Ludwig Feuerbach: Những bài giảng về bản chất của tôn giáo (14)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 585 | Cập nhật lần cuối: 7/13/2023 7:41:12 AM | RSS

NỘI DUNG

Ludwig Feuerbach: Những bài giảng về bản chất của tôn giáo (14)Ý kiến khẳng định sự tồn tại độc lập của những khái niệm chung là một điều giả tưởng hợp lôgích. – Thượng đế là sự tập hợp của mọi đức hạnh, các quỷ dữ là những kẻ tiêu biểu cho những thói xấu nhất định. – Cái phổ biến và cái đơn nhất: đầu và những cái đầu: giống loài là một thuộc tính chứ không phải thực chất tồn tại tự nó mà các sự vật đơn nhất “dự phần” vào đó. – Những quá trình của tư duy lôgích là một nguyên mẫu của sự “sáng thế”. – Sự chứng minh thần học vật lý. – Mối quan hệ tùy thuộc qua lại giữa các điều kiện sống và các hiện tượng đời sống.

Ở cuối bài giảng hôm qua tôi đã có nói rằng mối quan hệ giữa thần (Thượng đế) với thế giới được quy lại thành mối quan hệ giữa khái niệm giống loài với cá thể, rằng vấn đề có thượng đế hay không chỉ là vấn đề có hay không khái niệm phổ biến về sự tồn tại độc lập.Nhưng đấy không chỉ là một trong những vấn đề khó khăn, nan giải nhất mà còn là một trong những vấn đề quan trọng nhất, là vì sự tồn tại hay không tồn tại của thần, của thượng đế chỉ tùy thuộc vào đó mà thôi. Ở nhiều người niềm tin của họ tùy thuộc vào vấn đề này: sự tồn tại của vị thần, vị thượng đế của họ chỉ được dựa trên cơ sở của sự tồn tại của các khái niệm giống loài hay phổ biến. Họ nói: Nếu như không có thần thì không một khái niệm phổ biến nào là chân lý, thì không có sự sáng suốt, không có đức hạnh, không có sự công minh, chính nghĩa,, không có luật pháp, không có công luận; khi đó tất cả sẽ trở nên một sự tùy tiện, tất cả sẽ biến thành một sự hỗn loạn, và thậm chí hư vô. Về điểm này cần lưu ý ngay một điều là, nếu như không có sự sáng suốt, sự công minh, đức hạnh đi nữa theo cái nghĩa của thần học, thì tuyệt nhiên cũng không vì vậy mà những điều như thế lại không có trong ý nghĩ của lý tính con người. Để thừa nhận một ý nghĩa bên sau của khái niệm phổ biến, để làm điều đó ta không cần thiết phải thần linh hóa chúng, biến chúng thành những thực thể khác biệt vói những cá thể hay đặc thù. Cũng như tôi không cần, để tỏ sự kinh tởm đối với các thói tật xấu, phải biến chúng thành thực thể độc lập dưới dạng của ma quỷ theo cái kiểu của các nhà thần học Kitô giáo thời cổ xưa, từng gán cho mỗi thói hư tật xấu một thứ ma quỷ riêng (thí dụ như đối với tật nghiện rượu thì họ có tửu thần, đối với thói ham ăn có quỷ tham ăn, đối với thói ghen ghét có quỷ ganh tị, đối với thói hà tiện có quỷ hà tiện, đối với thói máu mê cờ bạc có ma quỷ đỏ đen, thậm chí có một thời họ còn có loại quỷ “quần” cho thói ưa chuộng mốt cắt quần); thì cũng hệt như vậy, để yêu thích chúng, tôi chẳng cần phải hình dung đức hạnh, sự sáng suốt, sự công minh chính trực dưới dạng các vị thần hay – cũng thế thôi – dưới dạng các đặc tính của thần.

