Legio Mariæ trong thế giới ngày nay (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 3338 | Cật nhập lần cuối: 10/11/2015 8:29:07 AM | RSS

Nhiều năm trước Công đồng Vatican II, đã có nhiều lời chỉ trích, cáo buộc Legio Mariæ là quá tân thời, quá cách mạng, trong hệ thống huấn luyện các nam nữ giáo dân tham gia nhiều hoạt động tông đồ cùng với các linh mục và giúp đỡ các linh mục quản xứ.

Legio Mariæ rất nổi bật trong thời kỳ đó, và có những người nghi ngờ rằng tông đồ giáo dân đã xâm nhập bừa bãi vào lãnh vực mục vụ chăm sóc các linh hồn, vốn là một lãnh vực vào thời đó thuộc về bổn phận của các Linh mục.

Bây giờ thì lạ thay, sau Công đồng Vatican II, lại có những lời chỉ trích rằng Legio Mariæ không đủ hiện đại; Legio Mariæ vẫn còn quá lỗi thời; và phải được cập nhật để bắt kịp với tinh thần của Công đồng Vatican II.

Những lời chỉ trích Legio Mariæ hiện thời đặt nền tảng trên một sự nhận thức rằng Legio Mariæ làm cho các hội viên thấm nhiễm một lòng sùng kính Đức Mẹ Maria sâu sắc và mạnh mẽ thúc giục họ dẫn đưa những người không thuộc Giáo hội trở về với Giáo hội Công giáo, và đặt nền tảng trên những giả định sai lạc rằng Công đồng Vatican II không muốn nhấn mạnh tới lòng sùng kính Mẹ Maria và muốn đẩy phong trào đại kết thay thế cho tinh thần tông đồ đi hoán cải tha nhân.

HỘI LEGIO MARIÆ KHÔNG LỖI THỜI

Legio-Mariae-1.jpg

Với những ai hiểu biết về Công đồng Vatican II, thì quả rõ ràng Legio Mariæ không hề lỗi thời, điều này thể hiện qua những quyết định của Công đồng. Thực thế, nhiều Giám mục tham dự Công đồng đã nhìn nhận Legio Mariæ là mẫu hình lý tưởng của việc giáo dân tham gia vào sứ mạng của Giáo hội trong thế giới hiện đại này. Nhiều Giám mục nhìn nhận Legio Mariæ có vai trò quan trọng trong thời đại chúng ta, điển hình trong số đó, có Giám mục John McEleney của Jamaica. Các vị đã khởi xướng Legio Mariæ trong giáo phận của mình ngay khi trở về sau phiên họp khoáng đại cuối cùng của Công đồng Vatican II. Hành động này sẽ hóa ra ngớ ngẩn nếu như các vị cho rằng Legio Mariæ đã lỗi thời rồi.

Đức Hồng y Krol, vị phụ tá thư ký của Công đồng Vatican II, biết rõ suy nghĩ của các nghị phụ Công đồng, nhận thấy Legio Mariæ là một đoàn thể “có sứ mạng tông đồ đích thực và hoàn toàn phù hợp với các sắc lệnh cũng như tinh thần của Công đồng chung Vatican II.”

Đức Hồng y Suenens, đã phát biểu ở Rô-ma trong lúc Công đồng đang họp, rằng Legio Mariæ thực sự đã tham dự Công đồng Vatican II theo nhiều cách khác nhau. Thật vậy, chúng ta có thể thấy rằng Ủy ban thành lập Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân đã tham khảo Thủ Bản của Legio Mariæ. Trong Sắc lệnh ấy, hội viên Legio Mariæ có thể thấy rằng nhiều ý tưởng, và đôi khi, cả những ngôn từ nữa lặp lại từ Thủ Bản của Legio Mariæ.

