Giới trẻ, lời ngôn sứ và biện phân

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1216 | Cật nhập lần cuối: 1/29/2021 1:49:44 PM | RSS

Có một người ở tại Babylon, tên là Giôgiakim. Ông lấy bà Susanna rất xinh đẹp và kính sợ Thiên Chúa. Cha mẹ bà là người công chính, đã dạy dỗ con gái theo Luật Môsê. Ông Giôgiakim cha bà là người rất giàu, ông có một khu vườn bên cạnh nhà. Người Do thái thường hay đến nhà ông, vì ông có thế giá hơn mọi người.

Năm ấy, người ta đặt hai kỳ mục chọn trong dân làm thẩm phán. Thiên Chúa đã phán về họ rằng: “Từ Babylon, đã phát xuất những thẩm phán gian tà xét xử dân.” Những kỳ mục này thường lui tới nhà ông Giôgiakim. Tất cả những ai có việc gì cần xét xử đều phải đến gặp họ.

Giữa trưa, khi dân đã rút lui, bà Susanna vào dạo trong vườn của chồng. Hai kỳ mục để ý thấy bà mỗi ngày vào đi dạo, thì có ước muốn xấu với bà. Họ để tâm trí ra hư hỏng, chẳng nhớ đến những phán quyết công minh của Thiên Chúa. Cả hai người đều đắm đuối say mê bà, nhưng họ không cho nhau biết điều đó, vì xấu hổ với tư tưởng xấu.

Ngày ngày, họ rình rập, mong nhìn thấy bà. Một hôm, họ nói với nhau: “Đến giờ ăn trưa rồi, ta đi về nhà thôi!” Thế rồi họ chia tay. Nhưng liền sau đó, ông nào cũng trở lui và cả hai lại gặp nhau ở chỗ cũ. Khi họ hỏi nhau, họ mới thú nhận lòng ham muốn của mình. Bấy giờ họ đồng lòng tìm cơ hội gặp bà lúc bà ở một mình thì hành động. Họ đang nóng lòng chờ dịp thuận lợi, thì bà Susanna đi vào vườn như các ngày trước với hai đầy tớ gái theo hầu.

Vì trời nóng, bà muốn tắm trong vườn. Ở đó, chẳng có ai, ngoại trừ hai kỳ mục đang ẩn núp và rình xem. Bà bảo các đầy tớ gái: “Đem cho ta dầu và thuốc thơm, rồi đóng cửa vườn lại để ta tắm.” Các tớ gái làm như bà nói: các cô đóng cửa lại, đi ra phía cửa hông để lấy những thứ bà yêu cầu. Nhưng các cô không biết là các kỳ mục đang ẩn núp trong vườn.

Các cô vừa ra khỏi đó, thì hai kỳ lão liền chồm dậy, nhảy tới chỗ bà và nói: “Này cửa vườn đã đóng; chẳng ai thấy chúng ta đâu. Chúng tôi thèm muốn bà, bằng lòng trao thân cho chúng tôi đi! Nếu không, chúng tôi sẽ la to tố cáo rằng có một thanh niên ở với bà, và vì thế bà đã cho các đầy tớ gái đi khỏi đây.”

Bà Susanna thở dài đau lòng và nói: “Tôi bị dồn vào góc tường! Nếu làm thế, tôi sẽ phải chết; còn nếu không làm, tôi cũng không thoát khỏi tay các ông. Nhưng thà không làm gì cả mà sa vào tay các ông, còn hơn là phạm tội trước mặt Chúa!” Bà Susanna liền kêu lớn tiếng và hai kỳ lão cũng la lên để hại bà. Một ông chạy ra mở cửa vườn. Khi nghe tiếng kêu trong vườn, các gia nhân đổ xô vào cửa bên hông, để xem sự gì đã xảy ra cho bà. Và sau khi các kỳ lão kể lại chuyện đó, các tôi tớ rất lấy làm hổ thẹn, vì họ nghĩ bà Susanna là người thiếu trong sạch.

Hôm sau, dân chúng tụ họp ở nhà ông Giôgiakim chồng bà. Hai kỳ lão kia cũng đến đó, lòng đầy gian ý hại bà, để khiến bà phải chết. Họ nói với dân chúng: “Hãy sai người đi tìm bà Susanna.” Người ta đi tìm bà. Bà đến đó với cha mẹ, con cái và tất cả thân nhân. Bà Su-san-na rất là duyên dáng, nhan sắc mặn mà. Vì bà che khăn, nên các tên gian ác đó bắt phải lột khăn ra để ngắm nhan sắc của bà cho đã mắt.