Nếu như tôi tự đặt ra cho mình một mục đích nào đó, hoặc, chẳng hạn như tôi tự để ra cho mình việc thực hiện cho được một phẩm hạnh như lòng chung thủy hay sự tự chủ, thì tôi có cần chăng, để làm được điều đó, và đề khỏi quên mất nó, phải trang bị cho cái đức hạnh trên những bàn thờ và những ngôi đền giống như người La Mã vẫn từng làm khi họ đem biến đức hạnh thành nữ thần và thậm chí còn biến cả các đức hạnh riêng biệt thành các nữ thần nữa. Nó – tôi muốn nói đức hạnh – có phải nói chung là một thực thể độc lập thì mới biểu lộ sức mạnh của nó đối với tôi chăng, mới có thể có uy lực đối với tôi chăng? Nó không có được một giá trị trong trường hợp nó là đặc tính của con người hay sao? Ví dụ vấn đề đặt ra là bản thân tôi muốn là một con người cứng rắn, kiên nghị; tôi không còn muốn phải tuôn theo sự thay đổi sự thay đổi của các ấn tượng mà sự mềm yếu và dục tính khiến tôi phải chịu, và bản thân tự đối nghịch, ghét bỏ với chính mình, với tư cách là một con người mềm yếu, đa cảm hay đổi thay, tính khí bất thường; vì vậy đối với tôi một con người cứng rắn, kiên nghị là mục đích. Chừng nào mà tôi còn chưa cứng rắn, kiên nghị, dĩ nhiên là tôi còn phân biệt được tính kiên nghị với bản thân tôi, tôi đem đặt nó ở bên trên tôi như là một lý tưởng, tôi nhân cách hóa nó; có thể, tôi còn nói chuyện với nó trong một cuộc đối thoại một mình với chính mình, cứ dường như thể nó là một thực thể tự tại, có nghĩa tôi sẽ đối xử với nó như thể người tính đồ Kitô giáo đối xử với vị chúa của anh ta, hay như người La Mã đối với nữ thần đức hạnh của họ; nhưng tôi biết rằng tôi nhân cách hóa nó và; tuy thế, nó vẫn không hề mất đi giá trị đối với tôi, là vì tôi có lợi ích cá nhân ở trong đó ; tôi có trong bản thân tôi, trong tính vị kỷ của tôi, trong khát vọng hạnh phúc của tôi, trong cái ý thức danh dự của tôi (mà sự mềm yếu, được bộc lộ ra bằng mọi ấn tượng và đổi thay, đã đối nghịch lại với nó), đầy đủ lý do để được trở nên kiên nghị. Và sự thể cũng hệt như vậy đối với mọi đức hạnh khác hay mọi sức mạnh khác, chẳng hạn như lý trí, ý chí, sự sáng suốt; giá trị và ý nghĩa thực tế của chúng đối với tôi vì vậy không hề mất đi, và nói chung không hề bị thủ tiêu mất do việc tôi chỉ xem chúng như là những thuộc tính của con người và hiểu biết chúng với tư cách là như thế mà thôi, chứ không thần thánh hóa chúng, không biến chúng thành những thực thể độc lập, cũng cái điều có liên quan đến các đức hạnh và sức mạnh của con người như thế, sẽ được ứng dụng vào trường hợp mọi khái niệm có tính phổ biến hay giống loài; chúng đều tồn tại không phải bên ngoài các sự vật hay con người, không phải một cách riêng rẽ, không lệ thuộc vào các cá thể mà từ đó chúng ta đã sản sinh ra chúng. Cá thể bao giờ cũng là chủ thể (có nghĩa cái thực thể có được sự tồn tại), còn giống loài chỉ là thuộc tính, chỉ là tính chất mà thôi. Nhưng chính thuộc tính, tính chất của cá thể đã đem tách biệt cái tư duy phi cảm tính, cái trừu tượng hóa khỏi cá thể ; nó biến cái trừu tượng hóa nó thành đối tượng tự nó; nó xem cái trừu tượng hóa đó trong cái đại thể trừu tượng đó như là bản chất của các cá thể, xác định sự khác nhau của các cá thể với nhau chỉ có tính chất cá thể mà thôi, có nghĩa, trong trường hợp này, chỉ là những sự khác nhau có tính chất ngẫu nhiên, không quan hệ cho lắm, không phải là chủ yếu; thành thử ra đối với tư duy, đối với tinh thần mọi cá thể được hòa đồng lại, nói cho đúng ra, thành một cá thể hay một khái niệm duy nhất; và tư duy đem quy cho bản thân nó toàn bộ bản chất, trên cả cái phần của cái quan điểm cảm tính đang phát hiện cho chúng ta các cá thể với tư cách là những cá thể, có nghĩa trong tính chất đa tạp, nhiều loại nhiều vẻ, cá thể của chúng; và nó chỉ chừa lại cái vỏ; và cũng vì thế cho nên những gì trong thực tế là chủ thể, thực chất, lại đem biến chúng thành thuộc tính, đặc tính, một kiểu thức đơn thuần hay một cung cách khái niệm giống loài; và, ngược lại, đem biến những gì trong thực tế vốn chỉ là đặc tính thuộc tính, thành ra bản chất.

