Những trào lưu đang xuất hiện trong nền thần học Á châu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 4187 | Cập nhật lần cuối: 10/15/2014 9:11:29 PM | RSS

Những suy tư của Thần học Á Châu trong thời sau Công đồng Vaticanô II, biểu lộ một sự khác biệt sâu xa cả về phương pháp lẫn nội dung của nền thần học này. Dù có nhận rằng không phải bất cứ suy tư thần học nào tại Á châu cũng đều có thể được gọi là thần học Á châu, và không phải bất cứ vấn đề thần học nào được các nhà thần học Á châu cũng đều tất nhiên mang tính chất và nội dung riêng biệt của Á châu, thì cũng phải xác định rằng công cuộc tìm tòi phát động cho một nền thần học mang tính chất đặc thù Á châu là một nỗ lực thực sự của phần lớn các nhà thần học tại Á châu ngày nay. Qua nhận xét tổng quát, ta có thể nói được rằng mặc dù công đồng Vaticanô II đã kêu gọi,[2] và Liên Hiệp Hội đồng các Giám Mục Á châu (FABC)[3] có khích lệ việc phát động cho một nền thần học địa phương, thì nhiều phân khoa thần học tại Á châu cũng vẫn tiếp tục đóng vai trò những cơ sở truyền bá cho các học phái và các hệ thống của thần học Tây phương mà ít khi hoặc không bao giờ lưu ý tới việc tạo nên những mối liên hệ căn bản đối với các thực tại đa dạng trong các lãnh vực xã hội, chính trị, tôn giáo và văn hóa tại vùng này.

Thêm vào đó, tại nhiều quốc gia Á châu, môn thần học chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ, chứ không mở rộng cho giáo dân. Tuy nhiên, bên cạnh những sinh hoạt các phân khoa đó, nhiều thần học gia, cá nhân hoặc từng nhóm, đang hăng say làm việc mong tìm ra một khuôn mẫu thích ứng cho một nền thần học tại Á châu. Những vị này, cả phái nam lẫn phái nữ, luôn luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tích cực dấn thân vào chính giữa lòng các thực tại xã hội và tôn giáo của Á châu, là nơi mà nạn nghèo đói kinh hoàng đang đi liền với lòng đạo đức mãnh liệt, để cấu tạo nên tính chất Á châu của lục địa này.[4] Những cố gắng suy tư của các nhà thần học Á châu đã khởi dậy tinh thần đại kết giữa các giáo hội kitô với nhau và với các tôn giáo bạn. Tiếng nói của họ tuy đã rõ rệt nhưng vẫn chưa đủ để gây tiếng vang nơi các cộng đồng Kitô hữu tại đây, vì hầu hết các cộng đồng này đang ở trong giai đoạn xác định hình dạng và bản sắc riêng biệt của chính mình.

VIỄN ẢNH Á CHÂU

Á châu là một bức mosaic được ghép bằng nhiều màu sắc tôn giáo, văn hoá, ngôn ngữ, triết lý, chủng tộc và sắc dân khác nhau. Nơi đây những tương phản giữa thủ cựu và tân thời, giữa mê tín và khoa học, giữa duy lý và duy thực, giữa tín ngưỡng và vô thần, giữa ngu dốt và học thức, giữa nghèo đói và giàu sang cùng hiện cạnh nhau mà không làm giảm bớt đi tính chất hiệp nhất nổi bật của lục địa này. Thực vậy, mặc dù sống giữa những dị biệt và xu hướng đối nghịch, các quốc gia và dân tộc Á châu vẫn duy trì được mối thân thiện đáng quý. Người Á châu có chung một nhãn quan về cuộc sống được thấm nhuần sâu đậm bởi những giá trị đạo đức, luân lý và tôn giáo. [5]

