ĐHY Jean-Louis Tauran: Người tôi tớ khiêm tốn phục vụ Chúa đã ra đi

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 513 | Cập nhật lần cuối: 8/3/2018 6:02:17 AM | RSS

ĐHY Jean-Louis Tauran: Người tôi tớ khiêm tốn phục vụ Chúa đã ra điĐức Hồng y Jean-Louis Tauran đã từ trần ngày 05.07.2018, hưởng thọ 75 tuổi. Ông Greg Burke, phát ngôn viên của Tòa Thánh đã xác nhận tin trên, Đức Hồng y Jean-Louis Tauran người gốc tỉnh Bordeaux, nước Pháp, ngài bị bệnh Parkinson và gần đây được chữa trị ở bang Connecticut, nước Mỹ.

Ngài là Chủ tịch hội đồng Giáo hoàng đặc trách Đối thoại Liên tôn, một vai trò chủ chốt trong các quan hệ của Giáo hội Công giáo với Hồi giáo. Ở địa vị này, tương đương với chức vụ Bộ trưởng trong chính quyền Vatican, Hồng y Tauran là một trong các người Pháp có địa vị cao nhất trong Giáo triều La Mã.

Phát ngôn viên các Giám mục Pháp, Đức ông Olivier Ribadeau Dumas đã viết trên tài khoản Twitter: “Các Giám mục Pháp mất một người anh em trong Hội đồng Giám mục, người tôi tớ khiêm tốn của Giáo hội, nghệ nhân nhiệt thành của một đối thoại sâu xa, sáng suốt và trong sự thật với các tôn giáo khác”.

Hồng y nhiếp chính của Giáo hội

Ngày 20.12.2014, Đức Phanxicô đã đề cử Đức Hồng y Tauran vào chức vụ Hồng y nhiếp chính, công việc chính yếu là đảm nhận công việc tạm thời ở Vatican giữa hai Giáo hoàng, chức vụ đảm đương Giáo hội và tổ chức mật nghị khi trống ngôi tông tòa…, chức vụ nặng nề so với tình trạng sức khỏe của ngài, nhưng may thay đã không xảy ra khi ngài còn sống. Một chức vụ quan trọng, nhất là trong trường hợp có mật nghị, công việc mà Hồng y chưa biết. Tuy nhiên ngài đã đóng một vai trò quan trọng trong lần bầu chọn Đức Phanxicô: ngài là Hồng y phó tế có nhiệm vụ loan báo cho thế giới biết đã có tân Giáo hoàng ngày 13.03.2013. Ngài được Đức Gioan-Phaolô II phong Hồng y ngày 21.10.2003.

Ngày 01.09.2007, ngài được Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Đối thoại Liên tôn. Ngài là học giả uyên bác, nói nhiều ngoại ngữ, gần đây ngài tuyên bố với hãng tin AFP, các quan hệ khó khăn với Hồi giáo đã chiếm hết thì giờ của ngài, ngài được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm vào chức vụ này chỉ một thời gian ngắn sau các vụ tranh luận của Đức Bênêđictô XVI với Hồi giáo. Đức Hồng y Tauran hoạt động nhiều để chuẩn bị chuyến đi Ai Cập của Đức Phanxicô năm 2017. Về vấn đề Hồi giáo, ngài cho biết “dù đã nói nhiều” nhưng công việc ngoại giao của ngài chỉ ảnh hưởng nhiều đến giới ưu tú hơn là tín hữu Hồi giáo.

Đức Hồng y Jean-Louis Tauran cống hiến phần lớn đời mình để phục vụ Tòa Thánh: ngài chịu chức linh mục năm 1969 ở Bordeaux, nước Pháp. Ngay từ những năm đầu 1970, ngài được mời về làm việc ở Giáo hoàng Học viện giáo sĩ. Sau một thời gian làm Sứ thần Tòa thánh ở Liban, năm 1989 ngài được đề cử vào chức vụ phó bộ trưởng các quan hệ với các Quốc gia, tương đương với Thứ trưởng bộ Ngoại giao.

Ngài là Hồng y chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại và Liên tôn, một chức vụ phức tạp và tế nhị đưa ngài đi khắp nơi trên thế giới. Ngài cũng là nhà ngoại giao xuất chúng, Đức Gioan-Phaolô II đã đề cử ngài là “bộ trưởng Ngoại giao” từ năm 1991 đến năm 2003 trước khi phong ngài làm Hồng y. Chắc chắn ngài là một trong những nhân vật hiếm hoi trên thế giới đã gặp gỡ cá nhân vừa cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon, vừa cựu Tổng thống Irak Mahmoud Ahmadinejad hay vua Ả-rập Xê-út… nhưng ngài không ngây thơ chút nào trước các nhân vật này.

Trong lãnh vực Liên tôn giáo, ngài cũng gặp nhiều nhân vật khác nhau với tấm lòng tôn trọng và ngay cả với tấm lòng yêu thương, không mang một hình thức nào của thuyết tương đối hay đánh đồng. Ngài nghiêm túc, chặt chẽ, chính xác, ngài đích thực là người con của Giáo hội.

Đức Giáo hoàng mất một người bạn, một cột trụ của triều Giáo hoàng của mình. Ngài là người bảo vệ cho ê-kíp Vatican News của chúng tôi, ngài là Hồng y duy nhất trực tiếp dùng Radio Vatican như trạm chuyển tự phát và ngay lập tức để phát đi các thông điệp của mình, nhất là sau các thảm kịch khủng bố gần đây đã làm chao đảo lòng tin của tín hữu kitô và hồi giáo.

Cá nhân tôi, tôi đã gặp ngài hai lần, mỗi lần gặp tôi đều ấn tượng giữa sự cách biệt về tình trạng yếu đuối cơ thể và tinh thần nhạy bén thông tuệ của ngài. Cách đây ít lâu, tôi có viết tình trạng yếu đuối của ngài đã làm cho các người đối thoại với ngài không còn cách chống đỡ, có thể vì vậy đã làm cho cuộc đối thoại giữa các thể chế mang tính nhà báo hơn, ít thể chế hơn.

Chẳng hạn, chúng ta hình dung phản ứng của một vị chức sắc tôn giáo khác đã đưa tay ra đỡ ngài để ngài đi không bị té… Tôi hình dung các cảnh như thế đã xảy ra và tình đoàn kết thực hiện qua các cử chỉ này, dấu ấn của sự “không-tự đủ” mà hơn ai hết, những người bệnh thấm hiểu, mở ra con đường lân tuất, vượt lên các hàng rào tôn giáo hay văn hóa. Dù sao Đức Hồng y Tauran không mang lại hình ảnh của một thể chế hùng mạnh và kiêu căng như một số người đôi khi vẫn còn chỉ trích Giáo hội công giáo, họ thường nhắc lại một hình ảnh xưa cũ của Giáo hội.

Chúng ta thương tiếc Đức Hồng y Tauran và chúng ta khóc ngài. Xin Chúa đón nhận Hồng y trong bình an và trong lòng thương xót của Ngài, bây giờ ngài đã được giải thoát khỏi cơ thể đau đớn và linh hồn ngài đã được nghỉ an.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm (dịch)
Nguồn: phanxico.vn