Ngoài những thí dụ đã dẫn, chúng ta hãy lấy một thí dụ khác nữa để làm sáng tỏ vấn đề, và là một thí dụ cảm tính. Mỗi người cố nhiên đều có một chiếc đầu, một chiếc đầu người, có nghĩa là một chiếc đầu với những đặc tính của con người; nhưng vì lẽ loài vật cũng có đầu, mặc dầu nó không nằm vào thành phần của cái khái niệm biểu thị đặc tính của loài vật nói chung, bởi vì có những con vật còn chưa có một chiếc đầu phát triển, một chiếc đầu theo cái nghĩa riêng của từ này, và ngay cả ở các loài vật cao cấp đầu cũng chỉ dùng vào các nhu cầu thấp kém mà thôi chứ không có một vai trò và phẩm chất độc lập; vì vậy, về căn bản, chiếc đầu lùi lại sau nhường bước cho chiếc mõm. Do đấy, chiếc đầu là dấu hiệu phân biệt đối với mọi con người, cái đặc điểm chủ yếu, phổ biến hay thuộc tính của con người; một người lọt lòng mà không có chân tay, vẫn cứ là con người, nhưng một kẻ không có đầu thì không phải là con người. Nhưng từ đó có phải bảo rằng mọi con người chỉ có đầu không thôi chăng? Ấy thế nhưng sự đồng nhất của đầu là kết quả tất yếu của sự đồng nhất của giống loài, được con người biến thành một thực thể độc lập trong tư duy trừu tượng, có nghĩa phi cảm tính của nó. Nhưng há cảm giác không nói với tôi rằng mỗi con người có cái đầu của mình, rằng có bao nhiêu người thì cũng có bấy nhiêu cái đầu, và do đấy, không hề tồn tại một cái đầu chung cho toàn thể một cái đầu phổ biến, mà chỉ có những cái đầu cá nhân? Há chăng phải cảm giác chả nói với tôi rằng cái đầu, cái đầu nói chung với tư cách một khái niệm giống loài, một cái đầu mà trong đó tôi loại bỏ mọi đặc điểm cá thể và mọi dấu hiệu phân biệt, một cái đầu như thế chỉ tồn tại trong đầu của tôi mà thôi, còn ở ngoài đầu tôi thì chỉ có những cái đầu mà thôi? Nhưng cái gì là chủ yếu đối với cái đầu đó, của tôi? Phải chăng là việc nó là cái đầu nói chung hay việc nó là một cái đầu nào đó, xác định? Là việc nó là cái đầu nào đó, là vì kẻ nào kẻ nào lấy mất cái đầu của tôi thì nói chung không để lại cho tôi một chiếc đầu nào nữa.Và không phải là cái đầu nói chung, mà chỉ là một cái đầu thực cá thể mới hành động, sáng tạo, suy nghĩ. Chữ cá thể, cố nhiên, là có thể hiểu theo hai nghĩa, là vì chúng ta cũng hiểu nó theo nghĩa một vẻ riêng không quan hệ cho lắm, ngẫu nhiên, không đáng kể, thường phân biệt một người này với một người khác. Bởi vậy thoạt tiên cần thiết phải làm sáng tỏ ý nghĩa của tính cá thể, phải đem đối chiếu con người, hay, để vẫn lấy theo thí dụ của chúng ta ở trên, đem đối chiếu cái đầu của con người với cái đầu của con vật, nắm lấy cho được tính cá thể của đầu con người khác với đầu con vật. Nhưng rồi sau đó, khi đem so sánh một cái đầu người với một đầu người khác, mặc dầu có những sự khác biệt cá thể theo cái nghĩa là cái cá thể chỉ biểu thị một cái gì có đặc sắc riêng nhưng không quan hệ cho lắm, thì điều chủ yếu là việc mỗi con người có cái đầu riêng nhất định của mình, một cái đầu xác định, cảm tính, cá thể, có thể nhìn thấy được. Vậy thì cái đầu với tư cách là một khái niệm giống loài với tư cách là một thuộc tính phổ biến, hay một dấu hiệu phân biệt của con người, sẽ không có ý nghĩa gì khác nhau, một nghĩa nào khác hơn ngoài việc tất cả mọi người đều giống nhau ở chỗ mỗi người có một cái đầu.Thế nhưng, nếu như, mặc dầu một sự đồng ý chung với nhau như vậy, tôi vẫn không muốn công nhận rằng con người ta có một cái đầu, trong khi đó thì sự đồng nhất của đầu là kết quả tất yếu của cái ý niệm cho rằng sự đồng nhất của giống loài, có khác với các cá thể, là một cái gì đó có tính chất chủ yếu, độc lập, và nhất là của cái ý niệm cho rằng mọi con người đều có một lý tính; nếu như tôi khẳng định rằng có bao nhiêu cá nhân thì có bấy nhiêu cái đầu; nếu như tôi đem đồng nhất hóa cái đầu với một cá nhân, nếu như tôi không phân biệt và không tách biệt chúng với nhau; thì từ nó phải chăng có nghĩa là tôi phủ nhận ý nghĩa và sự tồn tại của, đầu, tôi biến con người thành một sinh vật không đầu? Trái lại, thay vì một cái đầu tôi nhận được nhiều cái đầu, và nếu như bốn con mắt nhìn vẫn rõ hơn là hai con mắt, thì nhiều cái đầu cũng sẽ làm được vô cùng nhiều hơn một cái đầu; vì vậy, thay vì phải thua thiệt một cái gì đó, tôi chỉ được mà thôi. Cho nên, nếu như tôi xóa bỏ sự khác nhau giữa giống loài và cá thể, nếu như tôi chỉ để cho nó tồn tại trong tư duy, trong sự phân biệt, trong sự trừu tượng hóa, thì thôi sẽ không vì thế mà lại phủ nhận ý nghĩa của khái niệm giống loại ; tôi chỉ khẳng định rằng giống loài chỉ tồn tại với tư cách là cá thể hay thuộc tính của cá thể mà thôi. Tôi không phủ nhận – tôi lại xin viện dẫn trở lại các ví dụ trước – sự sáng suốt; sự tốt lành, vẻ đẹp; tôi chỉ không công nhận một điều là, với tư cách những khái niệm giống loài đó, chúng lại là những thực thể dưới dạng hoặc là của các thần, hoặc là của các tính chất của thần, hoặc dưới dạng các ý niệm của Platon, hoặc của các khái niệm của Hegel; tôi chỉ khẳng định rằng chúng chỉ tồn tại trong những cá nhân khôn ngoan, tốt, đẹp mà thôi và, do đó, như ta đã có nói, chúng chỉ là những đặc tính của các con người cá thể mà thôi, rằng chúng không phải là những thực thể tự tại mà chỉ là những thuộc tính hay những điều xác định một tính cá thể, rằng có các khái niệm phổ biến mặc nhiên là phải có sự tồn tại của tính cá thể, chứ không phải ngược lại.