Ngày 6 tháng 1 năm 1965, Đức giáo hoàng Phaolô VI gởi đến ngài Frank Duff, Đấng sáng lập Legio Mariæ, một lá thư tán dương và khích lệ tất cả các thành viên của Legio Mariæ. Xin dẫn một lời tán dương đặc biệt được trích từ lá thư này: “Dẫu cho tinh thần của Legio Mariæ được hấp thụ dưỡng chất phong phú từ đời sống nội tâm mạnh mẽ, từ việc tuân giữ kỷ luật, từ sự tận hiến vì ơn cứu độ của tha nhân, từ lòng trung thành tuyệt đối với Giáo hội, thì tinh thần ấy vẫn trở thành một đặc tính chuyên biệt của Legio Mariæ nhờ lòng vững vàng tin tưởng vào hành động của Đức Nữ Trinh diễm phúc” [Thủ Bản – Phụ Lục (TB- PL) 1,572].

Đối với Đức Phaolô VI, Legio Mariæ có tầm quan trọng trong những ngày họp Công đồng.

Legio-Mariae-2.jpg

Nhận được lời khuyên từ các vị linh giám rằng Legio Mariæ cần có sự đổi mới để thăng tiến theo đường hướng của Công đồng Vatican II, thì ngài Frank Duff, chính ngài cũng là một dự thính viên giáo dân ở Công đồng Vatican II, đã bắt đầu nghiên cứu rất cẩn thận các tài liệu của Công đồng, để tìm hiểu xem hệ thống tổ chức Legio Mariæ có nên thay đổi hay không và thay đổi như thế nào. Cùng lúc đó, ngài Frank Duff đã gởi cho Đức Giáo hoàng Phaolô VI một bản sao Thủ Bản bằng Anh ngữ, kèm với một quyển nhật ký, trình bày chi tiết những điểm thay đổi lớn của Legio Mariæ, qua sự hướng dẫn của các vị Linh giám ở trong và ngoài Legio Mariæ. Ngài Frunk Duff xin Đức Thánh Cha thêm lời chỉ bảo cho Legio Mariæ trong vấn đề này.

Qua Vị Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Phaolô VI đã đáp lại lời thỉnh cầu này vào ngày 2 tháng 6 năm 1966. Thư hồi đáp như sau: “Xin kính gởi Legio Mariæ, với thẩm quyền Giáo hoàng tối cao, tôi khẳng định chắc chắn với Legio Mariæ rằng tôi không có dự định thay đổi những điểm trình bày ở đây, ít nhất trong một tương lai có thể dự đoán được. Tôi tin rằng thông tin này sẽ rất có giá trị và là sự an ủi cho Legio Mariæ cũng như cho các đồng sự.”

Đây là niềm an ủi và đảm bảo cho chúng ta, các hội viên Legio Mariæ, rằng Legio Mariæ thực sự là điều mà Đức Giáo hoàng Phaolô VI mong muốn; và đúng là Công đồng Vatican II ước mong có một tổ chức tông đồ giáo dân như thế.

VẪN CÓ NHỮNG NHU CẦU THAY ĐỔI TRONG LEGIO MARIÆ

Tuy nhiên, Legio Mariæ vẫn có những nhu cầu phải cải tiến, thay đổi triệt để, mang một cái nhìn mới, qua sự góp ý đặc biệt của các Linh mục, mà nhiều Vị trong số đó là Linh giám của Legio Mariæ.

Một vài Linh mục đề nghị phải có những thay đổi chỉ vì thay đổi, vốn là điều tự thân (nội tại) phải làm trong thời đại hiện nay; Những vị khác, với tình yêu mến thực sự với Legio Mariæ, đề nghị Legio Mariæ có những thay đổi – Các vị tin rằng nếu đề nghị được thực hiện, thì Legio Mariæ sẽ thu hút được rất nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ.

Khi nghiên cứu những đề nghị thay đổi này, chúng ta thấy quá rõ rằng có vài đề nghị thay đổi là chuyện rất nhỏ, nhưng cũng có những điều lại rất triệt để, làm ảnh hưởng đến cấu trúc toàn thể của Legio Mariæ, và nếu tuân theo, sẽ tạo ra một tổ chức mới không còn phải là Legio Mariæ nữa; sẽ không còn là Legio Mariæ như được hình dung bởi Đấng sáng lập và được chấp thuận bởi các Đức giáo hoàng cũng như các Giám mục trên toàn thế giới.

