Việc tông đồ như thành phần toàn vẹn

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 424 | Cật nhập lần cuối: 8/7/2023 12:28:07 PM | RSS

VIỆC TÔNG ĐỒ NHƯ THÀNH PHẦN TOÀN VẸN

1. Sứ mạng tông đồ qua dòng lịch sử

Chúng ta biết, trong những thế kỷ đầu của Kitô giáo, theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu, các vị tông đồ đã coi công việc loan báo Tin Mừng như một việc quan trọng nhất.

Rồi vào khoảng thế kỷ III, khi mà đời sống Giáo hội như gắn liền với sinh hoạt của đế quốc, thì nhiều tâm hồn nhiệt thành bắt đầu nhận ra có một nhu cầu cấp bách khác, đó là tìm được một lối sống giống như Chúa Giêsu trong việc từ bỏ của cải, sống nghèo (x. Mt 19,21), và nếp sống đan tu xuất hiện với thánh An-tôn. An-tôn và các thánh Giáo phụ thời đó nghĩ rằng trở nên môn đệ đức Giêsu bằng cách sống ẩn dật trong rừng vắng cũng là noi gương các tông đồ.

Sau đó, Giáo hội cũng nhận ra một khía cạnh khác nữa là sống theo Chúa Giêsu trong đời sống cộng đoàn (Pacômiô, Basiliô, Augustinô).... Vào thời này người ta hiểu lý tưởng tông đồ là trở môn đệ của đức Giêsu được tỏ lộ trong việc sống nghèo và sống yêu thương nhau.

Tại Châu Âu, thế kỷ XII và XIII là một giai đoạn có những biến chuyển lớn về xã hội. Khi đó, dân số gia tăng, kinh tế phát triển, đời sống tại các đô thị trở nên nhộn nhịp và trở nên điểm nóng của thời đại, nhu cầu học hỏi cấp bách, phong trào di dân ào ạt từ thân quê lên đô thị ào ạt, sự giao lưu mang tính chất “toàn cầu hoá” cũng trở nên sầm uất… Chính bầu không khí ấy trở nên một thách đố trọng yếu cho đời sống Giáo hội.

Chính trong bầu không khí ấy, chúng ta thấy trong Giáo hội bắt đầu xuất hiện những dòng tu “bị lôi kéo” do đô thị, dấn thân vào một lối sống gần với cuộc sống thật của con người, đặc biệt là cảm nhận được những đau thương trở nên khốn cùng của những người nghèo… Khi ấy, các Dòng hành khất tìm lại ý nghĩa của hoạt động tông đồ vừa bao gồm việc ra đi rao giảng giống như các tông đồ thời đầu, vừa kết hiệp với lý tưởng đan tu, sống gắn bó với Chúa Giêsu qua nếp sống theo ba lời khuyên Tin Mừng.

Từ thế kỷ XVI, Châu Âu trải qua những biến chuyển lớn. Khi đó, thế giới cũ ở Châu Âu tan vỡ do những biến động thời cuộc : thành Constantinople sụp đổ và giới trí thức cũng như sách ở cổ điển bay sang Tây Âu, Martin Luther phá vỡ sự duy nhất của thế giới tôn giáo, Christophe “khám phá” Châu Mỹ, việc hình thành các quốc gia theo nghĩa hiện đại bắt đầu… Trong giai đoạn này, cuộc sống xã hội đã trở nên phong phú và phức tạp hơn rất nhiều, và xuất hiện một số các dòng tu chọn lý tưởng, không phải chỉ thực hiện nếp sống và công việc như các tông đồ, nhưng nhằm đến tất cả mọi hoạt động nhằm xây dựng Nước Chúa, và người ta nói đến “hoạt động tông đồ”. Như thế, hoạt động tông đồ được hiểu như toàn bộ sứ mạng của Gíao hội nhằm xây dựng Nước Thiên Chúa… Trong bầu không khí ấy, xuất hiện ồ ạt những dòng tu lấy việc loan báo Tin Mừng như mục tiêu chính yếu…

