Đồng Xanh Thơ Sài Gòn: Niềm vui Ân sủng

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 891 | Cập nhật lần cuối: 5/18/2021 10:44:58 PM | RSS

Vào lúc 9 giờ thứ Bảy, ngày 05.10.2019, buổi sinh hoạt chuyên đề lần 4 “Thi Ca Trong Niềm vui Ân Sủng” do Học viện Mục vụ TGPSG và Đồng Xanh Thơ Sài Gòn (ĐXTSG) tổ chức, đã diễn ra trong không khí thân mật và đầy tràn niềm vui trong Chúa.

Linh mục Phanxicô Xaviê Tâm Giao đã khai mạc bằng những lời đầy lòng mến, qua việc hướng cộng đoàn vào ánh nhìn sâu xa của tâm hồn sống trong ân sủng và niềm vui trong Chúa, qua Tông huấn Gaudete et Exsultate, số 122 của Đức Giáo hoàng Phanxicô, là vị Giáo hoàng của niềm vui.

Khác với tinh thần nhút nhát, buồn rầu, gay gắt hay u uất, hoặc mang bộ mặt chán chường, các thánh luôn vui tươi và đầy hài hước. Tuy rất thực tế nhưng các ngài luôn phản ảnh một tinh thần tích cực và tràn đầy hy vọng.

Đời sống Kitô hữu là “niềm hân hoan trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14, 17), vì hoa quả thiết yếu của Đức Ái là vui mừng vì mọi người đang yêu đều hân hoan khi được hợp nhất với người mình yêu… Hoa quả của Đức Ái là niềm vui vì đón nhận ơn lành của Lời Thiên Chúa và ấp ủ niềm vui “trong rất nhiều thương đau với niềm vui do Chúa Thánh Thần gởi” (1Tx 1, 6).

Nếu ta để Chúa kéo ta ra khỏi vỏ bọc của mình và thay đổi cuộc sống, ta có thể làm như Thánh Phaolô đã nói với ta: “Hãy luôn vui mừng trong Chúa. Tôi xin nhắc lại, hãy vui luôn!” (Pl 4, 4).

Lời khai mạc ấy như một giai điệu thánh thiêng, nâng tâm hồn bay lên trong hơi thở của Thánh Thần Thiên Chúa, làm trào dâng cung nhạc thinh lặng đang réo rắt trong trái tim cầu nguyện.

Đi vào nội dung, Đan sĩ Thiêng Giang đã đưa cộng đoàn vào “miền hoan lạc trong Thánh Linh” với những biểu đạt rất vui tươi đầy nghệ thuật và những chia sẻ rất sâu lắng đầy chất thánh.

“Niềm Vui Ân Sủng Trong Thi Ca” như một làn sóng dịu dàng vỗ vào tâm hồn, làm phẳng phiu những chông chênh cuộc sống, làm thăng hoa những nhịp rung hữu hạn, làm nở rộ mùa xuân ân sủng của niềm vui với “Sự Hướng Thượng”, “Khả Năng Đồng Hóa”, “Giá Trị Hiện Sinh” và “Mở Ra Một Hướng Đi Mới”.

Thật vậy trong nguồn ân sủng, khi ta nhận biết Thiên Chúa hiện diện và có cái nhìn hướng thượng, nghĩa là đặt mọi biến cố vui buồn trong ánh nhìn đức tin, thì niềm vui và hy vọng của chúng ta sẽ không mất đi, ngay cả khi phải đối diện với những thất bại buồn đau trong cuộc sống.

Hồn con đây như vòng quay nhảy múa

Tim con run như tiếng gọi tình về

Con mỉm cười hồn rộn rã say mê,

Nghe nhẹ nhõm thấy niềm đau biến mất

(Khi Đau Khổ Nhìn Lên –Vũ Huyền Dư)