NHỮNG THAY ĐỔI DIỄN RA TRONG LEGIO MARIÆ

Vì Legio Mariæ là một tổ chức sống động, nên có thể hiểu rằng những thay đổi nhỏ vẫn luôn diễn ra. Trong thời gian gần đây, những hoạt động tông đồ mới đã được thử nghiệm và được sáp nhập vào hệ thống, vào Thủ Bản của Legio Mariæ, ví dụ, chương trình “Lên đường vì Chúa Kitô”, “Cư dân của Mẹ Maria”; “Tìm hiểu về Thiên Chúa”; và “Lòng nhiệt thành đích thực đối với Quốc gia”. Ấn bản mới nhất của Thủ Bản phản ánh khá nhiều những thay đổi này khi trình bày những đổi mới về các lời kinh trong các giờ cầu nguyện của Legio Mariæ, rồi những đổi mới về bản chất của mối liên đới với các thành viên tán trợ, và đổi mới qua việc sẽ loại bỏ, không trao tặng bằng khen cho các thành viên Legio Mariæ.

Nhưng không có đổi mới nào làm thay đổi hệ thống tổ chức căn bản của Legio Mariæ, cũng không làm thay đổi những nguyên lý cốt yếu và linh đạo được đề ra trong Thủ Bản.

Nhiều thay đổi đã diễn ra và có thể diễn ra trong Legio Mariæ. Các phê bình về Legio Mariæ có thể được đảm bào rằng các đề nghị của họ về thay đổi, nêu được đưa ra một cách nghiêm túc thông qua các nguồn chính thức, sẽ được nghiên cứu cách cẩn thận ở Hội đồng Concilium trung ương tại Dublin Ireland. Nếu những kiến nghị được xem xét rộng rãi chúng sẽ được đưa ra một cách dân chủ để tất cả các cấp Hội đồng trên thế giới nêu lên ý kiến của họ.

VÀI THAY ĐỔI ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ

Có những thay đổi nào đã được đề nghị để thăng tiến Legio Mariæ?

Thủ Bản được xuất bản ở Mỹ. Ở Mỹ, có một nhu cầu thường được lặp lại rằng nên có một Ấn bản của Thủ Bản Legio Mariæ tại đây. Vài người có ý kiến: phiên bản mới này không cần thay đổi nhiều nguyên tắc trong hệ thống Legio Mariæ, nhưng sẽ trình bày những ý tưởng tương tự theo hình thức bản địa thời hiện đại, và như thế sẽ dễ hiểu hơn, đặc biệt đối với các hội viên trẻ.

Thỉnh cầu này dường như rất hợp lý, nhưng đó luôn là ý kiến của những người chưa bao giờ biết đến một bản viết tay (bản thảo) cho một ấn bản Thủ Bản Anh ngữ. Những lời góp ý này được đưa ra dưới hình thức một lời phàn nàn, và người ta mong chờ công việc được thực hiện bởi những người vui lòng với một xuất bản bằng Anh ngữ hiện đại. Bất cứ bản thảo nào đưa ra qua những lời góp ý như thế đều sẽ được các các cấp Hội đồng xem xét cẩn thận.

Tuy nhiên, Thủ Bản Legio Mariæ ngày càng được chấp nhận như là một tác phẩm linh đạo kinh điển không cần "dịch lại", giống như tác phẩm Anh ngữ của Shakespeare không cần thay đổi cho các độc giả ở Mỹ. Người ta thường bình luận rằng Thủ Bản được soạn thảo duy bởi một người Ai Len trong thập niên năm 1920, và rằng các thành viên Legio Mariæ bắt buộc phải tuân theo kể từ đó.

Thực ra, Thủ Bản Legio Mariæ đầu tiên ra đời vào cuối thập niên 1920, ít người nhận ra Thủ Bản đã phát triển từ một quyển sách khá mỏng tới một kích cỡ đầy 300 trang giấy in như bây giờ.