Mọi người thân cũng như tất cả những ai thấy bà, đều khóc. Từ giữa đám dân, hai kỳ lão đó đứng dậy đặt tay lên đầu bà. Còn bà thì vừa khóc vừa ngước mắt lên trời trông cậy vào Chúa. Các kỳ lão nói: “Chúng tôi đang dạo chơi một mình trong vườn, thì mụ này đã vào với hai tớ gái, đóng cửa vườn lại, rồi cho các tớ gái đi ra. Một gã thanh niên núp sẵn ở đó, đến bên mụ và nằm với mụ. Lúc ấy, chúng tôi đang ở một góc vườn, thấy chuyện đồi bại, liền chạy tới. Chúng tôi thấy chúng ăn nằm với nhau, nhưng không bắt được gã thanh niên, vì hắn khoẻ hơn chúng tôi, và đã mở cửa chạy mất. Còn mụ này, chúng tôi bắt được và hỏi mụ ta xem gã thanh niên kia là ai. Nhưng mụ không chịu nói cho chúng tôi. Chúng tôi xin làm chứng về những điều ấy.”

Bà Susanna kêu lớn tiếng rằng: “Lạy Thiên Chúa hằng hữu, Đấng hiểu biết những điều bí ẩn và thấy hết mọi sự trước khi xảy ra, Ngài biết là họ đã làm chứng gian hại con. Này con phải chết, tuy chẳng làm điều gì như họ đã vu cáo cho con.”

Chúa đã nghe tiếng bà kêu than. Trong lúc bà bị điệu đi hành hình, Thiên Chúa đã đánh động tâm trí thánh thiện một thiếu niên Đaniel. Đaniel đó kêu lớn tiếng rằng: “Tôi vô can trong vụ đổ máu người phụ nữ này!” Toàn dân đều quay về phía cậu thiếu niên và hỏi: “Lời cậu vừa nói có nghĩa gì?” Cậu đứng giữa họ và nói: “Các người ngu xuẩn đến thế sao, hỡi con cái Israel? Các người đã lên án một người con gái mà không xét hỏi và cũng không biết rõ sự việc ra sao! Hãy trở lại nơi xét xử, vì những người kia đã làm chứng gian để hại người phụ nữ này.”

Toàn dân vội vàng trở lại đó, và các kỳ mục nói với Đaniel: “Đến đây, hãy ngồi giữa chúng tôi và cho chúng tôi biết ý kiến, vì Thiên Chúa đã cho cậu được khôn ngoan như bậc lão thành.” Đaniel nói: “Hãy tách riêng họ ra, rồi tôi sẽ xét hỏi.” Sau khi họ đã bị tách ra rồi, Đaniel gọi một trong hai kỳ mục lại và nói: “Hỡi con người già đời trong đường gian ác, tội lỗi xưa ông đã phạm, nay lại tái diễn: ông đã xử bất công, kết án người vô can, tha bổng kẻ đắc tội, bất kể lời Chúa dạy: “Ngươi chớ giết người vô tội và người công chính. Vậy nếu quả thật ông đã thấy bà kia, thì hãy nói ông đã thấy họ ăn nằm với nhau dưới cây nào? ” Người ấy đáp: “Dưới cây trắc.” Đaniel nói: “Ông đã nói dối trắng trợn khiến ông phải mất mạng, vì thiên sứ của Thiên Chúa đã nhận được án lệnh chặt ông làm đôi.”

Sau khi đưa người này ra, Đaniel truyền dẫn người kia vào, rồi nói: “Hỡi nòi giống Canaan, sắc đẹp đã mê hoặc ông, và tình dục đã làm cho ông ra hư hỏng. Các ông đã hành động như thế với các con gái Israel. Nhưng người con gái Giuđa này đã không chịu nổi sự gian tà của các ông. Vậy hãy nói cho tôi biết ông đã bắt quả tang họ ăn nằm với nhau dưới cây nào?” Người ấy đáp: “Dưới cây dẻ.” Đaniel nói: “Cả ông nữa, ông cũng nói dối trắng trợn khiến ông phải mất mạng, vì thiên sứ của Thiên Chúa, tay cầm gươm, đang chờ để xẻ ông làm đôi.”

Bấy giờ toàn thể cộng đồng lớn tiếng reo hò và chúc tụng Thiên Chúa, Đấng cứu những kẻ vô tội tin tường vào Người. Rồi người ta kết án hai kỳ lão, vì Đaniel đã dựa vào lời chính miệng các ông nói mà thuyết phục họ là các ông đã làm chứng gian. Người ta giáng cho các ông hình phạt mà các ông định bắt người khác phải chịu.

Ngày ấy, máu người vô tội khỏi bị đổ oan. Vợ chồng và gia đình ông GioGiakim và mọi người thân đều ca ngợi Thiên Chúa, vì Thiên Chúa cứu giúp người công chính. Từ ngày ấy trở đi, cậu Đaniel nên cao trọng trước mặt dân.

Bạn thân mến!

