Hàn Mặc Tử - Hành trình tìm tình yêu (1)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1735 | Cập nhật lần cuối: 1/20/2016 10:05:28 AM | RSS

Lời bạch

Nếu muốn hiểu được một chút gì đó về thi sĩ Hàn Mặc Tử, nên dâng một tràng chuỗi trước khi đọc, đó là kinh nghiệm của người viết.

Sống ở đời, ai ai cũng được nuôi lớn từ những vần thơ. Thơ “khoác áo tơi” của lời ru đi theo dòng sữa mẹ vào tâm hồn trẻ. Thơ sống với con người qua tục ngữ - ca dao - thành ngữ. Thơ đồng hành với con người qua mọi biến cố vui - thương - buồn - hận của đời người. Thơ làm chứng và chuyển tải kinh nghiệm sống của chính tác giả. Nói cách khác, thơ chính là cách hiện hữu vững bền và trở nên cách đóng góp của họ với nhân loại nói chung, với văn hóa và cộng đồng mà họ thuộc về nói riêng.

Từ cổ chí kim, Việt Nam đã có biết bao nhà thơ góp tay dựng xây nền văn học cho quê hương. Mỗi vị một vẻ: có vị là anh hùng dân tộc, có vị là nhà tư tưởng, có vị là nhà văn hóa, có vị là chí sĩ… Hàn Mặc Tử là nhà thơ Việt Nam, nhưng xem ra không thuộc những dạng hào kiệt kể trên, ông chỉ là thi sĩ. Nhưng thi sĩ này khác người ở chỗ: kể lại kinh nghiệm cuộc đời mình qua những vần thơ, mà những vần thơ đó có khả năng khiến người đọc đồng cảm, rợn gáy, đau đớn và thăng hoa.

Người viết là một trong số những người được lớn lên nhờ thơ của thi nhân họ Nguyễn này. Hôm nay, nhờ duyên lành, được cầm bút viết về Hàn Mặc Tử (HMT). Lời nói thô sơ, nhưng lòng đầy yêu thương và kính trọng, xin mạo muội đưa ra vài ghi nhận về HMT như là lời tri ân, ước mong quý học giả chuyên môn châm chước.

Kính nhớ hương hồn Thi sĩ Hàn Mặc Tử - Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí. Kính!

Tình cờ, người viết đọc được cuốn “TÁC PHẨM VĂN HỌC TRONG NHÀ TRƯỜNG” tựa đề “HÀN MẶC TỬ -Tác phẩm & Lời bình” do Nhà Xuất Bản Văn Học xuất bản Quí I năm 2011. Nội dung sách gồm tám mươi sáu (86) bài thơ của Thi sĩ Hàn Mặc Tử và mười bốn lời bình của các vị học rộng tài cao, quả là cuốn sách hay về nội dung và sâu sắc về tư tưởng.

Hàn Mặc Tử - Hành trình tìm tình yêu (1)Tóm tắt tiểu sử

Hàn Mặc Tử tên thật Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912, tại Lệ Mỹ, Đồng Hới, ông là tín đồ Công giáo. Ông được học hành theo văn hóa Pháp tại Huế, đến năm 1930 thôi học rồi về Qui Nhơn cùng mẹ. Thủa thiếu niên ông đã bộc lộ tài năng thi phú của mình trong thể loại thơ Đường luật (nhờ công dẫn dắt của anh cả Nguyễn Bá Nhân) Các bút hiệu của ông: Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử, Hàn Mặc Tử. Năm 1930 – 1931, ông đã nổi danh với bút hiệu Phong Trần, đã từng được chí sĩ Phan Sào Nam xem trọng và trao đổi thi bài. HMT cũng đã từng là công chức nhà nước (năm 1933), làm phóng viên (khoảng năm 1936). Ông đã từng có mấy mảnh tình với Mộng Cầm, Hoàng Cúc, Mai Đình, Thương Thương, Ngọc Sương, Thanh Huy, Mỹ Thiện (nhưng hầu như thắm thiết và diện đối diện chỉ có với Mộng Cầm, còn với những mảnh tình khác chỉ qua thư từ) Năm 1937, Tử phát bịnh nan y, ông tuyệt giao bạn bè và chuyên lo tìm thày chạy thuốc tại Qui Nhơn nhưng bịnh càng lúc càng nặng. Tháng chín năm 1940, ông bị buộc phải vào nằm tại Bịnh viện Quy Nhơn, rồi chuyển sang Trại Phong Quy Hòa. Ông đã tạ thế vào ngày 11.11.1940, hưởng dương 28 tuổi.