Có thể nói, Ân sủng Thiên Chúa đưa thần trí thi nhân bay cao, bay xa, có tính cách thiêng liêng mầu nhiệm; một tiếng gọi bao la, kín ẩn xâm chiếm trọn tâm hồn. Hồn thiêng chợt lóe sáng, linh diệu khiến thi nhân bỗng chốc như thoát mọi ràng buộc trần ai. Và thi ca sẽ làm nhiệm vụ ghi lại ấn tượng đã để lại trong trí, dấu ấn trong hồn này. Như vậy, khi gặp gỡ, trải nghiệm niềm vui ân sủng trong thi ca, cũng là một cách nào đó chúng ta đang vào đi chiều sâu, cao, dài, rộng của Tình Yêu Thiên Chúa giữa cuộc đời nhiều chông gai, vấp ngã này, để

Rồi đó, đi lên theo tháng, năm

Có gì? … Ai gọi? … tiếng xa xăm

Mùi thanh là lạ hơn hương phấn

Hơn cả hoa thơm đẹp nhất trần

(Đi Lên – Diệp Lan Đình)

“Niềm Vui Ân Sủng Trong Thi Ca” có khả năng đồng hóa, mang đến cho chúng ta nguồn năng lượng giải tỏa rất hữu hiệu tuyệt vời, trong tương quan với tha nhân và vạn vật giúp cho tâm hồn dần mở ra trước ánh sáng của Ân sủng.

Như một thoáng tất cả đều trở nên rõ ràng, xuyên suốt trước con mắt tâm hồn, lột tả niềm vui của tâm linh. Trong giây phút ấy, chiều dài thời gian, cái rộng của không gian như thu nhỏ lại trước niềm vui ân sủng vô biên vĩnh cửu. Tâm hồn thi nhân như hòa nhập cùng vũ trụ; một niềm tôn thờ, yêu mến chan chứa dâng lên trước Đấng Vô Biên, như “men trong bột” làm bừng dậy trong tâm hồn một niềm cung chiêm ngưỡng vọng trời cao.

Tôi vừa nếm mật tình yêu chan chứa,

Ngon vô cùng và ngọt đến vô biên

Nên chơi vơi trong thế giới diễm huyền

Ôi triết lý! Muôn xuân trào ra mãi

(Trinh Nữ Đầu Tiên – Đơn Phương)

Trong thi ca, niềm vui ân sủng diễn tả một cảm xúc của hiện tại, hiện thực mà ta đang sống. Nó mang một giá trị hiện sinh. Ở đó, thi từ được thốt lên như một tiếng kêu bất ngờ, ngạc nhiên trước điều kỳ diệu của ân sủng tràn ngập trong hồn; và một cách nào đó cũng là giây phút thi nhân buông mình cho ân sủng.

Như song lộc triều nguyên ơn phúc cả

Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng

Thơm tho bay cho đến cõi Thiên Đàng

Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể

(Thánh Nữ Đồng Trinh Maria – Hàn Mạc Tử)

Niềm vui ân sủng trong thi ca như những món quà cho cuộc sống, một cái gì tuyệt diệu – bất chợt hé mở và ta nắm bắt được nhẹ nhàng, hồn nhiên; cho ta niềm vui sâu lắng và chỉ chia sẻ được phần nào. Và người khác khi đọc những vần thơ đó cũng chỉ cảm nếm, hiểu biết phần nào niềm vui ân sủng của tâm hồn, trong cái tinh anh đã được thi nhân diễn đạt qua thi ca.

Trăng bẻ làm đôi tấm bánh đời

Nghe tình dìu dặt, tứ chơi vơi

Cho hoa lá no thầm trào ý

Để gió mây kia khẽ ngỏ lời

(Trăng – Trăng Thập Tự)

“Niềm Vui Ân Sủng Trong Thi Ca” mở ra một hướng đi mới, làm cho cuộc sống và tình liên đới của con người thêm tươi mát, nhẹ nhàng, làm cho tâm hồn ta được vươn cao, bay xa vào bầu trời hạnh phúc. Vì con người yếu đuối mỏng dòn, mang kiếp nhân sinh vui buồn trần gian như mưa nắng. Nhưng cũng con người ấy lại mang nguồn ân sủng vô song của Thiên Chúa để sống và hành động trong niềm vui, sức mạnh và quyền năng của Người. Đó là một lực đẩy, niềm vui sâu xa giúp ta đi lên trong hành trình làm người. Và còn hơn thế nữa, trong mọi màu sắc của cuộc sống, thi ca được tắm gội bởi niềm vui ân sủng luôn lóe lên một ánh sáng vì niềm vui ân sủng luôn song hành cùng hy vọng, tương lai. Đó là sắc màu và ánh sáng lung linh một tâm hồn có Thiên Chúa – Chân Thiện Mỹ hiện diện.