Là một trong những nguồn lực dồi dào nhất của Á châu, đặc tính đa dạng mang trong mình những năng sức phát triển lớn cũng như những nỗi yếu nhược thật thấm thía. Nét lưỡng diện này tỏ hiện khá rõ rệt trong các giai đoạn đời sống và lịch sử của Á châu. Sức biến động khiêu khích của thực tại đa dạng kia thường trào dâng lên qua các vụ tranh chấp giữa những sắc dân và các tôn giáo tại đây. Tình trạng này còn trở nên trầm trọng hơn với nạn nghèo đói có mặt khắp nơi và với nhiều hình thức bóc lột người nghèo thường xuyên xảy ra trong hầu hết các quốc gia Á châu. Do đó, bất cứ một cuộc bàn luận về Thiên Chúa, nếu muốn được coi là có tính cách đích thực Á châu, thì đều phải lưu tâm tới tình trạng hỗn tạp này; vì chính trong bối cảnh đó, Dân Chúa được kêu mời để sống, để công bố và tuyên dương niềm tin của mình. Như vậy, chỉ khi nào qua ngôn ngữ đức tin, thần học tìm được lời giải đáp theo tinh thần Kitô, thực sự có khả năng đáp ứng thích đáng những đòi hỏi cấp thiết mà hoàn cảnh phức tạp đó đặt ra cho công cuộc phát triển tồn vẹn con người, thì lời giải đáp ấy mới có đủ sức mở đường cho một nền thần học gọi là Á châu.

Trong hai thập niên vừa qua, các khuynh hướng thần học Á châu biểu lộ những trào lưu chính sau đây: Trào lưu giải phóng (liberational), trào lưu hội nhập văn hóa (inculturational), và trào lưu siêu giáo hội (trans-ecclesial). Ba trào lưu này không đối nghịch nhau, nhưng cùng xác nhận cho rằng việc tích cực dấn thân và tham dự của mỗi cá nhân vào trong môi trường xã hội là thành tố thiết yếu của mọi suy tư thần học. Trước khi vắn tắt giải thích về các trào lưu này, thì cần phải mô tả sơ về những khía cạnh khác nhau của việc tham dự, vì đây là điểm căn bản chung cho cả ba trào lưu nói trên.

THẦN HỌC: THAM DỰ VÀ GIẢI THÍCH

Đà thúc bách chú trọng đến những gì là thực tại cùng với cảm thức sâu xa về thuyết nhân bản là những yếu tố đang giúp cho các khuynh hướng khác biệt nhau của nền thần học Á châu được bền vững. Như thế, các đề tài, vấn nạn, và mối quan tâm của thần học không phát xuất từ những cuộc bàn luận kinh viện hoặc là được rút tỉa từ những tủ sách thần học, nhưng bộc phát từ những khắc khoải trong cuộc sống của các nhà thần học đang thi hành công tác mục vụ, giảng dạy hoặc suy tư giữa các cộng đồng Kitô giáo cũng như người Kitô giáo. Hoàn cảnh thực tại Á châu với những biến đổi, hỗn độn, và đối nghịch rạn nứt như thực tế đang cho thấy, phải được coi như là khuôn mẫu thích đáng cho thần học và các suy tư thần học. Chính ở giữa những hoàn cảnh thực tại này, các nhà thần học sẽ phải cố làm sao để cảm nghiệm và phát biểu cho được sự hiện diện cũng như hoạt động của Thiên Chúa. Cách thức dẫn nhập này là lý do cho thấy tại sao có một sự tách biệt rõ ràng giữa thần học trong thế giới thứ nhất (phát triển) với thần học trong thế giới thứ ba. Tuy nhiên, sự kiện này không làm cho thần học Á châu trở nên biệt lập hoặc có tính cách bè phái. Nhờ hệ thống liên đới quốc tế Á châu, tính cách siêu quốc gia của nền thần học Á châu sẽ được duy trì.

Một khi biết tích cực tham dự và dấn thân vào thực tại đa dạng của Á châu, thì nhà thần học sẽ dễ xác tín được rằng khoa thần học Á châu không thể làm thinh mà không đề cập tới tình trạng bất công và nghèo đói trầm trọng đang khiến cho công cuộc tìm kiếm hòa bình ngày càng vượt xa tầm tay, tại nhiều địa phương ở Á châu. Những công ty liên quốc gia khổng lồ (MNO), những tổ chức kinh tài quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và Ngân Hàng Thế Giới, đã tiếp tay không ít cho việc che dấu sự thật và kìm hãm công lý hòa bình tại nhiều quốc gia Á châu. Không cần mất công tìm tòi nhiều thì cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng vì cố áp đặt một chiều hướng phát triển theo kiểu mẫu Âu châu, nên những tổ chức này đã gây cho trình trạng nghèo đói, thiếu ăn, kém dinh dưỡng, và nạn chết yểu của trẻ em trở thành những tai họa không thể diệt trừ khỏi các quốc gia thuộc thế giới thứ ba được.[6] Thật vậy, nếu chiến tranh là vấn đề có mức quan trọng đến độ không thể phó mặc cho riêng các tướng lãnh quân đội, thì cũng thế, không thể hoàn toàn phó mặc những khủng hoảng về kinh tế và nợ nần vào trong tay một số các thương gia và chuyên viên kinh tế được. Cho nên nhân danh “anawin” của Giavê, vấn đề này phải được coi như một trong những lãnh vực hoạt động chung, trong đó các nhà thần học Kitô giáo cùng với anh chị em thuộc các tôn giáo khác trên toàn thế giới, phải cố tìm cho ra một lập trường chung cho mọi cuộc hợp tác suy tư và hành động nhằm phục vụ chân lý và hòa bình.