Trong khi Susanna bị dẫn đi để giết chết, Chúa đã nâng cao tinh thần thánh của một chàng trai trẻ, được gọi là Đaniel, khi chàng trai bắt đầu kêu lên: “Tôi vô can trong vụ đổ máu người phụ nữ này!” (Đn 13,45). Câu chuyện về Susanna, một phụ lục Hy Lạp cho cuốn sách của Đaniel, một chủ đề cháy bỏng, tạo nên một khởi đầu suy tư cho chủ đề tôi muốn nói với các bạn trong bài viết này: hai đức tính của người trẻ (nạn nhân của tội ác, bị buộc tội bất công và người trẻ (nhà tiên tri) đã lật ngược phiên tòa) so với hai kẻ quấy rối già mà mất nết, độc ác và khai man, cuối cùng cũng bị vạch trần. Câu chuyện được trích dẫn ở phần mở đầu, trong câu chuyện, bước ngoặt đã xảy ra: trước khi thi hành án tử hình bất công của tòa án nhân dân, cậu bé Đaniel (theo tiếng Hy Lạp paidariou neõterou), sống theo tinh thần của một tiên tri (theo tiếng Hy Lạp pneuma to agion), can thiệp bất ngờ, với một cuộc thẩm vấn xứng đáng với những dữ liệu kiện tụng đắt giá nhất, sẽ chứng minh cho sự vô tội của Susanna, từ đó sẽ đảo ngược được bản án. Sự giải quyết bất ngờ của câu chuyện, sự tinh tế thông minh và khôn ngoan trong các câu hỏi của Đaniel, câu trả lời vụng về của hai bị cáo, rõ ràng mang dấu ấn trong hành động của Thiên Chúa, hoạt động thông qua sự hòa giải mang tính tiên tri rất rõ ràng của một chàng trai trẻ, trong một xã hội dân chủ hẳn hoi.

Sau tất cả, mối quan hệ giữa người trẻ và sự thánh thiện hay người trẻ và lời tiên tri là một đỉnh cao văn học, nó cũng được tìm thấy trong văn học cổ đại: chàng trai trẻ được coi là những vị thần gần gũi với sự thánh thiện hơn, cả về sức sống của anh ta cũng hướng chúng ta đến tương lai, thế nhưng cũng vì sự cổ hủ, đóng khung, trong các xã hội truyền thống hầu như đều bị chi phối chặt chẽ bởi kinh nghiệm và sự trông mong sự khôn ngoan của người già “khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già”. Tuy nhiên, những người thiếu kinh nghiệm, những kẻ nhỏ bé, bị gạt bên lề (cả về chính trị, kinh tế và xã hội) có thể dễ dàng hơn, theo một quy luật không ngờ, họ bổng dưng trở thành thần thánh và thành phát ngôn viên có thẩm quyền. Những con người này ta thấy rất rõ trong Kinh thánh, cả trong Cựu Ước lẫn Tân Ước (chẳng hạn như Giuse là một người trẻ nhất trong gia đình ông (x. St 37: 2-3), Samuel, Vua Đavid đã được chọn lúc còn là một cậu bé…), làm cho chúng ta càng xác tín hơn rằng, năng lực của người trẻ thật không ngoại lệ đối với viễn cảnh này.

1. Đôi cánh của ngôn sứ

Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong cuộc đối thoại với nhà văn Ý Thomas Leoncini, đã đưa ra khái niệm về những tiên tri trẻ tuổi như sau: “Một người trẻ có một cái gì đó của một ngôn sứ và họ phải nhận thức được chuyện này. Họ có đôi cánh của ngôn sứ, thái độ của ngôn sứ, khả năng nói lời sứ ngôn, không những nói mà còn làm. Một ngôn sứ ngày nay chắc chắn có khả năng để lên án, nhưng nhất là, người ngôn sứ mang lại một viễn cảnh. Các người trẻ có hai đức tính này, dù đôi khi họ diễn tả vụng về các lời lên án của mình. Và người trẻ cũng có khả năng xem xét kỹ lưỡng tương lai và nhìn xa hơn. Và người lớn thường độc ác, họ thường bỏ mặc sức mạnh của các người trẻ này. Thường thường người trẻ bị mất gốc và thay vì giúp họ để họ trở thành ngôn sứ thì người lớn lại làm cho họ trở thành trẻ mồ côi, những người bị loại trừ. Các người trẻ ngày nay lớn lên trong một xã hội không gốc rễ. (…)”[1]. Đức Giáo Hoàng trích dẫn một số đặc điểm của lời tiên tri trong Kinh Thánh và liên kết chúng – mà không có sự gượng ép nào – dành cho những người trẻ: trước hết là một sự giải thích về thực tế, cũng đi kèm với một năng lực thiết kế cụ thể: “Nhưng xã hội này gạt ra bên lề người này, người kia, xã hội gạt người trẻ cũng như người lớn tuổi. Khả năng của người lớn tuổi là mang lại ký ức cho người trẻ, làm cho họ đích thực thành người mơ mộng thực sự cho tương lai; còn người trẻ thì có khả năng học những bài học này, học các giấc mơ và mang nó đi tới đàng trước trong lời sứ ngôn. Để người trẻ chúng ta có được tầm nhìn, để họ là những người mơ mộng, để họ dám đương đầu và dũng cảm với thời gian sắp tới, thì quan trọng phải nghe các giấc mơ sứ ngôn của tổ tiên họ. Các người lớn tuổi mơ mộng, các người trẻ ngôn sứ đó là con đường cứu tinh cho xã hội mất gốc của chúng ta: hai thế hệ bị loại trừ có thể cứu tất cả chúng ta”[2]. Ngài mong muốn công lý, kết hợp với sự lên án của tất cả những gì là thỏa hiệp và đạo đức giả: cố gắng tạo nên một xã hội được xây dựng bởi những giá trị, những con người nhân bản thay vì cạnh tranh với những người trẻ tuổi. “ngài không mệt mỏi đi đến các vùng ngoại vi, vừa địa lý, vừa xã hội, vừa nhân bản để cổ động cho một “văn hóa gặp gỡ”, dựa trên đối thoại liên thế hệ để loan tải “cách mạng của sự dịu dàng”. Cứu tinh của người lớn tuổi là trao truyền ký ức, là những người “thật sự mơ cho tương lai”, cứu tinh của người trẻ là nắm bắt kinh nghiệm của họ để “mang các kinh nghiệm này đi tới đàng trước trong sứ ngôn”[3]. Do đó, chúng ta được mời gọi làm cho rõ hơn về căn tính của nhà tiên tri trong Kinh thánh.

