Ludwig Feuerbach: Những bài giảng về bản chất của tôn giáo (10)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 472 | Cập nhật lần cuối: 7/8/2023 3:01:37 AM | RSS

NỘI DUNG

Ludwig Feuerbach: Những bài giảng về bản chất của tôn giáo (10)Thiên nhiên với tư cách là cơ sở của tôn giáo. – Tình cảm lệ thuộc vào tính vị kỷ. – Nhu cầu, tính chất song phương của nó. – Ăn và thờ cúng. – Sự ích lợi và sự thỏa thích. – Thiên nhiên, với tư cách là cơ sở của thần thiên nhiên, bản thân nó là một cơ sở không phải thứ yếu. – Việc giải thích nguồn gốc của con người từ thiên nhiên. – Tính chất không thể suy diễn thiên nhiên từ một sinh vật có tinh thần: việc suy đoán thiên nhiên từ “linh hồn” chỉ là một sự suy đoán có tính chất lô-gích chứ không phải là một “sáng tạo”. – Con người là sinh vật “sinh ra trên trái đất”. – Sự thần thánh hóa các vật thể được lĩnh hội một cách cảm tính.

Cho đến giờ đề tài của những bài giảng của tôi và của những tiết được lấy làm cơ sở cho các bài giảng đó, là nhằm nói lên rằng: ý thức về sự lệ thuộc vào cơ sở và nguồn cội của tôn giáo, được nằm ở ngay trong con người; còn như đối tượng của cái ý thức về sự lệ thuộc đó, chừng nào nó không bị bóp méo bởi cái lối tư biện và lối lập luận siêu hình, chính là thiên nhiên; là vì chúng ta sống, hoạt động và tồn tại ở trong thiên nhiên; nó là cái bao trùm lấy con người; đó là cái mà, nếu ta lấy đi ở con người thì cũng sẽ lấy mất đi sự tồn tại của nó; đó là cái mà nhờ đấy con người tồn tại được, cái mà con người bị lệ thuộc vào đó trong mọi hành động của nó, trong mỗi bước đi của nó. Tách rời con người khỏi thiên nhiên thì cũng chẳng khác gì chúng ta muốn ngăn cách đôi mắt với ánh sáng, lá phổi với không khí, chiếc dạ dày với các thức ăn và biến chúng thành những thực thể tự tại, không phụ thuộc vào một gì cả. Nhưng cái mà con người lệ thuộc vào đó, cái có quyền lực sai khiến sự sống và chết của nó, cái là cội nguồn của sự sợ hãi và niềm vui; lại là vị thần của con người và được gọi là thượng đế. Còn như cái ý thức về sự lệ thuộc, do bởi lẽ con người sở dĩ tôn thờ thiên nhiên, và nói chung là tôn thờ thần, cũng chỉ vì khả năng mang lại điều thiện lành của thần (và ví thử có tôn thờ thần vì khả năng làm hại của nó và vì nỗi khiếp sợ mà nó đã gieo rắc, thì cũng chỉ để ngăn chặn hiệu lực độc ác của nó mà thôi), cái ý thức về sự lệ thuộc này đã dẫn chúng ta đến tính vị kỷ như là cơ sở cuối cùng, ẩn kín, của tôn giáo. Để tránh khỏi có những sự ngộ nhận và để luận chứng một cách sâu sắc hơn cho đề tài trên tôi sẽ xin nói thêm một điều nữa như sau. Ý thức về sự lệ thuộc có vẻ như mâu thuẫn với tính vị kỷ; là vì, trong tính vị kỷ tôi đem đối tượng phụ thuộc vào tôi, còn trong ý thức về sự lệ thuộc, tôi đem bản thân mình lệ thuộc vào đối tượng; trong tính vị kỷ tôi cảm thấy bản thân mình là một cái gì đó quan trọng, to lớn, còn trong ý thức về sự lệ thuộc tôi cảm thấy mình chỉ là một sự bé nhỏ vô nghĩa trước một cái gì đó to lớn hùng mạnh hơn. Chúng ta vừa mới nghiên cứu sự sợ hãi, đấy là một biểu hiện rõ rệt nhất của ý thức về sự lệ thuộc. Tại sao người nô lệ lại sợ người chủ của mình, và người nguyên thủy lại sợ sấm sét? Bởi vì người chủ nắm trong tay y cuộc sống của người nô lệ, còn vị thần sấm cuộc sống của con người nói chung. Có nghĩa, nó sợ cái gì vậy? Sợ mất đi cuộc sống của mình. Nó sợ chỉ vì tính vị kỷ, vì tự yêu mình, yêu cuộc sống của mình. Nơi nào không có tính vị kỷ thì nơi đó không có ý thức về sự lệ thuộc. Với kẻ mà cuộc sống không có gì quan hệ, không có nghĩa lý gì hết, thì những gì mà nó bị lệ thuộc vào đó đối với nó cũng là điều vô nghĩa lý; nó không phải sợ hãi gì cái đó cả và cũng không mong đợi gì ở cái đó cả; và vì vậy, trong sự dửng dưng, thờ ơ của nó không hề có một điểm tựa đè trên đó cái ý thức về sự lệ thuộc có thế xác lập. Nếu như tôi thích được đi lại tự do chẳng hạn, thì tôi sẽ cảm thấy lệ thuộc vào kẻ có thế lấy đi hoặc cho tôi được sự tự do, và kẻ có thể cấm đoán hay buông thả cho tôi được tha hồ đi chơi, là vì tôi thường vẫn muốn đi dạo chơi nhưng lại không thể làm được điều này bởi lẽ một kẻ hùng mạnh, có uy quyền hơn đã ngăn cản không cho tôi làm điều đó; còn nếu như tôi dửng dưng với việc tôi có bị cấm đoán hay được tự do, tôi có phải ở trong phòng của tôi hay được tự do theo ý muốn, tôi vẫn không cảm thấy mình lệ thuộc vào kẻ cấm đoán mình, là vì, dù y có cho phép hay có cấm đoán tôi tự do đi lại thì y vẫn không hề tỏ ra có một uy lực nào đối với tôi, có thể gây nên ở trong tôi niềm vui mừng hay khiến cho tôi phải sợ hãi, và cũng có nghĩa, có thể làm đẻ ra ở tôi ý thức về sự lệ thuộc, là vì ý thức đi chơi không chế ngự được tôi. Do đó, một quyền lực bên ngoài mặc nhiên cũng có nghĩa là một quyền lực tâm lý, bên trong, một động cơ và lợi ích vị kỷ mà, nếu không có nó thì cái quyền lực bên ngoài kia sẽ không là gì cả đối với tôi, không thể tỏ ra có thế lực đối với tôi và gây được ở tôi cái ý thức về sự lệ thuộc. Sự lệ thuộc của tôi đối với một kẻ khác thực tế chỉ là sự lệ thuộc của tôi vào chính bản thể của mình, vào những ham thích, ước muốn và lợi ích của chính mình mà thôi. Bởi vậy, ý thức về sự lệ thuộc không phải gì khác hơn là cái ý thức gián tiếp, bị bóp méo hay có tính chất tiêu cực, về cái “tôi” của tôi, tuy nhiên đó không phải là ý thức trực tiếp về cái “tôi” của tôi, mà chỉ được truyền đạt đến tôi thông qua cái đối tượng mà tôi cảm thấy mình phụ thuộc vào đấy.