Thuyết có thần chính là được dựa trên cơ sở của việc nó đem các khái niệm giống loài, hay ít ra là đem nội dung của chúng, mà nó gọi là thần, đặt làm tiền đề, với tư cách là nguồn gốc phát sinh của chúng, cho những sự vật thực tế; nó được dựa trên cơ sở của việc nó không phải sản sinh cái phổ biến. Nhưng cái khái niệm giống loài có tính chất phổ biến, với tư cách như thế, tồn tại trong tư duy và đối với tư duy; vì vậy ta mới có được việc con người đã đi đến chỗ nghĩ và tin rằng thế giới xuất xứ từ các ý niệm, từ các ý tưởng của thực thể tinh thần mà ra. Nếu đứng trên quan điểm của tư duy trừu tượng hóa từ cảm giác, thì cái quá trình diễn biến tư tưởng đó có vẻ như không thể nào đương nhiên được nữa, là vì, đối với tinh thần đang làm cái công việc trừu tượng hóa từ các cảm giác thì cái trừu tượng, cái tinh thần, cái chỉ có trong ý nghĩ, lại gần hơn cái cảm tính; đối với nó thì cái đó lại có trước hơn và cao hơn là cái cảm giác, bởi vậy đối với nó là điều hoàn toàn tự nhiên khi đem quy kết cái cảm tính từ cái tinh thần, cái có thực từ cái được nghĩ ra. Chúng ta cũng gặp thấy quá trình diễn biến này của tư tưởng ở ngay cả những nhà triết học tư biện hiện nay. Cho đến ngày nay họ vẫn đang còn nặn ra thế giới từ đầu óc mình như vị thần Kitô giáo từng làm xưa kia.

Niềm tin vào một ý tưởng này nọ cho rằng thế giới, thiên nhiên nói chung được tạo nên bởi một đấng biết suy nghĩ hay một thực thể tâm linh còn có một nguyên do khác nữa ngoài cái nguyên do mà ta vừa dẫn ra và ta có thể gọi là một lý do triết học hay tư biện có khác với nguyên do thông thường mà giờ đây chúng ta sẽ chuyển sang nói về nó. Nó như sau. Con người sáng tạo nên các sự vật ở bên ngoài ; cái ý tưởng về chúng, một sự phác họa và cái khái niệm về chúng đi trước các sự vật đó ở bên trong con người, một hệ kiến, một mục đích được làm cơ sở cho chúng. Nếu như con người xây dựng một ngôi nhà thì nó đã có ở trong đầu mình cái ý niệm, cái hình tượng, mà theo đó nó sẽ xây dựng, mà nó sẽ đem thực hiện, đem biến và chuyển vào trong đá và gỗ nằm bên ngoài nó, và đồng thời nó còn có một mục đích: nó xây dựng cho mình ngôi nhà ở hay ngôi nhà tạ, hoặc một tòa nhà để làm xưởng máy; nói tóm lại, nó xây cho mình một ngôi nhà để dùng vào một mục đích này hay mục đích khác. Và mục đích này sẽ quy định ý tưởng về ngôi nhà mà tôi đang phác họa ở trong đầu; là vì một ngôi nhà để dùng vào mục đích này, tôi sẽ hình dung nó khác hơn một ngôi nhà được dùng vào một mục đích khác. Nói chung con người là một sinh vật hành động theo những mục đích nhất định; nó không làm một điều gì mà lại không có mục đích. Nhưng mục đích, nói chung không phải gì khác hơn là một biểu tượng thuộc ý chí, một biểu tượng không nên chỉ cứ mãi là biểu tượng và vì vậy tôi thực hiện nó, có nghĩa thực thi nó bằng những công cụ của thân thể tôi. Nói tóm lại, con người sáng tạo nên các sự vật, nếu như không phải từ tinh thần của nó, nếu như không phải là các tư tưởng của nó và phù hợp với chúng; chính vì vậy mà các sự vật này, ngay cả một cách bề ngoài, đều mang trên chúng dấu ấn của tính chủ định, tính kế hoạch và tính hợp lý, có ích. Nhưng con người suy nghĩ về mọi cái theo bản thân nó; vì vậy nó di chuyển cái ý niệm về những vật sáng tạo của chính nó sang các tạo vật, hay hành động của thiên nhiên; nó xem thế giới như là một ngôi nhà để ở, một xưởng thợ, một cái đồng hồ, nói tóm lại, như là sản phẩm của tài nghệ con người. Do đó không phân biệt được những sản phẩm của thiên nhiên và những sản phẩm của sự khéo léo, nghệ thuật, may lắm thì chỉ phân biệt được chúng như là những biến thể khác nhau mà thôi, nên nó đã giả định có một đấng biết suy nghĩ như con người, tự đặt cho mình một mục đích, là nguyên nhân của chúng.Nhưng vì lẽ những sản phẩm và tác động của thiên nhiên lại đồng thời vượt ra xa ngoài giới hạn sức lực của con người, vượt quá chúng đến vô hạn, nên nó hình dung ra một nguyên nhân căn bản là có tính chất con người nhưng đồng thời lại như là một thực thể siêu nhân, như là một thực thể có đủ mọi đặc tính như con người: lý tính, ý chí, sức mạnh, để thực hiện những ý tưởng của mình, nhưng ở những quy mô vô cùng to lớn hơn nhiều, vượt xa đến vô tận các tầm vóc sức lực và khả năng con người, và nó gọi là cái thực thể đó là thần, là thượng đế.