Cần biết rằng Thủ Bản Legio Mariæ là một sưu tập các phương pháp, các tác phẩm và các lý tưởng, chỉ được ghi chép lại cách chính thức sau khi đã kiểm tra ở nhiều nơi và được chấp thuận.

Legio Mariæ đã sống và hoạt động trước khi được viết vào sách. Thủ Bản của Legio Mariæ sẽ chẳng bao giờ là hoàn toàn “lỗi thời, phải cập nhật”, vì nhiều tác phẩm và phương pháp được thử nghiệm hôm nay, chưa được gồm tóm vào trong ấn bản hiện tại.

NHỮNG ĐỀ NGHỊ THAY ĐỔI KHÁC

Còn những kiến nghị đổi mới Legio Mariæ nào khác nữa? Chúng được nhóm vào bốn chủ đề chính sau đây:

1. Trong thời buổi tự do này, hệ thống Legio Mariæ quá cứng nhắc. Điều lệ của Legio Mariæ không giữ một tinh thần tự do cá nhân như hướng dẫn của Công đồng Vatican II. Do đó, Legio Mariæ không nên tuân thủ các luật lệ của mình cách sơ cứng. Thay vì một ít người gặp gỡ hàng tuần, hãy cho phép họ tham dự buổi họp mỗi hai, ba, hoặc bốn tuần một lần; mỗi hội viên không nên bị ép buộc phải hoạt động căn bản hai giờ mỗi tuần, nhưng nên để họ tự do thực hiện điều mình cảm thấy muốn làm; thay vì bắt buộc phải làm việc theo nhóm, các hội viên có thể tự do làm việc một mình khi họ muốn; Các hội viên tùy ý đọc thuộc bất cứ một lời nguyện nào họ muốn trong khi họp mặt, thay vì cứ buộc phải đọc thuộc những lời kinh nguyện có sẵn của Legio Mariæ. Không nên có một Legio Mariæ nhấn mạnh cộng tác làm việc với các Đấng phẩm trật Hội Thánh và vâng phục tuyệt đối.

2. Lòng sùng mộ Đức Mẹ Maria sâu sắc mà Legio Mariæ khắc ghi vào trong các hội viên không tương hợp với tinh thần của Công đồng Vatican II. Thay vì kinh Mân Côi buộc phải đọc trong mỗi buổi hội họp Legio Mariæ, nên có những lời Kinh nguyện khác (phổ biến thích hợp hơn), hoặc ít nhất chuỗi Mân Côi nên được cắt giảm xuống còn khoảng một chục mà thôi. Các lời kinh nguyện và các phần trong Thủ Bản đề cập đến Đức Mẹ Ma-ri-a như là Đấng trung gian của tất cả ân sủng nên được bỏ đi. Việc thực hành lòng sùng mộ đích thực đối với Đức Mẹ Ma-ri-a của thánh Montfort không nên được khuyến khích, và việc mô tả lòng sùng mộ ấy trong Thủ Bản nên xóa bỏ đi.

3. Các hội viên Legio Mariæ nên hướng tới tinh thần đại kết và ít quan tâm đến hoạt động tông đồ hoán cải. Trong thời đại cổ súy phong trào đại kết, vốn là kết quả của Công đồng Vatican II, Legio Mariæ nên thay đổi giọng điệu mang tính quân đội, thậm chí thay đổi cả danh xưng của Legio Mariæ.

4. Dưới Ánh sáng của Công đồng Vatican II Legio Mariæ nên ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động tông đồ xã hội và phong trào quyền công dân.

HỒI ĐÁP BỐN GÓP Ý DÀNH CHO LEGIO MARIÆ

1. Giải đáp cho những góp ý thuộc nhóm thứ nhất chúng ta có thể hỏi: liệu rằng những điều lệ cứng nhắc của Legio Mariæ tương hợp với tinh thần của Công đồng Vatican II? Theo tinh thần tự do cá nhân thời hiện đại, Legio Mariæ có nên kiên quyết tuân giữ các điều lệ của mình?

