Người giáo dân trưởng thành

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2403 | Cật nhập lần cuối: 2/9/2015 9:08:26 PM | RSS

I. VÀO ĐỀ

Sáng ngày 17 tháng 10 năm 2011, Đức Thánh cha Biển Đức XVI đã cho công bố Tự Sắc về Năm Đức Tin được đặt tên là "Porta Fidei" (Cửa Đức Tin) trong đó ngài nêu lên tầm quan trọng của việc đọc các văn kiện và thực thi các Giáo huấn của Công đồng Vatican II:

“Tôi cho rằng việc khởi sự Năm Đức Tin trùng với dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II có thể là một cơ hội thích hợp để hiểu rằng các văn kiện Công đồng, được các Nghị Phụ để lại như gia sản, "không bị mất giá trị, cũng như vẻ tươi sáng". Cần đọc các văn kiện ấy một cách thích hợp, cần biết rõ và hấp thụ các văn kiện ấy như những văn bản giá trị và có tính chất qui phạm của Huấn Quyền Hội Thánh, giữa lòng Truyền Thống của Giáo Hội. Hơn bao giờ hết tôi cảm thấy nghĩa vụ phải nêu cao Công đồng như "hồng ân lớn lao mà Giáo Hội được hưởng trong thế kỷ XX": trong đó chúng ta được một địa bàn chắc chắn để định hướng trong con đường của thế kỷ đang mở ra". Tôi cũng muốn mạnh mẽ lập lại điều tôi đã quả quyết về Công đồng vài tháng sau khi tôi được bầu kế vị Thánh Phêrô, rằng: "Nếu chúng ta đọc và đón nhận Công đồng, với sự giải thích đúng đắn, thì Công đồng ngày càng có thể và trở thành sức mạnh lớn để thực hiện sự canh tân Giáo Hội ngày càng cần thiết" được một địa bàn chắc chắn để định hướng trong con đường của thế kỷ đang mở ra" (số 5).

Chúng ta tổ chức buổi tọa đàm này là để kỷ niệm 50 năm (1962-2012) khai mạc Công đồng Vatican II, Công đồng được mệnh danh là Công đồng của giáo dân. Bài thuyết trình của linh mục Nguyễn Trọng Viễn O.P. chúng ta vừa nghe giúp chúng ta ôn lại “Ơn gọi và Sứ vụ của giáo dân theo Công đồng Vatican II.” Nhưng để sống ơn gọi và thực thi sứ vụ của mình, hiển nhiên là người giáo dân phải hội đủ một số điều kiện khách quan cũng như chủ quan. Điều kiện khách quan là những điều kiện từ bên ngoài như bối cảnh Giáo Hội và xã hội có thuận lợi hay không thuận lợi, thuận lợi nhiều hay ít cho việc người giáo dân sống ơn gọi và thực thi sứ vụ của mình. Còn điều kiện chủ quan là những điều kiện của chính bản thân người giáo dân. Chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn đến điều kiện chủ quan nhưng cũng không xem thường các điều kiện khách quan. Nói cách khác, người giáo dân có sống ơn gọi và thực thi sứ vụ của mình được hay không là tùy vào việc người ấy có trưởng thành hay không.

Người giáo dân đích thực hay trưởng thành là niềm mơ ước của Giáo Hội, là lý tưởng mà hàng giáo dân phải đạt tới, là công trình mục vụ mà hàng giáo phẩm và hàng giáo sĩ có trách nhiệm đầu tư xây dựng cho hiện tại và tương lai của cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam thân yêu này.

II. TRÌNH BÀY

2.1. Người giáo dân là người của hai “thành đô”: Giáo Hội và xã hội trần gian.

Trước hết Công Đồng Vatican II xác định, cùng một lúc, người giáo dân thuộc về Giáo Hội và xã hội trần gian:

“Các tín hữu giáo dân cùng một trật hoàn toàn thuộc về Dân Chúa và về xã hội trần gian: họ thuộc về một dân tộc, nơi chôn nhau cắt rốn của họ; họ đã bắt đầu thông dự những kho tàng văn hóa của dân tộc nhờ việc giáo huấn, liên kết với đời sống dân tộc bằng nhiều mối dây xã hội khác nhau, cộng tác vào tiến bộ riêng của dân tộc qua nghề nghiệp của họ, cảm thấy những vấn đề của dân tộc như là những vấn đề của chính họ và cố gắng giải quyết. Lại nữa, họ còn thuộc về Chúa Ki-tô, vì họ được tái sinh trong Giáo Hội bằng đức tin và phép Rửa, để nhờ đời sống mới và việc làm mới, họ là của riêng Chúa Ki-tô, để mọi sự qui phục Thiên Chúa trong Chúa Ki-tô và sau cùng để Thiên Chúa là mọi sự trong mọi người” (Sắc Lệnh Truyền Giáo, Chương III, số 21).