Mà tôi chỉ lệ thuộc vào những thực thể mà tôi cần đến để duy trì cuộc sống của mình, những thực thể mà nếu không có chúng thì tôi không thể có được những gì mà tôi muốn có, những thực thể có quyền lực mang lại cho tôi những gì mà tôi mong muốn, những gì mà tôi cần đến nhưng bản thân không có được quyền lực để mang lại cho bản thân. Nơi nào không có nhu cầu, thì nơi đó cũng không có ý thức về sự lệ thuộc; ví thử con người không cần đến thiên nhiên để tồn tại, thì nó cũng sẽ không cảm thấy mình phải lệ thuộc vào đó, và do đó, nó cũng không biến thiên nhiên làm đối tượng sùng bái của mình. Và tôi càng cần đến một đối tượng nhiều hơn bao nhiêu thì tôi càng cảm thấy lệ thuộc vào nó bấy nhiêu, nó lại càng có uy lực đối với tôi bấy nhiêu; nhưng cái uy lực đó của sự vật, của đối tượng không phải là một cái gì có tính chất độc đoán, nó là kết quả của uy lực nhu cầu của tôi. Nhu cầu là chủ của vật thể bao nhiêu thì nó cũng là đầy tớ của vật thể bấy nhiêu, nó cũng nhu thận như thể nó vốn kiêu căng và cao ngạo; nó cần vật thể, đối tượng, nếu không có vật thể, đối tượng thì nó khổ sở, và đấy chính là sự trung thành của nó, sự hy sinh quên mình của nó, sự thiếu mặt của tính vị kỷ. Nhưng nó cần đến đối tượng là để nhận lấy ở trong đó sự thỏa mãn, để sử dụng nó, để dùng nó một cách tốt nhất, và đấy chính là tham vọng của nó hay tính vị kỷ của nó. Chính cái ý thức về sự lệ thuộc cũng có ở trong nó những đặc tính mâu thuẫn hay trái ngược đó, là vì nó không phải gì khác hơn là nhu cầu về vật thể, về đối tượng, đã đi đến chỗ ý thức hay được biến thành ý thức, tình cảm. Vậy nên, cái đói không phải gì khác hơn là nhu cầu của chiếc dạ dày của tôi đang cần đến thức ăn, đã đạt đến cảm giác của tôi và vì vậy, đến ý thức; cũng có nghĩa, nó không phải gì khác hơn là ý thức về sự lệ thuộc của tôi vào các thức nuôi sống. Bản chất ám nghĩa (amphibologique) đó, có nghĩa có hai nghĩa (và quả thực cũng là có tính chất hai mặt), của ý thức về sự lệ thuộc được cắt nghĩa bởi một hiện tượng mà thường người ta vẫn lấy làm ngạc nhiên vì không thể tìm cho nó một sự giải thích hợp lý; cụ thể đó là hiện tượng con người ta có thể đồng thời tôn thờ về mặt tôn giáo các con vật và cây cỏ mà chính họ lại thủ tiêu, ăn chúng (1). Nhu cầu buộc tôi ăn một vật thể nào đó, có ở trong nó hai mặt: nó cũng đem lệ thuộc tôi vào vật thể cũng như thể đem lệ thuộc vào vật thể vào tôi, và như vậy, nó vừa có tính chất tôn giáo lại vừa có tính chất phi tôn giáo. Hoặc giả nếu như ta đem phân cắt nhu cầu ra làm các phần hợp thành nó, các yếu tố của nó – như những nhà triết học hiện nay vẫn hay nói – thì ta sẽ phân biệt được sự thiếu vật thể và sự sử dụng vật thể, là vì trong thành phần nhu cầu về một vật thể nào đó có cả sử dụng nó nằm ở trong đó: nhu cầu không phải gì khác hơn là một cử chỉ nhẹ dạ, nông nỗi – hay dù trong trường hợp nào đi nữa thì tôi cũng có thể xem nó như vậy khi tôi ăn một vật –; nhưng nhu cầu, có nghĩa cái ý thức về sự thiếu thốn, sự thèm khát thiết tha muốn có được, cái ý thức lệ thuộc vào sự vật, lại có tính chất tôn giáo, nhu thuận, kỳ ảo, thiên về sự thần thánh hóa. Chừng nào một cái gì đó đối với tôi chỉ là đối tượng của một sự mong muốn mà thôi, thì nó là một điều cao đẹp đối với tôi, trí tưởng tượng tô điểm cho nó bằng những màu sắc rực rỡ nhất, nhu cầu của tôi đưa nó lên chín tầng mây; nhưng ngay sau khi tôi đã có được nó, sử dụng nó, với tư cách một vật có ở trước mắt nó bỗng mất đi tất cả mọi vẻ tuyệt diệu và ảo ảnh có tính chất tôn giáo của nó, trở thành một cái gì đó bình thường, thông dụng: từ đó người ta thường quan sát thấy một điều là những người với cảm tính thô thiển, có nghĩa những kẻ sống bằng những tình cảm và ấn tượng thoáng qua trong chốc lát, trong sự thiếu thốn, bất hạnh, có nghĩa trong những thời điểm mà họ thấy cần đến một cái gì đấy, thường có thiên hướng dâng hiến tất cả, có thể tự hy sinh mình, hứa hẹn mọi điều; nhưng ngay sau khi họ nhận được những điều mà họ thiếu và mong muốn, thì họ lại trở nên vô ơn, tham lam, quên tất cả; từ đó được đẻ ra câu tục ngữ: “Sự thiếu thốn dạy cho ta cầu nguyện”; từ đó sinh ra một hiện tượng làm phật ý những con người sùng kính, mộ đạo là: con người ta nói chung chỉ mộ đạo trong cảnh thiếu thốn, bất hạnh.