Ban quản trị các cấp Hội đồng trong Hệ thống Legio Mariæ, những người hướng dẫn vận mạng của Legio Mariæ, tất cả đều là giáo dân – không cảm thấy rằng Công đồng Vatican II giới thiệu một tinh thần tự do cá nhân đến nỗi loại bỏ đi tất cả các mối ràng buộc. Họ không cảm thấy rằng Công đồng muốn hạn chế những quy định trong các nhóm tông đồ. Họ biết rằng các nghị phụ Công đồng ước mong các nhóm tông đồ giáo dân tổ chức và vận hành đoàn thể riêng của mình, điều này không có nghĩa là cho phép bãi bỏ các luật lệ và nội quy trong các đoàn thể của họ.

Khi đọc thấy trong Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân những lời như sau: “Các đoàn thể hay hiệp đoàn giáo dân…. phải luôn quan tâm và hỗ trợ cho việc đào tạo tông đồ theo những cách thế phù hợp với tôn chỉ và phương thức hoạt động riêng của mình,” (VI, 30), thì các viên chức giáo dân hiểu ý định của các nghị phụ là Legio Mariæ nên giữ gìn cẩn thận và cần mẫn tuân thủ chương trình đào tạo tông đồ cho các hội viên.

Thực thế, bí mật thành công của Legio Mariæ (và thành công mà Legio Mariæ đã đạt được trên toàn thế giới) là sự kiên trì tuân giữ các buổi họp mặt hàng tuần và các họat động tông đồ căn bản hàng tuần. Một cuộc họp mặt hàng tuần nâng cao tinh thần của các thành viên và đảm bảo cho việc thi hành các bổn phận tông đồ hàng tuần. Những đoàn thể cố gắng thực hành các hoạt động tông đồ với cuộc họp hàng tháng, đều có những thiếu sót, bởi vì trong khoảng thời gian một tháng mối bận tâm cũng như tinh thần hoạt động có thể xuống cấp và chết lịm. Điều này đặc biệt chuẩn xác nếu như hình thức và tổng khối công việc bị bỏ lại đối với tự do của một cá nhân. Sự kiên trì làm việc theo cặp-đôi có thể chắc chắn rằng công việc sẽ được thực hiện và thực hiện tốt, đồng thời hội viên này có thể khích lệ và trợ giúp cho người kia thi hành sứ mạng.

Đề nghị thay đổi trong những giờ nguyện của Legio Mariæ và thay đổi việc đọc thuộc kinh Mân Côi là một điều lạ thường về phía các Linh mục, đối với lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a, đề nghị này sẽ được thảo luận sau.

Một vài Linh mục lầm lẫn đã phê bình Legio Mariæ về sự kiên quyết cộng tác hoàn toàn và vâng phục tuyệt đối với hàng giáo phẩm, mặc dầu điều này không phải là điều Công đồng Vatican II muốn. Những người chỉ trích Legio Mariæ không thực hiện nhiều tự do cá nhân trong mối tương quan với thẩm quyền giáo huấn của Giáo hội, đã không đọc tài liệu Công đồng cẩn thận. Nếu đã đọc sắc lệnh Tông đồ Giáo dân thì họ sẽ biết rằng Công đồng Vatican muốn tất cả tông đồ giáo dân “phải luôn làm việc dưới sự điều hành của hàng Giáo phẩm”(IV, 20).

Đức Phao-lô VI, trong lá thư gởi cho ngài Frank Duff, có lời tán dương đặc biệt về điều lệ và “lòng trung thành tuyệt đối với Giáo hội” của Legio Mariæ.

ĐẠO LÝ VỀ ĐỨC MẸ MARIA CỦA LEGIO MARIÆ KHÔNG TƯƠNG HỢP VỚI CHỈ DẪN CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II?