2.2. Nhiệm vụ chính của người giáo dân không phải là ở trong Giáo Hội mà là ở ngoài xã hội hay trong trần thế

“Nhiệm vụ chính của người giáo dân, nam cũng như nữ, là làm chứng về Chúa Ki-tô, làm chứng bằng đời sống và lời nói trong gia đình, trong các đoàn thể xã hội, cũng như trong môi trường nghề nghiệp. Thật vậy, họ phải biểu lộ con người mới đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, trong sự công chính và thánh thiện của chân lý. Nhưng họ phải diễn tả nếp sống mới đó trong môi trường xã hội và văn hóa của quê hương, theo truyền thống của dân tộc mình. Chính họ phải hiểu biết nền văn hóa đó, sửa chữa, bảo tồn, và cải tiến theo những hoàn cảnh mới, và sau cùng phải hoàn tất nó trong Chúa Ki-tô, để niềm tin vào Chúa Ki-tô và đời sống Giáo Hội không còn xa lạ với xã hội họ sống, nhưng bắt đầu thấm nhiễm và cải hóa xã hội đó. Họ phải liên kết với đồng bào mình bằng tình bác ái chân thành, để trong cách sống của họ xuất hiện một mối dây mới về hiệp nhất và về liên kết đại đồng đã được bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa Ki-tô. Họ cũng phải gieo rắc đức tin vào Chúa Ki-tô giữa những người có liên lạc với họ trong đời sống nghề nghiệp; điều bó buộc này càng khẩn thiết hơn vì nhiều người chỉ có thể nghe Phúc Âm và nhận biết Chúa Ki-tô nhờ các giáo dân sống gần họ. Hơn nữa, nơi nào có thể, giáo dân phải được chuẩn bị để cộng tác trực tiếp hơn với hàng Giáo Phẩm trong việc hoàn tất sứ mệnh đặc biệt là loan báo Phúc Âm và truyền thông giáo lý Ki-tô giáo ngõ hầu Giáo Hội mới khai sinh thêm vững mạnh.” (Sắc Lệnh Truyền Giáo, Chương III, số 21).

2.3 Người giáo dân đích thực hay trưởng thành.

Để có thể đảm đương và chu toàn nhiệm vụ chính của mình, người giáo dân phải trưởng thành như Công đồng Vatican II đã khẳng định một cách minh bạch và hùng hồn:

“Giáo Hội chưa được thiết lập thực sự, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Ki-tô giữa loài người, nếu chưa có hàng giáo dân đích thực và nếu hàng giáo dân này chưa cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm. Thật vậy, Phúc Âm không thể đi sâu vào tinh thần, đời sống và sinh hoạt của một dân tộc nếu không có sự hiện diện linh hoạt của giáo dân. Do đó, ngay khi thiết lập Giáo Hội phải hết sức chú tâm đến việc đào tạo một hàng giáo dân Ki-tô giáo trưởng thành.” (Sắc Lệnh Truyền Giáo, Chương III, số 21).

2.4 Những phẩm chất hay đặc điểm của người giáo dân đích thực hay trưởng thành

Trong lời tuyên bố trên đây, chúng ta không thấy Công đồng xác định thế nào là người giáo dân đích thực hay trưởng thành; chúng ta cũng không thấy các Nghị Phụ đưa ra các tiêu chí của người giáo dân đích thực hay trưởng thành. Nhưng dựa vào đoạn văn ngắn ngủi ấy, chúng ta có thể rút ra được một số phẩm chất hay đặc điểm của người giáo dân đích thực hay trưởng thành.

