Đi tìm tác phẩm Lệ Thanh thi tập và nét khải huyền trong đời và thơ Hàn Mạc Tử

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1685 | Cập nhật lần cuối: 11/16/2015 10:13:07 AM | RSS

BÀI CHIA SẺ VỀ HAI CUỐN SÁCH

ĐI TÌM TÁC PHẨM LỆ THANH THI TẬP CỦA HÀN MẠC TỬ & NÉT KHẢI HUYỀN TRONG ĐỜI VÀ TRONG THƠ HÀN MẠC TỬ

Người trình bày: Tác giả Trần Quang Chu

Thời lượng: 15 phút.

Trọng kính quý Cha,

Kính thưa quý vị quan khách,

Con là Trần Quang Chu, tác giả hai cuốn sách Đi tìm tác phẩm Lệ Thanh thi tập của Hàn Mạc Tử Nét Khải huyền trong đời và trong thơ Hàn Mạc Tử, mà hôm nay cả hai cuốn sách nầy được hân hạnh ra mắt quý Cha, quý khách và quý vị độc giả.

Trong dịp hành hương kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mạc Tử vào tháng 9.2012 tại Quy Nhơn, Linh mục Trăng Thập Tự đã đưa ra đề cương với hai nội dung chủ yếu: Một là giới thiệu những bài viết mới có giá trị về nhà thơ Hàn Mạc Tử, cách riêng là những bài giúp khắc họa chân dung Kitô hữu của ông. Hai là thực hiện ấn bản có hiệu đính toàn bộ những tác phẩm của Hàn Mạc Tử hiện còn giữ được.

Đồng tình với ý tưởng tưởng như tham vọng của Linh mục nhà thơ Trăng Thập Tự, trong suốt ba năm qua con đã từng bước kiên trì lục lại ký ức, tìm kiếm tư liệu cũ và tìm thêm tư liệu mới với mong muốn có thể đóng góp một phần nhỏ vào đề án đồ sộ nầy.

Kính thưa quý Cha và quý vị quan khách,

Còn nhớ cách đây 50 năm, chính xác là vào năm 1965, bấy giờ con còn là một học sinh Đệ nhị cấp, lần đầu tiên được nghe và được đọc thơ Hàn Mạc Tử nhờ những buổi thuyết trình của nhà báo Bùi Tuân tại Đan viện Thiên An – Huế. Con đã chép tay được một số thơ Hàn Mạc Tử, đánh máy lại và còn lưu giữ tới bây giờ.

Qua năm 1968, khi đang là sinh viên trường Đại học Văn khoa – Huế, con đã tham gia nhóm sưu tầm thơ Hàn Mạc Tử. Trong hai năm đã thu thập và đánh máy xong hầu như toàn bộ thơ Hàn Mạc Tử đang lưu hành thời bấy giờ.

Thế rồi, hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh gia đình sau năm 1975 đã không cho phép chúng con nhắc đến chuyện thơ văn Hàn Mạc Tử nữa. Cho đến tháng 9.2012, cơ duyên được Linh mục Trăng Thập Tự và Câu lạc bộ Đồng Xanh Thơ Sài Gòn mời tham dự hành hương kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mạc Tử tại Quy Nhơn, đã làm sống lại tình yêu thơ Hàn Mạc Tử trong con và con đã nhập cuộc.

May thay, một người bạn trong nhóm sưu tầm thơ Hàn Mạc Tử hồi ấy là anh Đoàn Đức, còn giữ được 5 trong số những tập thơ Hàn Mạc Tử đánh máy quý giá năm xưa. Đó là các tập: 1/ Gái quê. 2/ Thơ Hàn Mạc Tử. 3/ Thơ điên (đau thương). 4/ Thượng thanh khí. 5/ Cẩm châu duyên.

Càng may mắn hơn, trong quá trình tìm kiếm tư liệu con đã gặp PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, đã cung cấp cho con 76 bài thơ và 12 bài văn của Hàn Mạc Tử mới toe mà anh vừa phát hiện trên báo Công luận, lưu trữ trong Thư viện Quốc gia Hà Nội.

