Cảm nhận và chia sẻ (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1535 | Cập nhật lần cuối: 11/18/2015 9:07:26 AM | RSS

Trọng kính Quý Cha,

Kính thưa Quý vị quan khách,

Quả thật Ơn Chúa chiếu giãi ở khắp mọi nơi. Ngay tại các trang mạng của giới Công Giáo ta hầu như luôn cảm nhận được những nỗi niềm rưng rức và giao cảm, nối ta vào lãnh nhận Ơn Thánh.

Năm năm trước, một đêm lang thang trên mạng cố tình tìm kiếm các tài liệu suy niệm về đức tin Công Giáo, con đã lạc vào trang Dũng Lạc (hiện nay đã đóng cửa), rồi được vào các trang cầu nguyện online khác. Chính từ đây con quyết định “sống thử và hoạ thử ” bài thơ đầu tiên với “Sen Giữa Lầy”. Chút thơ Đường lơ mơ đã quên lãng từ hơn 30 năm trước thời học lớp 8 nay bắt đầu thức dậy.

Vì sao con quyết định “sống thử với bài thơ” vì đó là bài thơ ca ngợi các nhân đức nơi Mẹ Maria. Con cũng muốn tập tành ca ngợi Mẹ.

Rồi cứ thế Ơn Thánh dẫn dắt con nhập cuộc với Cộng Đoàn Đồng Xanh Thơ Sài Gòn (ĐXTSG) đã giúp con có cơ hội “cọ xát” với các anh chị lớn tuổi đểvượt qua các trở ngại về tâm lý và xã hội, để cùng hướng về Cha Trên Trời qua các buổi chầu Thánh Thể rồi được đúc kết qua những vần thơ.

Con là một người may mắn được thụ hưởng những hoa trái từ công sức của tiền nhân. Con cũng cảm nhận tính thánh thiêng của Đức Vâng Lời. Có tập sống lòng Vâng lời thì mới có thể đón nhận Ơn Gọi, cụ thể ở đây là Ơn Gọi tiếp bước cha anh cộng tác xây dựng nền văn học Công Giáo, ít nhất qua việc học hỏi và trau dồi văn hoá Công Giáo hằng ngày. Giữa bộn bề công việc phục vụ cho xã hội và cho gia đình, Ơn gọi này đã chiếm lấy hầu hết thời gian còn lại của con và ngược lại Ơn Gọi đó cũng đang trao tặng con biết bao niềm vui và hạnh phúc trong Chúa.

Quả thực cầu nguyện với Chúa bằng thơ là lời cầu nguyện chậm nhất, kỹ nhất, kiên trì nhất và không có ai khác lọt vào làm chia trí. Còn hơn thế, khi con cầu nguyện bằng thơ thì bao trời, trăng, mây, sao, mưa, dông, gió, bão với bốn mùa, với thiên nhiên, với cả hoàn vũ quyện cùng toàn bộ quá khứ, hiện tại, cũng như những dự phóng tương lai đều ập đến giúp việc cho con được chu tất lời cầu nguyện.Thơ ca đã đánh thức con dậy với hằng trăm lý do để viết ra lời cầu nguyện.

Con tự hỏi bản thân rằng: mình đã và đang được hưởng những ơn huệ này, còn các bạn trẻ, và cả các bạn trung niên nữa cũng đang ngày đêm vùi đầu vào face book thì sao đây? Qua hai sự kiện gần đây do Trung Tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn tổ chức với sự cộng tác của nhóm giáo dân trong Cộng Đoàn ĐXTSG bao gồm đợt phát hành Tập Thơ Lấp Lánh Sương Mai, ngày 23.06.2015 và Thi tập chuyên đề về Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu với công cuộc truyền giáo, ngày 3.10.2015, chúng ta đã thấy rất rõ sự nhiệt tình hưởng ứng tham dự và đóng góp bài vở, dịch thuật từ các giáo dân và cả từ các Linh mục và Tu sĩ Nam Nữ.

Chuyển ngữ các bản thơ gốc của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, do các thành viên ĐXTSG thực hiện quả là một công việc thú vị tràn đầy linh hứng và giao cảm ngôn ngữ thánh thiêng.