Lối chứng minh sự tồn tại của thần linh, của thượng đế dựa trên những phương thức quan sát hay nhận thức thiên nhiên như thế, được gọi là lối chứng minh lý thần học (physico-théologique) hay là lối chứng minh bằng mục đích luận (télélogique), có nghĩa một lối chứng minh được rút ra từ tính hợp lý, có ích của thiên nhiên, là vì nó chủ yếu viện dẫn đến cái được gọi là những mục đích của thiên thiên. Khi nói đến mục đích mặc nhiên là phải có lý tính, ý định, ý thức: nhưng vì lẽ thiên nhiên, vũ trụ, vật chất, như người ta nói trong lối chứng minh này, là mù quáng và chỉ tác động mà không hề có lý trí, không có ý thức, cho nên một khi nó có thì mặc nhiên là phải có một thực thể tinh thần đầu tiên hết để sáng tạo nên nó hay dù thế nào đi nữa thì cũng là để tổ chức và trình bày sắp xếp nó theo với các mục đích của mình. Lối chứng minh này đã từng được những nhà triết học có tín ngưỡng thời cổ đại nêu ra, như phái Platon và phái khắc kỷ, đến thời Kitô giáo nó chỉ được lặp đi lặp lại nghe đến phát ngán. Đấy là một lối chứng minh phổ thông nhất và trên một quan điểm nhất định nào đó, là lối chứng minh rõ ràng và có sức thuyết phục hơn cả, một lối chứng minh của một đầu óc đơn sơ, có nghĩa dốt nát, không hiểu biết gì về thiên nhiên; vì vậy nó là cái cơ sở và chỗ tựa duy nhất, hay ít nhất về mặt lý thuyết, của thần luận trong nhân dân. Tuy nhiên, để chống lại kết luận trên, chúng tôi cần trước tiên nêu lên một điều xung yếu là: mặc dầu cũng có một cái gì đó cụ thể hay thực tế tương ứng với cái quan niệm về những mục đích trong thiên nhiên, song cái cách nói hay cái khái niệm mục đích đem ứng dụng vào thiên nhiên vẫn cứ là không thích hợp. Chính cái điều mà con người gọi là tính hợp lý (rationalité) của thiên nhiên và lĩnh hội nó như thế, trên thực tế không phải gì khác hơn là sự thống nhất của thế giới, sự hài hòa của các nguyên nhân và các kết quả, nói chung là mối liên hệ qua lại trong đó mọi cái thiên nhiên tồn tại và phát huy hiệu lực. Cũng như thế các từ ngữ chỉ có một ý nghĩa và một nội dung hợp lý khi mà chúng ở trong tương quan qua lại tất yếu đối với nhau; thì cũng hệt như vậy, chỉ một mối tương quan tất yếu được thấy giữa các thực thể và hiện tượng thiên nhiên với nhau mới tạo nên được ở con người cái cảm giác về một tính hợp lý và một tính chủ định. Trong các chứng minh của họ cho một nguyên nhân hợp lý của thế giới nhằm chống lại các quan niệm phi lý – cố nhiên – cho rằng thế giới sở dĩ tồn tại là nhờ vào sự ngẫu nhiên, nhờ có sự tập hợp lại của các nguyên tử, có nghĩa là của những vật thể vô cùng nhỏ và không thể phân chia ra được nữa, những nhà triết học phái khắc kỷ đã dùng một lối so sánh, và họ nói: nghĩ như vậy cũng chẳng khác gì người ta muốn giải thích nguồn gốc của một tác phẩm tinh thần, chẳng hạn như các tác phẩm lịch sử của Enni(?), bằng một sự kết hợp ngẫu nhiên của các từ ngữ. Thế nhưng, mặc dầu thế giới không phải nhờ vào ngẫu nhiên mà có được sự tồn tại của nó, nhưng ta không vì lẽ đó mà lại cứ nghĩ ra cho nó một tác giả có đặc tính của con người hay giống như con người. Những sự vật cảm tính (không phải là những chữ cái hay những chữ in mà ngay từ đầu còn phải được lựa chọn bởi những người thợ sắp chữ tồn tại ở bên ngoài chúng, là vì chúng không ở trong những mối tương quan tất yếu nào với nhau cả), những sự vật trong thiên nhiên thu hút lẫn nhau, cần đến lẫn nhau, và mong muốn lẫn nhau; là vì, một vật này không thể có được nếu không có vật kia và, do đó, chúng gia nhập vào những mối quan hệ qua lại giữa nhau theo một sáng kiến riêng, được kết hợp lại với nhau do tác động của những lực riêng của chúng, chẳng hạn như ốcxy được kết hợp với hít-rô tạo thành nước, hay với azốt tạo thành không khí và do đấy đặt cơ sở cho một mối quan hệ qua lại thực đáng kinh ngạc, mà một con người còn chưa nhìn vào bản chất của thiên nhiên mà còn xét đoán mọi cái theo bản thân mình, sẽ tự cắt nghĩa như là sự sáng tạo của một đấng hành động và sáng tạo nên theo những kế hoạch nhất định và phù hợp với những mục đích nhất định. Những gì mà con người cho rằng có thể xem như là một bằng chứng thích hợp hơn cả để chứng minh cho sự tồn tại của một đấng sáng thế có lý tính và thuộc tâm linh, thì đấy không chỉ là cái vẫn được họ gọi là một tính hợp lý hữu cơ bên trong – theo đó các cơ quan trong thân thể con người đều phải đáp ứng cho những chức năng hay những sự thừa hành -, mà còn cả và chủ yếu là cả cái vẫn được gọi là tính mục đích bên ngoài – mà do đó thiên nhiên vô cơ sẽ có được những đặc tính, như thế nào, hay, như cách nói của các nhà thần luận, sẽ và phù hợp với những mục đích nhất định. Những gì mà con người cho rằng có thể xem như là một bằng chứng thích hợp hơn cả để chứng minh cho sự tồn tại của một đấng sáng thế có lý tính và thuộc tâm linh, thì đấy không chỉ là cái vẫn được họ gọi là một tính hợp lý hữu cơ bên trong – theo đó các cơ quan trong thân thể con người đều phải đáp ứng cho những chức năng hay những sự thừa hành -, mà còn cả và chủ yếu là cả cái vẫn được gọi là tính mục đích bên ngoài – mà do đó thiên nhiên vô cơ sẽ có được những đặc tính, như thế nào, hay, như cách nói của các nhà thần luận, sẽ được cấu tạo như thế nào để các nhà thần luận, sẽ được cấu tạo như thế nào để cho các loài vật và con người có thể sống trong đó và, hơn thế nữa, có thể sống một cách dễ chịu nhất, tiện nghi nhất.