Những tác phẩm để đời gồm: Lệ Thanh Thi Tập (gần 100 bài thơ Đường), Gái Quê, Thơ Điên (gồm Hương thơm, Mật đắng, Máu cuồng & Hồn điên) Xuân Như ý, Thượng Thanh khí, Cẩm Châu Duyên, Duyên Kỳ Ngộ (kịch thơ), Quần Tiên Hội (kịch thơ), Chơi giữa Mùa trăng. Ngoài ra còn một số bài phóng sự, tạp văn, văn tế.

Mình dù là học trò, nhưng cũng rất mê Hàn Mặc Tử, mê thì nghiền ngẫm – tìm hiểu thơ và cuộc đời của ông. Kẻ hậu bối xin ghi lại vài cảm nhận riêng dưới tiêu đề: “HÀN MẶC TỬ - HÀNH TRÌNH TÌM TÌNH YÊU”

1/ Đọc tập thơ GÁI QUÊ. Tập thơ này gồm 20 bài thơ. Ông “Âm Thầm” gửi gắm mối tình quê – bên em mỗi lúc trên đường cái…” Rồi Bẽn Lẽn “… đợi gió đông về để lả lơi – hoa lá ngây tình không dám động – lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi”. Ông hồi hộp tả tình cảm bẽn lẽn của mình ở bài “Gái quê” là “… làn môi mong mỏng tươi như máu – đã khiến môi tôi mấp máy thèm …” Thế nhưng, ông lại không thể hiện một tình yêu mê dại và chiếm hữu các bạn tình, mà ông lại có bài thơ phản tỉnh chính mình. Trong bài “Một đêm nói chuyện với gái quê” có những đoạn thơ chẳng làm vừa lòng các người đẹp tí nào “… Ta thường giơ tay níu ngàn mây – đi lại lang thang trên ngọn cây – Bởi ánh trăng ngà đã yếu đuối – sương lam thấm áo lạnh không hay… Mình ơi, ta vốn khách đa tình – nhưng mối tình ta toàn nhạt cả - vì bao mỹ nữ ta đều khinh.” Phản tỉnh để làm gì nhỉ ? Yêu thì cứ yêu và tiến tới có phải là logic hơn không? Nếu nghĩ như mình thì đã không còn là HMT nữa! Vì kiểu yêu của ông là tình đơn phương và chỉ thích ngắm nhìn người yêu là đủ. Ông đã nói tâm sự này qua bài “Tôi không muốn gặp”. Có những đoạn “… Tôi thích nép mình trong cánh cửa – hé nhìn dáng điệu của người yêu – bước đi ngượng nghịu trên đường cái – mỗi lúc ngang qua trước mặt lều”. Kinh nghiệm “làm cái đuôi” của thời trai trẻ, cho người viết có quyền đồng cảm với tác giả về tâm trạng mắc cở và sung sướng khi núp sau cửa nhìn người đẹp ngang nhà, có điều mình không là nhà thơ nên không ghi lại được cảm xúc rất thật nhưng rất lãng mạn như HMT (thế mới thấy HMT tài!). Một bằng chứng khác minh họa cho kiểu “thương không cần nói” của HMT, mời xem qua bài Trồng hoa cúc “Thích trồng hoa cúc để xem chơi – cúc ngó đơn sơ lắm mặn mòi – đêm vắng gần kề say chén nguyệt – vườn thu vắng vẻ đủ mua vui”. Câu thơ “thích trồng hoa cúc để xem chơi” của ông cho thấy quan điểm “hoa đẹp để ngắm chứ không phải để hái (chiếm hữu).

