Thượng Hội đồng: Chứng từ của Tiến sĩ Estela Padilla trong phiên họp khoáng đại thứ XII

5 /5
1 người đã bình chọn
Đã xem: 392 | Cật nhập lần cuối: 10/29/2023 2:25:40 AM | RSS

WHĐ (23.10.2023)Trong phiên họp khoáng đại thứ XII hôm 18.10, Estela Padilla, một nhà thần học và nữ giáo dân Phillipines tại Manila, kiêm Thư ký Điều hành của Văn phòng Quan tâm về Thần học của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC), trình bày suy tư về hành trình hiệp hành Á châu đã giúp bà học biết về vai trò lãnh đạo mang tính hiệp hành với tư cách là một nữ giáo dân như thế nào.

"HÃY CỞI GIÀY RA": HÀNH TRÌNH Á CHÂU ĐỐI VỚI VAI TRÒ LÃNH ĐẠO MANG TÍNH HIỆP HÀNH

Tiêu đề của Module B3 cuối cùng của chúng ta là: Tham gia, quản trị, và quyền bính có thể được cô đọng trong thuật ngữ ‘leadership’ (lãnh đạo). Tôi muốn chia sẻ hành trình hiệp hành Á châu của chúng tôi đã giúp tôi học biết về vai trò lãnh đạo mang tính hiệp hành với tư cách là một nữ giáo dân như thế nào. Trong thời hạn 10 phút, tôi xin trình bày 3 điểm: 1) Quyền bính bắt nguồn từ sự tôn trọng; 2) Quản trị có nghĩa là được Thần Khí hướng dẫn và 3) Tham gia là một nhiệm vụ mang tính ngôn sứ.

Các nhóm Thượng Hội đồng Á Châu: Quyền bính bắt nguồn từ sự tôn trọng

Việc chúng tôi cởi giày khi vào nhà và đền thờ thể hiện sự tôn trọng sâu sắc đối với những người mà chúng ta đang bước vào cuộc đời họ (“Thiên Chúa trong tôi chào đón vị thần linh trong bạn”). Trong một cuộc thỉnh vấn, một phụ nữ người Singapore, là một bà mẹ đơn thân có hai con, đã nói với chúng tôi rằng cô ấy rất đau lòng khi nghe giáo dân gọi họ là một gia đình ‘đổ vỡ’. Cô thấy mình đã nuôi dạy hai đứa con nên người và bản thân cô cũng cảm thấy mãn nguyện. Tại sao gọi họ là ‘đổ vỡ’? Sau khi nghe cô ấy chia sẻ, tôi không dùng từ đó nữa. Vì vậy, chúng tôi cởi giày ra, thể hiện sự tôn trọng sâu sắc, không chỉ lắng nghe mà còn là sự lắng nghe biến đổi chúng tôi, bởi vì người đứng trước mặt chúng tôi có thẩm quyền của người đã lãnh phép Rửa, một chi thể của chính thân mình Đức Kitô.

Tôi cũng trải nghiệm được sự tôn trọng sâu sắc như vậy trong các nhóm Á Châu mà tôi thuộc về: Nhóm nòng cốt lên kế hoạch cho Đại hội Thượng Hội đồng và Nhóm Phân định viết báo cáo của Thượng hội đồng - gồm có 3 giám mục (thực ra là Hồng y), 2 linh mục, 3 nam tu sĩ, 1 nữ tu, 1 nam giáo dân và 1 nữ giáo dân (là tôi). Như anh chị em đã biết, ở châu Á, chúng tôi có văn hóa giữ im lặng, có lẽ thuộc về thiểu số (Kitô hữu chỉ chiếm 1-3% dân số), chúng tôi muốn im hơi lặng tiếng. Trong thực tế, dù là thiểu số, và là thành viên nữ giáo dân duy nhất trong nhóm, tôi chưa bao giờ cảm thấy bị phân biệt đối xử hoặc không có tiếng nói. Tôi luôn cảm thấy được lắng nghe. Hơn nữa, các giám mục cũng đặc biệt quan tâm đến mẹ tôi, vốn phải nhập viện nhiều lần trong thời gian chúng tôi chuẩn bị Thượng Hội đồng. Việc thường xuyên hỏi thăm mẹ tôi, giúp tôi nhận ra rằng các ngài lắng nghe tôi không chỉ vì tôi là một nhà thần học mà còn vì tôi là một con người. Tôi cũng nhớ khi đọc các báo cáo quốc gia để chuẩn bị cho Dự thảo báo cáo Châu lục, mỗi sáng chúng tôi dành một tiếng đồng hồ thinh lặng, cầu nguyện rằng chúng tôi có thể thực sự lắng nghe được tiếng nói của các báo cáo quốc gia, nhất là những tiếng kêu thầm lặng giữa những dòng chữ. Những báo cáo quốc gia này có thẩm quyền của cộng đoàn đã lãnh phép Rửa, đền thờ của Chúa Thánh Thần, và chúng tôi được mời gọi cởi giày ra.