Các thần học gia Á châu ngày càng ý thức hơn rằng nhờ tham dự và dấn thân vào hết những gì thuộc về Thiên Chúa (Is 45,6), nên họ mới có đủ uy tín mà chu toàn tác vụ làm chứng nhân cho chân lý của mình, và chu toàn trong một cách thức đáng tin cậy đối với mọi người. Đó là lý do tại sao các nhà thần học Á châu luôn cố gắng làm sao để các suy tư thần học của họ khỏi biến thành những sinh hoạt thuần túy trí thức mà phải là một khía cạnh gắn liền với công việc mục vụ của Giáo hội. Vì vậy, xét theo cá nhân riêng rẽ, các nhà thần học không đủ thẩm quyền để xác định cho tính cách hợp thức và trung thực của thần học Á châu, nhưng cần nhờ tới những tập thể sinh động như trường hợp các Kitô hữu thời sơ khai và thời tiền trung cổ để qua đó thần học có cơ hội xuất hiện và triển dương như là trách vụ chung của cả tập thể. Trong chiều hướng này, có thể là mức độ chính xác về tín lý và chú giải không còn được coi như là những nguyên tắc hợp thức cho thần học nữa; nhưng lúc đó ưu tiên số một phải là nỗ lực để diễn đạt Lời Chúa bằng hành động. Vì chính việc tham dự có trách nhiệm (bằng hành động) của người kitô sẽ chứng tỏ cho thấy quyền lực của Lời Chúa; còn Lời Chúa thì tiếp tục mạnh mẽ soi sáng cho hành động.

Là dấu chỉ bí tích của ơn cứu độ và là khí cụ chuyển đạt Tin Mừng cứu rỗi, các Giáo hội tại Á châu cố tìm cách để thấu hiểu và diễn đạt sinh hoạt dấn thân truyền giáo của mình không nguyên bằng việc chuyển giao kiến thức cứu rỗi mà thôi, nhưng còn bằng cả việc tiếp nối hành động cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, bắt đầu từ Nhập thể cho tới Phục sinh nữa. Đường hướng này kêu mời các cộng đồng kitô phải biết dựa trên những thực tại cuộc sống mà diễn dịch sứ mệnh và lời giảng của Chúa Giêsu, và đồng thời phải biết tiếp tục công tác tự kiểm có tính cách tiên tri đối với tất cả những hành động và nỗ lực dấn thân của mình.

Tuy nhấn mạnh nhiều đến tầm quan trọng của việc tham dự dựa theo hoàn cảnh, một số lớn các nhà thần học cũng rất chú trọng tới nhu cầu cần phải đưa ra những suy luận có tính cách phê bình nhận định và những giải thích có sức sáng tạo. Không cần nói nhiều thì cũng hiểu được rằng sự tham dự cá nhân mà thiếu giải thích, sẽ đưa đến tình trạng hiếu động xã hội, không hơn không kém giống như thần học nếu chỉ chú trọng nguyên về đức tin mà bỏ quên hoạt động của Giáo hội, thì cũng sẽ không có giá trị gì hơn là những lời nói trống rỗng. Khi dạy rằng công tác rao giảng Phúc Âm phải chiếm giữ một chỗ nổi bật nhất trong các trách vụ chính yếu của giám mục và linh mục, công đồng không chỉ nhấn mạnh đến việc rao giảng bằng lời suông mà thôi. Thực ra, công đồng nhằm kêu gọi mỗi cá nhân phải dùng cuộc sống của mình mà diễn giải Lời Chúa, là đấng hiện diện ngay ở giữa cộng đồng phụng tự (Mt 18, 20), nhất là ở nơi những người nghèo đói thiếu thốn (Mt 25,31). Sinh hoạt thần học tại Á châu đặt nền tảng trên xác quyết nói rằng nếu thiếu mất đi khả năng cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những người nghèo đói và thiếu thốn qua việc dấn thân và tham dự về mặt xã hội, thì chắc hẳn việc phụng tự của một cộng đồng cũng chỉ là những lời ca ngợi và cảm tạ vô nghĩa.