Thời điểm này, Người yêu trong mộng của HMT phải rời Qui Nhơn theo gia đình về Huế, đến lúc này HMT mới đau đớn nỗi chia ly và rên rỉ trong bài Vội vàng chi lắm “Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây – chầm chậm cho mình giữ mối dây – về đến Thần Kinh khoan nghỉ đã – ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay…”. Làm sao bây giờ, khi người tình đã xa khuất? Ông Hàn chỉ còn biết “Uống trăng”, chúng ta cùng ông đối ẩm với trăng “Bóng hằng trong chén ngả nghiêng – lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình – gió đùa mặt nước rung rinh – lòng ta khát tiếng chung tình từ lâu – uống đi cho bớt khô hầu – uống đi cho bớt cái sầu miên man – có ai nuốt ánh trăng vàng – có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga.” Ông Hàn thất tình và mượn trăng giải sầu, trong hoàn cảnh đó lại sáng tác ra một bài lục bát đẹp như ca dao. Thế rồi, ông chỉ còn biết đổ thừa cho cái “Đời phiêu lãng” của chính mình là thủ phạm gây nên cuộc tình tan! “… trên đời gió bụi , anh lang thang – bụng đói như cào lạnh khớp răng – không có nhà ai cho nghỉ bước – vì anh là kẻ chẳng giàu sang – ban đêm anh ngủ túp lều tranh – chỗ tạm dừng chân khách bộ hành – đến sáng hôm sau anh cất bước – ra đi với cái mộng chưa thành.”

Ngoài những nét chính về tình cảm đơn phương, về xác nhận kiếp thi sĩ, về việc khám phá trăng có vẻ chung thủy hơn người. Tập thơ Gái Quê còn cho chúng ta biết đến mối quan tâm của tác giả về những mảnh đời không tròn duyên của các cô gái khác. Có thể kể trường hợp ở bài “Duyên muộn” Ông nói lý do cô gái đó bị muộn duyên vì nhà nghèo (nhà cô này nghèo, nên duyên muộn. Cảnh nhà HMT cũng chẳng xênh xang gì, nên duyên chẳng bén). Ở bài “Mất duyên” ông kể về trường hợp có cô gái đã nhận cơi trầu lễ vật xin cưới hỏi, ai dè mấy năm sau cũng chẳng thấy chàng trở lại ! thế là cô gái mất duyên! Bài “Nhớ chăng” cũng cho chúng ta biết một chuyện tình thanh mai trúc mã, hai nhà hứa hôn từ nhỏ, sau này gia cảnh thăng trầm, “rồi lời hứa năm xưa – cùng với giòng nước chảy qua.”

Vài nhận định về tình cảm của thi sĩ sau đọc xong “Gái quê”

Ông là một con người rất giàu tình cảm.

Tình yêu trai gái là lĩnh vực ông dùng để bày tỏ, vì loại tình cảm này nó phong phú và dễ cảm nhận đối với người đọc. Thế nhưng, tình cảm nam nữ trong thơ của ông lại rất nhẹ nhàng như mối tình học trò, nó lại thể hiện sự thỏa mãn nơi nội tâm tác giả chứ không nặng nỗi buồn sống chết vì yêu hoặc khao khát được đáp trả.

Để thỏa mãn nội tâm, ông đi kết bạn với thiên nhiên (gió, trăng, liễu, sông, rừng…) chính thiên nhiên trở thành những người bạn trung thành và hào sảng của ông. Đặc biệt, ông phát hiện ra trăng, trăng vừa sáng, vừa lả lơi, vừa phong nhiêu, chung thủy… mà lại có cả chị Hằng nữa. Thơ làm nhiệm vụ kể lại những cuộc chuyện trò giữa ông và thiên nhiên. Người viết ghi nhận: Tình cảm của HMT đối với thiên nhiên là tình bằng hữu.

Lòng trắc ẩn về những mảnh đời không may mắn của HMT cũng là một mặt mạnh. Những bài thơ viết về sự kém may mắn đường duyên nợ của các cô gái. Ông viết những chuyện đó như một phóng viên viết tin trang mục hôn nhân và gia đình vậy. Những chuyện mất duyên hay duyên muộn nghe sơ thì hiểu sơ, nhưng nếu ngẫm nghĩ kỹ và liên đới đến hoàn cảnh sống của từng nhân vật thì chúng ta càng hiểu nỗi khổ tâm và áp lực xã hội mà người trong cuộc gánh chịu. HMT hiểu như thế và viết ra để làm gì thì tự mỗi người đọc sẽ hiểu. Người viết xin liên hệ đến Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, đâu phải mấy ngàn câu lục bát chỉ để đọc chơi phải không độc giả. Thế mới thấy cái tâm và tính nhân văn trong tác phẩm và con người HMT nó lớn.