(Người ta nói): Nếu như trái đất nằm ở gần mặt trời hơn hay xa với nó hơn và nếu như nhiệt độ ở trên đó được nâng lên đến điểm sôi của nước hay hạ xuống thấp hơn điểm đóng băng thì tất cả mọi vật sẽ khô quắt vì sức nóng hay cóng lại vì rét. Vì vậy mà Đức Chúa Trời đã trù tính một cách thực sáng suốt xiết bao, xem thử trái đất nên ở xa với mặt trời một quãng cách bao nhiêu để cho loài vật và con người có thể sống ở trên đó. Và Người đã quan tâm lo lắng với một lòng từ tâm xiết bao đến những nhu cầu của chúng sinh khắp mọi nơi. Ngay cả ở những vùng đất buồn tẻ, khô cằn, hay lạnh lẽo nhất vẫn cứ còn có ít ra là rêu xanh, địa y, những bụi cây con và những loài vật nhất định để làm thức ăn cho người. Và sự từ tâm và khôn ngoan của thượng đế qua sự trù phú ở các xứ nóng hơn thì mới hiện ra rõ ràng làm sao, hiển nhiên làm sao. Ở đấy Đức Chúa Trời đã quan tâm xiết bao đến việc thỏa mãn những cảm giác ngon lành của con người. Tại nơi đó biết bao thức ngon vật lạ đã được mọc lên ở đó trên các cành. Ở nơi đó có những cây mía, và ở nơi kia là lúa, mà theo như người ta nói, nó đã nuôi sống đến 10 triệu con người riêng tại một nước Trung Hoa, và nơi kia là gừng, là dứa, là cây càphê, là chè, là các bụi hồ tiêu, là cây cacao mà từ đó ta có được sôcôla, là quả nhục khấu, là cây đinh hương, là cây vani, là cây dừa – mà theo lời của một nhà thực vật học mộ đạo nổi tiếng hiện nay “Ở vỏ thân cây đấng Quan Phòng đầy từ tâm đã cố tạo nên khắp lượt những chỗ nhô ra có hình bán nguyệt nhờ đấy con người có thể dễ dàng hơn trong việc leo lên tận tít trên cây cao lấy những quả quý giá xuống và uống lấy cho thật đã chất nước trong đó”. Thế nhưng, nhân đây chúng tôi cũng xin lưu ý một điều sau đây và trước tiên là một điểm tương đối thiết yếu hàng đầu. Sự sống hữu cơ không phải được xuất hiện một cách ngẫu nhiên trên trái đất, ở giữa một thiên nhiên vô cơ, không sự sống hữu cơ và vô cơ gắn liền chặt chẽ với nhau. Tôi sẽ là cái gì đây nếu như xuất phát từ cuộc sống hữu cơ mà lại không có thể giới bên ngoài? Tôi thuộc về không khí cũng như buồng phổi thuộc về tôi; mắt thuộc về tôi như thế nào thì ánh sáng cũng hệt như vậy; là vì buồng phổi sẽ là gì đây nếu không có không khí, mắt sẽ là gì đây nếu như không có ánh sáng? Ánh sáng tồn tại không phải để cho mắt nhìn thấy, mà là mắt tồn tại được vì có ánh sáng; cũng hệt như vậy, không khí tồn tại không phải để người ta hít thở nó, mà người ta hít thở được không khí vì có nó, vì nếu không có nó thì không thể nào có sự sống. Có một mối quan hệ qua lại giữa cái hữu cơ và cái vô cơ. Và không chỉ thế, mối quan hệ qua lại đó là cơ sở, là bản chất của sự sống. Vì vậy chúng ta không có lý do gì để tưởng tượng ra rằng nếu như con người có nhiều cảm giác hay cảm quan hơn thì nó cũng sẽ nhận thức được nhiều hơn các đặc tính hay các sự vật của thiên nhiên. Chúng không có nhiều hơn ở thế giới bên ngoài, cả ở thiên nhiên vô cơ và thiên nhiên hữu cơ. Con người cần có bao nhiêu cảm giác để lĩnh hội thế giới trong toàn bộ của nó, trong tổng thể của nó, thì cũng có đúng bấy nhiêu cảm giác cũng giống như thể con người, cơ thể không phải phát sinh từ nước hay đất như người thợ xưa vẫn tin như thế, nói chung không phải từ một yếu tố đơn nhất cá biệt nào đó hay từ một loại nào đó của các vật thể, mà tương ứng với chúng là một cảm giác này hay một cảm giác khác; nó sở dĩ có được sự tồn tại và phát sinh của mình là do có mối tác động qua lại của toàn bộ thiên nhiên nói chung; thì cũng vậy, các cảm giác của con người không phải bị giới hạn bởi những giống loại và thể loại nhất định của các tính chất hay sức mạnh vật thể, mà là bao trùm toàn bộ thiên nhiên. Còn thiên nhiên thì, ngược lại, không hề che đậy giấu diếm, nó xưng danh với con người với tất cả sức lực của nó, và có thể nói, không chút hổ thẹn. Không khí thâm nhập vào chúng ta qua mồm và mũi cùng mọi lỗ chân lông trện thân thể như thế nào thì các vật thể và đặc tính của thiên nhiên (mà sự lĩnh hội bằng cảm giác hiện giờ của chúng ta, chúng ta chưa nắm được), cũng đã được thu nhận đúng hệt như thế vậy, qua các cảm giác tương ứng, miễn là vật thể và thuộc tính như thế có thực. Thế nhưng, chúng hay lại quay trở về lại vấn đề.

