Cung oán ngâm khúc (1-153)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2245 | Cập nhật lần cuối: 11/2/2014 3:23:57 AM | RSS

Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung oán ngâm khúc

Văn học Việt Nam thế kỷ XVIII đạt những thành tựu rực rỡ vì đã chứng kiến sự ra đời nhiều tác phẩm Nôm xuất sắc ở cả hai mặt: nội dung phản ánh thời đại sâu sắc và trình độ nghệ thuật điêu luyện. Một trong những tác giả có công lao đóng góp vào thành tựu ấy là Nguyễn Gia Thiều.

Thời đại Nguyễn Gia Thiều sống là thời đại có nhiều biến động. Loạn lạc, đói kém khắp nơi. Vua chúa quan lại ăn chơi trụy lạc, tranh chấp, loại trừ nhau. Dân nghèo bị đàn áp, bóc lột. Binh sĩ bỏ thây ở các chiến trường. Trong triều đình, ngoài thôn xóm, từ quý tộc đến bình dân đều cảm thấy hãi hùng, bế tắc. Sự lo lắng về thân phận con người mặc nhiên được đặt ra cho những ai có ý thức quan tâm đến hiện thực bất bình và vấn đề nhân đạo. Tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (có nhiều bản dịch) đã là một tiếng nói phản đối chiến tranh. Cung oán ngâm khúc góp thêm lời tố cáo cuộc sống chán chường mệt mỏi, bất bình vì những cay nghiệt: Cảnh phù du trông thấy mà đau!

Nguyễn Gia Thiều là con của quận chúa Quỳnh Liên. Ông gọi chúa Trịnh Cương là ông ngoại. Cha ông là một võ quan, được phong tước Đạt vũ hầu. Ông được lui tới trong phủ chúa, do đó được nhìn thấy tận mắt cảnh ngộ của những cung nữ bị bỏ rơi. Ông đã dùng lối văn độc thoại, làm lời một cung phi tài sắc trình bày tâm trạng và nỗi đau đớn bị vua ruồng bỏ. Người phụ nữ trong khúc ngâm đã lên tiếng. Nàng ý thức rõ rệt về phẩm chất, tài năng của mình, nàng tố cáo cuộc sống phè phỡn xa hoa của bọn vua chúa, biến người cung nữ thành thứ đồ chơi. Nàng miêu tả nỗi thê thảm trong cuộc sống cô đơn, tù túng. Từ sự phản ánh hiện thực với lòng phẫn nộ và sự oán hờn như vậy, nàng triết lý về cuộc đời ảo mộng, dối trá, phù du và tuyệt vọng:

Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.

ở đây, Nguyễn Gia Thiều đã mượn lời cung nữ để nói lên tâm sự bế tắc của mình, cũng là sự bế tắc của lớp nhà nho thời đại ông, chán chường và mệt mỏi.

Nghệ thuật Cung oán ngâm khúc về mặt cấu trúc cũng như về mặt ngôn từ đều sắc sảo. Không gian Cung oán ngâm khúc là không gian bưng bít của chốn tiêu phòng lạnh lẽo. Thời gian Cung oán ngâm khúc chủ yếu là mùa thu và bóng đêm. Cảnh trong Cung oán ngâm khúc là cảnh lồng qua màn sương hồi ức và tưởng tượng. Đặc biệt, lối biểu hiện bằng cảm giác là cách viết độc đáo của Nguyễn Gia Thiều có lẽ là lần đầu tiên xuất hiện trong văn học Việt Nam, rất tập trung và cô đọng. Những hình dung từ về xúc giác, thị giác, thích giác chọn lọc tài tình, bất ngờ mà đúng chỗ, đã gây được ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Vần điệu song thất lục bát nhuần nhuyễn, phép đối ngẫu được tôn trọng chặt chẽ. Hơi văn, giọng văn réo rắt não nùng, thích hợp với nội dung và tâm trạng con người trong khúc ngâm.

Nguyễn Gia Thiều là một tài năng đa dạng. Ông thuộc gia đình quý tộc, xuất thân là quan võ. Năm 1782, ông giữ chức Tổng binh ở Hưng Hóa, phong tước Ôn Như hầu, nhưng ông lại xin thôi, về sống cuộc đời tài tử, làm thơ, uống rượu và cả đi tu (ông có hiệu là Như ý Thiền). Ông là một thi nhân mà cũng là một nhạc sĩ. Ông đã sáng tác các bản nhạc Sơn trung âm, Sở từ điệu. Ông vẽ đẹp, có bức tranh Tổng sơn đồ được vua Lê khen thưởng. Ông cũng am tường cả về kiến trúc, Tháp chùa Thiên Tích (Bắc Ninh) đã được xây dựng dưới sự điều khiển của ông. Quãng cuối đời, ông có được triều Tây Sơn mời ra cộng tác, nhưng đã chối từ, về sống ở quê nhà: làng Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) cho đến khi mất.