Chúng ta cùng bước sang tuyển tập ĐAU THƯƠNG (theo sách tham khảo) hay gọi là THƠ ĐIÊN. Tự điển wikipedia phân chia tuyển tập này thành ba tập thơ: Hương Thơm, Mật Đắng, Máu cuồng và Hồn Điên. Những tập thơ này được viết từ khoảng năm 1936 trở đi, thời điểm bịnh khởi phát đầu. Người viết tìm hiểu từng tập.

2/ HƯƠNG THƠM có 13 bài thơ, đọc cả thì thấy trăng lên ngôi, chiếm chỗ hầu hết trong các bài thơ. Đọc lại nhiều lần, người viết có khám phá sau:

1/ Bài nào cũng có trăng (trừ bài “Mùa xuân chin”).

2/ Có 9 bài, khởi đầu nói về trăng, nhưng phần kết lại kết về “người ấy” nơi xa (Đây thôn Vĩ Dạ, Mùa xuân chín, Bắt chước, Mơ hoa, Sáng trăng, Huyền ảo, Lưu luyến, Thời gian, Sáng trăng).

3/ Chỉ có ba bài dành cho tình yêu của HMT với trăng (Đà Lạt Trăng mờ, Cao hứng, Trăng vàng – Trăng ngọc.

4/ Bài Trăng vàng – Trăng ngọc được xem như HMT đã định “tình cảm kết đôi” với Trăng.

5/ Bài “ghen” chính là “điểm bật” để đưa HMT bay cùng trăng đến với chốn Cửu Trùng. Chúng ta cùng xét.

• Chín bài nhớ về người yêu:

- Đây thôn Vĩ Dạ: “… ở đây sương khói mờ nhân ảnh – ai biết tình ai có đậm đà?” hai câu kết này, tác giả mượn cảnh thực là trời nhiều sương, vì thế nhìn gì cũng chẳng rõ ràng kể cả nhìn người , rồi ông liên tưởng đến hoàn cảnh của ông với người tình trong mộng cũng xa cách. Mà tục ngữ có câu “xa mặt cách lòng!”. Vậy cụm từ “mờ nhân ảnh thật là thâm thúy và rất đúng cảnh, đúng tình lắm thay! Từ đó, câu kết “ai biết tình ai có đậm đà?” nó mới hay làm sao, ông dùng đại từ “ai” như là một lối chơi chữ, “ai” có thể hiểu là HMT, mà cũng có thể hiểu là người tình. Một câu hỏi không phải để trả lời mà là để cả hai bên cùng tự nhìn lại tình cảm của mình. Thơ hay quá sức!

- Mùa xuân chín: “… Khách xa gặp lúc mùa xuân chín – lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng: - Chị ấy năm nay còn gánh thóc, - dọc bờ sông trắng nắng chang chang?”. Khách xa thấy cảnh các cô thôn nữ hái chè bên sườn đồi, làm việc trong lời ca hát… cảnh xuân – người và vật đều đẹp, ông không đồng cảm thưởng xuân, lại trỗi lên trong lòng câu hỏi người xa “”chị ấy năm nay còn…” Dấu chấm hỏi của câu kết chính là chìa khóa giúp chúng ta hiểu tâm sự của tác giả. Cụ Nguyễn Du có câu thơ về tâm trạng này rất hay “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!”.

- Bắt chước: Thi sĩ ngắm trăng và ánh trăng chiếu dãi trên cỏ, gió làm cỏ lao xao và mặt hồ cũng gợn, khiến ánh trăng lấp loáng, lung linh, sóng sánh mặt nước … cảnh thiên như là đang diễn ra cuộc trùng phùng lãng mạn giữa trăng và nước “trăng lại đẫm mình xuống nước – trăng nước đều lặng nhìn nhau”. Tác giả liên tưởng đến mối tình tuyệt vọng của mình mà ước ao “đôi ta bắt chước thì sao?” Tình buồn nhưng dưới ngòi bút của HMT đã hóa thơ. Những bài khác cũng có những kiểu kết nhớ về người yêu, người viết xin mời độc giả tự đọc tiếp.