* Phẩm chất hay đặc điểm thứ nhất của những người giáo dân đích thực hay trưởng thành là những người ấy (có khả năng và thực sự đã) làm cho Giáo Hội được thiết lập thực sự trên một mảnh đất, trong một cộng đồng dân tộc.

* Phẩm chất hay đặc điểm thứ hai của những người giáo dân đích thực hay trưởng thành là những người ấy (có khả năng và thực sự đã) làm cho Giáo Hội sống đầy đủ ơn gọi, sứ mạng, trách nhiệm của mình trong một cộng đồng xã hội.

* Phẩm chất hay đặc điểm thứ ba của những người giáo dân đích thực hay trưởng thành là những người ấy (có khả năng và thực sự đã) làm cho Giáo Hội trở thành dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Ki-tô giữa loài người.

* Phẩm chất hay đặc điểm thứ tư của những người giáo dân đích thực hay trưởng thành là những người ấy (có khả năng và thực sự đã) cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm, trong tư thế là những người “đồng trách nhiệm” với Hàng Giáo Phẩm, chứ không chỉ là các “cộng sự viên” như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI vừa mới nhắc lại trong Sứ điệp gửi các tham dự viên Đại hội kỳ VI, quen gọi là “Diễn đàn quốc tế” của Phong trào Công Giáo Tiến Hành, nhóm tại thành phố Iasi bên Rumani từ ngày 22 đến 26/8/2012, với sự tham dự của các Đại biểu phong trào đến từ 35 nước thuộc 4 đại lục trên thế giới (1).

Ở đặc điểm thứ tư này có hai điều đáng chúng ta lưu ý: một là văn bản nói rõ là hàng giáo phẩm nên chúng ta phải hiểu là các giám mục chứ không phải là các linh mục được gọi chung là hàng giáo sĩ; hai là “cùng làm việc với” hàng giáo phẩm chứ không phải là “làm việc dưới” quyền chỉ huy hay theo sự điều động/sai bảo của hàng giáo phẩm.

2.5 Các phương thế giúp người giáo dân trở nên đích thực hay trưởng thành.

Làm thế nào để giáo dân có khả năng làm cho Giáo Hội được thiết lập thực sự trên một mảnh đất, trong một cộng đồng dân tộc, làm cho Giáo Hội sống đầy đủ ơn gọi, sứ mạng, trách nhiệm của mình trong một cộng đồng xã hội, và cùng làm việc với Hàng Giáo Phẩm? Nói cách khác là làm thế nào để người giáo dân trở nên muối, men và ánh sáng trong các môi trường gia đình và xã hội (Mt 5,13-16; 13,33)? Làm thế nào để người giáo dân là môn đệ chân chính của Thầy Giêsu (xem Mt 7,21-27), là người thuộc gia đình của Đức Giêsu (Mt 12,40-50) và là thợ vườn nho của Thiên Chúa (Mt 20,1-2.4.5-7)?

Thiết nghĩ có một số việc quan trọng như sau:

Một là đào tạo bồi dưỡng cơ bản và chuyên sâu về Giáo Lý, Giáo Luật, Thánh Kinh, Thần Học, Linh Đạo, Lịch Sử Giáo Hội toàn cầu và địa phương, Công Đồng và Giáo Huấn Xã hội của Giáo Hội. Ở lãnh vực bao la rộng lớn này chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Ở đây chúng ta có Trung tâm và Học viện Mục vụ là nơi sinh hoạt và đào tạo giáo dân. Nhưng thử hỏi đã có được bao nhiêu phần trăm giáo dân thành phố lưu tới nơi này, tham dự các Khóa học hỏi, các sinh hoạt ở đây? Cũng thử hỏi ngoài giáo phận Sài-gòn có được mấy giáo phận trong cả nước có chương trình và các lớp, các khóa đào tạo giáo dân như ở đây?

Hai là giao trách nhiệm cho giáo dân hay đúng hơn là để và giúp giáo dân đảm đương công việc thuộc trách nhiệm của họ. Trách nhiệm của giáo dân phần chính là có liên quan tới trần thế, chứ không chỉ giới hạn trong nội bộ Giáo Hội mà thôi.