Với ngần ấy tư liệu quý giá, cộng với những tư liệu được công bố trước đó của các tác giả tên tuổi như Quách Tấn, Chế Lan Viên, Nguyễn Bá Tín, Phan Cự Đệ…, cho phép con có đủ cơ sở để hoàn thành một số tác phẩm về thơ văn Hàn Mạc Tử. Đó là các tập:

1. Đi tìm tác phẩm Lệ Thanh thi tập của Hàn Mạc Tử.

2. Nét Khải huyền trong đời và trong thơ Hàn Mạc Tử.

3. Thơ văn Hàn Mạc Tử - Sưu tầm và khảo cứu. Tập I – THƠ. Tập II – VĂN.

Tuy nhiên, vì lý do khách quan, không thể chuẩn bị kịp nên cuốn Thơ văn Hàn Mạc Tử - Sưu tầm và khảo cứu, Tập I và Tập II chưa thể ra mắt quý Cha, quý khách và quý vị độc giả hôm nay được. Chỉ còn lại hai cuốn hân hạnh được ra mắt. Đó là:

Cuốn một:

Đi tìm tác phẩm Lệ Thanh thi tập của Hàn Mạc Tử

Cuốn nầy sở dĩ ra đời được là nhờ việc phát hiện 76 bài thơ Hàn Mạc Tử, trong đó có 70 bài thơ cổ điển, của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, trên báo Công luận. Cơ duyên phát hiện thú vị nầy đã được chính PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn trình bày ở phần trước. Con chỉ giới thiệu thêm, trong tập sách nầy có sao chụp lại, từ bản gốc, 70 bài thơ cổ điển nói trên.

Cuốn hai:

Nét Khải huyền trong đời và trong thơ Hàn Mạc Tử

Sách Nét Khải huyền… được cô đọng với 5 nội dung:

1. Nội dung thứ nhất: Khải huyền.

Đọc chữ Khải huyền ở nhan đề cuốn sách ai cũng nhận ra rằng người biên soạn lấy ý tưởng từ sách Khải huyền, Thánh Kinh Tân ước, của thánh Gioan Tông đồ. Vâng, thơ Hàn Mạc Tử, đặc biệt là những bài thơ đạo phảng phất hương vị của Khải huyền, thần thiêng và linh thánh. Đơn cử như bài Say thơ có thể nói như là một bài ca Khải huyền thu gọn. Vì thế, việc đầu tiên cần phải khắc họa chân dung Kitô hữu của Hàn Mạc Tử, ngoài nhan đề, chúng con hân hạnh giới thiệu những bài viết mang tính Khải huyền: 1/ Say thơ – Bài ca Khải huyền. 2/ Lời tuyên tín. 3/ Hoa Ưu Đàm trong vườn hoa Mân Côi...

2. Nội dung thứ hai: Xác định cội nguồn thi sĩ Hàn Mạc Tử.

Để xác định cội nguồn người “Thi sĩ của đạo quân Thánh giá”, người biên soạn xin giới thiệu bài viết: Nguồn gốc nội ngoại của Hàn Mạc Tử, trong đó giới thiệu đôi nét về giáo xứ Thanh Tân, một giáo xứ toàn tòng – quê nội Hàn Mạc Tử. Đồng thời, với những tài liệu có được từ văn khố Hội Thừa sai Paris, do nhà sưu tầm tài liệu Anrê Lê Thiện Sĩ cung cấp, giới thiệu về cố Đồng, linh mục giám đốc đồn điền Ba Trục và viện Dục Anh Thanh Tân, người đã nuôi dưỡng ông Phạm Bồi – ông nội Hàn Mạc Tử, và cũng là người bảo trợ ông Phạm Toán (tức Nguyễn Văn Toán) – thân sinh Hàn Mạc Tử nhập Tiểu Chủng viện An Ninh và Đại Chủng viện Phú Xuân – Huế.