Hạn từ “Tiên tri” bắt nguồn từ thuật ngữ profëtës trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người loan báo”. Giới từ pro, vượt xa hơn ý nghĩa thời gian (người loan báo điều gì đó trước khi nó xảy ra), có một ý nghĩa không gian: “người loan báo điều gì đó trước cho mọi người, hoặc cho cá nhân (hoặc với nhà vua). Trong LXX, thuật ngữ profëtës dịch từ tiếng Do Thái nãbi nghĩa là “được gọi”, và đôi lúc cũng đồng nghĩa với hözeh và rőeh “nhìn xa trông rộng”». Theo hướng nghĩa “ơn gọi” – vốn có trong thuật ngữ tiếng Do Thái nãbi cũng được phản ánh trong kinh điển tiếng Hy Lạp phân biệt các sách tiên tri trong “các tiên tri trước đây và các tiên tri sau này”.[4] Trong số những người đầu tiên có các nhà lãnh đạo như Giôshua, các Thẩm phán (bao gồm cả một số phụ nữ), Đavid, hoặc các tiên tri như Elijah, Elisha, Samuel, Nathan; và cả những người không để lại văn bản nào. Tất cả những tiên tri đến sau này là những người đặt tên cho các tác phẩm tiên tri của họ. Cả hai đều có chung một sứ mệnh, họ được kêu gọi mang Lời Chúa đến với mọi người, chống lại sự thờ hình tượng, chính trị tham nhũng và sự sùng bái về đức tin và công lý. Vì thế, nhà tiên tri được “kêu gọi” để tạo ra tiếng vang bằng tất cả bản thân mình (bằng môi miệng cũng như bằng cả cuộc đời mình) đến tai những người đang bị phân tâm bởi Lời Chúa hướng dẫn và ơn cứu rỗi mà Thiên Chúa vì lòng thương xót tiếp tục ban cho tất cả mọi người. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nói rằng nhà tiên tri là hiện thân của Lời, bởi vì Lời giờ đây được gán cho một thân thể và một câu chuyện. Do đó, lời tiên tri trước hết không phải là một loan báo về tương lai, mà là một tiết lộ về hiện tại và về sự hiện diện của Thiên Chúa cùng với Lời của Người, cách riêng, nó có thể diễn giải lịch sử của con người, cả trong lựa chọn cá nhân của họ và của những người tin Chúa. Nhà tiên tri thực sự là người nói những lời thật của Thiên Chúa, những gì xảy ra đúng như lời, nghĩa là được giác ngộ (không nhất thiết chỉ trong tương lai). Vì thế, điều hiển nhiên là lời tiên tri luôn đòi hỏi “bên thứ ba” một nhân chứng chứng thực sự kiện, có thể là toàn thể mọi người, hoặc một người đặc biệt (có lẽ là cùng một nhà tiên tri vào thời điểm sau trong câu chuyện của anh ta): cuối cùng những người nghe/ độc giả của lời tiên tri được kêu gọi để vào đó, như là nhân chứng của sự kiện. Và trong viễn cảnh mà các tiên tri trong Kinh Thánh liên tục đối đầu với các tiên tri giả, như Is 30,8-10 làm chứng: “Bây giờ trước mặt chúng, ngươi hãy viết điều ấy trên một tấm bảng, và ghi vào hồ sơ, để lưu lại mai sau làm bằng chứng đến muôn đời. Vì chúng là một dân phản nghịch, là những đứa con gian dối, những đứa con không muốn nghe luật của ĐỨC CHÚA. Chúng bảo các thầy chiêm: “Đừng chiêm ngưỡng nữa”, bảo các thầy thị kiến: “Đừng nói cho chúng tôi những điều chân thật thấy trong thị kiến; hãy nói cho chúng tôi những chuyện bùi tai, hãy kể cho chúng tôi”.