2. Nói rằng Legio Mariæ khắc ghi vào các hội viên một lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a không tương hợp với tinh thần của Công đồng là chứng tỏ một sự không hiểu biết về đạo lý lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a của Legio Mariæ cũng như của Công đồng. Ai đó phản bác thần học về Đức Mẹ Maria của Legio Mariæ cũng mắc vào một sự thật rằng anh ta bị lừa bịp bởi những tiêu đề thông tin sau năm 1963 nói rằng Công đồng hạ thấp Đức Mẹ Maria. Một lý do khác cho sự phản đối giáo huấn về Đức Mẹ Maria của Legio Mariæ là phong trào đại kết được Công đồng Vatican II nhấn mạnh, đòi hỏi làm dịu đi đạo lý về Đức Mẹ Ma-ri-a cũng như lòng sùng mộ Đức Mẹ.

Nhưng có đúng là lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a của Legio Mariæ (ví dụ kinh Mân Côi trong tất cả các cuộc họp) đi ngược lại hướng dẫn và tinh thần của Công đồng? Có đúng là Công đồng giảm nhẹ vai trò của Đức Mẹ Ma-ri-a không? Có đúng là Công đồng không muốn chúng ta đọc kinh Mân Côi? Có đúng là phong trào đại kết đòi phải loại bỏ Đức Mẹ Ma-ri-a?

Chúng ta cùng tìm hiểu sự thật về những điểm này; cùng kiểm tra lại tài liệu; cùng đến với dữ liệu của Công đồng. Công đồng nói gì về Đức Mẹ Ma-ri-a?

Công Đồng có nhấn mạnh đạo lý về Đức Mẹ Maria hay không?

Trong chương 8 của hiến chế Tín lý Giáo hội, các nghị phụ cho chúng ta một tái khẳng định mạnh mẽ về đạo lý Đức Mẹ Ma-ri-a truyền thống, vì họ tán dương Đức Mẹ Ma-ri-a vô nhiễm nguyên tội, Mẹ rất thánh, Mẹ sinh con mà vẫn khiết trinh, Mẹ đồng trinh trọn đời, Mẹ cộng tác với Chúa Con trong công trình cứu chuộc, Mẹ hồn xác lên trời và Mẹ được tôn phong là Nữ Vương Thiên Đàng.

Đúng là Công đồng không xác định bất cứ một tín điều mới nào về Đức Mẹ Maria, ví dụ “Đấng trung gian của mọi ân sủng”, nhưng cũng không phản bác bất cứ một giáo huấn nào về Đức Mẹ Ma-ri-a được nổi bật bởi các trường phái tư tưởng Công giáo, ví dụ, “Lòng sùng mộ đích thực đối với Đức Trinh Nữ” của thánh De Montfort. Thực vậy các nghị phụ không có ý định công bố bất cứ một tín điều nổi bật nào nữa, và nói với chúng ta rằng Công đồng“không có ý đưa ra một học thuyết đầy đủ về Đức Mẹ Ma-ri-a, cũng không có ý giải quyết các vấn đề chưa được sáng tỏ trọn vẹn trong việc nghiên cứu của các nhà thần học. Vì thế, được phép giữ những ý kiến đang được tự do trình bày trong các trường phái Công giáo về Đấng có địa vị cao cả nhất trong Hội Thánh sau Chúa Ki-tô và cũng là Đấng rất gần gũi với chúng ta” (Hiến chế tín lý Giáo hội, VIII, 54).

Mặc dầu các nghị phụ không xác định đạo lý Đức Mẹ Maria là Đấng trung gian mọi ân sủng, nhưng giải thích rằng Đức Mẹ Ma-ri-a diễm phúc luôn được Giáo hội khẩn cầu dưới tước hiệu Đấng trung gian (Hiến chế tín lý Giáo hội, VIII, 62).

Phải chăng Công đồng ít chú trọng đến Lòng Sùng mộ Đức Mẹ Maria?