Cố nhiên, sự sống sẽ bị biến mất đi trên trái đất, hay ít ra cũng là cuộc sống hiện đang có ở trên đó, nếu như trái đất nhường chỗ cho sao Thủy, nhưng lúc bấy giờ, trái đất sẽ không còn là trái đất, có nghĩa một hành tinh nhất định, cá thể, khác biệt với các hành tinh khác như thể nó được thấy hiện nay. Trái đất được thấy như thể hiện nay chỉ ở cái vị trí mà nó chiếm giữ trong hệ mặt trời, và nó không phải được đặt vào cái vị trí này để cho con người và loài vật có thể sống ở trên đó, mà là vì nó – tương ứng với cái bản tính nguyên thủy của nó – không thể không chiếm giữ cái vị trí đó, là vì nói chung nó vốn đã có được những đặc tính như nó đang có hiện nay, vì thế mới phát sinh và sinh sống được ở trên đó những sinh vật hữu cơ như ta được gặp thấy hiện nay trên trái đất. Chúng ta cũng thấy được ở trên trái đất một điều là chính những xứ đặc biệt hay vùng đai của trái đất lại sản sinh ra những loài vật và cây cỏ đặc biệt mà chỉ những nơi đó mới có mà thôi, chẳng hạn như cá xứ nóng sản sinh ra những khí chất sôi nổi, những loại rượu rất nồng, những hương liệu hết sức kích thích; chúng ta thấy được rằng, do vậy, thiên nhiên hữu cơ và vô cơ gắn liền với nhau, chúng không tách biệt với nhau và có cùng một bản chất thống nhất. Bởi vậy ta không lấy làm ngạc nhiên chút nào khi thấy trên trái đất đã tương ứng với tính cá thể của con người chúng ta; chúng ta đâu phải là con của sao Thổ hay sao Thủy, mà là những tạo vật của trái đất, những sinh vật của trái đất. Là vì chính nhờ có trái đất đó. Mặt trời đó, khí hậu đó mà lấy thí dụ như cây baobab (1), loài khỉ cũng như người da đen, mới được xuất hiện và tồn tại. Ở nơi nào có được một nhiệt độ khiến nước có thể tồn tại không phải ở thể hơi hay đóng băng mà là thể lỏng, ở nơi nào mà, do đó, có được nước mà ta có thể uống được hay có thể dùng để tưới cho cây, ở nơi nào có không khí mà người ta có thể thở, có ánh sáng với một độ mạnh và một chừng mực mà mặt của loài vật hay con người có thể chịu được; thì ở nơi đó có những yếu tố, những căn nguyên và những cội nguồn cho đời sống của động vật và thực vật, thì ở đấy tự nhiên và cần thiết nữa phải có những loại cây cỏ tương ứng với các cơ thể của loài vật và của con người và được dùng làm thức ăn cho chúng. Bởi vậy, nếu như người ta muốn lấy làm ngạc nhiên về điều đó thì nói chung là cần phải ngạc nhiên về sự tồn tại của trái đất hoặc giả cần phải giới hạn sự kinh ngạc và lối luận chứng thần học của mình vào những đặc tính đầu tiên, và có thể nói, những đặc tính thiên văn học của trái đất mà thôi; là vì, một khi nà chúng ta có được những đặc tính đó, một khi chúng ta đã có được trái đất với tư cách là một hành tinh nhất định, cá thể, độc lập, khác biệt với một vật thể khác của thế giới, thì trong tính cá thể đó của trái đất chúng ta đã được biết về điều kiện hay nói đúng hơn, cả nguồn gốc phát sinh của các cá thể hữu cơ; là vì, chỉ tính cá thể mới là nguyên lý, cơ sở của sự sống.