Có một số chiều kích nhân học đặc trưng cho lời tiên tri trong Kinh Thánh: thời gian và không gian, thân thể, từ ngữ và ơn gọi tiên tri. Trước hết, điều rất quan trọng là xem xét các yếu tố mô phỏng và không gian theo cách nào đó cấu thành kinh nghiệm tiên tri, thực sự họ xác định nó bởi vì họ cho phép nó xuất hiện như một thời điểm cụ thể trong lịch sử, ở một nơi nhất định và trong một bối cảnh văn hóa. Khi nhà tiên tri tuyên bố một lời thần thánh thì đã tạo ra lịch sử bởi vì nó thiết lập trong quá trình của sự phán xét và đạt đến ơn cứu rỗi chắc chắn sẽ thành hiện thực nhờ lời hứa. Lời của nhà tiên tri cũng là thông dịch viên cho lịch sử: ý nghĩa của nó được viết và trở thành công cụ mà qua đó sự bảo vệ được xác định là không chỉ trong thời gian thực hiện nó, mà còn trong thời điểm nó được loan báo và phục hồi” (x. Is 8, 1; 8,16-18; 29,11-12; 30,8). Một chức năng đơn giản của lời tiên tri là tra vấn lịch sử, nghĩa là đưa ra quyết định, dựa trên niềm tin vào những lời hứa của Thiên Chúa hoạt động trong thực tế. Thời gian và không gian chúng là hai phạm trù liên quan đến nhau, chúng đặt con người của nhà tiên tri lên phía trước trong sự cụ thể của toàn bộ con người anh ta, đó là cảm giác và hành động của anh ta. Thông điệp của nhà tiên tri được gắn liền với tiểu sử của anh ta, lời nói của anh ta là chính anh ta. Con người của nhà tiên tri hành động trong một thời gian cụ thể và liên quan đến một không gian cụ thể, được tiếp cận bằng một lời thần thánh mời gọi anh ta đến một nhiệm vụ cụ thể. Lời Chúa đi qua nhà tiên tri, để đến với chúng ta. Đây là lý do tại sao cần phải nắm bắt giá trị của ơn gọi tiên tri mà Kinh Thánh thường thuật lại trong mối liên hệ với những người trẻ.

Giá trị của những câu chuyện về ơn gọi tiên tri này được tóm tắt rất rõ bởi Pietro Bovati: “Trong lời nói của mình, các tiên tri trình bày về cuộc nói chuyện của Thiên Chúa. Làm thế nào điều này là có thể, làm thế nào một con người dựa trên niềm tin của mình lại trở thành là người phát ngôn của Chúa, là kẻ chuyển dịch Lời Chúa thành một câu chuyện, điều đó được gọi là ‘ơn gọi’. Người ta có ấn tượng rằng thường các nhà chú giải của các văn bản tiên tri lấy câu chuyện này theo nghĩa đen, như thể đó là biên niên sử của một sự kiện diễn ra theo các phương pháp được thuật lại bởi tác giả Kinh Thánh. Trong thực tế, đặt trong bối cảnh Thiên Chúa nói (hoặc “hiển thị” nội dung được tiết lộ) là một thiết bị văn học phục vụ để khẳng định sự phụ thuộc ngoan ngoãn của từ ngữ con người vào sự hợp pháp hóa một chủ đề. Nói ơn gọi là sự kiện ban đầu của lịch sử tiên tri thực sự có nghĩa là động từ của con người hoàn toàn được thành lập theo cách nói của Thiên Chúa thuở ban đầu”[5]. Ơn gọi tiên tri có một giá trị biểu tượng trên toàn bộ câu chuyện của nhà tiên tri, gần như là một bài thuyết trình, một sự nhập tâm của thông điệp anh ta muốn nói. Mặt khác, nó là một phần của trải nghiệm niềm tin – ngay cả khi chỉ ở mức độ nhân học – để gán toàn bộ câu chuyện cho một khởi đầu của một cá nhân và thể hiện sự thân mật, có tính cách mặc khải, liên tục cho phép chúng ta đọc lại. Đây cũng là một phương pháp rõ ràng của ngôn ngữ Kinh Thánh để nói như thế nào về mối quan hệ với Thiên Chúa – Thiên Chúa nói – rút ra cốt lõi sâu sắc nhất (và cũng bí ẩn) của con người, về cội nguồn của mình, bởi chưng “sự khởi đầu của mỗi người thì luôn luôn là khởi đầu cho mọi vấn đề sau này”[6]. Đó là lý do tại sao trong nhiều trường hợp, ơn gọi tiên tri được đan xen với tuổi trẻ của những người được kêu gọi.