Bởi vậy có một tình hình là con người tôn thờ, với tư cách là những đối tượng tôn giáo, những vật hay người mà họ ăn, và không những điều đó không hiếm thấy và không lấy gì làm lạ lùng, mà nó còn có thể cho ta thấy một cách rõ ràng, hiển nhiên bản chất của ý thức về sự lệ thuộc có tính chất tôn giáo, với cả hai mặt đối nghịch lẫn nhau của nó. Sự khác biệt giữa ý thức về sự lệ thuộc trong đạo Kitô và trong đạo nhiều thần chỉ là sự khác biệt trong các đối tượng của ý thức về sự lệ thuộc đó; sự khác nhau đó chỉ ở chỗ: đối tượng của ý thức về sự lệ thuộc trong đạo nhiều thần thì có tính xác định, thực tế, cảm tính, còn đối tượng của ý thức về sự lệ thuộc trong đạo Kitô thì (nếu ta bỏ qua không nói đến vị Chúa được thể hiện vật chất và có thể ăn được (2)) mang tính chất không giới hạn, phổ biến, chỉ có trong ý nghĩ và trong quan niệm, và vì vậy không thể sự dụng về mặt thể xác và không thích hợp cho việc sử dụng; tuy nhiên nó vẫn cứ là đối tượng của sự sử dụng chính bởi lẽ đối với những tín đồ đạo Kitô thì đối tượng của nhu cầu, đối tượng của ý thức về sự lệ thuộc là đối tượng của sự sử dụng thuộc một loại khác mà thôi, là vì nó cũng lại là đối tượng của một nhu cầu thuộc loại khác; là vì người tín đồ Kitô giáo muốn nhận được ở vị Chúa của họ không phải một cuộc sống vẫn được họ cho là tạm thời, mà là một cuộc sống vĩnh hằng, và lấy nó thỏa mãn một nhu cầu không phải có tính chất cảm tính, trực tiếp của cuộc sống đó, mà là một nhu cầu tinh thần, tâm linh. Trong tác phẩm của ông viết về “Thành thị của Chúa”, giáo phụ Augustin đã nói như sau: “Chúng ta sử dụng các sự vật, chúng ta dùng vào công việc các sự vật mà chúng ta đòi hỏi hay tìm kiếm không phải vì bản thân chúng, mà vì một cái gì đó khác hơn; chúng ta thụ hưởng về một điều chẳng có liên quan đến một cái gì khác, một điều tự nó làm cho chúng ta vui mừng sung sướng. Cho nên những gì ở thế gian là đối tượng của sự sử dụng, còn cái vĩnh cửu, Chúa, là đối tượng của sự thụ hưởng”. Nhưng nếu như chúng ta xem sự phân biệt trên vẫn còn hiệu lực và lấy nó làm một dấu hiệu phân biệt đạo nhiều thần và đạo Kitô, trong đó ở một trường hợp này các đối tượng của tôn giáo – những vị thần – là đối tượng của sự sử dụng, còn ở trường hợp kia đối tượng của tôn giáo chỉ là đối tượng của sự thụ hưởng, thì chúng ta cũng lại gặp ở Kitô giáo vẫn những hiện tượng, vẫn những mâu thuẫn mà chúng ta đã nhận là có ở bản chất của nhu cầu, của ý thức về sự lệ thuộc, nhưng chúng chỉ đập vào mắt người tín đồ đạo Kitô qua tôn giáo của những kẻ theo đạo nhiều thần mà thôi chứ tuyệt nhiên không phải qua tôn giáo của chính họ; là vì đạo Kitô, với tư cách là đối tượng của sự thụ hưởng (theo nghĩa mà Augustin đã dùng để phân biệt giữa sự thụ hưởng và sự sử dụng), cũng vẫn là đối tượng của tính vị kỷ ở cùng một mức độ như thể đối tượng của sự sử dụng về mặt thể xác ở những người theo đạo nhiều thần, mà dẫu sao thì đấy vẫn cứ là đối tượng của tôn giáo. Điều mâu thuẫn là ở chỗ con người sùng bái ở thần những gì mà nó lại đem ăn; thế nhưng mâu thuẫn này, như chúng ta vừa mới trình bày cho thấy, cũng có ý thức về sự lệ thuộc trong đạo Kitô và chỉ nhờ cái bản tính của đối tượng của nó nên mới không thấy rõ rệt đến được như thế (3); mâu thuẫn đó đã được nhiều dân tộc biểu đạt một cách thực hết sức ngây thơ, cảm động nữa. Những người Indiens ở châu Mỹ đã nói như sau với con gấu mà họ đem giết: “Hãy tha thứ cho ta nhé, vì ta đã đem giết chết ngươi. Ngươi là con vật khôn và hẳn hiểu được rằng các con của ta đang đói. Chúng yêu ngươi và muốn ăn thịt ngươi. Há chẳng phải là điều vinh dự đối với nhà ngươi được các con của thuyền trưởng vĩ đại ăn thịt hay sao”. “Sac-lơ-voa thuật lại về những người Indiens khác rằng: ở họ, chính kẻ đã giết con gấu sẽ đem đút một chiếc tẩu hút thuốc vào mõm con vật đã chết, rồi hút với đầu rộng của chiếc tẩu và nhả khói đầy họng con gấu, tiếp đó anh ta cầu xin con vật đừng trả thù về những sự việc đã xảy ra. Trong bữa ăn trong đó người ta chén thịt con gấu, người ta đem đặt chiếc đầu của con vật được tô điểm bằng mọi màu sắc có thể có được, vào một chỗ trang trọng và ở nơi đó chiếc đầu lâu sẽ nhận lấy ở mọi vị khách những lời cầu nguyện và những bài hát ngợi ca” (Mây-nec-xơ, đoạn đã trích dẫn). Người Finnois xưa trong khi xẻ thịt con gấu thường vẫn hát bài ca sau: “Hỡi con vật thân yêu của chốn rừng thẳm đã bị đánh bại và trọng thương, ngươi hãy mang lại cho các túp lều tranh của chúng ta sức khỏe và thú săn được nhiều gấp trăm lần, như ngươi vẫn từng thích làm, và hãy quan tâm đến những sự thiếu thốn của chúng ta, khi đi đến với chúng ta… Ta sẽ thường xuyên tôn thờ và chờ đợi những con vật săn được từ ngươi mang lại, để ta có thể không quên mất bài hát hay của ta ngợi ca gấu” (Pen-nan-tơ, “Động vật học thời cổ”. Như vậy, chúng ta thấy được rằng con vật mà chúng ta giết và ăn thịt vẫn cứ có thể đồng thời được tôn thờ, và, ngược lại vật được tôn thờ lại đồng thời là vật mà người ta ăn, do đó, cái ý thức tôn giáo về sự lệ thuộc bao hàm ở trong nó và biểu thị lên vừa là sự đứng cao có tính chất vị kỷ của con người lên trên sự vật, chừng nào đó là đối tượng của sự sử dụng, vừa là sự phụ thuộc có tính chất nhu thuận vào sự vật, chừng nào đó là đối tượng của nhu cầu.