Sau đây xin trình bày và nhận xét một cách vắn tắt về ba trào lưu chính của thần học Á châu theo thứ tự mức độ quan yếu và ảnh hưởng của mỗi trào lưu, như nhận thấy qua sinh hoạt của Giáo hội và qua các bài khảo cứu thần học tại Á châu. Tôi sẽ vừa dựa theo thời gian vừa dựa theo lý luận mà trình bày, cũng như sẽ lưu ý tới những trường phái thần học tiêu biểu cho mỗi trào lưu hơn là cá nhân riêng rẽ của các thần học gia, vì lý do đã được trình bày ở phần trước, khi đề cập tới những tập thể sinh động.

1. Trào lưu giải phóng

Trong các năm gần đây, đề tài giải phóng đã trở thành ưu tư hàng đầu đối với một số nhà thần học Á châu, vì họ nghiên cứu thần học với niềm xác tín rằng nếu một nền thần học bàn về Thiên Chúa mà bỏ quên sự kiện Thiên Chúa trong Kinh Thánh đã liên kết với phía những người nghèo khó, thì không làm sao thần học đó có thể mang danh là kitô được. Trong ánh sáng toả ra từ sức mạnh giải thoát của Phúc Âm, sinh hoạt thần học tại Á châu đang dồn nỗ lực để đương đầu với hiện tượng ghê sợ của nghèo đói cộng với những thế lực của bất công nằm sẵn từ trong cơ cấu và những hình thức áp bức có tổ chức. Và do đó, khái niệm và nội dung về truyền giáo xuất phát từ thế kỷ 16 và vẫn còn được dùng làm mẫu mực cho khoa Truyền giáo học (missiology) tại Á châu, đang đứng trước thách đố phải nhường chỗ cho một khoa Tin mừng học (evangeliology),[7] đặt trọng tâm trên căn bản giải thoát của Phúc Âm như là Tin Mừng cho người nghèo đã được rao giảng và thể hiện ở nơi con người của đức Giê-su (Lc 4,18).

Khởi nguồn từ những bức thông điệp về xã hội của các Giáo hoàng ban bố kể từ đầu thế kỷ này, và chịu ảnh hưởng của thần học giải phóng đang thịnh hành tại vu ng châu Mỹ Latinh, nhiều thần học gia Á châu, cũng như Liên Hiệp Hội đồng các Giám Mục Á châu (FABC), một số Hội đồng giám mục quốc gia và một vài vị giám mục địa phương đã dồn nỗ lực vào việc tìm hiểu và phân tích, nhằm nhổ cho tận rễ những căn nguyên chính trị, xã hội cũng như văn hóa, tôn giáo gây nên nghèo đói và bất công. Hiện nay, Liên Hiệp Hội đồng các Giám Mục Á châu và hầu hết các hội đồng giám mục quốc gia tại đây, đã lập được những ủy ban đặc trách hoạt động cho công lý xã hội và kinh tế cũng như cho hòa bình và phát triển, trong chiều hướng đẩy mạnh công tác phục vụ người nghèo.[8]

Có người nhận xét rằng chỉ cần một cuộc thăm dò sơ sài về vai trò hiện diện truyền giáo của Giáo hội tại Á châu cũng đủ cho thấy sự thật đáng tiếc này: trên phương diện cơ cấu tổ chức, Giáo hội đã đứng về phía các người giàu có và quyền thế, bởi vì chính họ là những người xử dụng nhiều nhất đến các dịch vụ của Giáo hội, và do đó âm thầm lèo lái hệ thống giá trị trong Giáo hội. Hình ảnh hai mặt đối chọi như thế của Giáo hội đã làm cho vai trò tiên tri và cách mạng của Giáo hội Á châu nhằm phục vụ người nghèo, đôi lúc bị lu mờ đi. Rất may, một tia sáng hy vọng đang lóe lên từ một số giáo dân tại đây: họ đang từ từ xuất hiện như một luồng sinh khí hùng mạnh cho sinh hoạt mục vụ của Giáo hội. Thực vậy, phải có sự cộng tác tích cực và hữu hiệu từ phía người giáo dân thì trào lưu giải phóng của thần học Á châu mới có thể triển nở trọn vẹn và mang lại hoa trái phong phú được.

