Chứng nhân Lòng Thương Xót: chia sẻ trong Thánh lễ bế giảng năm học

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2316 | Cập nhật lần cuối: 8/23/2016 7:28:02 AM | RSS

Chứng nhân Lòng Thương Xót: chia sẻ trong Thánh lễ bế giảng năm họcNhớ những ngày đầu tháng năm, nhiệt độ môi trường tăng cao, cái nóng đã khiến nhiều người trong chúng ta mỏi mệt. Nếu sự tăng nhiệt độ của khí hậu làm thể lý ta nóng một; thì trong tâm lý cái nóng càng tăng lên gấp bội khi ta phải đối diện với những bức xúc trong cuộc sống xã hội. Thế nhưng, những cơn mưa đầu mùa vào đầu tuần này đã giảm nhiệt khí hậu khiến ta dễ chịu hơn; và cuộc viếng thăm dù chỉ vỏn vẹn gần 60 tiếng đồng hồ của tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama đã mang lại hơi thở của sự lạc quan và niềm hy vọng trong tâm lý cho nhiều chục triệu người dân Việt Nam.

Trong một xã hội đang đối diện liên hoàn các cuộc khủng hoảng niềm tin, từ các vấn đề môi trường cho đến an toàn thực phẩm, thì những lời trong những diễn văn xuất phát từ trái tim của tổng thống Obama đã chạm đến con tim của từng người VN, đặc biệt nơi những bạn trẻ. Và cách ứng xử, hình ảnh của một tổng thống bình dị đi ăn bún chả ở phố cổ, vươn rộng đôi tay để bày tỏ sự thân thiện gần gụi khi ông bắt tay những đôi bàn tay gân guốc, thậm chí còn lấm bùn, vương bụi…của những bác bán hàng bên đường, như bày tỏ mối đồng cảm của ông với người dân. Tất cả những lời ông nói và việc ông làm, phần nào đã “giải nhiệt” sự bức xúc cuộc sống của người Việt nam, từ Hà nội cho đến Saigon.

Vẫn biết các chính khách họ được huấn luyện rất kỹ lưỡng để trên chính trường, mọi cử chỉ và lời nói đều đem lại những hiệu quả có chủ đích; chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng xã hội dân chủ văn minh đã tạo tạo những chính khách đậm nét giá trị nhân bản, nhũng con người rất dễ mến như thế nào. Tổng thống Obama đã bày tỏ lòng biết ơn người dân Việt nam đã đón tiếp ông rất nồng ấm; nhưng chúng ta cũng cám ơn ông, vì những bước chân của ông đã gieo niềm hy vọng và niềm vui đến cho dân tộc chúng ta.

Hình ảnh của ông đã đánh động cảm thức về căn tính của tôi, và tôi nhìn lại ơn gọi làm người Kitô hữu của mình, tôi cũng được mời gọi là những sứ giả về niềm hy vọng và tình yêu. Vậy tôi đã học được gì nơi trường học của thầy Giêsu, tôi đã sống như thế nào để những bước chân tôi ra đi và đem lại hoa trái gì? Trong cảm xúc của những ngày này, đọc bài Tin mừng hôm nay, và đặt trong khung cảnh thánh lễ bế giảng năm học, với chủ đề “chứng nhân Lòng Thương Xót”, tôi được đánh động từ chính Lời Chúa với những chất vấn cho bản thân mình, xin được chia sẻ với anh chị em.

1. Chứng nhân Lòng Thương Xót là lời mời gọi “sinh hoa kết trái” yêu thương: Chúng ta vừa nghe thuật lại việc ​​Chúa Giêsu khiến cho cây vả xanh lá nhưng không trái, phải khô héo đến gốc rễ, mặc dù Ngài biết rằng đây không phải là mùa ra trái của nó. Chúa Giêsu không bao giờ làm một phép lạ chỉ vì chính Ngài; do đó đây không phải là một sự trừng phạt vì cây vả đã không cho trái để giải quyết cơn đói của Ngài. Thánh Marcô thuật lại sự kiện này liền ngay trước khi Ngài tiến vào đền thờ Jerusalem, nơi Ngài hy vọng sẽ tìm thấy những người “bận rộn với công việc của Cha Ngài.” Nhưng thật đáng tiếc, thay vào đó, Ngài thấy họ đang chiếm dụng đền thờ để thực hiện những hoạt động của thế gian; và đã là việc buôn bán thường có sự gian lận và bất công ở đó. Hoa trái của sự trung thực và công chính mà Chúa Giêsu đã hy vọng sẽ tìm thấy đã không có; như vậy trong một ý nghĩa nào đó, cây vả tượng trưng cho Jerusalem.

Tôi tự hỏi chính mình: Liệu tôi có trung thực trong các mối tương giao với người khác giữa một xã hội còn nhiều bóng đen của gian dối? Tôi có nhận ra rằng Chúa đang mong đợi tôi đơm hoa kết trái? Tôi có đầu tư thời gian của tôi cho tốt, trong cả hoạt động cầu nguyện và đời sống bác ái nơi cuộc sống mỗi ngày không?