2. Giới trẻ, Lời Chúa và Ơn gọi

Viễn cảnh của những câu truyện tiên tri, trong thực tế đã thiết lập một mối quan hệ “đặc biệt” giữa những người trẻ và Lời Chúa, giữa những người trẻ và Lời tiên tri, vang vọng mạnh mẽ trong trong Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục Thế Giới: “Giới trẻ, đức tin và sự phân định ơn gọi“. Ở số 88 của tài liệu, một chỉ dẫn quan trọng được đưa ra trên khía cạnh của sự phân định dưới ánh sáng của Lời: “Thánh Kinh mời gọi chúng ta đọc mầu nhiệm ơn gọi như một thực tại nội tại ngay trong hành vi sáng tạo của Thiên Chúa, và như một ánh sáng chiếu rọi cách mầu nhiệm sự hiện hữu của mọi người nam nữ. Nếu Chân Phúc Phaolô VI đã tuyên bố rằng «mỗi cuộc đời đều là một ơn gọi» (Populorum Progressio,15), thì Đức Bênêđíctô XVI cũng đã nhấn mạnh đến sự kiện con người được Thiên Chúa tạo dựng như những sinh vật đối thoại: Ngôi Lời sáng tạo «kêu gọi mỗi người bằng những ngôn từ đích thân, do đó mạc khải cho thấy chính cuộc sống cũng là một ơn gọi của Thiên Chúa» (Verbum Domini, 77). Theo nghĩa này, chỉ có thứ nhân học ơn gọi mới có thể giúp ta hiểu con người nhân bản trong mọi sự thật và viên mãn của họ, và nhiều hơn nữa trong số 91, tài liệu nói rằng: “Trong Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng chúng ta được kêu gọi vượt ra ngoài bản thân mình; thực thế, việc lắng nghe lời của Người đã thúc giục chúng ta ‘đi vào biển sâu’ (xem Lc 5, 4) và mở lòng mình ra cho những chân trời thăm thẳm chính ta không thể dò thấu, nếu chỉ dựa vào sức mạnh của chính mình”.

Do đó, người ta không bắt buộc chỉ nghĩ Kinh thánh là một công cụ mang giá trị tinh thần, để thực hiện một sự biện phân, bên cạnh các công cụ khác, thì đây chính là tài liệu tham khảo ban đầu và thiết yếu nhất. Điều này được khẳng định trên chỉ dẫn có thẩm quyền của nhiều Hội nghị Giám mục, trong các số từ 185 đến 186: “Các kinh nghiệm mục vụ với tác động phúc âm hóa và giáo dục lớn nhất, được trình bày bởi nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, vốn đặt sự tương tác với sức mạnh của Lời Chúa ở trung tâm, trong tương quan với việc biện phân ơn gọi: Kiểu đọc Lời Chúa theo lối cầu nguyện (lectio divina), các trường học hỏi Lời Chúa, các lớp giáo lý Thánh Kinh, cái nhìn thông sáng vào đời sống người trẻ thấy trong Sách Thánh, sử dụng các phương tiện kỹ thuật số để tạo thuận lợi cho việc tiếp cận với Lời Chúa: tất cả đều là các thực hành đã thành công với người trẻ. Đối với nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, việc canh tân chăm sóc mục vụ phải có chiều kích sách thánh, và đây là lý do tại sao họ yêu cầu Thượng Hội Đồng suy tư và đưa ra các đề xuất. Ở những nơi có sự hiện diện của nhiều Giáo hội hoặc cộng đồng Kitô giáo khác, nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhấn mạnh giá trị đại kết của Thánh Kinh, một điều có thể dẫn đến các hội tụ đáng kể và các dự án mục vụ chung”. Trước đó, Đức Bênêđictô XVI đã khuyên toàn thể Giáo Hội gia tăng “việc tông đồ Thánh Kinh” như là một trong các hoa quả của Thượng Hội Đồng về Lời Chúa, chứ không phải song song với các hình thức làm việc mục vụ khác, nhưng như một phương thế để Thánh Kinh linh hứng cho mọi công việc mục vụ » (VD 73). Sau khi tuyên bố rằng, “Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chân con và là ánh sáng dẫn đường con đi» (Tv 119: 105), Thánh vịnh gia tự hỏi: «Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy» (Tv 119: 9)”.

3. Bốn nhân vật “tiên tri” trẻ tuổi và Đức Trinh Nữ Maria

Trong Tài Liệu làm việc của Thượng hội đồng Giám Mộc, mối liên hệ giữa những người trẻ tuổi – tiên tri – biện phân được minh họa qua bốn nhân vật tiên tri của “những người trẻ. Chúng ta cần lưu ý rằng hai trong số những nhân vật này được lấy từ các tiên tri thời kỳ trước (Giosuê và Samuel) và hai (Giêrêmia và Giôna) được lấy từ các tiên tri sau này: dấu chứng không chỉ là lời nói, mà chính là sự sống (qua lời kể) của các nhân vật này chính là lời tiên tri.