2. Trào lưu Hội nhập văn hóa

Từ gần hai thập niên qua, với sự tiếp tay của các nhà chuyên môn về thần học và phụng vụ, hàng Giáo phẩm Á châu đã dùng phương pháp thử nghiệm để phát động công trình hội nhập văn hóa (inculturation). Như một phương thế canh tân Giáo hội và điều hợp văn hóa xã hội, công tác hội nhập văn hóa còn cả một đường dài phải đi để tiến vào giữa những miền chưa ai khám phá ra trong vùng đất của Giáo hội tại Á châu. Trong quá khứ, vì quá chú trọng đến khía cạnh giáo hội hóa ơn cứu độ (ecclesialization of salvation), nên Giáo hội đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc nhận thức mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện và tác động trong tất cả những gì thuộc về con người, cũng như trong tất cả những gì giúp con người đạt đến mức độ thành tồn trọn vẹn, như gặp thấy trong các nền văn hóa đa dạng của Á châu. Theo một ý nghĩa cao cả nhất, hội nhập văn hóa là xác nhận sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong bức tranh ghép nên bằng nhiều màu sắc nhân bản và văn hóa của Á châu. Giáo hội Á châu cố gắng thực hiện cho được điều này bằng cách đi sâu vào giữa lòng các nền văn hóa để hòa nhập chúng vào trong công tác tuyên xưng và cử hành cũng như vào trong chính nhịp sống của mình. Thực ra, kể từ sau công đồng, phần lớn những cố gắng hội nhập văn hóa của Giáo hội tại đây chỉ đơn thuần đóng khung ở nơi các hình thức trang trí và tô điểm cho việc phụng tự được thêm xinh đẹp mà thôi. Ngay cả những cuộc bàn luận thần học về nhu cầu hội nhập văn hóa cũng chỉ duy nhất nhằm vào việc xác định đâu là bản chất của đức tin kitô, để từ đó có thể khoác thêm vào một vài nét văn hóa đã được tách rời khỏi các tôn giáo địa phương, dù các tôn giáo này là những trụ cột chống đỡ cho chính các nền văn hóa đó. Trong thời kyì ấy, người ta đã không hiểu rằng khái niệm về một bản chất như vậy rất thiếu thực tế, chẳng khác chi việc cố tách rời các yếu tố văn hóa ra khỏi các tôn giáo mà không để ý gì tới tính chất đồng sinh giữa tôn giáo và văn hóa. Luôn luôn đức tin kitô chỉ được sống, chỉ được tuyên xưng và truyền đạt qua những khuôn mẫu văn hóa xã hội có sẵn. Niềm tin đó được sống và được liên tục biểu đạt nơi các dân tộc khác nhau qua nhiều thế hệ. Tóm lại, trào lưu hội nhập văn hóa tại Á châu phải được đặt ngay trong bối cảnh rộng lớn của mối liên hệ giữa các tôn giáo.

Thay vì riêng rẽ mượn nhặt một vài yếu tố văn hóa đã được rút ra từ các tôn giáo bạn và xử dụng chúng như là món đồ trang sức cho cách sống và sinh hoạt phụng tự của người kitô, thì hiện nay trào lưu hội nhập văn hóa tại Á châu đang cố gắng trở thành một cuộc tán dương bất tận trong tự do và hãnh diện, đối với mối liên hệ lành mạnh giữa các tôn giáo cũng như giữa các nền văn hóa, xây dựng trên căn bản tương kính.