2. Chứng nhân Lòng Thương Xót là sống trọn vẹn ý nghĩa mỗi ngày: đoạn Tin Mừng này của thánh Marcô sẽ là tài liệu tốt về một ngày sống của Chúa Jesus Kitô. Từ sáng sớm Ngài bắt đầu từ Bethania đến Jerusalem, Ngài vào đền thờ, Ngài trải qua cơn giận với những kẻ đang ở đó, và Ngài xua đuổi những kẻ buôn bán, để tái lập lại sự tinh sạch của đền thờ, và sau đó Ngài tiếp tục giảng dạy cho đến cuối ngày, trước khi Ngài trở về lại Bethania. Ngay ngày hôm sau, Ngài bắt đầu sứ vụ của mình một lần nữa bằng việc giảng dạy về tầm quan trọng của đức tin trong cầu nguyện. Chúa Giêsu đã không lãng phí một giây trong ngày sống của mình; Ngài đã đến thế gian để thực hiện chu toàn thánh ý của Cha. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không phải là một người tham công tiếc việc (nghiện làm việc). Ngài không thường xuyên can thiệp vào công việc của người khác, nhưng chắc chắn Ngài không thể nào để cho những hoạt động thế tục có tính chất thiếu trung thực lại diễn ra trong nhà của Cha là đền thờ Jerusalem. Và vì thế Ngài đã đuổi những kẻ mua bán không trung thực ra khỏi Đền Thờ.

Tôi nhìn lại cuộc sống mình và tự hỏi: Tôi có sử dụng hiệu quả thời gian Chúa ban cho tôi không? Tôi đã sử dụng bao nhiêu thời gian dành cho việc cầu nguyện? Tôi có thái độ tôn trọng như thế nào khi bước vào nhà của Thiên Chúa, là nơi có sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể?

3. Chứng nhân Lòng Thương Xót là sống đời cầu nguyện trong đức tin: Cầu nguyện và hành động được gắn chặt với nhau. Chúa Giêsu đã hành xử đúng khi lật đổ bàn của người đổi bạc và những người bán chim câu nơi Đền Thờ. Chắc chắn chúng ta sẽ không mang theo những công cụ làm việc hay phải bận rộn trực tiếp với những vấn đề cơm áo gạo tiền trong khi chúng ta đang ở trong nhà thờ. Nhưng liệu tâm trí ta có thật sự thanh thản không? Do đó, trong những giờ cầu nguyện, thánh lễ, cũng rất thích hợp để chúng ta mang những lo lắng và quan tâm của chúng ta, niềm vui của chúng ta, những thành công và thất bại để hiệp dâng với Chúa Kitô trong lời cầu nguyện. Thật là tốt biết bao cho chúng ta để nài xin Chúa đoái nhìn đến mối bận tâm của ta, và nài xin ân sủng của Ngài giúp ta tiếp tục ơn gọi của mình trong cuộc sống. Và khi chúng ta dành thời gian đặc biệt để cầu nguyện, để gặp gỡ Đức Kitô, thì chúng ta nhận ra được sức mạnh và niềm khao khát truyền bá thông điệp lòng thương xót của Ngài đến cho người khác. Chính là thông qua lời cầu nguyện mà chúng ta đầy lòng nhiệt thành tông đồ. Khi chúng ta dâng hiến ngày sống của chúng ta để trở nên công cụ sẵn sàng phục vụ yêu thương trong bàn tay của Thiên Chúa, ngày sống của chúng ta tự nó trở thành một lời cầu nguyện và ca ngợi Thiên Chúa.

Tôi tự hỏi: Vậy phải chăng lời cầu nguyện của tôi đã trở nên nguồn sức mạnh nội tâm, và hành động của tôi là một lời cầu nguyện yêu thương chưa?

Chứng nhân Lòng Thương Xót: chia sẻ trong Thánh lễ bế giảng năm học

Lạy Chúa Giêsu, Ngài đặt rất nhiều kỳ vọng nơi con, nhưng đồng thời Ngài hằng luôn luôn ở bên cạnh con giúp con bằng chính ân sủng và sự hiện diện của Ngài. Xin Chúa giúp con sử dụng thời gian của mình một cách khôn ngoan, để bước chân con là những bước chân đem lòng thương xót yêu thương tha thứ của Ngài đến cho những ai chúng con gặp gỡ, những ai chúng con được mời gọi phục vụ, đặc biệt nhất là những anh chị em bị xã hội bỏ rơi. Amen.

Lm. Giuse Hoàng Ngọc Dũng

Học viện Mục vụ TGP

--------------------------

Hình ảnh Thánh lễ Tạ ơn bế giảng năm học (27.5.2016)

Chứng nhân Lòng Thương Xót: chia sẻ trong Thánh lễ bế giảng năm học