Quả thật, những biến chuyển của thời cuộc đã trở nên những thách đố quan trọng với đời sống Giáo hội, và Thánh Thần Chúa đã thôi thúc những “giải pháp” để Giáo hội vượt qua thách đố…

2. Giáo huấn của Vatican II

2.1 Khái quát về quan niệm cánh chung

Trước đây, từ ngữ “cánh chung” [eschatologie] ít được sử dụng, hoặc được dùng để chỉ những sự sau hết, tương đương với từ De Novissimis [bàn về những sự sau hết]. Cách nhìn ấy đặt tầm quan trọng của đời sống con người vào cuộc sống mai sau, người ta sống cuộc sống này là để tập nhân đức, để lập công, và được Chúa thưởng trong cuộc sống mai sau. Lối nhìn về cánh chung không trọn vẹn đã ảnh hưởng khá nhiều đến nhiều lãnh vực, suy tư thần học cũng như đời sống đức Tin. Khi đó, mấu chốt căn bản của đời sống đức tin chính là cái chết hay ngày tận thế; cuộc sống trần gian không còn ý nghĩa tích cực; cuộc sống hiện tại chỉ còn là thời gian chuyển tiếp. Hệ quả là hầu như tất cả đời sống Kitô hữu, những nhân đức Kitô giáo, đang khi ở trần gian này, luôn dựa trên một “nhân đức” căn bản, đó là “nhân đức chịu vậy”. Nghĩa là người ta ít khám phá giá trị tích cực, khám phá cái đẹp có khả năng đóng góp cho cuộc sống trần gian. “Vâng lời” chỉ còn là hy sinh từ bỏ ý riêng; khiết tịnh chỉ còn là ráng dẹp bỏ những ham muốn, khiêm nhường là đành phải chấp nhận hèn kém, thứ tha là nín nhịn vì Chúa không cho trả thù… tất cả những điều chịu vậy ấy chỉ có giá trị cho cuộc sống mai sau, trở thành công nghiệp để được Chúa thưởng lại trên Nước Trời mai sau chứ không có giá trị gì trong thế giới này.

Chính lối nhìn ấy đã vẽ nên một khuôn mặt kitô giáo bi quan, ảm đảm. Khi bắt đầu thời Phục Hưng, thế kỷ XV-XVI, thế giới bắt đầu tìm thấy niềm vui cuộc sống nhiều hơn, lạc quan hơn về những tiến bộ khoa học, thì người ta cũng bắt đầu viết nên nhiều "Bản cáo trạng" đối với Kitô giáo mà ta có thể chọn một đoạn văn tiêu biểu như sau :

"Do những sai lầm bi thảm, con người ngày nay coi người Kitô hữu như kẻ thù của cái có thời gian, và mỗi người chúng ta đều đã loáng thoáng nghe thấy những lời người ta tố cáo chúng ta. Nào là Kitô hữu là người của thế giới bên kia, và như vậy đâu có tha thiết với thế giới này. Người Kitô hữu từ bỏ và khinh chế tất cả những gì làm nên giá trị và niềm vui của đời con người, những sự mong manh và mau qua, nhưng là những sự duy nhất mà chúng ta có thể yêu mến. Nào là Kitô giáo là kẻ thù của cái đẹp; họ nhốt chị nữ tu Cát Minh đàng sau những bức tường mù, cách biệt với vạn vật Chúa đã sáng tạo; họ coi vẻ xinh đẹp của khuôn mặt người ta như một sự kêu gọi nguy hiểm, họ nghi ngờ nghệ thuật, coi nghệ thuật là ngoại giáo, bóp nghẹt nghệ thuật bằng những đòi hỏi luân lý của mình, và nếu không hủy hoại đựơc nghệ thuật, thì họ tìm cách "trừ tà" một cách thâm độc. Kitô giáo là kẻ thù của nền văn minh, không thích sự dễ chịu và các tiện nghi, coi tiến bộ vật chất như một mãnh lực phá hoại, và than khóc trước những cải thiện mới mẻ vì chúng làm sụp đổ những truyền thống cổ xưa. Chung quy, Kitô giáo là kẻ thù của những niềm vui của con người : nếu phải chấp nhận thì họ cũng bao vây những niềm vui này bằng đủ thứ những hạn chế, những luật lệ và sự trông chừng. Về thể thao, về tình bạn hoặc tình yêu, họ miễn cưỡng phải cho phép, nhưng dựng lên biết bao là nhắn nhủ, cấm đoán và đe dọa. Lấy cớ là yêu mến Thiên Chúa, họ ghét bỏ thế giới và muốn dẫn người ta tới chỗ thù ghét thế giới. Vậy các Kitô hữu đừng ngạc nhiên ! Họ hãy để người đời xây dựng cái có thời gian của họ và tổ chức hạnh phúc của họ ! Bởi vì các Kitô hữu vẫn nghĩ mình ở trong thung lũng nước mắt và hướng về Thiên đàng trên trời, xin họ hãy để chúng ta làm việc để mở ra vườn địa đàng : đó là công việc cam go và khó khăn nhưng quá tốt đẹp để lấp đầy một cuộc đời con người. Xin các Kitô hữu hãy để mặc chúng tôi tự cứu lấy mình !"[1].