Và bây giờ, từ một sự trình bày dài dòng (nhưng tuyệt nhiên không phải có tính chất ngẫu nhiên mà là cần thiết, được biện minh bởi chính đề tài) về sự phát triển của ý thức về sự lệ thuộc và tính vị kỷ, tôi xin quay trở về với thiên nhiên, với cái đối tượng đầu tiên của cái ý thức về sự lệ thuộc đang được nói đó. Tôi đã có nêu lên rằng mục đích của tập thảo luận này về “Bản chất của tôn giáo”, và theo đó, của những bài giảng này, không phải gì khác hơn là một sự chứng minh cho thấy rằng: vị thần tự nhiên hay vị thần mà con người phân biệt với cái bản chất của chính mình, mà nó coi là cơ sở hay nguyên nhân của cái bản chất đó, vị thần đó không phải gì khác hơn là bản thân thiên nhiên; còn vị thần có tính chất con người hay là vị thần tinh thần, hay là cái vị thần mà con người đem gán cho những đặc tính, ý thức và ý chí của con người, vị thần mà nó tưởng tượng ra với bản thân nó như thể một kẻ giống với nó, vị thần mà nó phân biệt với thiên nhiên là cái thực thể không có ý thức và ý chí, vị thần đó không phải gì khác hơn là chính bản thân con người. Nhưng tôi cũng lại có nêu lên rằng tôi không hề vay mượn những ý tưởng của mình từ đám mây của những tư biện vu vơ, không chút căn cứ, mà bao giờ cũng là từ những hiện tượng thực nghiệm, lịch sử; ngoài ra tôi cũng có nêu lên rằng, chính vì lẽ trên, tôi đã không trình bày lên các ý tưởng của mình – ít ra là ở ngay từ đầu và một cách trực tiếp – dưới một dạng chung chung, mà bao giờ cũng làm cho chúng trở nên rõ ràng, rành rọt dựa trên những trường hợp thực tế, những thí dụ; tôi đã trình bày và phát triển chúng dưới một dạng cụ thể. Nhiệm vụ của cuốn “Bản chất đạo Kitô”, và cụ thể là phần đầu của nó, là nhằm trình bày cho thấy rằng thiên nhiên là cái bản chất nguyên thủy, đầu tiên và cuối cùng (4) và chúng ta không thể nào vượt quá ra ngoài giới hạn của nó mà lại không bị lạc bước vào trong lĩnh vực của sự mơ tưởng bịa đặt và sự tư biện trừu tượng mơ hồ; rằng chúng ta không thể nào thiết lập nên giữa nó và chúng ta một sự trung giới (médiation) của một thực thể khác biệt với nó, một linh hồn, một thực thể tư duy và rút nó ra từ hư vô; rằng, vì thế, nếu như chúng ta sản sinh thiên nhiên từ linh hồn thì các sản phẩm đó của chúng ta chỉ có một ý nghĩa chủ quan, hình thức, của một suy diễn khoa học mà thôi, nhưng tuyệt nhiên không có ý nghĩa của một tạo tác và một nguồn gốc hiện thực, vật chất. Nhưng tôi đã đem gắn liền nhiệm vụ đó với một hiện tượng thực tế vốn đã thể hiện ý tưởng trên, hay ít ra cũng có ý tưởng đó làm cơ sở cho nó; tôi đem gắn nó với tôn giáo tự nhiên, với cái ý nghĩa con người đơn giản, bình dị, trực tiếp, đang sản sinh thiên nhiên không phải từ một thực thể tinh thần phi tự nhiên mà siêu nhiên, mà xem nó như là cái bản thể đầu tiên, tự nó đã có tính chất thần thánh.