Vũ ngọc khánh

Tác Phẩm

Cung oán ngâm khúc (1-153)Những tác phẩm còn để lại, về phần chữ nho có bộ Tiền Hậu Thi Tập, nhưng chưa tìm thấy, chỉ còn khẩu truyền một đôi bài. Về quốc âm thì còn Tây Hồ Thi Tập, Bộ Tứ Trai và Cung Oán Ngâm Khúc. Tiên sinh rất tinh nghề thanh nghệ luật (nghề làm thơ), đã dìu dắt phái thi học đời hậu Lê được lắm nhà thơ hay. Ở tập Chuyết thập tạp chí của ông Lý văn Phức chép truyện Ôn Như Hầu có nói rằng: "Nhất thị ứng khẩu thành tụng, ngữ ngữ khả nhân, nhất thị thiên đoàn bách luyện, ngữ ngữ kinh nhân". Nghĩa là: một là ra lời nói thành câu thơ, lời lời thảy nghe được, hai là nghìn lần nhồi nặn, trăm lần nung luyện ra câu thơ, lời lời khiến người nghe phải sợ... tức là tiên sinh có tài nhanh chóng cũng hay và có công trau nắn càng hay.

Tài lành dễ đâu chôn lấp được, một thiên "Cung Oán Ngâm Khúc" nay còn truyền xa. Hai chữ Cung Oán là sự oán hờn nơi cung cấm của các cung phi, cung tần đã từng được vua yêu rồi lại bị ghét bỏ, vì lời gièm pha ghen tuông lẫn nhau; hoặc có người đã chọn mà suốt đời không được hạnh sủng, nên đã thốt ra nỗi oán hờn. Trải xem các đời từ xưa nơi cung cấm, cung nhân nhiều đến số ba bốn nghìn, mà trong số ấy thường chỉ có vài người được sủng ái, nên phần nhiều cung nhân có tài học tự làm ra lời cung oán, hoặc các nhà thơ đặt ra lời cung oán, mượn thân phận của cung nữ mà tỷ nghĩ thân phận mình, cũng đề là cung oán. Về sau hai chữ "Cung Oán" thành một cái nhan đề, chuyên nói sự oán hờn của cung nữ. "Cung Oán Ngâm Khúc" sau đây là một khúc ngâm về nỗi oán hờn của cung nhân mà Ôn Như Hầu tiên sinh đã mượn tình trạng cung phi để tự ví thân phận mình; khúc ngâm này dùng điệu "song thất lục bát".

Cung oán ngâm khúc

1. Trải vách quế gió vàng hiu hắt,
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng,
Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào.

5. Duyên đã may cớ sao lại rủi,
Nghĩ nguồn cơn dở dói sao đang,
Vì đâu nên nỗi dỡ dang,
Nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình.

Trộm nhớ thuở gây hình tạo hóa,
10. Vẻ phù dung một đóa khoe tươi,
Nụ hoa chưa mỉm miệng cười,
Gấm nàng Ban đã lạt mùi thu dung.

Áng đào kiểm đâm bông não chúng,
Khóe thu ba rợn sóng khuynh thành,
15. Bóng gương lấp loáng trong mành,
Cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa.

Chìm đáy nước cá lừ đừ lặn,
Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa,
Hương trời đắm nguyệt say hoa,
20. Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình.

Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,
Nét đan thanh bậc chị chàng Vương,
Cờ tiên rượu thánh ai đang,
Lưu Linh, Đế Thích là làng tri âm.

25. Cầm điếm nguyệt phỏng tầm Tư Mã,
Địch lầu thu đường gã Tiêu Lang,
Dẫu nghề tay múa miệng xang,
Thiên tiên cũng xếp nghê thường trong trăng.

Tài sắc đã vang lừng trong nước,
30. Bướm ong còn xao xác ngoài hiên,
Tai nghe nhưng mắt chưa nhìn,
Bệnh Tề Tuyên đã nổi lên đùng đùng.

Hoa xuân nọ còn phong nộn nhị,
Nguyệt thu kia chưa hé hàn quang,
35. Hồng lâu còn khóa then sương,
Thâm khuê còn rấm mùi hương khuynh thành.

Làng cung kiếm rắp ranh bắn sẻ,
Khách công hầu ngấp nghé mong sao,
Vườn xuân bướm hãy còn rào,
40. Thấy hoa mà chẳng lối vào tìm hương.