Xin Người nắm chặt bàn tay

Dắt con đi giữa vần xoay cuộc đời

Về triền suối mát xanh tươi

Về miền nắng ấm reo vui dạt dào

(Trong Vòng Tay Chúa – Lưu Minh Gian)

Thay cho lời kết, Đan sĩ Thiên Giang nhắc lại rằng thưởng nếm niềm vui ân sủng trong thi ca có thể nói được như ta đang sống niềm vui dạt dào vì được ở trong cung lòng Thiên Chúa, được chiêm niệm, trải nghiệm tình yêu Thiên Chúa tỏ lộ cho ta trong cuộc sống đời thường. Để rồi chúng ta có thể nghỉ ngơi, nương ẩn an toàn trong Người và gặp được niềm vui ân sủng trào tràn ngang qua tha nhân, vạn vật và cuộc sống quanh ta với những sắc màu thanh khiết.

Ai bước muộn dưới trời sao lấp lánh

Trời đêm nay gần đất thân yêu

Tiếng bi ca thành suối nhạc vàng reo

Tình trang trọng với búp tay dâng hiến

(Nguồn Yêu – Thanh Quân)

Đồng Xanh Thơ Sài Gòn: Niềm vui Ân sủng

Tiếp đến, tác giả Tiếng Vọng chia sẻ những trải nghiệm về cuộc đời mình trong niềm vui ân sủng từ niềm vui tự nhiên, niềm vui bản ngã, đến niềm vui phục vụ và cuối cùng là niềm vui siêu nhiên, để rồi tác giả bật thốt lên như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu “Tất cả là Hồng Ân”.

Thật vậy, qua niềm vui rất tự nhiên như ngắm cảnh thiên nhiên, nghe tiếng suối reo, cảm nhận mùi thơm cỏ lá… tác giả như hòa mình vào giai điệu vũ hoàn để cảm nghiệm được niềm bình an sâu thẳm mà vẻ đẹp toàn bích của đất trời trong ân sủng mang đến và cảm hưởng tinh tế hơn những điều kỳ diệu của sự sống trong mức độ sâu lắng hơn của tinh thần và tâm hồn.

Con về bên Mẹ ngắm bình minh

Ánh sáng ban mai đẹp hữu tình

Hoa lá rung rinh chào nắng mới

Mẹ tỏa ân tình ngát hương trinh

(Bình minh trên cao nguyên)

Niềm vui bản ngã là một thách đố cho cuộc sống vì nó mang hệ lụy của thỏa mãn ý riêng, khó buông bỏ và dễ kéo con người vào bóng tối. Bản thân tác giả cũng phải đấu tranh tư tưởng khi cần dứt khoát những niềm vui bản ngã kéo tác giả ra xa Chúa.

Giêsu hỡi! linh hồn con yếu đuối

Rất mỏng dòn dễ bể lắm Chúa ơi!

Cứu con đi, xin Chúa phán một lời

Xin giải thoát qua những điều tăm tối

(Cho thì có phúc hơn là nhận)

Niềm vui bản ngã khi được quy hướng về Thiên Chúa sẽ nâng chúng ta thoát khỏi những đam mê trần thế, những niềm vui phù du mang đầy sự quy kỷ. Chính trong Thiên Chúa, chúng ta sẽ tìm thấy giá trị đích thật của niềm vui cuộc sống, niềm vui phục vụ hơn là được phục vụ.

Nhờ ơn Chúa giúp và Mẹ Maria phù trợ, tác giả đã từ bỏ những chức vụ chính trong các đoàn thể, để cùng nhóm “Tiếng Vọng” chăm sóc anh chị em nhiễm HIV, những anh chị em đang đói khát tình người, đói cả tình thân!

Quặn đau tiếng H I V

Hẩm hiu kiếp sống kéo lê cuộc đời!

Tiếng rên đói khát tình người!