Ba là thay đổi não trạng xem thường giáo dân hay não trạng “giáo sĩ trị” (cléricalisme) trong Giáo Hội Việt Nam là Giáo Hội còn quá nặng tính giáo sĩ. Não trạng này rất phổ biến nơi giáo dân (mặc cảm tự ti thái quá) cũng như nơi giáo sĩ (mặc cảm tự tôn thái quá).

Bốn là thiết lập, thay đổi và cải tiến cơ chế như Hội đồng Tài chánh giáo xứ và giáo phận, Hội đồng Mục vụ giáo xứ và giáo phận, các Ủy Ban thuộc Hội đồng Giám mục, nhất là các ủy ban có liên hệ trực tiếp tới giáo dân như Ủy ban giáo dân, Ủy ban gia đình, Ủy ban truyền thông v.v… Ở cơ quan cao nhất là Hội đồng Giám mục Việt Nam, chúng ta chưa bao giờ thấy sự hiện diện của người giáo dân, dù chỉ là với tư cách là quan sát viên hay người dự thính chứ chưa dám nói tới việc người giáo dân được phát biểu hay đóng góp ý kiến, bàn bạc, trong các kỳ họp hay hội nghị các Giám mục.

Năm là xây dựng mối tương quan trưởng thành và hợp tác với hàng giáo phẩm và hàng giáo sĩ như Công đồng Vatican đã xác định ở số 37 của “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội” (2), ở số 9 của “Sắc Lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục” (3) và như Đức Thánh cha Biển Đức đã nhắc nhở trong sứ điệp gửi Diễn Đàn quốc tế các tổ chức Công Giáo Tiến Hành vừa nhóm họp tại Iasi (Rumani) cuối tháng 8.2012 (1).

(còn tiếp)

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

------------------------------------------

Ghi chú:

(1) “Tinh thần đồng trách nhiệm đòi phải thay đổi não trạng, nhất là về vai trò của giáo dân trong Giáo Hội: không được coi giáo dân chỉ là “những cộng tác viên” của hàng giáo sĩ, nhưng như những người thực sự “đồng trách nhiệm” đối với cuộc sống và hoạt động của Giáo Hội. Vì thế, điều quan trọng là phải củng cố một hàng giáo dân trưởng thành và dấn thân, có khả năng đóng góp phần đặc thù của mình cho sứ mạng của Giáo Hội, trong niềm tôn trọng các thừa tác vụ và nghĩa vụ của mỗi người trong đời sống Giáo Hội và luôn luôn hiệp thông với các Giám Mục”.

“Điều này có nghĩa là khi phục vụ Giáo Hội, giáo dân phải đón nhận mục đích tông đồ trong toàn bộ, trong một sự quân bình phong phú giữa Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội địa phương, và trong tinh thần hiệp thông sâu xa với Người Kế Vị Thánh Phê-rô và tinh thần đồng trách nhiệm thực sự với các vị chủ chăn của mình.”

“Vai trò của giáo dân có một tầm quan trọng đặc biệt, nhất là trong giai đoạn hiện nay của lịch sử, cần phải được giải thích dưới ánh sáng giáo huấn xã hội của Hội Thánh, để ngày càng trở thành ”một phòng thí nghiệm về sự hoàn cầu hóa tình liên đới và bác ái, để cùng với toàn thể Giáo Hội, tăng trưởng trong sự đồng trách nhiệm, mang lại một tương lai hy vọng cho nhân loại, có can đảm đưa ra những đề nghị đòi hỏi nhiều cố gắng”.

“Cuộc sống của anh chị em hãy có tính chất 'trong sáng', được Tin Mừng hướng dẫn và được soi sáng nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, được yêu mến và noi theo không chút sợ hãi. Hãy đảm nhận và chia sẻ những chọn lựa mục vụ của các giáo dân và giáo xứ, tạo những cơ hội gặp gỡ và cộng tác chân thành với các thành phần khác trong Giáo Hội, kiến tạo những quan hệ quí mến và hiệp thông với các linh mục, để họp thành một cộng đồng sinh động, phục vụ và truyền giáo”.

[Sứ điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI gửi Diễn Đàn Quốc Tế của Phong Trào Công Giáo Tiến Hành, nhóm tại thành phố Iasi (Rumani) từ ngày 22 đến 26/8/ 2012/ G. Trần Đức Anh OP chuyển dịch/ Vatican - 24/08/2012].