Con người theo đạo tự nhiên quả đã tôn thờ thiên nhiên không chỉ là một thực thể mà nhờ đó nó đã tồn tại được và nếu không có thực thể đó thì nó không thể sống được, không thể làm một cái gì đó; mà còn tôn thờ thiên nhiên và coi thiên nhiên như là một thực thể nhờ đó nó đã được xuất hiện buổi đầu tiên, và chính vì vậy, như là alpha và oméga của con người. Nhưng nếu như thiên nhiên được tôn thờ và được coi như là một thực thể sản sinh ra con người, thì đồng thời bản thân thiên nhiên cũng được coi không phải như được sản sinh ra, không phải được tạo tác nên; là vì, như chúng ta còn được thấy rõ hơn ở đoạn sau, con người vượt ra khỏi giới hạn của thiên nhiên, đem suy nó từ một thực thể khác chỉ khi nào nó không đủ sức cắt nghĩa từ thiên nhiên cái bản chất của chính mình. Cho nên, nếu như thoạt tiên chúng ta, xuất phát từ quan điểm thực tiễn – là vì con người không thể nào sống và tồn tại mà lại không có thiên nhiên, là vì nhờ có thiên nhiên con người mới có được các điều phúc lợi của sự tồn tại trước mắt của nó – nếu như – tôi xin nhắc lại – thoạt tiên xuất phát trừ quan điểm thực tiễn chúng ta đã nhìn thấy được rằng thiên nhiên trở thành đối tượng của tôn giáo như thế nào, thì giờ đây nó lại hiện ra trước mắt chúng ta như là đối tượng của tôn giáo ngay cả trên quan điểm lý luận. Đối với con người đứng trên quan điểm của tôn giáo tự nhiên, thiên nhiên không chỉ là các bản thể thực tế đầu tiên, mà còn là cái bản thể lý luận đầu tiên, có nghĩa cái bản thể từ đó nó suy ra nguồn gốc của mình. Lấy ví dụ như người Indiens cho đến giờ vẫn xem đất như là mẹ của mình. Họ tin rằng họ đã được tạo nên từ lòng sâu của trái đất. Vì vậy họ tự gọi tên mình là Metotheniake, có nghĩa những kẻ từ đất sinh ra (Hec-ke-ven-der, “Các bộ lạc Indiens”). Trong số những người Indiens thời cổ xưa, một số cho rằng biển là vị thần chính của mình và gọi nó là Mamacacha, có nghĩa là mẹ; một số khác, ví dụ như người Cô-lat, tin rằngi “tổ tiên bộ tộc của họ vốn sinh ra từ đầm lầy ở đảo Titicaca. Một số khác nữa thì lại cho rằng nguồn gốc bộ lạc họ là một chiếc giếng lớn, từ đó sinh ra tổ tiên của họ. Những bộ lạc khác nữa lại tin rằng ông bà tổ tiên của họ sinh ra trong những lũng sâu và khe núi đá nào đó; vì vậy họ coi tất cả những chỗ đó là linh thiêng và hiến sinh cho chúng. Một bộ lạc nọ đã quy nguyên nhân tồn tại của mình cho con sông, vì vậy không một ai dám câu cá ở trên đó, là vì họ cho rằng những con cá này là anh em của họ.” (Nhân nói về vấn đề này trong cuốn sách của ông ta nhan đề “Lịch sử đại cương các dân tộc và các nước châu Mỹ”, Baumgarten đã nêu lên một nhận xét đúng sau đây: “Bởi lẽ họ lấy những vật khác nhau làm nguyên nhân xuất xứ của họ, cho nên họ cũng đã có những vị thần khác nhau được họ sùng bái”). Người dân Groenland tin rằng “người Groenland đầu tiên lớn lên từ đất và, sau khi lấy một người đàn bà, đã trở thành ông tổ của mọi người dân Groenland còn lại” (Ba-xtơ-hôn-mô, “Bàn về con người ở trạng thái dã man nguyên thủy”). Và cũng hệt như vậy, người La Mã và Hy Lạp nhìn xuống đất và tôn thờ nó như là người mẹ của con người. Những nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã sản sinh bản thân từ ngữ Erde (đất) từ chữ Orde; ở tiếng Anglo-saxon từ sau này chỉ đại đề như nguyên lý hay bản nguyên, và chữ Tentsh (Đức) từ Tud, Tit, Teut, Thind, Theotise, có nghĩa thuộc về đất hay sinh ra từ đất. Chúng ta, những người Đức, nhờ có đạo Kitô chỉ cho ta bầu trời và bảo cho đấy là Tổ quốc của chúng ta, chúng ta đã hóa ra không trung thành cho lắm đối với nguồn gốc của chúng ta, với người mẹ của chúng ta và không giống với bà mẹ đó chút nào. Tôi còn phải lưu ý một điều nữa là trong số những người Hi Lạp có nhiều người, và cụ thể đấy là những nhà triết học đầu tiên, đã cho rằng con người và loài vật đều được phát sinh, do ảnh hưởng của sức nóng mặt trời, hoặc từ đất, hoặc từ nước, hoặc từ cả hai, trong khi đó thì một số người khác lại xem chúng không phải do từ đâu sinh ra cả, mà là vĩnh hằng, vô thủy vô chung như thiên nhiên hay thế giới vậy. Cũng đáng chú ý một điều nữa là tôn giáo, hay nói đúng hơn, thần thoại của người Hi Lạp, cũng như tôn giáo của người Germains, hay ít ra của người Germains ở phương Bắc, – cả hai tôn giáo đó, đặc biệt là tôn giáo sau, buổi thoạt đầu đều là những tôn giáo tự nhiên –, cả hai tôn giáo này không chỉ sản sinh con người mà cả các vị thần từ thiên nhiên, và đây là một bằng chứng rõ ràng cho thấy rằng các vị thần và con người cũng chỉ là một, rằng các vị thần cùng sống và chết với con người. Nên chi, ở Homère ta được thấy nói Okeanos – tức biển – là kẻ sản sinh ra, là người cha của các vị thần và con người. Ở Hesiode thì ngược lại thế, đất là mẹ của U-ran, của bầu trời và kết hợp lại với chúng, thành mẹ của các vị thần. Vì vậy ở Sophocle đất được gọi là vị thần tối cao hay vĩ đại nhất. Ở người Germains phương Bắc, anh chàng khổng lồ I-mir, “mà rõ ràng là còn chưa để bộc lộ ra toàn bộ các yếu tố và sức mạnh của thiên nhiên” (Muller, ở đoạn đã nói đến), đã có trước khi các vị thần được phát sinh. Ở người La Mã cũng như người Hi Lạp, đất được gọi là mẹ của các vị thần. Trong cuốn sách của ông nhan đề “Thành thị của Chúa” Augustin đã chế diễu cái ý tưởng cho rằng các thần đều từ đất sinh ra, và từ đó ông kết luận rằng những kẻ nào cho rằng các vị thần là những con người của thời xưa, đã nói đúng. Tất nhiên, các vị thần, trong đó gồm cả các vị thần của Augustin, cũng chỉ từ đất mà ra, và nếu như họ cũng không phải là những con người theo cái nghĩa của Evhémère (5), thì nó vẫn cứ không phải có trước con người. Cũng như thể đất lại có quyền được gọi tên là người mẹ của các vị thần, thì ở trong Homère cũng vậy, ta thấy giấc ngủ được coi là kẻ chinh phục con người và các vị thần, là vì các vị thần là những thực thể chỉ tồn tại đối với con người và thông qua con người mà thôi; vì vậy nó không thức canh giữ cho con người khi con người ngủ, và nếu như con người ta ngủ thì các vị thần cũng ngủ, có nghĩa chính sự tồn tại của các vị thần cũng tất yếu theo với ý thức của con người.