Xã hội lên án, cuộc đời về đâu?

Nơi đây Tiếng Vọng kinh cầu

Nơi đây lau bớt lệ sầu đắng cay

Nâng niu những tấm thân gầy,

Vọng vang lên tiếng tình này Chúa ban

(Tiếng Vọng Tình Yêu)

Niềm vui là kết quả của tình yêu. Muốn có được niềm vui trọn hảo, niềm vui siêu nhiên, tác giả đã xác tín đó là phải sống thân tình với Chúa, kết hiệp mật thiết với Chúa qua lời cầu nguyện, qua Bí Tích Thánh Thể và tham dự vào các Bí Tích của Hội Thánh.

Chạm vào lòng Chúa để cảm được niềm vui trong ân sủng. Đó mới là hạnh phúc huyền siêu!

Bên Thánh Thể say hồn đắm đuối!

Con trải lòng nơi Suối từ nhân

Dịu thơm thanh khiết ân cần

Nép mình nương tựa trong ân sủng Người

(Bên lòng Chúa)

Cuối cùng, tác giả đúc kết rằng niềm vui trong Chúa là niềm vui tuyệt hảo nhất vì nó cho trái tim của tác giả biết cảm nhận được Thiên Chúa yêu thương và biết rung động trước nỗi đau của anh chị em chung quanh mình. Niềm vui ấy nâng tác giả vượt qua sự vị kỷ, những thăng trầm cuộc sống để được chắp cánh bay cao trong Chúa. Đây quả là một huyền nhiệm của cuộc đời mà tác giả đã cảm nghiệm rất chân thật và sâu lắng.

Kế tiếp, tác giả Dzuy Sơn Tuyền đã chuyển tải “Yêu – Thông Điệp Của Thánh Têrêsa Hài Đồng” với những cung bậc huyền nhiệm của Tình Yêu được biểu đạt trong ân sủng diệu kỳ.

Tự nhiên và Ân sủng đã làm cho Chị Thánh Têrêsa trở nên một vị đại thánh: bản tính tự nhiên của Chị mang một tình yêu nồng cháy và ân sủng của Thiên Chúa đã hướng tình yêu ấy lên trước Thánh Nhan. Chị Têrêsa không ngây ngất say mê Đức Giêsu biến hình trên núi Thabor, nhưng say mê Đức Giêsu bước đi trên đường tử nạn.

Chính lòng tín thác này là bước đầu quan trọng cho đời sống thuộc linh của Chị. Thiết tưởng, đây là đặc điểm nổi bật hơn cả nơi Chị Thánh, làm cho tình yêu của Chị đối với Đức Giêsu đượm tính hào hùng: nhiều người chỉ phụng sự Người khi nào Người ban ơn an ủi, nhưng rất ít người chịu làm bạn với Người khi Người ngủ trên thuyền gặp bão táp, hoặc khi Người đau khổ trong vườn Cây Dầu. Ai là người đã phụng sự Đức Giêsu vì chính Đức Kitô? Đó là Chị Têrêsa.

"Người đã chết rồi. Tôi yêu Người nhiều hơn khi Người hấp hối vì thiết tưởng khi Người đã chết rồi, Người không còn đau khổ nữa"(Novissima Verba, Lisieux, Carmel, 1926, trang 144).

Chị Têrêsa yêu chính vị Hôn Phu Chí Thánh của mình, chứ không phải yêu những quà tặng. Đây chính là một tình yêu chân thành và đơn sơ nhưng là trọng yếu và cốt lõi của tình yêu.

"Vinh danh Chúa Giêsu, đó là tất cả tham vọng của em. Những gì của em, em phó thác cho Người, mà giả như Người quên em thì thôi! Người được tự do, vì em không thuộc về em nữa, mà đã thuộc về Người". (Một Tâm Hồn).

