Chiến dịch Công giáo hỗ trợ trẻ em Syria "không biết gì ngoài cảnh chiến tranh"

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 243 | Cập nhật lần cuối: 9/22/2021 1:47:56 PM | RSS

Trước thềm kỷ niệm 10 năm nổ ra cuộc chiến tranh Syria, tổ chức từ thiện Công giáo Caritas đã phát động một chiến dịch nhằm trợ giúp trẻ em tại Syria với những nguồn lực cần thiết về y tế, nhân đạo và giáo dục.

Ngày 15 tháng 3 đánh dấu kỷ niệm 10 năm cuộc chiến tranh khốc liệt ở Syria. Ngân hàng Thế giới ước tính rằng quốc gia này đã phải chịu ít nhất 197 tỷ USD thiệt hại về cơ sở hạ tầng trong cuộc xung đột.

“Trẻ em Syria không biết gì ngoài cảnh chiến tranh”, Tổ chức Caritas Quốc tế tuyên bố trên trang web của mình.

Chiến dịch “Ngày mai nằm trong tầm tay chúng ta” của tổ chức từ thiện tìm cách tăng cường cơ hội giáo dục cho trẻ em Syria sau khi đại dịch COVID-19 đẩy 50% trẻ em ra khỏi hệ thống giáo dục.

Ước tính có khoảng 2,45 triệu trẻ em Syria đã không được đến trường vào cuối năm 2019, theo tổ chức từ thiện. Hiện nay, cứ 3 trẻ em trong nước thì có 2 em nghỉ học.

“Việc trẻ em Syria không được tiếp cận giáo dục có nguy cơ có tác động tàn phá đến tương lai của đất nước. Ngành giáo dục đang rất cần các nguồn lực, và các nhà tài trợ nên tài trợ cho các biện pháp can thiệp được lên kế hoạch nhằm giúp các gia đình thoát khỏi đói nghèo”, Caritas nêu rõ.

Caritas đang tìm cách cung cấp các bữa ăn phù hợp với các chỉ số dinh dưỡng quốc tế cho trẻ em tại các trường học và tổ chức các hội thảo hướng tới trẻ em nhằm giúp ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19 và các căn bệnh khác.

Cứ 10 người ở Syria thì có 8 người sống dưới mức nghèo khổ với ước tính khoảng 11,1 triệu người đang cần một số hình thức hỗ trợ nhân đạo, trong đó bao gồm 4,7 triệu người cần sự hỗ trợ cấp thiết vào năm 2020. Trẻ em, phụ nữ có thai, những người khuyết tật và lớn tuổi là những người có nguy cơ cao nhất.

Cuộc xung đột Syria bắt đầu khi các cuộc biểu tình nổ ra trên khắp đất nước phản đối sự cai trị của Bashar al-Assad, tổng thống Syria và lãnh đạo Đảng Ba’ath của đất nước này. Vào tháng 4 năm đó, quân đội Syria bắt đầu triển khai các cuộc nổi dậy, nổ súng nhắm vào những người biểu tình.

Cuộc nội chiến đã diễn ra giữa chế độ cầm quyền Syria và một số nhóm nổi dậy. Các nhóm nổi dậy bao gồm những người ôn hòa, chẳng hạn như Quân đội Syria Tự do; các phần tử Hồi giáo như Tahrir al-Sham và Nhà nước Hồi giáo; và lực lượng ly khai người Kurd.

Nga và Iran ủng hộ chế độ cầm quyền Syria, trong khi các quốc gia phương Tây ủng hộ một số nhóm nổi dậy.

Đức Hồng y Mario Zenari, nhà ngoại giao của Vatican tại Syria trong suốt 13 năm qua, cho biết rằng sau gần một thập kỷ chiến tranh, người dân Syria giờ đây đã phải hứng chịu “quả bom đói nghèo” giữa bối cảnh đại dịch coronavirus.

Cha Firas Lutfi, một Linh mục Dòng Phanxicô, người từng là một nhà truyền giáo ở Aleppo trong đỉnh điểm của tình trạng bạo lực, đã chứng kiến những tổn thương mà thế hệ trẻ em Syria phải chịu đựng, những người đã phải trải qua suốt cả cuộc đời trong sự bất ổn và bi kịch của chiến tranh.

