Cảm nhận và chia sẻ (3)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1302 | Cập nhật lần cuối: 11/19/2015 9:28:36 AM | RSS

Trọng kính quý Đức Cha, quý Cha, quý tu sĩ nam nữ, quý tác giả và toàn thể quý vị.

Trước khi đến đây, con có nói đùa với tác giả Nguyễn Thế Hùng, cựu chủng sinh TCV Sao Biển đàn anh của con: “Thơ của anh biếu chạy lắm!” Đó là thực trạng chung hiện nay. In thơ ra chỉ để biếu, chứ bán không ai mua! Vậy mà vẫn có một người luôn thao thức việc… xuất bản Thơ, mà lại không phải là thơ của mình. Người mà ai cũng biết là ai đó rồi!

Năm 2007, sau khi xuất bản tập Kinh Trong Sương với 15 tác giả. Cha Trăng Thập Tự có một dự án khiêm tốn là mỗi năm sẽ cố gắng gom cho được 15 tác giả để ra từng tập. Sau đó, Cha gợi ý cho anh Cao Huy Hoàng mở trang Đồng Xanh Thơ trên mạng Dũng Lạc và đầu năm 2008, chúng con có dịp họp mặt đầu tiên tại TGM Phan Thiết. Chỉ với khoảng ba chục anh chị em nhưng chúng con đã thấy một sự khởi sắc thấp thoáng đâu đó cuối chân trời.

Có những người chỉ mới tập tành làm thơ Đạo nhưng rất hứng khởi. Song song với việc đó, Cha Trăng Thập Tự còn tổ chức các cuộc thi viết như Sen Giữa Lầy & Nhánh Huệ Nước Trời nhằm tìm kiếm thêm nhiều tác giả. Thật ra, cũng như Hàn Mặc Tử, phần đông chúng con đều biết làm thơ tình trước khi làm thơ Đạo. Và cũng như Hàn, nhờ thơ Đạo mà chúng con trở nên thăng hoa hơn.

Con có một anh bạn thơ, mỗi khi có người giới thiệu một bạn thơ mới, anh thường nói: “Thêm một người làm thơ, cuộc đời bớt đi một thằng lưu manh.” Đó là cách nói có phần hơi yếm thế của anh, nhưng chúng con cũng nghiệm ra rằng, nhờ làm thơ Đạo mà cuộc sống tinh thần và tâm linh của chúng con thăng tiến hơn. Thiết nghĩ, đó cũng là mong ước của Chúa, của Giáo Hội và của các vị mục tử.

Từ đó cho đến khả năng làm ngôn sứ bằng ngòi bút còn cả chặng đường dài phía trước, chúng con cần phải am hiểu về Lời Chúa, về Tín Lý, về Giáo huấn của Giáo Hội… Thiết nghĩ, điều đó cũng còn nằm trong thao thức của Cha Trăng Thập Tự.

Trong 3 tập Có Một Vườn Thơ Đạo xuất bản năm 2012, có sự góp mặt của 139 tác giả, trong đó có 51 tác giả là giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ. Chiếm 37%. Số còn lại thì hết 2/3 là cựu chủng sinh, tu sĩ (tu xuất).

Trong tập 5 này thì tỷ lệ đó đã thấp hơn. Trong 46 tác giả, có 5 linh mục và 6 tu sĩ. Chiếm 24%. Tu xuất chưa đến ¼ số tác giả còn lại, tức là: 8/35.

Điều đó nói lên rằng, làm thơ Đạo thực sự là một nhu cầu mục vụ hiện nay. Từ hàng giáo sĩ, những người cầm bút hàng ngày, giờ đã lan tỏa rộng đến tầng lớp giáo dân phổ quát.

Nhìn lại Kinh Thánh, chúng con cũng nhận thấy vai trò của thi ca trong các sách Khôn Ngoan, Châm Ngôn, Diễm ca và các Thánh Vịnh… Và hiện nay, vẫn có một số nhạc sĩ Công giáo sáng tác Thánh ca phổ từ thơ Đạo của một số tác giả hiện ngồi đây. Tất nhiên, với điều kiện ca từ phải đáp ứng được các yếu tố về Tín Lý & Phúc Âm.

Chúng con ước mong rằng, trong tương lai gần, hàng giáo phẩm Việt Nam sẽ có kế hoạch quan tâm, hướng dẫn, dìu dắt những người làm Thơ Đạo cũng như điều đã làm với các nhạc sĩ sáng tác Thánh Ca.

Bởi vì, Thơ chúng con làm ra để dâng tặng. Nói nôm na là, để biếu chớ không phải để bán!

Con xin hết.

Tác giả Lê Hồng Bảo