Thách đố của người tu sĩ trẻ và bạn trẻ tìm hiểu ơn gọi thánh hiến

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 401 | Cật nhập lần cuối: 6/1/2020 3:50:50 AM | RSS

Người tu sĩ mặc lấy con người Đức Kitô làm sắc màu cho cuộc sống mình. Đức Kitô trở thành căn cứ để đối chiếu và quy hướng đến Chân – Thiện – Mỹ; hơn thế nữa, Đức Kitô trở nên một trang sức quý giá nhất mà người tu sĩ có được, do chính lời mời gọi của Đức Kitô. Người tu sĩ khoác lên mình sứ mạng của chính Đức Kitô là đem Tin Mừng đến với mọi người. Để làm được việc đó, người tu sĩ phải trở nên mẫu mực như con người Đức Kitô, phải đem hình ảnh Đức Kitô từ trong suy nghĩ vào trong đời sống thực tế, dù đó là hoàn cảnh nào. Nhưng, giữa xã hội năng động và không ngừng biến chuyển như hôm nay, người tu sĩ đang đứng trước những thách đố, những đòi hỏi mà con người đang đặt ra cho họ, đặc biệt là người tu sĩ trẻ.

Người tu sĩ sống theo lý tưởng của Đức Kitô, nhưng họ cũng sống thực tế giữa đời thường, cũng là một con người. Khuynh hướng thực dụng đang dần lan tràn theo đà phát triển của khoa học kỹ thuật, nó không chừa một ai. Đời sống thực dụng càng phát triển bao nhiêu, thì tha hóa nơi đời sống tinh thần càng lớn bấy nhiêu. Đặc biệt, với người tu sĩ trẻ, lối sống thực dụng sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống thiêng liêng và chi phối cả lối suy nghĩ của họ. Tôi gọi đó là sự tục hóa, nếu tôi biến đời sống thực dụng thành nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.

Người tu sĩ đang đứng trước sự chọn lựa phải chọn cho mình một lối sống. Nếu họ chọn cho mình những thứ tiện nghi vật chất, thì họ cũng trở nên những con người bình thường, và họ gián tiếp phủ nhận gương mặt chân thật của Đức Kitô. Còn nếu họ rũ bỏ hay từ chối sự hưởng thụ trong cuộc sống, thì chẳng khác nào đang tự đi ngược lại với đại đa số con người thời nay. Thậm chí, họ sẽ bị xem như một kẻ lập dị, khác thường. Mà đúng như thế, họ đang khác thường, họ đang đi ngược dòng với xu hướng thực dụng, vì họ đang đi theo Đức Ki-tô, một lối sống giản dị và nghèo khó. Tuy vậy, chính sự khác thường ấy làm nên một người tu sỹ chân chính, người chỉ cậy dựa vào sức mạnh của Đức Kitô chứ không phải của cải trần gian; người đi theo ánh sáng Phục Sinh của Đức Kitô chứ không phải hào quang trần gian chóng qua này.

Kế đến, người tu sĩ không thể loại ra khỏi mình tình yêu, nhưng phải mang lấy tình yêu. Nhưng thứ tình yêu mà người tu sĩ mang trong mình là thứ tình yêu không thuộc về thế gian, nhưng là tình yêu của Đức Kitô, tình yêu của người mục tử nhân lành. Thứ tình yêu của ái tình, của danh vọng hay quyền thế dễ khiến người tu sĩ hôm nay đi vào vòng xoáy của sự ích kỷ, chỉ lo kiếm tìm và giữ riêng cho mình, chứ không muốn cho đi. Học nơi Đức Kitô, người tu sĩ cần loại bỏ ngay từ đầu những thứ tình yêu thực dụng đó, họ phải đương đầu với nó và cho đi tình yêu vĩnh cửu nơi Đức Kitô. Trong thực tế, để làm được điều đó thật khó biết bao, người tu sỹ trẻ chưa đủ bản lĩnh và kinh nghiệm để đối diện với những khó khăn và cám dỗ của thời đại mới này. Một bên là lời hứa trung thành tuyệt đối với tình yêu của Đức Ki-tô, một bên là nhu cầu nơi những tình yêu khác mà họ gặp phải; như thế, điều rất cần thiết là người tu sĩ phải đủ mạnh mẽ, đủ can đảm và đủ tự do để đối diện và chọn lựa những giá trị phù hợp với đời tu.