Bên cạnh đó, chúng con cũng có bài giới thiệu về Giáo xứ Tam Tòa - Sinh quán Hàn Mạc Tử, một giáo xứ toàn tòng đạo hạnh, giáo xứ đã được Đức giám mục địa phận Huế thời bấy giờ là Đức cha Caspar Lộc hết lời khen ngợi: “Đời sống đạo đức trong giáo xứ nầy luôn duy trì ở mức không thể hài lòng hơn”.

Chính nhờ ảnh hưởng của hai giáo xứ Thanh Tân và Tam Tòa đạo hạnh nầy, cộng với ảnh hưởng gia đình đạo đức của ông bà Nguyễn Văn Toán đã khắc họa rõ nét chân dung Kitô hữu đích thực của người thi sĩ tài hoa Hàn Mạc Tử.

3/ Nội dung thứ ba: Hiệu đính thơ Hàn Mạc Tử.

Hiệu đính thơ Hàn Mạc Tử do lỗi tam sao thất bổn, hoặc do lỗi từ những bản đánh máy không dấu, hoặc do lỗi không có chứng từ gốc, hoặc do những lỗi chủ quan của các tác giả biên soạn trước đây.

Về nội dung nầy, con đã giới thiệu những bài viết: 1/ Thơ Hàn Mạc Tử - Tam sao thất bổn. 2/ Đọc thơ Hàn Mạc Tử trên báo Công luận – Thất bổn ngay từ bản gốc. 3/ Tượng đài ngả bóng, 4/ Thuật ngữ nhà đạo và phương ngữ xứ Huế trong thơ Hàn Mạc Tử… Đặc biệt, trong nội dung thứ ba nầy, với tư liệu đáng tin cậy từ những bản đánh máy của nhà báo Bùi Tuân và của GS Trần Như Uyên, chúng con mạnh dạn hiệu đính hai bài thơ đạo nổi tiếng nhất của Hàn Mạc Tử Ave Maria Say thơ, với hai bài viết: 1/ Đâu là nguyên bản bài thơ Ave Maria. 2/ Say thơ và các dị bản.

4/ Nội dung thứ tư: Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử.

Một vấn đề đã và đang tranh luận về bút danh Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử. Trong các tài liệu để lại, khuynh hướng thứ nhất thiên về Hàn Mặc Tử, người chủ xướng là thi sĩ Quách Tấn. Khuynh hướng thứ hai thiên về Hàn Mạc Tử, người bảo vệ là nhà báo Bùi Tuân. Trước đây, khuynh hướng thiên về Hàn Mặc Tử đã thắng thế, nhưng hiện nay, các nhà nghiên cứu đang thiên về Hàn Mạc Tử. Tác giả tập sách nầy triệt để ủng hộ luận điểm của Bùi Tuân: Hàn Mạc Tử (không dấu ă). Trong quá trình tìm hiểu, con còn khám phá ra rằng chữ Mạc trong Hàn Mạc mang ý nghĩa mạc khải. Hàn Mạc Tử là con người bé mọn được ơn mạc khải, như lời thánh sử Luca đã trình thuật trong Tin Mừng, đoạn 10, câu 21: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều nầy, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn”.

5/ Nội dung thứ năm: Thơ văn Hàn Mạc Tử - Châu về Hợp Phố.

Năm 1946, thi sĩ Quách Tấn, người giữ bản quyền thơ văn Hàn Mạc Tử, công bố một tin rất đáng buồn là hầu hết thơ văn Hàn Mạc Tử, từ cảo bản, bản đánh máy cho đến thư từ, hình ảnh… đều thất lạc hết trong chiến tranh. Thơ văn Hàn Mạc Tử bị thất lạc đồng nghĩa với sự mất mát một phần gia tài văn học nước nhà. Thật đáng tiếc!