Tuy nhiên, từ Công Đồng Vatican II, khía cạnh cánh chung trở thành nét cơ bản. Đường nét này chẳng những liên quan đến mọi vấn đề thần học những còn hình thành những chiều kích mới ảnh hưởng trên toàn bộ đời sống đức tin của người Kitô hữu. Nguyên nhân xa của một sự chuyển đổi lối nhìn về cánh chung chính là những học thuyết ánh sáng và trào lưu giải phóng trên bình diện trần thế. Các triết lý ánh sáng ở thế kỷ XVIII, và nhất là học thuyết Mác đã tạo nên một mối quan tâm mới : cần thay đổi chính cuộc sống này đưa cuộc sống đến một tình trạng tốt đẹp hơn. Các triết gia thế kỷ ánh sáng đã nỗ lực thắp lên ánh sáng của lý trí để xua tan những bóng tối của mê lầm, của mê tín, và để xây dựng những giá trị nhân bản [bao dung, hạnh phúc, bình đẳng, tự do…]. Học thuyết Mác kêu gọi thực hiện những hành động có tính thực tiễn cách mạng để thay đổi thế giới... Những nỗ lực ấy tạo nên một ý thức trách nhiệm của con người trước thế giới, tạo nên niềm hy vọng biến đổi trần thế tốt đẹp hơn, tạo nên một thứ cứu thế luận gắn liền với lịch sử trần thế mà người ta gọi là “cánh chung nội tại” [eschatologie immanente].

Hiến chế Mục vụ góp phần làm sáng lên khẳng định này khi xác định đường lối mở cửa của Giáo Hội để đón nhận lấy những ưu tư trăn trở của nhân loại [Xc. MV 1]. Giáo Hội nhìn nhận những giá trị tích cực của cuộc sống và cũng nhận ra trách nhiệm, theo mệnh lệnh của Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần, để kiện toàn những giá trị nhân bản, hướng về Ngày của Chúa :

“Thực vậy, sau khi đã theo mệnh lệnh Chúa và nhờ Chúa Thánh Thần phổ biến trên trái đất tất cả các giá trị về nhân phẩm, về hiệp thông huynh đệ và tự do, nghĩa là mọi thành quả tốt đẹp do bản tính và hoạt động con người đem lại, chúng ta sẽ gặp lại chúng, nhưng là gặp lại sau khi chúng được thanh tẩy khỏi mọi tì ố, được chiếu sáng và biến đổi, nghĩa là khi Chúa Kitô giao hoàn lại Chúa Cha vương quốc vĩnh cửu và đại đồng : “Vương quốc của chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân phúc, vương quốc công bình, yêu thương và hoà bình” [Kinh tiền tụng lễ Chúa Kitô Vua]. Vương quốc ấy đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ đựơc kiện toàn khi Chúa đến” [MV 39c].