Vị Linh mục Dòng Phanxicô đã tìm cách tạo ra một nơi an toàn và chữa lành cho những đứa trẻ này, nhiều người trong số những trẻ em này đã rơi vào trạng thái lo sợ, trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau chấn thương.

“Chúng tôi quan sát thấy trẻ em, những đứa trẻ Aleppo, nhiều em bị chấn thương tâm lý sau chiến tranh. Nhiều em mồ côi cha mẹ, một số em bị tàn phế, cụt tay, cụt chân, và các em sợ hãi đủ mọi thứ”, Cha Lutfi phát biểu với CNA vào năm 2020.

Linh mục Lutfi đã thành lập chương trình điều trị hậu chiến tranh đau thương thuộc Trung tâm chăm sóc Phan Sinh ở Aleppo vào năm 2017. Kể từ đó, đội ngũ nhân viên gồm các nhà tâm lý học lâm sàng, các tình nguyện viên và nhân viên xã hội của tâm đã phục vụ 1.500 trẻ em Syria từ 6-17 tuổi.

Nhiều trẻ em sinh ra ở Syria trong bối cảnh bom đạn và hỗn loạn của chiến tranh không bao giờ được cấp giấy khai sinh vì không được đăng ký khai sinh với chính phủ.

Để cung cấp cho những đứa trẻ bị lãng quên này một danh tính, các Tu sĩ Dòng Phanxicô đã bắt đầu dự án “Tên tuổi và Tương lai” (Name and Future) ở Đông Aleppo.

“Chúng tôi chăm sóc những đứa trẻ này, và chúng tôi đã đăng ký chính thức cho chúng… Chúng tôi chăm sóc 500 trẻ ở mỗi trung tâm”, Cha Lutfi chia sẻ.

Trong số những đứa trẻ được các Tu sĩ Dòng Phanxicô chăm sóc tại các trung tâm ở Aleppo có những đứa trẻ bị bỏ rơi mắc hội chứng Down và chứng tự kỷ, cũng như các bà mẹ mang thai cần được giúp đỡ.

ĐTC Phanxicô đã khích lệ các tổ chức từ thiện đang tìm cách tái thiết Syria trong một thông điệp video vào tháng 12.

“Mọi nỗ lực – dù lớn hay nhỏ – được thực hiện để thúc đẩy tiến trình hòa bình cũng giống như việc đặt một viên gạch vào việc xây dựng một xã hội công bằng, một xã hội rộng mở luôn luôn chào đón và nơi tất cả mọi người có thể tìm thấy một nơi để được trú ngụ trong hòa bình”, ĐTC Phanxicô nói.

“Mọi suy nghĩ của tôi đặc biệt hướng đến những người đã phải rời bỏ nhà cửa để thoát khỏi sự kinh hoàng của chiến tranh, tìm kiếm những điều kiện sống tốt hơn cho bản thân và những người thân yêu của họ”, ĐTC Phanxicô cho biết thêm.

Theo UNHCR, Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc, hơn 5,6 triệu người đã rời bỏ Syria kể từ năm 2011.

Phần lớn người tị nạn ở lại Trung Đông, với hơn một nửa được ghi nhận hiện đang sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ (3,6 triệu người vào năm 2021) và 1,6 triệu người tị nạn khác hiện cũng đang sinh sống tại Lebanon hoặc Jordan, vốn cũng tiếp giáp biên giới với Syria.

Theo Caritas, tại chính Syria, có đến 6,7 người phải bị buộc phải di tản trong nước.

Người tị nạn Syria. / D.Khamissy / UNHCR qua Flickr CC BY SA 2.0.

Một bé gái người tị nạn Syria (Ảnh: D.Khamissy/ UNHCR/ Flickr CC BY SA 2.0)

“Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hết sức để tạo điều kiện thuận lợi cho sự trở lại này, đồng thời đảm bảo các điều kiện an ninh và kinh tế cần thiết để điều này xảy ra. Mọi cử chỉ, mọi nỗ lực theo hướng này đều hết sức đáng quý”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói.

Minh Tuệ

Nguồn: channelnewsasia.com

Trích từ: dcctvn.org