May thay, trong gần 70 năm trôi qua kể từ ngày tài sản tinh thần quý giá đó thất lạc, nhiều nhà nghiên cứu, thân nhân, bằng hữu và những người ái mộ Hàn Mạc Tử đã từng bước dò tìm từ ký ức, tặng phẩm, báo chí…, và công lao đó đã một phần nào được đền đáp:

- Đó là tài liệu giảng dạy ở trường Đại học Văn khoa Huế của Giáo sư Trần Như Uyên với 4 thi phẩm đánh máy: Gái quê, Thơ điên (Đau thương), Thượng thanh khí Cẩm châu duyên. Tài liệu do nhóm sinh viên văn khoa Huế đánh máy lại vào cuối thập niên 1960.

- Đó là tìm kiếm của bào đệ Nguyễn Bá Tín với 21 bài thơ được công bố trong hai tác phẩm Hàn Mặc Tử anh tôi Hàn Mặc Tử trong riêng tư.

- Đó là sưu tầm của Giáo sư Viện sỹ Phan Cự Đệ với 37 bài thơ và 16 bài văn xuôi trên các báo Công luận, Sài Gòn, Đông Á tân văn, Đông Dương tuần báo, Tin tức, Nghệ thuật tuần báo, Người mới, Tân tiến, Tiến bộ..., công bố trong sách Hàn Mặc Tử - Tác phẩm phê bình và tưởng niệm.

- Đáng kể hơn hết, đó là phát hiện mới nhất của PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, với 76 bài thơ và 12 bài văn xuôi của Hàn Mạc Tử trên báo Công luận, trong đó chúng con chọn 70 bài thơ cổ điển đưa vào Đi tìm tác phẩm Lệ Thanh thi tập của Hàn Mạc Tử (đã giới thiệu ở trên) và 12 bài văn đưa vào Tập II – Thơ văn Hàn Mạc Tử - Sưu tầm và khảo cứu (sẽ ra mắt trong nay mai).

(Hiện nay, chúng con đang có trong tay các tài liệu quý giá trên. Quý vị nào cần cho việc nghiên cứu thơ văn Hàn Mạc Tử xin cứ tự nhiên, chúng con sẽ đáp ứng).

Ngoài ra, trong quá trình tìm kiếm tư liệu, chúng con còn được biết nhiều nguồn khác còn lưu giữ thơ văn Hàn Mạc Tử, như:

- Trong tài liệu của nhà thơ Quách Tấn để lại ở Quy Nhơn có 80 bài thơ cổ điển đã đánh máy và đóng thành Lệ Thanh thi tập.

- Trong tài liệu của cô Hoàng Cúc để lại ở Huế có 52 bài thơ, trong đó có 34 bài thủ cảo của Hàn Mạc Tử và 18 bài do chính tay cô Hoàng Cúc chép lại.

- Trong tủ sách Bùi Gia ở Bình Dương, do Giáo sư Bùi Thế Cần quản lý, nhà báo Bùi Tuân để lại 70 bài thơ, bản đánh máy.

Tất cả những phát hiện trên tạo nên một hiện tượng rất đáng mừng: Hiện tượng Thơ văn Hàn Mạc Tử - Châu về Hợp Phố.

Để kết thúc bài chia sẻ, con xin lấy lời Đức cha Mathêô Nguyễn Văn Khôi – Giám mục Quy Nhơn – trong Đôi lời giới thiệu, chung cho những tập sách nầy:

“Tác phẩm còn tự khẳng định giá trị của mình nhờ những tài liệu tham khảo và tài liệu dẫn nguồn. Những khảo cứu liên quan đến gia phả, thân thế, tiểu sử, niên biểu và bút hiệu của Hàn Mạc Tử mà tác giả đã đưa vào bộ sách nầy cũng góp phần làm cho các độc giả có một cái nhìn đúng đắn và đầy đủ hơn về con người, tư tưởng và sự nghiệp văn chương của Hàn Mạc Tử”.

Trân trọng kính chào quý Cha và quý vị quan khách.

Lễ giỗ Hàn Mạc Tử lần thứ 75

Tại Trung tâm Mục vụ TGP.TPHCM

6bis Tôn Đức Thắng, Q1, TPHCM

Tác giả Trần Quang Chu