Chắc chắn các nghị phụ chủ ý ít chú trọng đến đạo lý về Đức Mẹ Ma-ri-a, nhưng phải chăng các vị không muốn nhấn mạnh đến lòng sùng kính đối với Đức Mẹ Ma-ri-a? Phải chăng các vị muốn chúng ta không tiếp tục các hành vi đạo đức như việc đọc kinh Mân Côi? Chúng ta hãy cùng nghe lời của các Vị Giám mục về chủ đề này:

“Thánh Công đồng minh nhiên truyền dạy điểm giáo lý Công giáo này (về lòng tôn kính Đức Mẹ Ma-ri-a), đồng thời khuyến khích tất cả con cái Giáo hội hãy nhiệt tâm phát huy lòng sùng kính Đức Trinh Nữ, nhất là trong Phụng vụ, hãy coi trọng những việc thực hành và việc đạo đức tôn kính ngài đã được huấn quyền cổ vũ qua các thế kỷ, cũng như hãy thành tâm tuân giữ các quyết định trước đây liên quan đến việc tôn kính ảnh tượng Đức Kitô, Đức Trinh Nữ và các thánh” (VIII, 67).

Đức Phaolô VI trong tông huấn Mẹ Chúa Kitô vào ngày 15 tháng 9 năm 1966, (tông huấn gắn với việc đọc kinh Mân Côi trong việc tôn kính Mẹ Chúa Ki-tô) nói với chúng ta rằng, mặc dầu các Nghị phụ không đề cập cách đặc biệt việc lần chuỗi Mân Côi, nhưng đây là điều họ đã có trong ý định khi nói rằng lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a nên được coi trọng và được tổ chức với cách thế long trọng. Ở đây có những lời của Đức Phaolô VI: “Công đồng Vatican khuyên nhủ mọi tín hữu đọc kinh Mân Côi, không phải bằng một ngôn từ rõ ràng nhưng bằng một lối diễn tả không thể hiểu khác được – chúng ta hãy quý trọng những thực hành và hoạt động đạo đức hướng tới Đức Nữ trinh diễm phúc và được quyền giáo huấn của Hội Thánh phê chuẩn qua hàng thế kỷ.”

Từ việc giải thích chính thức này về tài liệu của Công đồng, chúng ta thấy rõ rằng Công đồng Vatican II muốn chúng ta đọc kinh Mân Côi. Vì vậy, trong chủ đề về lòng sùng mộ Đức Mẹ Ma-ri-a, quả thực các Nghị phụ khuyến khích tất cả chúng ta thực hành lòng đạo đức tôn kính Đức Mẹ, đặc biệt là đọc kinh Mân côi, Hiệp hội đạo đức kính mến Mẹ, Rước kiệu tháng Năm, và những việc tương tự. Không có tài liệu nào của Công đồng mà các Giám mục nói với chúng ta hãy giảm bớt lòng sùng kính Đức Mẹ Maria.

Legio Mariæ trong thế giới ngày nay (1)

PHONG TRÀO ĐẠI KẾT VÀ ĐỨC MẸ MARIA

Hội Legio Mariæ có nên giảm bớt lòng tôn kính Đức Mẹ Maria vì lý do đại kết hay không? Công đồng có chủ trương như thế không?

Khi Đức Phaolô VI, ngày 21 tháng 11 năm 1964, công bố Đức Maria là Mẹ Giáo hội, các Nghị phụ vỗ tay ủng hộ hết lòng. Nhiều thần học gia chủ trương đại kết đã không hài lòng với tuyên bố này của các Nghị phụ. Họ cảm thấy rằng điều đó có hại cho phong trào đại kết. Họ cảm thấy rằng phong trào đại kết đòi hỏi chúng ta ít đề cập đến Đức Mẹ Ma-ri-a, đặc biệt đối với việc tôn vinh Mẹ, để các cuộc đối thoại của chúng ta với các anh em ly khai sẽ giảm bớt căng thẳng và đạt nhiều hiệu quả lâu dài.

Nhưng liệu có đúng thực rằng trong cuộc đối thoại đại kết chúng ta nên ít đề cập đến Đức Mẹ Maria, đặc biệt nếu muốn đại kết, chúng ta giảm bớt giáo huấn của Giáo hội về Đức Mẹ Maria?