Trào lưu hội nhập văn hóa nhìn nhận nhân loại có chung một nguồn gốc và một định mệnh, và tất cả các tôn giáo cũng như các nền văn hóa Á châu đều có một chỗ đứng trong chương trình của Thiên Chúa. Ngoài ra, sự việc Thiên Chúa thường xuyên hiện diện trong và qua toàn bộ công trình tạo dựng, một kinh nghiệm khác rút ra từ Kinh thánh (Cl 1,6-13, Ga 1,1-14), cũng được dùng làm nền tảng cho trào lưu này. Nguồn sáng vĩnh cửu của mầu nhiệm Phục sinh là nhựa sống của việc hội nhập văn hóa. Trong vinh quang của mầu nhiệm Chúa Phục sinh, tất cả mọi tôn giáo và mọi văn hóa, mọi chủng tộc và mọi niềm tin có sức góp phần vào công cuộc nhân bản hóa thế giới tội lỗi này, thì đều được tinh luyện, cứu độ và tôn vinh. Như thế, tiến trình hội nhập văn hóa của thần học Á châu sẽ là một yếu tố vừa xúc tiến công cuộc điều hợp tôn giáo và văn hóa, vừa đẩy mạnh nỗ lực sáp nhập đức tin Kitô giáo vào trong tất cả mọi thực tại xã hội của Á châu.

3. Trào lưu siêu giáo hội

Một cách vắn gọn, có thể mô tả trào lưu siêu giáo hội (transecclesial) như là một nỗ lực đẩy mạnh đà thần học nhân chủng trong Giáo hội Á châu đa dạng. Đà đẩy mạnh này dành ưu tiên hàng đầu cho thực tại cuộc sống con người tại Á châu với muôn vàn sắc thái về mặt tôn giáo và văn hóa. Đặt toàn bộ những gì thuộc thực tại cuộc sống con người làm tâm điểm là trào lưu siêu Giáo hội muốn tìm hiểu xem tính chất đa nguyên về mặt xã hội, tôn giáo và văn hóa, có nằm trong kế hoạch và ý định của Thiên Chúa hay không. Và nếu có, thì một vấn nạn khác sẽ được đặt ra, đó là: Kitô giáo sẽ ý thức về mình như thế nào và sẽ liên hệ làm sao với thực tại đa nguyên ấy. Đồng thời cũng phải hỏi xem Kitô giáo hiểu về chính mình ra sao trước hậu cảnh đa nguyên đó. Dựa trên quan điểm lịch sử và mặc khải, trào lưu này đặt những gì là nhân chủng lên trước những gì thuộc Giáo hội, và coi yếu tố nhân chủng như là căn bản cần thiết đối với Giáo hội. Nếu Kitô giáo giải thích cho rằng tính chất đa dạng của Á châu như là một phần trong chương trình vĩnh cửu của Thiên Chúa, thì lúc đó đương nhiên cần phải nhìn từ phương thức tiến hành cho đến nội dung của sứ mạng Giáo hội tại Á châu theo một nhãn quan mới. Chính tiến trình hội nhập văn hóa của Giáo hội Á châu cũng đòi hỏi Giáo hội phải biết thích nghi với hiện tượng đa nguyên đó trong tinh thần hiệp nhất và thân thiện. Điều này có nghĩa các Giáo hội Á châu cần phải biết dựa theo khuôn mẫu mở rộng của cộng đồng Giêsu như được miêu tả trong các Phúc Âm mà tạo lập cho được một mẫu những cộng đồng mang tính cách siêu chủng tộc, siêu văn hóa và cả siêu tôn giáo nữa.

Có thể đọc thấy nhiều lý do và tư lợi khác nhau ở nơi những người đi theo Chúa Giêsu. Từ Phêrô, Gioan, Giacôbê cho tới các vị khác trong số 12, từ Nicôđêmô cho tới Giakêu, từ những người dân xứ Samaria cho tới người ngoại giáo, từ Maria Mađalêna cho tới các phụ nữ thành Giêsusalêm đã khóc thương Chúa, ai mà không nhận ra muôn ngàn dị biệt về nguồn gốc và phe nhóm; nhưng tất cả đều chịu ảnh hưởng của Chúa. Mức độ và chiều sâu đức tin nơi mỗi người trong họ đều hoàn toàn khác nhau.