Hình ảnh đầu tiên, Giosuê, được trình bày cho lòng can đảm của ông: “Trong nhân vật Thánh Kinh Giosuê, phụ tá của Môsê từ thời niên thiếu, các đặc điểm này xuất hiện rõ ràng ngay khi ông được kêu gọi lãnh đạo dân Chúa để chinh phục Đất hứa. Nhiều lần ông được thúc giục «hãy mạnh mẽ và can đảm», cả bởi Môsê (Đnl 31, 7,23) lẫn bởi chính Thiên Chúa (Gs 1, 6,7,9). (Tài liệu làm việc,77)

Nhân vật thứ hai – đây là hình ảnh chúng ta dừng lại lâu hơn – là của nhà tiên tri Giêrêmia, nhớ lại chính xác cho ơn gọi cách đặc biệt của ông (Gr 1): “Mặt khác, tuổi trẻ là tuổi mang theo sự thiếu kinh nghiệm và, do đó, sự sợ hãi hợp lý và sự không chắc chắn về cơ cấu khi đối diện với các nhiệm vụ lớn lao mà đời sống vốn dành cho ta. Mọi người trẻ đều khao khát sự đồng hành, hỗ trợ, thân mật, gần gũi. Giêrêmia chỉ thanh thản trở lại khi chính Thiên Chúa ngỏ các lời sau đây với ông: «Đừng sợ họ, vì Ta ở cùng ngươi và sẽ giải cứu ngươi»” (Gr 1, 8)”. (Tài liệu làm việc 78). Khía cạnh thú vị nhất trong tường thuật về ơn gọi của Giêrêmia nằm ở sự mặc khải về hành động sáng tạo, trao ban nhưng không và sự tác thành của Thiên Chúa. Chàng trai trẻ Giêrêmia không thụ động với lời mời gọi đó, nhưng (giống như những câu chuyện điển hình về ơn gọi), anh ta bày tỏ quan điểm của mình, thông qua một “phản ứng” trong đó trình bày hai khoảnh khắc. Trước hết, anh ta khẳng định “con không biết ăn nói” (Gr 1,6), biểu hiện này vượt lên trên một sự phản đối có thể được coi là một lời phàn nàn và đồng thời một sự biết mình: con không “biết”. Điều này không giống như trường hợp của Môsê về việc thiếu khả năng phát âm (bị ngọng), nhưng đây là về sự nhận thức, theo nguyên bản chính là lời nói của con người không thể lấp đầy cũng như không thể diễn tả trọn vẹn cuộc nói chuyện của Thiên Chúa, đó là sự thật. Ý thức về sự bất toàn này cũng có nghĩa là có nhận thức về những lời nói dối là không đúng, không thỏa mãn. Trong khi phàn nàn rằng anh ta không thể bày tỏ sự thật một cách đầy đủ, Giêrêmia cũng nói rằng anh ta mong muốn sự thật và nhận thức rằng không có sự giả tạo nào có thể che giấu nó. Thứ hai, nhà tiên tri đã thốt lên rằng “bởi vì con còn quá trẻ”; động lực mà Giêrêmia đưa ra là đó là “mình vẫn còn trẻ” theo nghĩa của một người vẫn chưa hoàn toàn tự chủ chính mình. Giêrêmia không tự chủ khi không biết mình làm gì, do đó anh ta vẫn phải “lắng nghe” lời để có thể nói lại như một nhà tiên tri. Nhưng anh ta không tự chủ ngay cả khi anh ta biết phải làm thế nào, bởi vì kinh nghiệm sống nhỏ bé của anh ta không cho phép anh ta có đặc quyền gì ở Israel hoặc có một kilogam trọng lượng nào trong xã hội thời đó. Phản ứng sự linh thánh trái ngược với hai khoảnh khắc phản ứng của Giêrêmia với hai mệnh lệnh tiêu cực. Đầu tiên là «đừng nói con còn trẻ” (Gr 1,7). Thiên Chúa không phủ nhận rằng Giêrêmia còn trẻ, nhưng ngài cấm anh ta nói điều đó, ngài áp đặt một cái nhìn khác về thực tế không theo suy diễn phán đoán của anh ta từ lịch sử nhân loại (theo lý trí) của con người; nhiệm vụ được giao cho chàng trai trẻ Giêrêmia sẽ được thực hiện trước một loan báo được lặp đi lặp lại, một ngôn ngữ mới đã được phát hiện tại đây. Thứ đến, Thiên Chúa ra lệnh “không được sợ hãi” (Gr 1,8), Ngài tiết lộ lý do thực sự tại sao Giêrêmia chống lại: sợ hãi như nhận thức về giới hạn của chính con người mình, do đó nó đã giết chết anh ta, nhưng khi Chúa ra lệnh (đừng sợ), Ngài cũng đưa ra một lời an ủi: “Bởi vì bạn vẫn luôn được ngài ở bên bảo vệ và che chở”. Chính Chúa đã can thiệp chống lại nỗi sợ hãi của cái chết và nỗi cô đơn bằng một lời nói không phải là thuốc phiện ru ngủ, ảo giác trước những khó khăn của cuộc sống, nhưng là lời mang lại sức mạnh, tình yêu và sự khôn ngoan để đối mặt và vượt qua chúng.