Gan chẳng đá khôn đường khá chuyển,
Mặt phàm kia dễ đến Thiên Thai,
Hương trời sá động trần ai,
Dẫu vàng nghìn lạng dễ cười một khi.

45. Ngẫm nhân sự cớ gì ra thế,
Sợi xích thằng chi để vướng chân,
Vắt tay nằm nghĩ cơ trần,
Nước dương muốn rẩy nguội dần lửa duyên.

Kìa thế cục như in giấc mộng,
50. Máy thuyền vi mở đóng khôn lường,
Vẻ chi ăn uống sự thường,
Cũng còn tiền định khá thương lọ là.

Đòi những kẻ thiên ma bách chiết,
Hình thì còn bụng chết đòi nau,
55. Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra !

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,
Ai bày trò bãi bể nương dâu,
Trắng răng đến thuở bạc đầu,
60. Tử, sinh, kinh, cụ làm nau mấy lần.

Cuộc thành bại hầu cằn mái tóc,
Lớp cùng thông như đúc buồng gan,
Bệnh trần đòi đoạn tâm toan,
Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da.

65. Gót danh lợi bùn pha sắc xám,
Mặt phong trần nắng rám mùi dâu,
Nghĩ thân phù thế mà đau,
Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.

Mùi tục vị lưỡi tê tân khổ,
70. Đường thế đồ gót rỗ kỳ khu,
Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,
Chiếc thuyền bào ảnh lô xô mặt ghềnh.

Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán,
Chết đuối người trên cạn mà chơi.
75. Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.

Đền vũ tạ nhện giăng cửa mốc,
Thú ca lâu dế khóc canh dài,
Đất bằng bỗng rấp chông gai,
80. Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương.

Mồi phú quí dữ làng xa mã,
Bả vinh hoa lừa gã công khanh,
Giấc Nam Kha khéo bất bình,
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

85. Sân đào lý mây lồng man mác,
Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng.
Cánh buồm bể hoạn mênh mang,
Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh.

Quyền họa phúc trời tranh mất cả,
90. Chút tiện nghi chẳng trả phần ai,
Cái quay búng sẵn lên trời,
Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.

Hình mộc thạch vàng kim ố cổ,
Sắc cầm ngư ủ vũ ê phong,
95. Tiêu điều nhân sự đã xong,
Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư.

Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ,
Quán thu phong đứng rũ tà huy.
Phong trần đến cả sơn khê,
100. Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.

Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì !

105. Mùi tục lụy đường kia cay đắng,
Vui chi mà đeo đẳng trần duyên.
Cái gương nhân sự chiền chiền,
Liệu thân này với cơ thiền phải nao.

Thà mượn thú tiêu dao cửa Phật,
110. Mối thất tình quyết dứt cho xong,
Đa mang chi nữa đèo bòng,
Vui gì thế sự mà mong nhân tình !

Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,
Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên.
115. Thoát trần một gót thiên nhiên,
Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.

Ý cũng rắp ra ngoài đào chú,
Quyết lộn vòng phu phụ cho cam.
Ai ngờ trời chẳng cho làm,
120. Quyết đem dây thắm mà giam bông đào.

Hẳn túc trái làm sao đây tá,
Hay tiền nhân hậu quả xưa kia.
Hay thiên cung có điều gì,
Xuống trần mà trả nợ đi cho rồi.

125. Kìa điểu thú là loài vạn vật,
Dẫu vô tri cũng bắt đèo bòng.
Có âm dương, có vợ chồng,
Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

Đường tác hợp trời kia run rủi,
130. Trốn làm sao cho khỏi nhân tình.
Thôi thôi ngoảnh mặt làm thinh,
Thử xem con tạo gieo mình nơi nao ?

Tay nguyệt lão khờ sao có một,
Bỗng tơ tình vướng gót cung phi.
135. Cái đêm hôm ấy đêm gì,
Bóng dương lồng bóng đồ my trập trùng.

Chồi thược dược mơ mòng thụy vũ,
Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu.
Cành xuân hoa chúm chím chào,
140. Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai.

Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió,
Áo vũ kia lấp ló trong trăng.
Sênh ca mấy khúc vang lừng,
Cái thân Tây Tử lên chừng điên Tô.

145. Đệm hồng thúy thơm tho mùi xạ,
Bóng bội hoàn lấp ló trăng thanh,
Mây mưa mấy giọt chung tình,
Đình trầm hương khóa một cành mẫu đơn.

Tiếng thánh thót cung đàn thúy địch,
150. Giọng nỉ non ngón địch đan trì.
Càng đàn càng địch càng mê,
Càng gay gắt điệu, càng tê tái lòng.

(còn tiếp)


Nguyễn Gia Thiều (1741-1789)

Nguồn: chimviet.free.fr