Khi nhấn mạnh đến những giá trị của tính cách uyển chuyển và nhập cục mà Chúa Giêsu chủ trương trong Phúc Âm, coi đó như là điều rất phù hợp với cách hiểu bản chất của cộng đồng theo quan điểm Á châu, nhiều thần học gia đã đặt câu hỏi về số phận của hàng bao nhiêu triệu người Á châu không kitô, nhưng lại có cảm nghiệm thật sâu xa về Chúa Giêsu trong đời sống cá nhân của họ, hoặc là cũng đã từng được soi sáng nhờ giáo huấn của Ngài. Hàng vạn anh em không Kitô giáo đã tự động đến tham dự những sinh hoạt phụng vụ kitô, hoặc là những buổi cử hành lớn của Giáo hội tại các đền thánh hay các nơi nổi tiếng, và trong nhiều dịp lễ khác. Mặc dù không chính thức thuộc vào một tổ chức nào của Giáo hội, những người này cũng đang tìm cách để theo sát Chúa Giêsu chẳng khác chi người kitô, nếu không nói là còn hơn cả một số người đã được rửa tội. [9] Các nhà thần học Á châu hiện đang cố tìm cho ra một khuôn mẫu cộng đồng Giáo hội, trong đó những người môn đồ không chịu phép rửa của Chúa Giêsu cũng được đón nhận, vì họ là những người đang tìm kiếm Ngài với tâm hồn chân thành qua sự việc tự ý có mặt trong những dịp cử hành Lời Chúa và Bí tích.

Thực ra, vì chưa tìm thấy một từ ngữ nào chính xác hơn, nên tạm gọi trào lưu này là “siêu Giáo hội”. Như đã nói từ đầu, cả ba trào lưu đều tương hệ với nhau và bổ túc cho nhau. Trong Giáo hội cũng như nơi các nhà thần học Á châu, đang có một khát vọng ngày càng lớn mạnh, đó là thế nào để có thể đáp ứng cho thích đáng đối với cả ba trào lưu này, và đồng thời cùng nhau suy tư về các vấn đề mà các trào lưu đó đặt ra. Sức hoạt động, óc sáng tạo, và lòng gan dạ mà Giáo hội Á châu đang nêu cao giữa lúc phải đương đầu với những thách thức mọc lên chằng chịt từ các trào lưu này cũng như từ nhiều trào lưu khác đang xuất hiện trên sân khấu Á châu, sẽ xác định cho tầm hiệu lực của Giáo hội đang hiện diện như là dấu chỉ của ơn cứu độ ở giữa người dân Á châu hôm nay và ngày mai.


A.J.V. Chandrakanthan[1]

Người dịch: LM Joseph Lại Văn Khuyến

Hợp tuyển Thần học, số 3.


[1] Tác giả A.J.V.Chandrakanthan là một linh mục đang giữ chức vụ khoa trưởng cho ngành Kitô giáo tại đại học Jaffna ỏ Sri Lanka. Đây là bài quảng diễn đề tài thuyết trình trong dịp đại hội Thần học Quốc tế họp tại đại học Louvain (Bỉ), tháng 9 năm 1990, đăng trong EAST ASIAN PASTORAL REVIEW 27 (1990) 271-280.

[2] Đọc Hiến chế Mục vụ của Giáo hội trong Thế giới ngày nay, số 62 và Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo hội, số 10.

[3] Đọc For All the Peoples of Asia, nhà xuất bản C.G. Arévalo, S.J. cuốn 1, IMC Publications, Manila 1984, tr. 27-29, 92-96, 161-162.

[4] Aloysius Pieris, S.J. An Asian Theology of Liberation, Orbis Books, Maryknoll, NY.,1988, tr. 69.

[5] A.J.V. Chandrakantan, Asian Bishops' Approaches to Evangelization, trong INDIAN MISSIOLOGICAL REVIEW 9 (1988) 106-107

[6] Đọc Susan George, A Fate worse than Debt, Penguin Books, 1988, tr. 4-19, 54-79, 90-128

[7] Mặc dù có căn bản vững chắc trong Thánh Kinh và tầm quan trọng về lịch sử danh từ mission (truyền giáo bằng các tiếng Tây phương) và các danh từ như Missiology hoặc tương tự, thường gây nên phản ứng tiêu cực nơi những người không kitô, vì họ coi các danh từ đó đồng nghĩa với hình thức quyến rũ người khác theo đạo. Do đó tôi muốn dùng một danh từ Kinh thánh khác, có sức gợi lên tính chất của việc loan báo Tin Mừng.

[8] đọc For All Peoples of Asia, tr. 15-16, 31, 94.

[9] Tôi muốn quảng diễn thêm về ý tưởng mà Felix Wilfred đã phát biểu đầu tiên trong bài Local Church: Practices and Theologies. Reflections from Asia, đăng trong tạp chí SEDOS BULLETIN, tháng 4, 1990, tr. 98.