CĐ Giáo dục: "Sống Lòng thương xót trong Gia đình"

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1754 | Cập nhật lần cuối: 5/28/2016 3:27:08 AM | RSS

Để mở đầu cho một năm mới Bính Thân tràn đầy sức sống, vui mừng và hy vọng, vào chiều tối ngày 28/02/2016, Chương trình Chuyên đề Giáo Dục, trực thuộc Ban Mục vụ Gia Đình Tổng Giáo phận Sài Gòn đã có buổi chuyên đề khai Xuân số 228 qua đề tài: "Sống Lòng Thương Xót Trong Gia Đình" do anh Luca Nguyễn Võ Minh Tâm chia sẻ tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn với khung giờ mới từ 18g00 đến 20g30.

Bắt đầu buổi chia sẻ, anh Luca nói rằng đề tài về lòng thương xót đã được nhiều người nhắc đến, anh chia sẻ để nhắm đến việc đem ra thực hành. Chính vì thế, anh đã tạo bầu khí thoải mái, vui vẻ bằng các hoạt động như yêu cầu các tham dự viên di chuyển ra khỏi chỗ ngồi và bắt cặp với một người bạn rồi chúc Xuân, nắm tay trò chuyện, thăm hỏi nhau, và từng cặp đôi này sẽ cùng nhau đồng hành trong các hoạt động suốt buổi chia sẻ. Anh nói rằng bài chia sẻ đơn giản chỉ gói gọn trong 7 thông điệp và mời gọi mọi người nắm bắt và cùng nhau hành động:

1. Nét đẹp

Với một hình ảnh có nền trắng và 3 chấm đen, người ta dễ nhận thấy 3 chấm đen hơn là nền trắng rộng lớn. Nếu ví những chấm đen kia như những khuyết điểm của người thân trong gia đình thì người ta dễ nhận ra khuyết điểm đó mà không nhận ra những phẩm chất tốt đẹp nơi họ. Để thể hiện lòng thương xót trong gia đình, đừng quên "kể một cách say sưa những điều tốt đẹp nơi người thân của mình". Thông điệp đầu tiên cần có trong gia đình:

Trân trọng “nét đẹp” của người thân trong gia đình

2. Nhu cầu tình cảm

Theo Tiến sĩ Gary Chapman, tác giả cuốn sách “5 Ngôn ngữ tình yêu”, thì người ta có nhu cầu về 5 loại tình cảm trong cuộc sống:

- Nhu cầu về lời nói: Thích nghe lời nói ngọt ngào như cám ơn, xin lỗi, ngợi khen.

- Nhu cầu về chia sẻ: Thích có ai đó kề bên để chia sẻ, đồng cảm, động viên trong những lúc khó khăn, vui buồn trong cuộc sống.

- Nhu cầu về chăm sóc: Thích được quan tâm, giúp đỡ.

- Nhu cầu về quà tặng: Thích được tặng quà cả vật chất lẫn tinh thần.

- Nhu cầu về cử chỉ: Thích bắt tay, có cái ôm, vỗ vai hay một cử chỉ thân mật, trìu mến nào đó.

Đối với 5 loại ngôn ngữ tình yêu này, điều quan trọng là hiểu mình trội ngôn ngữ nào hơn, và gợi ý cho những người xung quanh đáp ứng nhu cầu của mình, vì “không nói ra thì không ai biết”. Ngược lại, cần phải biết người thân trội về loại ngôn ngữ nào để đáp ứng nhu cầu của họ, “gãi đúng chỗ ngứa”. Thông điệp thứ hai cần có trong gia đình:

Tinh ý nhận ra “chỗ ngứa” tình cảm của người thân trong gia đình

3. Hành động ngay

Anh Luca gợi ý các tham dự viên hãy điện thoại hay nhắn tin ngay cho người thân lâu ngày không liên hệ. Hành động nhỏ đó thể hiện lòng thương xót trong gia đình với thông điệp thứ ba:

Hãy “hành động” nếu bạn nhận thấy đó là việc cần làm và nên làm cho người thân của mình.