Chị Têrêsa biết lắng nghe Chúa trong những âm thanh lặng nhất, biết lợi dụng những kinh nghiệm nhỏ bé nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của Chị để tìm gặp Chúa. Tâm hồn Chị giống như một cuốn phim bén nhạy, ghi lại những cử động nhẹ nhàng nhất của ân sủng. Chị không bỏ qua một bài học nào, lại thấm nhuần ơn Chúa Thánh Thần, đến nỗi tất cả đối với Chị trở thành những dụ ngôn chân lý, những tiêu biểu của tình yêu. Đức Giêsu trở nên Tình Nhân trung tín và duy nhất của Chị. Nơi trái tim Người, Chị kín múc cả Nguồn Sống thần linh để tươi trẻ trong giai khúc vĩnh cửu.

"Tình yêu có thể thay thế tất cả cuộc sống lâu dài. Thiết tưởng Thiên Chúa nhân từ không cần nhiều năm để thực hiện công trình của Người nơi một tâm hồn; chỉ cần một tia sáng phát ra từ trái tim Người cũng đủ làm cho đóa hoa của Người tươi nở đến muôn đời" (Một Tâm Hồn).

Đối với vị Hôn Phu Chí Thánh, Chị Têrêsa đã muốn chịu mọi đau khổ của các vị tử đạo, và còn muốn hơn thế nữa. Đời Chị là một cuộc tử đạo liên tục, đầy những hy sinh nho nhỏ. Chị muốn tử đạo theo cách người khác không biết. Chị đã sống anh hùng cách hết sức bình thường đến nỗi không có vẻ anh hùng. Đó là một cuộc tử đạo vì yêu.

"Chúa không xét việc ta làm to lớn hay nhỏ mọn, khó khăn hay dễ dàng, một chỉ xét cái vị-tình mà ta có nhiều hay ít thôi. Thế vì việc gì chúng ta phải e sợ." (Một Tâm Hồn).

Chị Têrêsa đã đạt tới một mức sống siêu nhiên của ân sủng, trong đó ý muốn nhân loại chan hòa với ý muốn Thiên Chúa. Chị đã vượt lên trên sự sống và sự chết để sống chết cho Tình Yêu.

"Sống hay chết là gì đối với con? Hạnh phúc độc nhất của con là yêu Chúa" (Một Tâm Hồn).

Tác giả Dzuy Sơn Tuyền đã đúc kết niềm vui ân sủng trong Tình Yêu của Chị Têrêsa qua vần thơ Sống Tình Yêu của Chị.

Chỉ Đức Ái, là ánh sao duy nhất

sáng soi đường, con vượt sóng trùng khơi

Sống Tình yêu là mục đích trên đời

là phương châm, trên cánh buồm được viết

(Sống Tình Yêu)

Tiếp đến, tác giả trẻ “Viết Văn Đường Trường” Thái Chân đã chia sẻ chân tình về những cảm xúc thật khó tả nhưng tuyệt vời, khi cảm nhận được sự bình an sâu thẳm trong niềm vui ân sủng qua sự chia sẻ của các tác giả.

“Đáng lẽ hôm nay con đi tim niềm vui trong việc “shopping”, họp mặt bạn bè nhưng con đã tới đây để đón nhận niềm vui ân sủng trong Chúa qua Thi ca, và con thật sự cảm thấy rất vui, một niềm vui an bình, chân thật và đầy ý nghĩa. Con tạ ơn Chúa và cảm ơn tất cả mọi người. Con mong ước sẽ được tham dự họp mặt trong những lần tới.”

Kế tiếp, tác giả trẻ “Viết Văn Đường Trường” Chung Thanh Huy đã chia sẻ cảm nhận và chuyển tải thông điệp của Linh mục Gioan Phêrô Trăng Thập Tự trong niềm vui được họp mặt với cộng đoàn và được gần Chúa hơn trong niềm vui ân sủng.

“Tạ ơn Chúa, cảm ơn quý Cha, quý Sơ, quý Cô Bác và anh chị em đã cho con cơ hội được nghe, được chia sẻ, được gần và được yêu Chúa nhiều hơn qua những vần thơ.

Nhân đây, Cha Trăng Thập Tự gởi lời thăm và nhắn các bạn trẻ Viết Văn Đường Trường tham gia tích cực viết cho Tuyển tập Mục Đồng và cả tờ Bông Hồng Nhỏ, dành cho học sinh cấp 1. Mong các bạn cùng nhiệt tình tham gia viết.”