Có ít nhất hai nữ tu thuộc hai Cộng đoàn đã ngỏ ý với Ban Chủ Nhiệm ĐXTSG sắp xếp thời gian cử người về hướng dẫn cho các chị em trong Dòng được học về thơ cầu nguyện. Có ba chị bạn, đều đang có chức nghiệp xã hội, sau hai buổi hội ngộ thơ trên, đã bắt đầu dành thời gian học viết thơ cầu nguyện.

Trang mạng của ĐXTSGN được mở ra đã hơn ba năm tuy hoạt động chưa nhiều, do con quản trị còn kém cỏi quá, nhưng cũng đã cho thấy một nhu cầu rất lớn của các anh chị em cầm bút, cần có những nơi để hội tụ và cần được dẫn dắt.

Trang mạng còn là nơi gánh vác việc tập hợp các thành tựu văn học Công Giáo trong các lãnh vực văn, thơ, khảo cứu… Có biết bao các nhà thơ Công Giáo đã qua đời là những linh mục, tu sĩ nam nữ đã để lại biết bao tác phẩm thi ca giá trị. Nếu có nhiều chuyên trang văn học Công Giáo được thiết lập bởi giáo dân và được các đấng bản quyền cổ vũ ủng hộ quan tâm, đó sẽ là những chỗ dựa ban đầu để Giáo Hội Công Giáo Việt Nam suy tư về một Chuyên Trang Chính Thống Văn học Công Giáo. Lợi ích có được từ đây sẽ thật là lớn lao.

Hiện nay ngoài đời đã có cơ man nào những chuyên trang thơ văn Việt Nam của cá nhân, của Câu Lạc Bộ, trong nước và hải ngoại. Các tôn giáo bạn, như Hội Thánh Tin Lành cũng đã đang khởi sắc về vấn đề này.

Qua cuộc hội ngộ tại Quy Nhơn 18-19/8/2015 vừa qua, và qua buổi gặp mặt giữa những người yêu văn học Công Giáo riêng thuộc Giáo Tỉnh Sài Gòn, đã diễn ra tại làng Sông trưa ngày 19/8, con đã thấy được sự quyết tâm và mong muốn cộng tác của anh chị em (ACE) với Giáo Hội trong các hoạt động này. Như là một kết quả, đã có hai Nữ Tu trẻ dự giải Viết Văn Đường Trường đã bắt đầu cộng tác gởi về các thi phẩm do chính tay các Dì viết ra từ những ngày tập tễnh vào nhà Dòng. Rồi cũng đã có ít nhất 5 nhà thơ Công Giáo tận các tỉnh cao nguyên hằng ngày đang gởi bài về cho trang Dongxanhthosaigon.com.

Nền văn học Kitô hữu được hình thành từ đời sống cầu nguyện

Phải chăng cầu nguyện là một đời lao động khổ luyện để tiến dâng, tiến dâng lên Thiên Chúa Cha lễ vật chiêm nghiệm của loài thọ sinh, con Cha! Vậy cầu nguyện có phải là hoạt động chính tắc và chủ động để ta lần bước trong Ơn Thánh mà được đến gần và biến đổi trong “hành trình về Nhà Cha trên trời”? Chẳng phải các hoạt động đó mới thực sự xây nên một nền văn hoá Kitô giáo sao? Cơ đồ của một nền văn học mang tính “Kitô hữu” thật sự sẽ chẳng bao giờ bị mai một và huỷ diệt, bởi nó là dây tơ, là mầm lá, là nhựa sống… nơi mỗi nhân vị mà Thiên Chúa đã dày công tạo thành, đang vươn lên hướng về những giá trị vĩnh hằng mà chỉ có được từ cội nguồn Tình Yêu của Thiên Chúa.

Để được gọi là một rừng cây, ta không thể loại bỏ những gì thuộc về nó: một chiếc lá khô mục nát, một cành con đã gẫy đổ. Vậy một lời thơ mộc mạc, một áng văn giản dị được viết ra để dâng lên Thiên Chúa, cũng không thể thiếu được trong việc hình thành và tiếp bước hành trình “Văn học Kitô giáo” này.

Đây đích thị là công cuộc tiếp bước từ thượng nguồn của Cựu Ước, của Tân Ước và cũng của những ngàn năm trưởng thành Đức Tin Kitô Giáo đã qua và tiếp tục.

Ta có thể gọi đó là Nền Văn Học Thiên Đàng.

Giuse Cao Thành Thái

(Dã Tràng Cát)