Giáo Hội nhận ra được bước đường theo Chúa cũng chính là bước đường đi sâu vào lịch sử nhân loại, đảm nhận và vượt qua lịch sử ấy :

"Với bổn phận phải bành trước khắp thế giới, Giáo Hội đi sâu vào lịch sử nhân loại. Tuy nhiên Giáo Hội đồng thời cũng vượt thời gian và biên giới các dân tộc. Tiến bước giữa cơn cám dỗ và đau thương, Giáo Hội được vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban, hầu Giáo Hội vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, dầu xác thịt yếu hèn, và không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Chúa Thánh thần cho đến ngày, nhờ thánh giá, đạt đến ánh sáng không hề tắt" [GH 9c].

2.2 Yếu tố tông đồ giáo dân

Với Vatican II, Giáo hội tìm lại được ý nghĩa của việc tông đồ như một thành phần toàn vẹn của ơn gọi Kitô hữu, nhờ nhìn lại trách nhiệm tông đồ của người giáo dân. Từ đây, yếu tố tông đồ không còn chỉ là một yếu tố “làm thêm” hoặc là trách nhiệm riêng biệt của một số người, nhưng chính là “thành phần toàn vẹn” của căn tính Kitô giáo.

Bởi được liên kết với Chúa Kitô là Đầu, người giáo dân có quyền và có bổn phận làm tông đồ. Khi được tháp nhập vào Nhiệm Thể Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, được nên mạnh mẽ nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, họ được chính Chúa giao phó trách vụ tông đồ. Họ được thánh hiến để thực thi chức tư tế vương giả và làm nên đoàn dân thánh (x. 1 Pr 2,2-10), để hiến dâng lễ phẩm thiêng liêng qua mọi công việc, và để làm chứng cho Chúa Kitô khắp nơi trên trái đất. Các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, luôn chuyển thông và nuôi dưỡng nơi họ đức ái như là linh hồn của tất cả mọi hoạt động tông đồ (6).

Việc tông đồ được thực thi trong niềm tin, cậy, mến do Chúa Thánh Thần tuôn đổ vào tâm hồn mọi thành viên của Giáo Hội. Hơn nữa, giới luật bác ái, điều răn lớn nhất Chúa dạy, luôn thúc bách tất cả các tín hữu hoạt động để tôn vinh Thiên Chúa, làm cho nước Ngài hiển trị và đem lại cho mọi người sự sống đời đời là nhận biết Thiên Chúa duy nhất chân thật và Đấng Ngài đã sai đến là Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 17, 3).

Vì thế, tất cả các Kitô hữu được trao cho nhiệm vụ cao cả là hoạt động để mọi người trên khắp hoàn cầu nhận biết và đón nhận sứ điệp cứu độ.” (TĐGD 3)

Người Kitô hữu đã lãnh nhận trách nhiệm loan báo Tin Mừng của Chúa khi lãnh bí tích Rửa Tội, nghĩa là gắn liền với sự sống và đời sống đức Tin.

……..

Tuy vậy, ít nhất là trong Giáo hội Việt Nam, ta thấy hình như ý thức tông đồ chưa thực sự là một sự sống trong chính đời sống đức Tin của người Kitô hữu. Phần lớn người gíao dân chấp nhận dừng lại ở mức độ một đời sống luân lý liêm chính cho chính mình. Không ít những linh mục, tu sĩ cũng không nhận ra thôi thúc của trách nhiệm tông đồ như là “thành phần toàn vẹn” trong cấu trúc đời sống đức tin của mình. Phải chẳng ta có thể thấy điều này là nguyên nhân của sự vật vờ trong đởi sống đức Tin cũng như là yếu tố làm cho khuôn mặt của đức Tin bị biến tướng, dị dạng ?

3. Sức sống của một cấu trúc chân thật : làm hoa và làm hạt

Triết học nói rằng con người có bản tính xã hội, và phẩm tính này chắc chắn hàm chứa những hệ luỵ trong nhiều chiều kích của đời sống. Con người chẳng những cần đến người khác để học cách sống làm người, nhưng con người chỉ có thể trở nên chính mình trong tương quan; và đặc biệt, con người chỉ có thể làm được lý do hiện hữu của mình khi dám dấn thân cho tha nhân, khi nhận ra trách nhiệm của mình đối với tha nhân. Đây không phải là một điều con người cần phải trả giá như nền tảng để có được quyền làm người nhưng là điều con người được mời gọi để mở ra một chân trời cho thân phận làm người và để hoàn thành vận mạng làm người ở đỉnh cao của phẩm giá.