Trong cuốn “Bản chất của tôn giáo”, nhiệm vụ của tôi không phải vì khác hơn là làm sao bảo vệ, biện minh, luận chứng được cho tôn giáo tự nhiên, hay ít ra cũng là cho các điều chân lý có ở cơ sở của nó, nhằm chống lại những lối giải thích theo quan điểm thần luận về thiên nhiên cùng những kết luận được rút ra từ những lối giải thích đó. Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ này trong mọi hướng, không kém hơn là tôi đã làm ở hai mươi tiết, từ tiết 6 cho đến tiết 26. Tuy nhiên, trước khi đi vào nội dung của chúng, tôi cần phải sơ bộ nêu lên một điều (vả lại, đây cũng là điều đương nhiên mà thôi): quá trình trình bày trong lịch sử tôn giáo cũng tương hợp với cái quá trình trình bày của tôi về tâm lý học, triết học, sự phát triển của nhân loại nói chung. Đối với tôi, thiên nhiên là đối tượng đầu tiên ở trong tôn giáo như thế nào, thì cũng hệt như vậy, trong tâm lý học, trong triết học nói chung cái cảm tính là đối tượng đầu tiên; nhưng đầu tiên ở đây không chỉ theo cái nghĩa của triết học tư biện (trong đó chữ đầu tiên có nghĩa là cái điều mà ta cần phải vượt qua giới hạn của nó), mà còn là đầu tiên theo cái nghĩa không thể suy ra, quy ra từ một cái khác, chỉ tồn tại thông qua bản thân nó và là một cái gì đó có tính chất đích thực. Cũng như tôi không thể nào đem rút ra cái cảm tính từ cái tinh thần, thì cũng vậy, tôi không thể nào đem suy diễn thiên nhiên từ thần mà ra; bởi lẽ cái tinh thần sẽ là không gì cả, là hư không nếu nằm ngoài và nếu như không có cái cảm tính; tinh thần chỉ là bản chất, là ý nghĩa, là linh hồn của các cảm giác của chúng ta mà thôi; còn thần không phải gì khác hơn là tinh thần có thể có được nói chung, là tinh thần được lấy ra một cách độc lập, bất kể sự khác nhau giữa những gì là của tôi và của anh. Bởi vậy, nếu như ta không thể nào đem suy cái thể xác của tôi từ linh hồn của tôi – là vì, ta hãy lấy ngay một thí dụ để làm sáng rõ, tôi cần phải ăn hay có khả năng được ăn trước khi nghĩ, chứ không phải suy nghĩ trước đã để rồi sau đó mới ăn: tôi có thể ăn mà không phải suy nghĩ (như loài vật là một bằng chứng cho điều này), nhưng tôi không thể nghĩ mà lại không hề nếm lấy thức ăn – thì cũng đúng hệt như thế, tôi không thể nào suy lấy cảm xúc của tôi từ khả năng tư duy của tôi, từ lý tính, là vì, có lý tính mặc nhiên là phải có cảm giác, chứ không phải có cảm giác mặc nhiên là đã có lý tính, – chính chúng ta không công nhận loài vật có lý tính chứ không công nhận chúng có các cảm giác –; cũng vậy, tôi không thể và càng không thể nào đem suy thiên nhiên từ thần mà ra. Cho nên tính có thực, tính thiết yếu hay tính thần thánh của thiên nhiên mà từ đó triết học tôn giáo và lịch sử tôn giáo được biện minh, đã ứng hợp với tính có thực và tính thiết yếu của các cảm giác mà từ đó tâm lý học, nhân loại học, triết học nói chung được biện minh. Và cũng như thể thiên nhiên không phải là một sự thật tạm thời trong lịch sử tôn giáo, thì cũng vậy, tính có thực của các cảm giác không phải là tạm thời trong triết học. Ngược lại, các cảm giác là cái cơ sở vẫn còn được giữ lại ngay cả trong những trường hợp chúng bị biến mất trong những trừu tượng hóa của lý tính, ít ra cũng là trong con mắt của những kẻ mà, vừa mới bắt đầu suy nghĩ đã thôi không còn nghĩ đến cảm giác nữa, đã quên rằng con người chỉ suy nghĩ là nhờ có cái đầu của nó tồn tại một cách cảm tính, đã quên mất rằng lý tính có một mảnh đất cảm tính vững chắc ở bên dưới nó, trong đầu, trong óc não, ở cái nơi vốn là hợp điểm của các cảm giác.