• Ba bài thơ nói về tình yêu trăng của Hàn Mặc Tử: Có một vấn đề được đặt ra là “tại sao HMT yêu trăng?”. Người viết mạo muội đưa ý kiến. Theo Kinh Dịch thì trăng thuộc Âm, mặt trời thuộc Dương. Có âm có dương thì mới có sinh sôi, phát triển và biến hóa (lưỡng nghi sinh tứ tượng). Hàn Mặc Tử là nam, thuộc Dương vậy sẽ hướng tới một đối tượng thuộc Âm (nữ phái), nhưng tình yêu của ông với “người ấy” không đoàn viên, để giải quyết cái hấp lực Âm-Dương ấy, thì cần có một đối tượng thuộc Âm khác thay thế. HMT lại là người có tình cảm sâu sắc và chung thủy, nên ông không chọn một người tình khác (cũng có thể do mặc cảm bịnh tật). Sẵn có tình yêu của ông đối với thiên nhiên, đồng thời ông lại phát hiện ra sự có mặt đều đặn theo tháng (chung thủy) của trăng. Ông chọn trăng là đối tác trong tình yêu. Làm thế, ông vẫn có thể giữ được mối tình chung thủy với “người ấy”, và vẫn có thể tồn tại để sinh sôi, phát triển. Đây là cái lý của sinh tồn chăng, nếu không nghĩ thế thì dám ông điên mất, vì một người tài hoa được xã hội công nhận, một thanh niên có học vấn và sức đang căng như ông thì một tiền đồ rất sáng ở phía trước là khả thi. Thế nhưng căn bịnh nan y đã tước của ông hết sạch! Ông không tự tử đã chứng tỏ con người có bản lãnh, ông phát kiến ra “tình yêu trăng” cũng là một sáng kiến đáng trân trọng, vì kết quả là chùm thơ siêu thực đã ra đời. Người viết dựa trên cách nhìn nhận về ông như trên để đi vào các bài thơ Trăng.

- Cao hứng: “… Tôi yêu trời nguyệt bạch, - tôi say màu thanh thiên, - tôi ưng ả thuyền quyên - ở trong pho tình sử. – Cho tôi hoa đền ngự, - cho tôi lòng ni cô, - xuân trên má nàng Thơ – ngon như tình mới cắn.”

HMT đã nhân cách hóa trăng, và ở mối tình với trăng ông tha hồ buông lời tình tự, càng tình tự thì ông thấy trăng càng trinh nguyên và hấp dẫn. Trăng như: ả thuyền quyên, hoa đền ngự, lòng ni cô, xuân trên má nàng thơ, ngon như tình…

- Sáng Trăng: HMT thốt lên “vui thay cảnh sáng trăng – ái tình bắt đầu căng …” Trăng không chỉ có ánh sáng, mà còn có cả cảm xúc “em tôi thì hổn hển – áo xiêm lấm tấm vàng… đó là khúc tình ca – nâng theo hơi thở nhẹ - ở trên làn dây tơ…”. Ông còn định tuổi cho trăng nữa chứ “Đêm nay trăng đúng tuổi – năm nay em dậy thì” (tuổi mười lăm). Không coi trăng là một nhân vật, thì không thể có bài thơ si tình như thế được. Mặt khác, bài Sáng Trăng còn cho người đọc một bài thơ tình nhẹ nhàng, vui thích, lãng mạn như một bản nhạc tình đang độ đẹp nhất.

- Trăng vàng – Trăng ngọc: Mở bài là câu rao bán: “Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!”. Sẽ chẳng hiểu gì nếu không mượn ý của khổ thơ thứ hai “Không, không, không! Tôi chẳng bán hòn trăng. – tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng – tôi nói thiệt, là anh dại quá: Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang.” Hóa ra, HMT cưng quý Trăng quá đỗi! Chúng ta có thể hiểu tâm trạng hạnh phúc và tự hào của HMT đối với Trăng, nếu nhớ đến tình huống trong đời thường là: người mẹ có đứa con nhỏ mạnh khỏe, thông minh, xinh đẹp. Bà muốn khoe con với mọi người thì bà thường hay có hành động… giơ con lên cao… mắt nhìn theo con, miệng nghiến răng, nói to cốt cho mọi người nghe: ‘này tôi bán, ai mua tôi bán cho này, có ai mua…” rồi bà hôn lấy hôn để con của mình. HMT cũng làm thế, khác là ông không ôm được Trăng để hôn thì ông phải thanh minh ý của mình bằng khổ thơ thứ hai nêu trên.