Đại hội Thượng Hội đồng Á Châu: Quản trị có nghĩa là được Thần Khí hướng dẫn

Trong một cuộc thỉnh vấn Thượng Hội đồng, một giám mục Ấn Độ đã nói: “Tôi có vấn đề với Chúa Thánh Thần. Tôi hồ nghi liệu Chúa Thánh Thần có thể thực sự dẫn dắt Giáo hội hay không. Chúng ta được tràn đầy Thần Khí sau Vatican II” nhưng 60 năm sau, Giáo hội đang ở mức được tín nhiệm thấp nhất do việc lạm dụng tình dục và những hình thức lạm dụng khác, v.v. Đây cũng là câu hỏi lớn nhất của tôi khi bắt đầu hành trình hiệp hành. Tính đa dạng đặc trưng Châu Á: từ Hồng Kông đến Bangladesh, từ Kyrgyzstan đến Thái Lan, với 2.300 ngôn ngữ được sử dụng (thực tế có nghĩa là 1000 nền văn hóa), với các hệ thống chính trị khác nhau đang vận hành, v.v. – sự đa dạng ở Châu Á thật đáng kinh ngạc! Liệu Thần Khí có thể thực sự dẫn dắt được một Châu lục đa dạng như vậy chăng?

Bài học lớn nhất của tôi tại Thượng Hội đồng này là sự phân định mang tính cộng đoàn. Trong Đại Hội Á Châu của chúng tôi, chúng tôi ngồi thành các nhóm chia sẻ nhỏ (mỗi nhóm gồm có các giám mục/giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đến từ các quốc gia khác nhau). Chúng tôi đã tận dụng 2 phút thinh lặng này để lắng nghe cách sâu xa những gì Thần Khí mách bảo chúng tôi sau mỗi lượt chia sẻ; hoặc thậm chí sau mỗi ý kiến đóng góp chính tại phiên họp toàn thể. Trong suốt Đại hội Thượng Hội đồng, chúng tôi thinh lặng lâu hơn (20 phút, một tiếng đồng hồ) khi phải đưa ra quyết định với tư cách là một cộng đoàn. Khi máy quay phim lia qua đám đông, tôi thực sự nhìn thấy mọi người như chìm sâu trong sự tĩnh lặng. Chúng tôi trở nên điêu luyện thực sự trong những khoảng lặng này. Tôi nhớ khi chúng tôi quyết định uống một bữa thật thoải mái sau Đại hội, sau ngụm đầu tiên – một vị lãnh đạo Giáo hội người Indonesia đã nói: “Đợi đã! Hai phút thinh lặng trước khi chúng ta uống ngụm tiếp theo!” Tôi nhận ra rằng việc đưa ra quyết định, vốn là một chức năng quản trị quan trọng, chỉ có thể làm sáng danh Thiên Chúa khi chúng ta trải qua và phát triển thành một tiến trình phân định thiêng liêng chung. Đi chân không trước mặt Thần Khí là hoàn toàn cởi mở trong việc cảm thức ý muốn của Thiên Chúa dành cho thời đại chúng ta.

Báo cáo của Thượng Hội đồng Châu Á: Tham gia là một nhiệm vụ ngôn sứ

Việc đi chân không với tư cách là một ngôn sứ có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là phải dựa trên thực tế tình hình của chúng tôi ở Châu Á. Đi chân không có nghĩa là trở nên một với những người nghèo nhất, và với trái đất. Một linh mục hỏi tôi tại sao báo cáo của chúng tôi lại đầy những điều tiêu cực đang xảy ra trong Giáo hội? Những tin tốt đâu rồi? Tôi nói với ngài, tin tốt đó là sự trung thực khi đối diện với tất cả những tổn thương của thế giới và với sự thất bại của chúng ta trong việc làm chứng cho Tin Mừng giữa cảnh nghèo đói, bạo lực do khủng bố và áp bức chính trị, … gây ra, và những điều này, thêm vào nỗi đau do giáo sĩ trị và sự lãnh đạo phẩm trật. Tôi thực sự thấy những nhận xét tiêu cực này trong Giáo hội dao động vì là người Á Châu, chúng tôi không thích xung đột; chúng tôi luôn tìm kiếm sự hòa hợp. Tôi nhớ Sơ Nathalie đã nói với chúng tôi: “Anh chị em đang thảo luận về những căng thẳng mà không hề căng thẳng!” Sự hòa hợp tất nhiên là tích cực ngoại trừ khi nó cản trở chúng ta nói lên điều sai trái.