Tôn giáo tự nhiên phơi bày cho chúng ta thấy được tính có thực của các cảm giác, còn cái triết học tự quan niệm về mình như là một nhân loại học, thì lại phơi bày cho chúng ta thấy được tính có thực của tôn giáo tự nhiên. Niềm tin đầu tiên của con người là niềm tin vào tính có thực của các cảm giác, chứ không phải niềm tin trái ngược với các cảm giác, như niềm tin của thần luận và Kitô giáo. Niềm tin vào thần, có nghĩa vào một thực thể phi cảm giác – và không chỉ thế, vào một thực thể loại trừ, phủ nhận mọi cái cảm tính, xem như không xứng đáng – là một cái gì xác thực một cách trực tiếp hơn hết, ngược lại với những gì mà thần luận khẳng định. Những thực thể đầu tiên có tính chất xác thực một cách trực tiếp, và chính vì thế, cả những vị thần đầu tiên của con người, đều là những sự vật cảm tính. César đã nói như sau về tôn giáo của người Germains: họ chỉ thờ những thực thể nào mà họ nhìn thấy được và nhận được từ chúng những điều tốt lành hiển nhiên. Đoạn văn trên của César, bị tranh biện rất dữ, cũng có thể đem ứng dụng cho mọi tôn giáo tự nhiên. Con người buổi thoạt tiên chỉ tin vào sự tồn tại của những gì đã tỏ rõ sự tồn tại của chúng bằng những hành động và dấu hiệu cảm tính, cảm thấy được. Những phúc âm đầu tiên, những cội nguồn tôn giáo đầu tiên của con người còn chưa bị giả mạo, chưa bị xuyên tạc, bóp méo bởi sự lừa gạt, bịp bợm của các thầy tế, chính là các cảm giác. Hay, nói một cách đúng hơn, những cảm giác đó của con người chính là những vị thần đầu tiên của nó; là vì niềm tin vào những vị thần bên ngoài, cảm tính quả tùy thuộc độc vào niềm tin ở tính có thực và tính thần thánh của các cảm giác; qua những vị thần là những thực thể cảm tính, con người chỉ thần thánh hóa những cảm giác của chính mình mà thôi. Bằng việc tôi tôn thờ ánh sáng của một thực thể thần thánh, bằng việc đó và qua đó, tôi chỉ biểu thị – một cách gián tiếp vào không tự giác, cố nhiên – sự thừa nhận tính thần thánh của đôi mắt mà thôi. Ánh sáng hay mặt trời, hoặc mặt trăng đều là vị thần, là đối tượng đối với con mắt, chứ không phải đối với mũi; sự sùng bái của mũi là những hương thơm của thiên giới. Mắt đã biến thành thần những thực thể của ánh sáng, của ánh lóe sáng, của cái bề ngoài nhìn thấy rõ, có nghĩa nó chỉ thần thánh hóa những vật mà mắt nhìn thấy được: những chòm sao, mặt trời, mặt trăng quả đã không có đối với con người một sự tồn tại nào khác hơn là thông qua mắt; chúng không được đưa đến với cái cảm giác khác, có nghĩa mắt chỉ thần thánh hóa cái bản thể của riêng nó mà thôi; những vị thần của các cảm giác khác đối với nó là những thần tượng hay, nói đúng hơn, hoàn toàn không tồn tại đối với nó. Còn cơ quan khứu giác của con người thì lại thần thánh hóa những hương thơm. Trong cuốn “Những thí nghiệm” của ông, Scaliger (6) cũng đã từng phát biểu chống lại Cardan (7) như sau: “Mùi là một cái gì đó có tính chất thần thánhodor divina res est, và người xưa đã chỉ ra cho thấy như thế bằng những lễ nghi tôn giáo của họ; vì họ tin rằng ta có thể đốt hương để chuẩn bị không khí và nơi nhà ta ở để đón nhận các thần linh”. Những người theo đạo nhiều thần từng tin và cho đến giờ phần nào vẫn còn tin rằng các vị thần sống và ăn uống bằng những hương thơm dâng lên từ các vật hiến sinh, và như vậy cũng có nghĩa các vị hương thơm là những phần hợp thành của các vị thần, và do đấy, các vị thần là những thực thể chỉ gồm độc có hương thơm và hơi nước. Ít ra, ví thử con người chỉ có độc một cơ quan khứu giác mà thôi và ngoài ra không có cơ quan nào khác, thì nó vẫn cứ tạo thành một đấng thần linh từ độc hương thơm mà thôi, và để sang một bên những thuộc tính khác do các cảm giác khác đem lại. Thành thử, mỗi một cảm giác đều chỉ thần thánh hóa bản thân nó mà thôi. Nói tóm lại, sự thật của tôn giáo tự nhiên được dựa trên cơ sở của độc một sự thật của các cảm giác khác. Nên chi “Những luận điểm cơ bản của triết học” cũng đã được kết hợp chặt chẽ với “Bản chất của tôn giáo”. Tuy nhiên, nếu như tôi đã phát biểu bênh vực tôn giáo tự nhiên – bởi bì và trong chừng mực mà nó dựa trên sự thật của các cảm giác –, thì tôi tuyệt nhiên không hề vì vậy mà bênh vực cái cách mà nó đã sử dụng những cảm giác đó, cái cách mà nó nhìn thiên nhiên và thờ cúng nó. Tôn giáo tự nhiên chỉ dựa vào cái vẻ bề ngoài do các cảm giác tạo nên, hay, nói đúng hơn, chỉ dựa vào ấn tượng mà cái vẻ bề ngoài cảm tính đó đã gây ra trên trạng thái tinh thần và trí tưởng tượng của con người. Từ đó phát sinh niềm tin của các dân tộc cổ xưa, cho rằng đất nước của họ là thế giới, hay dù sao đi nữa thì cũng là trung tâm của thế giới, rằng mặt trời vận động còn trái đất thì đứng im, rằng trái đất là bằng phẳng như một cái dĩa và được đại dương lau rửa.