Các Nghị phụ khuyên nhủ như thế chăng? Không. Đề cập đến Đức Mẹ Maria trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội, các Nghị phụ nói rằng các thần học gia và các nhà giảng thuyết nên “cẩn thẩn tránh xa những lối diễn tả hay hành động có thể làm cho các anh em ly khai hay bất cứ ai khác hiểu sai giáo lý đích thực của Giáo hội” (VIII, 4, 67).

Trong sắc lệnh về Đại Kết, các nghị phụ nói với chúng ta rằng “Cách thức và phương pháp diễn tả đức tin Công giáo phải làm sao để đừng gây trở ngại cho việc đối thoại với những người anh em. Tuyệt đối phải trình bày thật rõ ràng một hệ thống giáo thuyết toàn vẹn. Không gì phá hỏng công cuộc đại kết cho bằng chủ trương hòa đồng sai lạc, vừa làm tổn thương vừa làm lu mờ ý nghĩa đích thực và chắc chắn của giáo lý Công giáo thuần túy” (II, 11).

Cũng trong sắc lệnh này các Giám mục nói với chúng ta rằng các tín hữu trong “hành động đại kết của họ phải hoàn toàn và thực sự mang tính Công giáo, nghĩa là trung thành với chân lý chúng ta đã lãnh nhận từ các Tông đồ và các giáo phụ, cũng như phù hợp với đức tin đang được giáo hội tiếp tục tuyên xưng” (III, 24).

Chúng ta, những anh em trong Chúa Ki-tô có thể nói thế nào về sự duy nhất Kitô giáo, về tái hiệp nhất của gia đình Ki-tô giáo, mà không nói về mối dây hiệp thông chúng ta nên có – tình yêu đối với Mẹ, một người Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và Mẹ nhân loại? Phong trào đại kết nếu không có Đức Mẹ Ma-ri-a thì giống như một gia đình không có người mẹ.

Các Nghị phụ nói với chúng ta rằng chúng ta nên cầu nguyện với Đức Trinh Nữ diễm phúc để công cuộc đại kết thành công. Đây là cách các Vị nói: “Tất cả các Kitô hữu hãy tha thiết khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa cũng là Mẹ nhân loại, để như ngài đã trợ giúp Giáo hội sơ khai bằng lời cầu nguyện, thì ngày nay, được tôn vinh trên trời, vượt trên các thánh và các thiên thần, ngài cũng chuyển cầu cùng Con ngài trong sự hiệp thông của toàn thể các thánh, cho tới khi mọi gia đình dân tộc, hoặc đã được vinh dự mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa nhận biết Đấng cứu chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình hòa thuận, họp thành đoàn dân Thiên Chúa duy nhất, để làm vinh danh Một Chúa Ba Ngôi chí thánh” (Hiến chế Tín lý về Giáo hội VIII, 5, 69).

Thế nên Đức Mẹ Maria không thể bị loại trừ ra khỏi công cuộc đại kết. Sự hiện diện của Mẹ cần thiết thế nào, nếu chúng ta được các Giám mục khuyến khích hãy cầu nguyện với Mẹ để công cuộc đại kết thành công?

Chúng ta lấy làm vui thỏa khi biết rằng bây giờ trong thời hiện đại này, một cuộc thảo luận về vai trò của Đức Mẹ Ma-ri-a trong lịch sử cứu độ ngày càng trở nên quan trọng, là một phần trong cuộc đối thoại giữa các thần học gia Công giáo và không Công giáo. Hiện nay, các nhà thần học trong đối thoại đại kết rất dễ dàng cùng nhau nói về Đức Mẹ Maria.

(còn tiếp)



Thomas b. Falls, s. T. D., ph.d.
Linh giám Legio Mariæ ở Tổng giáo phận Philadelphia
Quan sát viên tại Công đồng Vatican II
Chuyển ngữ: Học viện Đa Minh

Nguồn: www.daobinh.com