Ngoài chủ nghĩa thực dụng, giới trẻ ngày nay cũng đề cao chủ nghĩa tự do và lãng mạn, đặc biệt ở khía cạnh dục tính. Nếu người tu sĩ trẻ cũng có những khuynh hướng ấy, chẳng khác nào họ đang tìm cách tự biện hộ cho mình, lấy lý do rằng: chính họ cũng đang là những người trẻ. Nhưng không phải thế, sức trẻ đích thực phải là khả năng nhận biết những viễn cảnh của thời đại để đối phó, để tìm giải pháp và để giúp đỡ những người trẻ khác đang rơi vào vòng luẩn quẩn của bản năng ấy. Chúng ta không được thỏa hiệp và tạo cơ hội cho tư duy tự do dục tính có cơ hội xâm nhập vào đời sống mình, với tư cách là một người tu sĩ. Nhưng, chúng ta phải định hướng và không ngừng tập luyện những nhân đức để có thể chiến thắng được những cám dỗ ấy. Hơn thế nữa, Đức Kitô luôn là tình yêu và ân sủng lớn lao nhất mà người tu sỹ có thể nhận được nếu như bám víu vào Ngài. Chỉ có cách ấy, người tu sĩ mới có thể thoát khỏi những kìm hãm của thế gian và thứ tình yêu tính dục, đặc biệt với người tu sĩ trẻ.

Một khía cạnh khác cũng đang âm ỉ nhưng vẫn hằng ngày len lỏi vào đời sống người tu sỹ, đó chính là chủ nghĩa cá nhân. Đời tu là một cuộc từ bỏ, trong đó có cuộc từ bỏ cá nhân để chọn lấy tập thể, từ bỏ nhận lãnh để được trao ban. Đầu tiên, người tu sỹ hôm nay được đào tạo đầy đủ ở trình độ tri thức, đây quả là một điều kiện tốt để họ phát triển và phục vụ. Đây cũng được xem là sự tích cực để đào luyện sự trung thành nơi người tu sĩ. Nhưng nếu chỉ đơn thuần như vậy thì chẳng có gì đáng để chú ý, vì nếu sự nhận biết và khả năng của họ đang từng ngày nuôi dưỡng cái ý nghĩ cá nhân, tính độc lập cực đoan thì lại là vấn đề nghiêm trọng cần được xem xét. Chúng ta dễ lầm tưởng và dễ bao che cho cái cá nhân khi cho rằng nó chỉ là tính cách hay bản tính của một con người. Nếu tôi không phải một tu sĩ, tôi có quyền như thế, nhưng tôi là một tu sĩ, tôi chẳng có quyền gì đòi hỏi cho mình phải vun trồng tính cá nhân, ích kỷ. Người tu sĩ hôm nay cũng thế, họ không thể lấy mình làm cơ sở, làm gốc để căn cứ và bắt mọi người phải theo mình. Một biểu hiện cụ thể cho chủ nghĩa cá nhân là thái độ luôn luôn chứng tỏ bản thân, khó chấp nhận người khác hoặc chỉ chấp nhận những ai giống như mình. Họ luôn cậy dựa và tin tưởng vào bản thân, họ không muốn cậy nhờ vào bất kì ai. Nếu là người tu sĩ, chẳng phải chúng ta đã có Đức Kitô làm điểm quy chiếu, là sức mạnh và là mẫu gương để chúng ta noi theo hay sao? Nếu như chúng ta không thấy Đức Kitô, không biết Ngài thì làm sao chúng ta là người tu sĩ được?