Cùng nhau bước đi bằng chân không, hành trình hiệp hành - từ các cộng đoàn nhỏ đến cấp giáo xứ, giáo phận, quốc gia và Châu lục - là một tiến trình cho phép sự tham gia cá nhân để trở thành một cộng đoàn ngôn sứ. Trong Tài liệu Cuối cùng của Đại hội Cấp châu lục của Giáo hội Á Châu, chúng tôi đã tuyên bố chúng tôi là ai với tư cách là Giáo hội: việc đọc các dấu chỉ thời đại và chú ý đến lời mời gọi của Thiên Chúa để trở thành nhịp cầu hòa bình và là những người xây dựng hòa bình, hầu tiếp tục đối thoại với người nghèo, với các tôn giáo, và với các nền văn hóa; truyền cho giới trẻ và phụ nữ những vai trò lãnh đạo quan trọng; và đặc biệt quan tâm đến người di cư và người tị nạn, cùng nhiều điều khác nữa.

FABC (Liên Hội đồng Giám mục Á Châu) với tư cách là cơ quan lãnh đạo

Toàn bộ báo cáo Thượng Hội đồng đã được đệ trình lên Ủy ban Trung ương (tất cả các giám mục chủ tịch của tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu) và từ sự phân định bổ sung của các ngài, báo cáo đã được đệ trình lên ban Tổng Thư ký Thượng Hội đồng ở Roma. Là một cơ quan lãnh đạo đặc biệt, tôi có 3 bài học về vai trò của FABC phát sinh từ trải nghiệm hiệp hành của chúng tôi:

1) Trước đây được coi là nhóm hỗ trợ giữa các giám mục để đối thoại và đồng hành với nhau trong tình liên đới, giờ đây tôi thấy FABC là cơ quan đưa ra quyết định. Trong mối tương quan giữa giáo hội hoàn vũ và giáo hội địa phương, Liên Hội đồng mang tính khu vực này có một vai trò cụ thể như một mạng lưới hiệp hành của các giáo hội địa phương. Vai trò cụ thể này là gì? Ngoài ra, FABC có bao nhiêu thẩm quyền trong số các giáo hội địa phương trong mạng lưới này?

2) Đối với FABC, hội nhập văn hóa là sự tự thể hiện của giáo hội địa phương. FABC là cơ quan hàng đầu về hội nhập văn hóa trong vai trò lãnh đạo tiến trình hiệp hành. Với sự tham gia tích cực của các giáo hội địa phương, FABC đã tuyên bố chúng tôi là ai và phải sống như thế nào với tư cách là các giáo hội ở Châu Á, giữa những nỗi đau sâu xa nhất và những hy vọng cao quý nhất của chúng tôi, trong cuộc đối thoại với Lời hằng sống và với các nền văn hóa sống động của chúng tôi.

3) Tiến trình hiệp hành của FABC làm phong phú huấn quyền hoặc truyền thống mang tính huấn quyền của Giáo hội. Trở thành ngôn sứ không chỉ có nghĩa là nói sự thật (parrhesia), mà là học bằng cách làm.

Sáng nay khi thức dậy, tôi hỏi Chúa Thánh Thần “Chúa Thánh Thần yêu dấu, hôm nay chúng con thế nào rồi?”. Tôi đã được dẫn đến sách Châm ngôn chương 8, đặc biệt câu 30-31. Trong câu nói về việc tạo dựng thế giới này, Đức Khôn ngoan– Thần Khí của Thiên Chúa – bay lượn trên mặt đất, vui mừng được hiện diện bên Thiên Chúa và đùa vui với con cái loài người. Tôi biết rằng Đức Khôn ngoan đang đồng hành với chúng ta tại Hội trường Thượng Hội đồng này. Chỉ để tìm kiếm người đi chân không! Xin cảm ơn!

Estela Padilla

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: vaticannews.va (18.10.2023)

Thiet ke web ChoiXanh.net
TOP
Loading...