4. Nước đục, nước trong

Câu hỏi được đặt ra: “Có 2 cái ly: một ly nước đục, một ly nước trong, làm thế nào ly nước trở nên trong hơn?”. Có hai cách giải quyết: đổ ly nước đục đi rồi đổ ly nước trong vào hoặc là pha ly nước trong vào ly nước đục, nó sẽ bớt đục và trong hơn. Anh Luca cho làm hoạt động này để nói rằng trong gia đình nếu có một người thân chưa tốt đẹp, cũng có 2 cách giải quyết: hoặc là bỏ mặc, hoặc là đồng hành. Nhưng để thể hiện lòng thương xót, thì cần phải đồng hành để giúp người thân tốt hơn, đừng nóng vội mà phải kiên trì. Dẫu cho người thân của mình có nhiều điều khó thay đổi, thì cũng phải đón nhận họ. Thông điệp thứ tư rút ra là:

Hãy kiên trì làm gương, cho đi và yêu thương. Sẽ có ngày “nước đục” dần thành “nước trong”.

5. Hy sinh và tha thứ

Trích từ một ý của Kinh Lạy Cha: “Tha kẻ có nợ chúng con”, anh Luca nói rằng người ta thường rất giận một ai đó trong gia đình mà không bỏ qua được, để tha cho họ không phải là điều dễ dàng. Vậy, thông điệp thứ năm cần nhớ là:

Hãy nói ra hết bực tức nơi người thân. Sau đó, hãy tha thứ thiếu sót đó của họ:

“Đỉnh cao của Yêu thương, Hy sinh và Tha thứ”.

6. Vì nhau

“Đâu là điều vô cùng quan trọng để gìn giữ hạnh phúc gia đình?”. Trò chơi ô chữ với 5 hàng ngang có đáp án là trách nhiệm, tôn trọng, hy sinh, làm gương và yêu thương đã tạo ra đáp án hàng dọc với chữ vì nhau,đây chính là thông điệp thứ sáu:

Hãy “Vì Nhau”, vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai của con cái, vì đời sống đức tin, vì sự sống đời sau.

Song long thuong xot trong gia dinh 46

7. Thông điệp thứ 7:

“Bạn muốn đi cùng ai đến cuối cuộc đời?”

Sau khi tham dự viên được xem một đoạn video clip một người đàn ông đang lúc hấp hối và thái độ của những người xung quanh với những trái tim và những chiếc mặt nạ, anh Luca nhắn nhủ rằng: Trong cuộc sống này, chúng ta không thể biết được đâu là những trái tim chân thật dành cho mình. Những ai là những người thực sự vì ta và cho ta, và những ai trong cuộc đời này là những người mà mình thực sự vì họ và cho họ. Hãy nhắn nhủ cho chính mình, trong cuộc sống chỉ có một số người rất thân và quan trọng đối với mình; đó là cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em. Hãy chọn những người rất thân và quan trọng đối với mình, và hãy dành nhiều thời gian hơn cho họ, dành nhiều sự quan tâm hơn cho họ; hãy động viên họ nhiều hơn, tha thứ những lỗi lầm cho họ nhiều hơn. Nếu đã chọn những người đó rồi, hãy sống hết mình vì họ và cho họ. Khi đó, ngày cuối cùng của ta trên giường bệnh, ta sẽ được vây quanh bởi rất nhiều người, không phải là những chiếc mặt nạ giả tạo mà là những trái tim thật sự dành cho mình. Ta sẽ cảm thấy rằng cuộc đời mình rất là ý nghĩa và đáng sống. Đó là thông điệp cuối cùng.

Để kết thúc bài chia sẻ, anh Luca nhắn nhủ mỗi người hãy chọn ra một vài thông điệp nào đó phù hợp và thực hiện ngay để lòng thương xót hiện hữu trong gia đình chứ không phải chỉ nói lý thuyết suông. Buổi chia sẻ kết thúc sau lời cầu nguyện và đâu đó trên vẻ mặt của các tham dự viên thể hiện lòng hân hoan sau khi tham dự buổi chia sẻ. Mong sao lòng thương xót lan tỏa trong các gia đình họ và những gia đình khác trong Năm Thánh Lòng Thương xót này.

Tạ Ân Phúc

Nguồn: chuongtrinhchuyende.com

-------------------------------

Hình ảnh buổi sinh hoạt chuyên đề

CĐ Giáo dục: