Cursillo, một phong trào giáo dân

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 5455 | Cật nhập lần cuối: 3/2/2018 1:03:09 AM | RSS

I. NGUỒN GỐC VÀ ĐOÀN SỦNG HÌNH THÀNH PHONG TRÀO

1. Bối cảnh lịch sử

a) Vào đầu thế kỷ 20, các học thuyết đặt nền tảng trên chủ nghĩa vô thần xuất hiện, đã gây khủng hoảng đến niếm tin Kitô giáo.

b) Cuộc nội chiến tương tàn thảm khóc của nước Tây Ban Nha (1936 – 1939), đã đưa đất nước TBN và con người đến suy sụp, gây ra tâm trạng chán nản, bất mãn với cuộc sống. Tinh thần giáo dân bị chao đảo. Càng ngày họ càng xa tránh Giáo hội.

c) Cuộc đại chiến thứ hai (1939 – 1945), làm tinh thần con người càng thêm sa sút, mất hẳn hướng đi. Chính ĐGH Piô XII cũng nhìn nhận có rất nhiều người đã rời bỏ cuộc sống Kitô hữu (Huấn từ tại Roma ngày 6.2.1940)

Chính trong những bối cảnh đó, Giáo hội Tây Ban Nha cổ võ đoàn thanh niên công giáo tiến hành tổ chức những cuộc hành hương viếng mộ Thánh Giacôbê Tông đồ ở Santiago de Compostella. Để giúp cho cuộc hành hương đạt kết quả, giáo phận đã tổ chức những khóa cấp tốc dành cho những người hướng dẫn đoàn hành hương. Chính công cuộc sửa soạn cho các cuộc hành hương viếng mộ Thánh Giacôbê tông đồ là tiền thân Phong trào Cursillo. Cuộc hành hương đầu tiên có khoảng 100.000 thanh niên tham dự.

2. Giai đoạn hình thành

- Ông Eduardo Bonnin (1917 – 2008) một trong những vị sáng lập, khi đọc Huấn từ của Đức Piô XII đã được đánh động. Ông nghiên cứu và giúp hình thành ra Phong trào Cursillo cách có hệ thống.

- Khởi đầu ông đã tham gia tổ chức những cuộc hành hương cho giới thanh niên (năm 1940). Trong khi chuẩn bị cho những chuyến hành hương, ông và những người có trách nhiệm nhận thấy nhu cầu cần thiết phải có một vài khóa học cho thành phần lãnh đạo. Nên đã mở ra những khóa học kéo dài một tuần lễ cho họ, một năm 2 lần vào mùa Phục Sinh và mùa Giáng Sinh.

- Nhưng đứng trước thực tại cuộc sống hằng ngày mà đa số không thể ngưng mọi sinh hoạt của mình trọn một tuần lễ được, nên ông Eduardo Bonnin nghĩ đến việc gói ghém lại trong ba ngày. Thế là từ đó đến nay phong trào luôn giữ lại khóa học ba ngày, gọi là Cursillo, nghĩa là Khóa ngắn ngày.

- Năm 1947, Đức Thánh Cha Piô XII đã tấn phong và bổ nhiệm cha Hervas làm Giám Mục giáo phận Mallorca. Đức tân Giám Mục đã chấp nhận phong trào hoạt động trong giáo phận ngài coi sóc. Phong trào chính thức được hình thành với cái tên CURSILLO DE CRISTIANDAD, nghĩa là khóa học về Kitô giáo, tiếng Việt Nam gọi là PHONG TRÀO HỘI HỌC KITÔ GIÁO.

II. YẾU TÍNH PHONG TRÀO CURSILLO

- Yếu tính (essence) còn được gọi là bản thể, cốt tủy hay bản chất – là cái gốc, cái cốt lõi của một phong trào hay một tổ chức, luôn được duy trì cho dù hình thức bên ngoài có thể thay đổi. Yếu tính là đặc tính giúp bảo tồn phong trào, giúp cho phong trào không bị biến thể trong mọi hoàn cảnh.

- Vậy yếu tính của Phong trào được định nghĩa là “phong trào của Giáo Hội. Với phương pháp riêng, phong trào giúp cho các thành viên sống những gì là căn bản của người Kitô hữu, và biết sống với người khác những điều căn bản ấy. Phong trào giúp các thành viên khám phá và sống trọn vẹn ơn gọi riêng của mình. Phong trào cũng thúc đẩy việc hình thành các nhóm Kitô hữu nòng cốt, làm dậy men Tin Mừng trong những môi trường sống của họ bằng Phúc Âm” (trích Những Tư Tưởng Nền Tảng PT Cursillo, số 74)

III. MỤC ĐÍCH CỦA PHONG TRÀO CURSILLO

Có 2 mục đích :

1. Mục đích trực tiếp: nhằm cung cấp một nền tảng để các thành viên có thể sống những điều căn bản giúp trở nên Kitô hữu đích thực, yêu Chúa yêu tha nhân, được cảm nghiệm qua ba cuộc gặp gỡ thiết yếu: gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Chúa Kitô và gặp gỡ tha nhân.

2. Mục đích tối hậu: Phong trào ra đời với mục đích “Phúc Âm Hóa Thế Giới”, thực ra mục đích này cũng là mục đích của Giáo Hội, nên Phong trào được định nghĩa là Phong trào của GH.

Phong trào Phúc Âm Hóa bằng cách đem Tin Mừng đến cho nhân loại qua những môi trường sống dị biệt trong xã hội, cố gắng cải hóa lương tâm cá nhân cũng như tập thể, làm cho tinh thần Phúc Âm đi vào tận tâm tưởng con người và vào các cơ chế của xã hội để nhân loại được sống hạnh phúc.

Phong trào chủ trương rằng mỗi thành viên của mình (gọi là Cursillista), cố gắng là men, là muối tại môi trường sống, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào nhiều môi trường xã hội, như thế hợp lại sẽ có sức đổi mới thế giới.

IV. SÁCH LƯỢC CỦA PHONG TRÀO CURSILLO

Trong mọi hoạt động, nếu muốn đạt được thành quả, cần phải có kế hoạch để biến lý thuyết thành hành động. Phong trào Cursillo cũng thế, muốn được hữu hiệu và đạt mục tiêu, thì cũng phải đề ra một sách lược nhằm phối hợp các hoạt động của phong trào. Sách lược ấy gồm 3 giai đoạn như sau :

1. Giai đoạn Tiền Cursillo

Giai đoạn này bao gồm 5 điểm chính sau đây :

a. Nghiên cứu và chọn lựa môi trường (Environment): (1) nhìn vào thực tại nơi địa phương để tìm ra môi trường Phúc âm hóa, (2) nắm vững các chỉ dẫn Giáo Hội, của HĐGM, của GM địa phương đặt ưu tiên về điểm mục vụ nào, (3) soạn thảo kế hoạch riêng cho phong trào.

b. Tìm kiếm ứng viên: Ứng viên phải có triển vọng giúp cho công tác rao truyền Tin Mừng được hữu hiệu. Vì mội trường đa dạng nên trình độ nào cũng có thể tham gia Cursillo, với điều kiện là vững vàng đức tin, trưởng thành trong đời sống đạo, có trách nhiệm, có nhân cách, có ảnh hưởng trên người khác, có thể là men, là muối, ánh sáng cho môi trường ấy, và sau cùng biết hợp tác với những người khác …

c. Lựa chọn ứng viên: Nên tuyển chọn hai ba ứng viên trong một môi trường, để tiện lập những nhóm nòng cốt trong giai đoạn Hậu Cursillo.

d. Chuẩn bị cho ứng viên là điều rất quan trọng và cần thiết để họ có thể thâu đạt kết quả tối đa trong khóa học và dễ dàng tham gia sinh hoạt sau đó... Mỗi ứng viên đều có người bảo trợ hay nhóm bảo trợ đảm trách. Những người này có trách nhiệm giúp đỡ ứng viên trước phong trào.

e. Chuẩn bị cho khóa Cursillo: bao gồm việc cầu nguyện, làm Palanca (bó hoa thiêng liêng), chuẩn bị cho ứng viên mở lòng đón nhận Sứ Điệp của Thiên Chúa qua việc tham dự Khóa Ba Ngày.

2. Giai đoạn tham dự Khóa Ba Ngày (The Three-Day Weekend)

- Khóa Ba Ngày còn được gọi là Khóa Tĩnh Huấn được gói ghém trong thời gian 3 ngày. Gọi là Tĩnh Huấn vì vừa là tĩnh tâm vừa là học hỏi, huấn luyện.

- Các tham dự viên của Khóa Tĩnh Huấn được giúp nhận ra ơn gọi của mình. Đồng thời cũng được trang bị những giáo lý cần thiết để sống là một người Kitô hữu trưởng thành và phương cách làm công tác tông đồ cách hữu hiệu. Sau cùng các tham dự viên được khơi dậy lòng hăng hái lên đường phục vụ cho Tin Mừng.

- Nhờ sức tác động mạnh mẽ của ơn Chúa, các tham dự viên sẽ có một sự thay đổi khác thường.

3. Giai đoạn Hậu Cursillo (còn gọi là Ngày Thư Tư)

- Sau Khóa Ba Ngày, tân Cursillista trở lại với môi trường họ sống, họ sẽ thực thi sứ mạng của người Kitô hữu cách trường kỳ và bền bỉ. Họ sẽ làm dậy men Tin Mừng môi trường họ sống, qua việc làm chứng nhân cho Tin Mừng một cách tự nhiên và tự nguyện.

- Để được bền đỗ, phong trào sẽ cống hiến cho họ những phương cách giữ vững sự quyết tâm đó qua những phương thức sinh hoạt thường xuyên là :

(1) Hội Nhóm thân hữu (Reunion) (từ khoảng 5-7 người) giúp thăng tiến cá nhân, họ chia sẻ với nhau dựa trên 3 phương diện :

- SÙNG ĐẠO (giúp nhau nên thánh qua những việc đạo đức)

- HỌC ĐẠO (đào luyện, học hỏi Kinh thánh, sách thiêng liêng, các tài liệu Giáo hội...)

- HÀNH ĐẠO (Truyền bá Tin Mừng),

(2) Hội Ultreya, giúp thăng tiến công đồng, bao gồm nhiều Hội nhóm, cùng chia sẻ với nhau cũng dựa trên 3 phương diện : SÙNG ĐẠO – HỌC ĐẠO – HÀNH ĐẠO –. NHỮNG CHỨNG TỪ. Khi Hội Ultreya, hội sẽ liên kết họ lại với nhau thành một cộng đồng Cursillo hữu hình, cùng nhau hoạt động và cùng hỗ trợ nhau.

* Ultreya trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Hãy tiến lên”, phát xuất từ các cuộc hành hương viếng mộ Thánh Giacôbê Tông đồ. Sau này chỉ ý nghĩa thúc đẩy nhau tiến lên trong sứ mạng PÂH môi trường.

- Châm ngôn của phong trào là: ”Một tay nắm lấy Chúa, một tay nắm lấy anh chị em”.

V. VỊ THẾ CỦA PHONG TRÀO CURSILLO TRONG GIÁO HỘI

- Năm 1963, ĐGH Phaolô VI đã ký Tông sắc nhận Thánh Phaolô Tông đồ làm bổn mạng Phong trào Cursillo, mừng ngày 25/1 hoặc 29/6 hằng năm.

- Ngày 28.05.1966 nhân dịp Đại hội Ultreya toàn thế giới được tổ chức lần đầu tiên tại Roma. ĐGH Phaolô VI đã khuyến khích và trao trách nhiệm cho Phong trào giữ vai trò tiên phong trong việc canh tân thế giới cho Chúa Kitô theo tinh thần công đồng Vatican II.

- Năm 1971, ĐGH Phaolô VI đã công bố Phong trào Cursillo là một ân sủng của Thiên Chúa.

- Phong trào này còn là thành viên các tổ chức Công giáo Quốc tế thuộc Hội Đồng Giáo Hoàng, đặc trách giáo dân tại Roma. Hội đồng này đã ban sắc lệnh ngày 31.05.2004 nhìn nhận tổ chức quốc tế của phong trào Cursillo có tư cách pháp nhân và phê chuẩn Nội Qui của Phong trào.

- Ngày 6.5.2002, ĐGH Gioan Phaolo II đã gửi lời khuyến khích đến phong trào, một nỗ lực canh tân đời sống Kitô hữu. Ngài nói:”Hạt giống nhỏ bé gieo rắc trên quốc gia Tây Ban Nha hơn 50 năm trước đã trở thành một cây xum xuê hoa trái của Chúa Thánh Thần. Đây là dụng cụ Thiên Chúa tạo nên để loan báo Tin Mừng trong thời đại chúng ta”.

- Ngày nay Phong Trào Cursillo đã trở thành một tổ chức quốc tế, hiện diện trong hơn 800 Giáo phận, trên 60 quốc gia, với 10 triệu thành viên.

VI. TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU HÀNH PHONG TRÀO CURSILLO THẾ GIỚI

Phong trào Cursillo có VĂN PHÒNG ĐIỀU HÀNH THẾ GIỚI, gọi tắt là OMCC (Organismo Mundial De Cursillos de Cristiandad) và được chia thành 4 khu vực :

- Nam Mỹ - Bắc Mỹ - Châu Âu - Châu Á Thái Bình Dương.

- 4 khu vực sẽ luân phiên Điều Hành Văn Phòng Thế Giới (nhiệm kỳ 4 năm)

- Mỗi quốc gia có Văn Phòng Điều hành Quốc gia.

- Mỗi giáo phận sẽ có Văn Phòng Điều Hành cấp Giáo phận (còn gọi là Ban Phục Vụ) và đặt dưới sự hướng dẫn của Đức Giám Mục qua cha Linh Hướng.

VII. TỔ CHỨC VÀ ĐIỀU HÀNH PHONG TRÀO CẤP GIÁO PHẬN

Đây là cơ cấu quan trọng nhất và có tính chất quyết định đến phong trào của một giáo phận, và gồm có : (1) Trường Hướng dẫn (còn gọi là Trường Lãnh Đạo, (2) Ban Linh Hướng + Ban Phục Vụ Giáo Phận (còn gọi là Văn Phòng Điều Hành),. Đó là 2 cơ cấu bắt buộc phải có cho phong trào cấp giáo phận.

1. Trường Lãnh Đạo hay Trường Hướng Dẫn (School of Leaders)

- Trường ở đây không có nghĩa là nơi huấn luyện hay đào tạo cấp lãnh đạo, chỉ có nghĩa là một tập họp những người lãnh đạo cùng chí hướng sinh hoạt với nhau; chữ “school” trong ấn bản tiếng Anh có nghĩa là “school of fish” (nghĩa là một đàn cá): một tập họp những người cùng quyết tâm dấn thân cho Phong trào. Trường Lãnh đạo khai sinh ra PT Cursillo cấp Giáo phận, nuôi dưỡng và làm cho PT lớn mạnh.

- Nhiệm vụ của Trường Lãnh Đạo: (1) phải là nơi qui tụ các Kitô hữu quyết tâm đáp lại ơn gọi nên thánh, “sống chết” cho Phong trào, (2) là nơi qui tụ mọi người sống tình cộng đồng, hiệp thông với Giáo hội và với nhau qua việc cầu nguyện chung, học hỏi chung, làm việc chung, tiếp xúc cá nhân với nhau, (3) là nơi giúp đào luyện người Tín Hữu Giáo Dân, với các khía cạnh như tâm linh, giáo lý, giá trị con người, lương tâm xã hội, sứ mạng tông đồ. ..(4) lập kế hoặch nhằm thực hiện Phong trào.

2. Nhiệm Vụ Ban Linh Hướng (Spiritual Direction)

(1) gồm nhiều linh mục được chỉ định bởi Giám Mục sở tại theo cấp Địa phận hay theo liên nhóm, (2) phụ trách những nhu cầu về “tinh thần, về đời sống thiêng liêng” cho Văn Phòng Điều Hành và cho toàn Phong Trào giáo phận, (3) có trách nhiệm mời những linh mục hay những tu sĩ có lời khấn, thầy Sáu giúp những bài về tín lý trong Trường Lãnh Đạo, Khóa Ba Ngày và trong những buổi Đại Hội Ultreya.

3. Văn Phòng Điều Hành hay Ban Phục Vụ (Secretariat)

- Văn Phòng Điều hành là một Ủy Ban đặc biệt gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân được tuyển chọn từ trường lãnh đạo cộng đồng Cursillo, và được giáo quyền ủy nhiệm công việc hướng dẫn, phối hợp, đề xướng và phục vụ phong trào Cursillo trong giáo phận.

- VPĐH/ĐP tiêu biểu gồm có: Trưởng Ban Điều Hành (giáo dân) – Linh hướng (Linh mục – Thầy Sáu – hoặc Tu sĩ) – Trưởng Khối Trường Hướng Dẫn – Trưởng Khối Tiền – Trưởng Khối Khóa 3 ngày – Trưởng Khối Hậu - Thư Ký – Thủ Quĩ.

- Nhiệm vụ VPĐH :

1. Chịu trách nhiệm mọi sinh hoạt của Phong trào. Tuy nhiên nên ủy nhiệm hoặc chuyển bớt công tác cho Trường Hướng dẫn, vì THD là cánh tay đắc lực của VPĐH.

2. Giám định và xem xét các công việc ở Khối Tiền.

3. Giám định và xem xét những công việc của Khối 3 Ngày trên mọi vấn đề.

4. Giám định và xem xét Khối Hậu trong các buổi Hội Ultreya, gìn giữ và khơi động các buổi Hội Nhóm.

5. Đưa ra những chỉ thị cho Trường Hướng dẫn.

6. Làm bản báo cáo hằng năm cho ĐGM và cho VPĐH cấp Quốc gia về tình trạng, các thành quả, việc thực hiện các kế hoạch.

VII. PHONG TRÀO CURSILLO TẠI VIỆT NAM

1. Lịch sử hình thành và phát triển

- Ngay sau khi Tòa Thánh ban hành thánh Công đồng Vatican II, Hàng Giáo Phẩm Việt Nam đã rất quan tâm đến Phong trào Cursillo. Năm 1967, sau khi tham dự 1 khóa Cursillo tại Philippines, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Nguyễn văn Thuận đã khởi xướng việc hình thành Phong trào Cursillo tại VN, cách riêng trong giáo phận Nha Trang, mỗi năm Ngài mở 2 khóa (xem cuốn Cha Tôi)

- Khóa tiếng Việt đầu tiên tại Việt Nam được tổ chức tại Tu viện Bêthania thuộc Tổng giáo phận Sài-gòn vào ngày 27/01/1967 do Tôi Tá Chúa - Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đứng ra tổ chức. Ngày 9.2.1967, khóa II cũng được tổ chức tại Bêthania. Từ đây, Phong Trào Cursillo bắt đầu lan rộng khắp miền Nam:

· Sài Gòn : 27/1/1967 (không rõ có bao nhiêu khóa)

· Cần Thơ: 07/8/1969 (có khoảng 13 khóa)

· Nha Trang: 20/11/1969 (không rõ có bao nhiêu khóa)

· Long Xuyên: 19/02/1970 (không rõ có bao nhiêu khóa)

· Vĩnh Long: 01/6/1972 (không rõ có bao nhiêu khóa)

· Huế: 26/7/1973 (không or4 có bao nhiêu khóa)

· Xuân Lộc 14.12.1967 (có khoảng 23 khóa)

- Sau biến cố 1975, Phong trào không hoạt động được nữa, các anh chị em chỉ gặp nhau âm thầm sống làm chứng nhân cho Chúa. Hiện nay những thành viên cũ đã qua đời hoặc đã già nua.

2. Phong Trào Cursillo và tương lai Giáo Hội Việt Nam

Hiện nay Phong Trào Cursillo đang từng bước phát triển trở lại. Các Giáo Phận đã sinh hoạt là Vinh, Xuân Lộc, Saigòn, Phú Cường, Nha Trang. Các Giáo phận khác cũng dần hình thành phong trào như Đà Nẵng, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên.

Lm. Micae Trần Đình Nha

Nguồn: gpcantho.com