Nhân vật thứ ba là của Samuel, câu chuyện về ơn gọi của cậu ta (1Sam 3,1-21) vẫn còn là một đứa trẻ được nhiều tác giả nghiên cứu như là khởi đầu cơ bản cho ơn gọi tiên tri: “Ở đó, chúng ta có thể thấy rất rõ ràng rằng thời trẻ là thời để lắng nghe, nhưng cũng là thời khi người ta không có khả năng tự mình hiểu được lời của đời sống và Lời của Thiên Chúa. So với người lớn, người trẻ thiếu kinh nghiệm: người lớn “nhờ thường xuyên tập luyện, đã tự rèn luyện mình trong việc phân biệt điều tốt với điều xấu” (Dt 5:14). Do đó, họ giả thiết phải làm gương sáng chủ yếu vì lương tâm chính trực của họ, một điều vốn xuất phát từ sự thực hành liên tục việc chọn lựa giữa điều thiện và điều ác. Việc đồng hành với các thế hệ trẻ không phải là một yếu tố nhiệm ý trong nhiệm vụ giáo dục và truyền giảng Tin Mừng cho giới trẻ, mà là một nhiệm vụ của giáo hội và là một quyền của mọi người trẻ. Chỉ có sự hiện diện thận trọng và khôn ngoan của Eli mới cho phép Samuen giải thích chính xác lời lẽ Thiên Chúa ngỏ với mình mà thôi. Về khía cạnh này, các ước mơ của người lớn và các lời tiên tri của người trẻ chỉ cùng nhau xảy ra mà thôi (xem Gioen 3: 1), do đó, đã xác nhận tính hợp lệ của các liên minh liên thế hệ” (IL, 81).

Tiên tri thứ tư mà tôi sắp trình bày ở đây, lần này mang tính phủ định, chính là tiên tri Giôna: “Khi vị tiên tri này được sai đi công bố lòng thương xót của Thiên Chúa cho dân cư Ninivê, ông đã bỏ chạy vì trái tim ông không chia sẻ ý định vốn sinh động trái tim Thiên Chúa. Vấn đề thực sự mà tình trạng khó khăn của Giôna làm nổi bật là vấn đề phúc âm hóa những người truyền giảng phúc âm và phẩm chất Kitô hữu của cộng đồng tín hữu, vì chỉ có một cộng đồng được phúc âm hóa mới có khả năng phúc âm hóa.” (IL, 174).

Do đó, bốn nhân vật tiên tri trẻ tuổi đều thể hiện quan điểm riêng của mình: can đảm và sức mạnh trong các lựa chọn, sự đồng hành của Thiên Chúa, kỷ luật lắng nghe, hình thành trái tim của người loan báo.

Đối với bốn nhân vật này, Tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục đặt bên cạnh hình ảnh của một người phụ nữ trẻ, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria. “Trong khả năng tích lũy và suy ngẫm Ngôi Lời trong lòng ngài (x. Lc 2, 19-51), Mẹ Maria là một người mẹ và là một bà giáo dạy biện phân cho toàn thể Giáo Hội.” (IL, 214). Chính Mẹ Maria, trong Văn Kiện chuẩn bị tại Thượng hội đồng, Ngài đã được coi là hình ảnh của một tiên tri, cô ấy biết, khi còn rất trẻ, đã nhận ra với tinh thần tiên tri trong Bài ca Magnificat, “những điều tuyệt vời” mà Chúa đã làm cho người và đã được người đón nhận, trong cung lòng của Mẹ, tất cả những lời hứa của Thiên Chúa.

Giuse Nguyễn Xuân Quang, S.D.B.

Nguồn: donboscoviet.info

------------------------------------------------

[1] x. Phanxicô, Người trẻ có một cái gì của ngôn sứ, trong website: https://phanxico.vn/2018/03/21/duc-phanxico-nguoi-tre-co-mot-cai-gi-cua-ngon-su/

[2] x. Ibid.

[3] x. Ibid.

[4] x. Guido Benzi, Bibia giovani e discernimento, LAS Roma 2019, 39-44.

[5] x. P. Bovati, Così parla il Signore. Studi sul profetismo biblico, EDB, Bologna 2008, 57.

[6] P. Beauchamp, All’inizio Dio parla, ADP Roma 1992, 169-172.