LUDWIG FEUERBACH (1804-1872)
Lê Khắc Thành (dịch)
Nguồn: triethoc.edu.vn

_______________________

Chú thích

(1) Chả là các tín đồ Kitô giáo cũng ăn luôn vị Chúa của mình.

(2) Hẳn tác giả muốn nói đến chiếc bánh thánh (thánh thể) /Saint sacrement/.

(3) Trong khi tiến hành thánh lễ, với việc nếm thánh thể (bánh thánh), điều nói trên ở đây cũng được thấy rõ như đập vào mắt.

(4) Cuối cùng – từ đầu.

(5) Nhà triết gia Hi Lạp thế kỷ IX trước Công nguyên. Ông là người đã đưa ra một phương pháp để lý giải các thần thoại; phương pháp này (về sau đó thường được gọi là Evhémérisme) cho rằng các nhân vật thần thoại chỉ là những con người được thần linh hóa do sự sợ hãi hay khâm phục của các dân tộc.

(6) Nhà bác học kiêm triết gia và thầy thuốc người Ý, một trong những nhà thông thái của thời phục hưng nước Ý (thế kỷ 15, 16).

(7) Nhà toán học và triết học Ý thế kỷ 16.

* Bài liên quan:

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (1)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (2)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (3)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (4)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (5)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (6)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (7)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (8)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (9)