Thế nhưng, tính cá thể của trái đất có cơ sở của nó ở cái gì đây? Ở sức hút và sức đẩy, là thuộc tính chủ yếu vốn có ở vật chất, những yếu tố cơ bản của thiên nhiên, mà con người chỉ đem tách biệt ra khỏi chúng trong đầu óc mà thôi. Những hạt nhỏ và vật thể vật chất, trong khi hút nhau, do đấy cũng sẽ tách khỏi nhau, xô đẩy lẫn nhau và vì thế tạo nên toàn bộ đặc biệt. Chúng ta nói chung phải hình dung những chất đầu tiên, những nguyên tố đầu tiên nhất – vật chất của thế giới -, không phải như là một cái gì đồng loạt như nhau không hề có sự khác biệt trong chúng: một vật chất như thế chỉ là một trừu tượng hóa, một ảo tưởng của con người mà thôi; bản thể của thiên nhiên, bản thể của vật chất ngay từ thoạt đầu tiên nhất đã là một bản thể có sự phân hóa ở trong nó, là vì chỉ một bản thể xác định, được phân hóa, cá thể mới là một bản thể thực. Thực vô nghĩa đến dường nào nếu ta đặt ra câu hỏi, tại sao một cái gì đó lại là một thực thể nhất định, xác định, tại sao, chẳng hạn như khí ốc-xy lại không có mùi, vị lại nặng hơn khí trời, tại sao khi bị nén nó lại phát sáng và dưới một áp lực hết sức mạnh nó vẫn không biến thành chất lỏng, tại sao trong thể kết hợp trọng lượng của nó lại được biểu thị bằng con số 8, tại sao khi kết hợp với hít-rô nó vẫn giữ được không thay đổi tỷ lệ về trọng lượng như 8 so với 1, 16 so với 2, 24 so với 3? Chính những đặc tính đó là cơ sở của tính cá thể của ốcxy, có nghĩa tính xác định, tính độc đáo, bản chất của nó. Nếu như tôi đem vứt bỏ những đặc tính của nó, là những đặc tính khiến cho nó khác biệt với các nguyên tố khác, thì do đấy tôi cũng sẽ xóa bỏ mất sự tồn tại của nó, thủ tiêu luôn chính bản thân nó. Do đó, hỏi tại sao ốcxy lại đúng là vật chất này chứ không phải là vật chất khác thì cũng giống như hỏi tại sao lại có ốcxy. Nhưng vậy thì tại sao lại có nó? Tôi xin trả lời: ốcxy tồn tại chính bởi vì nó tồn tại; nó thuộc về bản thể thiên nhiên; nó tồn tại không phải để duy trì ngọn lửa và sự hô hấp của loài vật, mà chỉ vì có nó, nên mới có lửa và sự sống. Ở đâu được thấy có điều kiện hay cơ sở cho một cái gì đó, thì ở đấy không thể không có kết quả: ở đâu được thấy vật chất-chất liệu đối với sự sống, thì ở đấy cũng không thể vắng mặt sự sống, cũng hệt như thể nếu như ta có được ốcxy và vật cháy, thì nhất thiết phải có một quá trình cháy đi liền theo.

LUDWIG FEUERBACH (1804-1872)
Lê Khắc Thành (dịch)
Nguồn: triethoc.edu.vn

______________________

Chú thích:

* (1) Một loại cây lớn nhất ở rừng cây châu phi, gỗ rất quý

* Bài liên quan:

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (1)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (2)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (3)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (4)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (5)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (6)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (7)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (8)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (9)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (10)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (11)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (12)

LUDWIG FEUERBACH: NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ BẢN CHẤT CỦA TÔN GIÁO (13)