3.1. Đời người như đời cây

* Đời người có hai giai đoạn làm hoa và làm hạt. Đúng hơn, đó là hai chiều hướng, hàm chứa lẫn nhau trong vận hành phát triển chân thực : đón nhận và cho đi. Nói cách khác, trong sự phát triển chân thực, hai chiều hướng ấy luôn phát triển theo hai nguyên lý đào tạo : nguyên lý tiệm tiến và nguyên lý toàn diện.

* Hai chiều hướng ấy cho thấy sự phát triển chân thực của một mầm sống luôn nằm trong vận hành của sự sống bao quát hơn. Đời sống mỗi người chỉ chân thực khi được đặt trong dòng chảy của sự sống gia đình và nhân loại… Không thể làm hoa nếu không đón nhận từ ai khác và đón nhận thì cũng không thể không trao tặng cho ai khác.

* Yếu tố làm hoa thường là những yếu tố của “lượng tính”, nghĩa là có thể đo đếm được. Yếu tố làm hạt thường mang tính chất của “phẩm tính”, không đo đếm được. Nói cách khác, “sự sống” là làm hoa, “ý nghĩa sự sống” là làm hạt. “Bản năng sinh tồn” của con vật là “làm bất cứ cách nào để sống”, nhưng “bản năng sinh tồn” của con người lại phức tạp hơn nhiều, đó là “làm bất cứ cách nào để sống có ý nghĩa”. Như thế, đối với con người, khi cuộc sống không có ý nghĩa, có thể người ta muốn chết đi. Ngược lại, người ta lại có thể tự nguyện chết đi để thực hiện được ý nghĩa sự sống của mình. A. Camus nói cuộc đời này chỉ có một câu hỏi duy nhất quan trọng : có nên tự tử hay không ?

Trong chiều hướng ấy, chúng ta ghi nhận vài lệch lạc trong thái độ sống của con người hôm nay :

- Nhiều bạn trẻ chỉ chăm chú vào cuộc đời làm hoa mà quên làm hạt.

- Nhiều người lớn đã qua giai đoạn làm hoa mà vẫn cứ “neo mình ở tuổi 20”.

- Nhiều bậc cha mẹ thường chỉ giáo dục con cái theo nguyên lý tiệm tiến mà quên đi nguyên lý toàn diện.

Và điều quan trọng hơn : Thế giới hiện nay, thế giới quảng cáo và tiêu thụ, thế giới ấy đang dẫn dụ con người vào con đường làm hoa và chỉ biết làm hoa….

Quả thật một khi đánh mất ý nghĩa cuộc đời làm hạt, cũng là đánh mất ý nghĩa của yếu tố sống với và sống có trách nhiệm trong hữu thể người, thì con người của thế giới hiện đại cũng tỏ lộ muôn vàn nét lệch lạc, méo mó, dị dạng của dáng vóc con người.

Tạm kết

Sứ mạng tông đồ là một thành phần toàn vẹn trong đời sống đức Tin Kitô giáo, điều đó có nghĩa là một khi đánh mất ý thức làm tông đồ, đời sống đức Tin sẽ yếu ớt hoặc méo mó.

Gợi ý trao đổi

1. Ý thức về trách nhiệm tông đồ giáo dân nơi người tín hữu Việt Nam nói chung và nơi giới giáo chức công giáo có thực sự mờ nhạt không ?

2. Trong môi trường giáo dục tại Việt Nam, người giáo chức Công giáo có thể làm tông đồ được không ? Bằng những cách thức nào ?

3. Bạn có ưu tư nào về nền giáo dục tại Việt Nam, về các thế hệ giáo chức “già” và “trẻ” ?

LM Giuse Nguyễn Trọng Viễn O.P.


[1] Jean Mouroux, Sens chrétien de l' Homme, Tủ sách Luân lý, bản dịch của Trần Thái Đỉnh và Nguyễn Bình Tĩnh, Đại Chủng Viện Huế, 1997, trang 15-17.