Cuối bài thơ, HMT còn sống động hóa Trăng cho chính mình bằng hành động “cầu nguyện cho Trăng tôi … lần cho Trăng một tràng chuỗi”. Ý tưởng cầu nguyện cho Trăng xem ra rất lạ đối với nhiều người, có vẻ như là sáo ngữ trong văn thơ. Dưới nhãn quan của người có tôn giáo, thì lại rất chí lý, vì vũ trụ - vạn vật – con người chẳng phải đều là con cùng một Cha Sáng Tạo đấy sao! Mặt khác, giới khoa học đã nghiền ngẫm thuyết Big Bang, thì cũng phải đi đến sự nhìn nhận “các vì tinh tú trên bầu trời kia chính là nguồn gốc của con người đấy ư! HMT sống ở giai đoạn thập niên 30 – 40 của thế kỷ hai mươi mà đã có suy nghĩ và hành động đó, phải chăng ông đã viết và làm một công việc tiên tri về “Cần lập lại sự hài hòa giữa vũ trụ-con người-vạn vật”.

• Bài thơ GHEN: chúng ta nhìn bài này như là mô tả cuộc sống lứa đôi của HMT và Trăng, sẽ dễ hiểu ý tứ tác giả. “Ta ném mình đi theo gió trăng – lòng ta tản khắp bốn phương trời – cửu trùng là chốn xa xôi lạ - chim én làm sao bay đến nơi?”. Làm sao ném mình đi theo gió trăng nếu không có mối liên hệ với trăng, gió? Trăng chẳng mang ai đi trừ một mình bạn tình là HMT. Tại sao lại thế? Xin thưa, vì Trăng và HMT là một đôi. Và Trăng đã đưa HMT đi rất xa, rộng (lòng tản khắp bốn phương trời), đưa ông lên rất cao, nơi chim én không thể bay tới, đưa ông đến viếng thăm Cửu Trùng (tạm hiểu là cõi Niết Bàn hoặc Thiên đàng).

“chiếc tàu chở cả một đêm trăng – muôn ánh sao trời chói thẳng băng”. Ông mô tả chuyến du hành lên chốn Cửu Trùng của mình, phương tiện là một chiếc thuyền đầy trăng, lộ trình chính là ánh sáng thẳng của ánh trăng, thuyền đi vào dòng sông ngân hà. Vậy là hoàn chỉnh các yếu tố của một chuyến đi gồm: du hành viên, phương tiện, lộ trình, đích đến… cái hay ở câu chữ là: ông chỉ cần dùng hai câu để nói về chuyến đi trừu tượng của mình. Vậy nên mới nói thơ thì xúc tích.

Ông mô tả cảnh Cửu Trùng có không gian thiêng với “muôn sợi hương trầm bay bối rối” có “muôn vàn thần thánh sống cao sang.” Đây là tiên cảnh, nơi những người đã đắc đạo sống. Thích quá! Ngạc nhiên quá! Khiến ông thốt lên “Giây phút ôi chao ! nguồn cực lạc”.

Ông thấy Nguồn cực lạc rồi thì như mở rộng được tầm mắt nhìn và trí hiểu. Ở nơi Cửu trùng này quá huy hoàng, hạnh phúc… Những thủ đắc trước đây của tác giả về tính kỳ vĩ của thiên nhiên – vạn vật , của trăng, tưởng như là ông đã nắm trọn chân lý. Ai ngờ! Cảnh cực lạc còn gấp bội lần trí tưởng. Tình của ông và Trăng tưởng như đã sâu sắc và hạnh phúc nhất đời, ai ngờ! chưa là gì so với nơi cực lạc. Vì thế mà “ghen”, ghen với Trăng vì có những mối quan hệ khác cao hơn mối quan hệ của mình với trăng, ghen với nơi cực lạc vì nơi ấy có những điều diễm lệ mình chưa có… “Tình tôi ghen hết thú vô biên”. Nhưng ghen chỉ là từ nói dỗi thôi, vì niềm hạnh phúc ông đang hưởng như được “ai cho châu báu, cho thinh sắc”. Nó khiến cho bản thân ông như người đang cơn khát khô cả miệng cần nước uống (nhu cầu thể lý cấp thiết nhất) mà lại nhận được cái gì đấy còn cao quý và cần thiết hơn cả nhu cầu sinh tồn, để rồi không cần uống nước nữa dù vẫn khát “miệng lưỡi khô khan, hết cả thèm”.

Hòa Duyên