Chủ nghĩa cá nhân như một rào cản lớn cho con người mọi thời đại, và đặc biệt với người tu sĩ trẻ, để có thể mở ra với Thiên Chúa và tha nhân. Mọi người phải vượt qua rào cản ấy để tiến đến sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô. Đầu tiên là từ phía bản thân, họ phải vượt qua cái tôi cá nhân mà chỉ chính họ mới biết được. Thứ đến, họ phải vượt qua rào cản của tha nhân, họ phải biết chấp nhận người khác khi làm việc tông đồ, để hiểu và giúp người khác thăng tiến trong Đức Tin vào Thiên Chúa.

Nói đến những khó khăn và những thách thức, chúng ta cũng phải thừa nhận người tu sĩ trẻ hôm nay có đầy đủ điều kiện thuận lợi để học tập, để phục vụ… nhưng đó cũng trở thành những cám dỗ rất lớn cho họ. Trải qua thời gian và những cuộc vật lộn với thực tế xã hội và giai đoạn đầu của đời tu, tôi nhận ra sức mạnh nơi tình yêu Đức Kitô là cần thiết biết bao. Lúc tôi có những suy nghĩ và cảm nhận mình muốn thoái lui khỏi đời tu, tôi buồn bã và chán nản; bất chợt Thánh Giá Đức Kitô trở nên nguồn an ủi mạnh mẽ cho tôi. Vì tôi biết, trong sự đau khổ cùng cực nhất, lại là tình yêu to lớn và vĩ đại nhất. Kế đến, khi phải đối diện với những thách đố của thời đại mới luôn biến chuyển, việc tông đồ cũng gặp nhiều khó khăn, tôi nhìn đến cách mà Chúa Giêsu đã giảng dạy cho dân chúng xưa, cách mà Chúa đã rao giảng Tin Mừng và cả cách mà Chúa đã rao giảng về sự khốn khó và sự chết của Ngài. Lúc ấy, tôi cũng sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, để được cùng chết với Ngài. Đôi lúc, từ sự ích kỷ cá nhân, tôi có thể đã loại trừ Thiên Chúa khỏi đời sống của tôi, cả về đời sống vật chất và tinh thần. Có vẻ như tâm thế của giới trẻ ngày nay đều là thế, tôi không tự biện minh cho mình nhưng tôi phải thừa nhận điều ấy, vì tôi cũng là một người trẻ. Tôi nhớ lại cách mà dân chúng xưa đã loại trừ Chúa Giêsu, tìm cách để lên án Ngài, có vẻ như tôi cũng đang như những người dân xưa. Vậy thử hỏi, tôi đang là một tu sĩ hay cũng chỉ là một pharisêu? Có lúc, tôi cũng phải chiến đấu với những hoài nghi vào Thiên Chúa. Tôi đặt ra cho mình những lý do thật hợp lý để biện minh cho việc xa rời Thiên Chúa của mình. Nhưng thật may thay, Chúa đã an ủi và dẫn dắt tôi trở về với Ngài, bằng tình yêu và sự tha thứ nơi Tòa Cáo Giải và nơi Bánh Hằng Sống. Lúc này, tôi chỉ thấy tình yêu Thiên Chúa lấp đầy mọi giới hạn trong tôi.

Người tu sĩ cũng là một con người, nhưng là một con người bước theo Đức Kitô, họ đang làm một cuộc nhập thế giữa dòng đời. Có thể nói người tu sỹ sống giữa đời này, nhưng lại không thuộc về cõi đời này. Họ sống trong xã hội này, nhưng lại làm chứng về một xã hội khác, một vương quốc khác, đó là Nước Thiên Chúa. Chính vì những lý do đó, người tu sĩ hôm nay phải đối diện với muôn vàn thách đố, có cả những sự chống đối, những loại trừ và cả những lời khinh chê. Thế nhưng, đó lại là lối đường thập giá mà Đức Kitô đã đi. Tôi biết mình đang phải đối diện với tất cả những khó khăn ấy, nhưng tôi vẫn bước đi vững vàng trong đời sống này, phải chăng chính Đức Kitô đang giúp tôi?

Nguồn: Salediêng DonBosco Việt Nam