rôma tại nhà Tổng quyền của Dòng Tên. Tôi có kỷ niệm cá nhân về thánh tích Thánh Anrê Phú Yên, khi đang làm việc tại Rôma. Năm 2013, kỷ niệm 25 năm biến cố phong thánh 117 các tử đạo Việt Nam, chúng tôi khoảng 400 người quy tụ lại để mừng kính các Thánh tử đạo. Lúc đó, tôi liên hệ Bề trên Tổng quyền Dòng Tên xin rước “thủ cấp” của Anrê Phú Yên, để rước kiệu. Ban đầu cha Bề Trên và người phụ trách từ chối. Sau khi suy nghĩ lại, ngài đã đồng ý và đích thân tôi đến rước thủ cấp để cung nghinh rồi sau đó trả lại trong vòng 24 giờ… Các cha đã được ôm Thánh tích để chụp hình. Đó là một kỷ niệm thực sự tôi không bao giờ quên.”
Tiếp theo, Đức cha nhắn nhủ các giáo lý viên 4 điều:
- Thứ nhất, sứ mạng dạy giáo lý là sứ mạng mà Chúa đã trao phó cho Hội Thánh và Hội Thánh vẫn chu toàn trong mọi thời đại, nhằm gìn giữ kho tàng đức tin của đạo lý Kitô giáo, giúp các tín hữu hiểu và sống đức tin. Đây là yếu tố sống còn của Giáo Hội. Khi lãnh nhận chứng nhận là lãnh nhận một sứ mạng. Mà đã là sứ mạng thì luôn luôn cao cả.
- Thứ hai, sứ mạng phải gắn liền với đời sống thiêng liêng. Khi dạy giáo lý thì cần có kiến thức và nhiệt huyết, và cần cả đời sống thiêng liêng sâu sắc nữa, nếu không thì sẽ không đem lại kết quả.
- Thứ ba, chúng ta phải biết giáo lý, câu La tinh nói “Không ai có thể cho điều mình không có.” Người giáo lý viên không những biết, am hiểu mà còn phải biết truyền đạt giáo lý, làm sao phù hợp với tâm lý và trình độ của người học.
- Thứ tư, sống gương mẫu. Ông bà ta có câu: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo.”, cho thấy việc am hiểu giáo lý và phương pháp sư phạm vẫn chưa đủ, mà cần phải sống điều mình dạy nữa. Chúng ta phải tin điều chúng ta đọc, dạy điều chúng ta tin và sống điều chúng ta dạy. Giáo lý viên phải can đảm để Lời Chúa biến đổi đời sống mình, mỗi ngày một nên tốt hơn. Nếu nói một đàng, làm một nẻo, thì đó là giả hình, gây nguy hại chẳng những cho chính mình mà còn cho các em.
Thánh lễ được tiếp nối với phần Phụng vụ Thánh Thể.
Sau lời nguyện hiệp lễ là nghi thức Tuyên hứa và trao bằng Tốt nghiệp Giáo lý viên cấp Giáo phận cho 147 anh chị giáo lý viên.
Các anh chị xếp hành từng người một tiến lên trước cung thánh nhận bằng từ tay Đức Giám mục Giuse và linh mục Giám học.
Sau đó, một bạn Giáo lý viên đại diện cho 147 anh chị đã có lời tri ân và dâng bó hoa tươi thắm lên Đức Giám mục Giuse và các linh mục.
Đáp từ, Đức Giám mục Giuse chúc mừng các giáo lý viên qua các vần thơ sau:
Chúc mừng ngày lễ Giáo lý viên,
Lễ Anrê Phú Yên quan thầy,
Mọi người quy tụ về đây,
Hiệp dâng Thánh lễ lòng đầy niềm tin,
Cùng sốt sắng nài xin Thiên Chúa,
Giúp con luôn đoan hứa trung thành,
Noi gương Chúa chịu đóng đanh,
Sống đời nhân chứng, hiền lành dễ thương.
Thánh lễ kết thúc lúc 17g50 cùng ngày với niềm vui được diễn tả trong các tấm hình kỷ niệm chụp chung trước cung thánh.
Bài: Xuân Đại & Ảnh: Đắc Quyền
Nguồn: tgpsaigon.net