Dòng chảy ân sủng như trào tràn khiến buổi họp mặt chia sẻ bật lên những tràng vỗ tay không ngớt, những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười và những trái tim mở toang hết cửa lòng để hòa vào làn sóng ân sủng đong đầy niềm vui và yêu thương. Theo đó, Linh mục Phanxicô Xaviê Tâm Giao đã trao “Lưu bút” cho các tác giả Viết Văn Đường Trường như quà tặng của niềm vui ân sủng được thực tại hóa.

Sau phần 1 với “Bàn Tiệc Thi Ca Tâm Linh”, cộng đoàn tiếp tục với “Bàn Tiệc Thánh Thể” trong lời tạ ơn mừng Bổn mạng thánh Têrêsa của ĐXTSG.

Cha Chủ tế Tâm Giao đã nhắc lại rằng chúng ta phải biết ước mơ… bay cao… lên tới Chúa và bay xa… truyền giáo đến Việt Nam như Chị Thánh Têrêsa. Ước mơ âm thầm và liên lỉ đó như một lời cầu nguyện dịu dàng mà Thiên Chúa đã thành toàn để đến hôm nay, Chị thánh đã ở trong cung lòng của Thiên Chúa và đã đến Việt Nam như là vị Thánh Bổn Mạng các xứ Truyền giáo.

Thái Chân, tác giả trẻ Viết Văn Đường Trường, được cha hỏi, đã nói lên ước mơ của mình là viết một quyển sách bằng tiếng Anh giới thiệu về Đức Giêsu cho các em thiếu nhi.

Còn chúng ta thì sao? Phải chăng những người có tuổi thường giảm dần mơ ước… Không! Chúng ta mãi luôn tươi trẻ trong Chúa và ước mơ mà Thiên Chúa ủ ấp nơi chúng ta là “Hãy Nên Thánh” (Mt 5,48) phải luôn bừng sáng trong tâm hồn của mỗi người, trong từng giây phút của cuộc sống.

Sau “Bàn Tiệc Thánh Thể”, Cộng đoàn hân hoan trong Chúa Thánh Thần đã đến chào thăm Đức Hồng y Gioan Baotixita, trao tập thơ “Kinh Lạy Cha”, nhận phép lành và chụp hình lưu niệm với ngài, như dấu ấn của niềm vui ân sủng được triển nở và tỏa hương trong tình hiệp thông với Giáo Hội.

Đồng Xanh Thơ Sài Gòn: Niềm vui Ân sủng

Tiếp đến, cả Cộng đoàn chia sẻ niềm vui ân sủng của mình qua “Bàn tiệc Agape” đậm tình huynh đệ, trong nụ cười ngất ngây ân sủng và trong nhịp rung kỳ diệu của tâm hồn. Tất cả như một bản đại hòa tấu của lời cảm tạ và chúc tụng Đấng Tình Yêu. Mọi trái tim như òa vỡ trước ân sủng tuôn đổ ngập tràn cho những lời thơ, tiếng hát như vượt ra khỏi chính mình để tan chảy và hòa vào Suối Nguồn Yêu Thương tắm mát từng ánh mắt, làm mới lại vần yêu, trong veo những nụ cười và tỏa hương trên mỗi bước đi.

Buổi họp mặt trong Niềm Vui Ân Sủng được khép lại trong lời Kinh Hòa Bình nhưng Sự Sống Ân Sủng và Niềm Vui trong Chúa được mở ra, lan tỏa và in đậm trên từng nhịp đời của mỗi tác giả, mỗi tâm hồn.

Giờ đây, mọi người như được ở trong Chúa và ở trong nhau, để cùng với Thánh Phaolô tất cả cùng reo vang: “Hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa.” (Pl 4, 4). Vâng, chúng ta hãy vui lên trong Chúa! Hãy tỏa sáng nụ cười Giêsu trên chân dung rạng rỡ của chúng ta.

An Thiện Minh

Đồng Xanh Thơ Sài Gòn

-------------------------------------

Hình ảnh Lễ bổn mạng Đồng Xanh Thơ Sài Gòn (5.10.2019)

Lễ bổn mạng Đồng Xanh Thơ Sài Gòn (5.10.2019)