Lễ kỷ niệm 75 năm nhà thơ Hàn Mạc Tử qua đời (2)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1973 | Cập nhật lần cuối: 11/30/2015 10:23:46 AM | RSS

Nhà thơ Hương Quê chia sẻ Những bước tiến và thách đố của Đồng Xanh Thơ Sàigòn trong hoạt động mục vụ văn hóa, trong đó nêu bật những khó khăn và thách đố

Việc mời gọi các thành viên có cùng chung một chí hướng để tham dự và sinh hoạt về thi ca truyền giáo là một vấn đề nan giải. Hầu hết mọi người vẫn thích hoạt động sáng tác theo cách cá nhân, ngại va chạm và ngại sự góp ý chân thành.

Việc sinh hoạt văn hóa dễ dẫn đến những quan điểm trái chiều và việc bảo thủ làm tê liệt tính xây dựng của cộng đoàn. Nếu người chủ xướng không có tinh thần khiêm nhu và chịu đựng, hy sinh và mẫu mực sẽ khó tránh khỏi những va chạm đổ vỡ và dễ đi đến tan rã.

Việc chỉ dựa vào tài năng, sở trường, vật chất mà không có tấm lòng tín thác vào Thiên Chúa và không lắng nghe là những rào cản cho việc cộng tác chung.

Việc cần Quý Mục tử linh hướng cho Nhóm Thi ca Công giáo là vấn đề hết sức quan trọng và rất thiết thực nhằm tạo được sự gắn kết của cộng đoàn, xây dựng tiếng nói chung cho việc sáng tác hài hòa và có mục tiêu, phát triển thi ca theo đúng đường hướng Giáo Hội và thu hút nhân lực, đồng thời tạo được sự phổ cập văn hóa Công giáo cho cộng đồng Dân Chúa.

Việc tiếp cận thi ca Công giáo với giới trẻ còn rất khiêm tốn. Thi ca Công giáo hầu như chưa có chỗ đứng trong văn hóa đọc của giới trẻ Công giáo, đặc biệt tại Tổng giáo phận Sài Gòn.

Lễ kỷ niệm 75 năm nhà thơ Hàn Mạc Tử qua đời (2)

Những trăn trở về phát triển thi ca truyền giáo, thu hút thành viên và nhất là việc truyền đạt thi ca trong cộng đồng Dân Chúa thật sự là thách đố lớn cho Đồng Xanh Thơ Sài Gòn. Nếu được sự quan tâm và nâng đỡ của Quý Mục tử từ Giáo phận đến Giáo xứ, từ sự cộng tác của Quý tu sĩ, giáo lý viên, các thành viên của các hội đoàn Công giáo… thì những sinh hoạt kể trên mới có cơ hội phát triển và lan rộng, và ở đây cũng không thể thiếu vắng sự cầu nguyện liên lỉ để nài xin ơn Thiên Chúa chúc lành trên mọi hoạt động của chúng ta.

Nhà thơ Mặc Trầm Cung chia sẻ suy tư về “Sự gắn bó giữa Tin Mừng và cuộc sống trong Thi ca cầu nguyện”. Tác giả đưa ra vấn nạn và phương cách giải đáp rất đơn giản và cụ thể.

- Đọc Tin Mừng để làm thơ, có phải là thơ Tin Mừng không?

- Cầu nguyện để làm thơ, có phải là thơ cầu nguyện không?

Theo tác giả, câu trả lời là “Không”, vì mục đích của người đó là để “làm thơ”; trong khi Tin Mừng là để sống, một sự sống tìm kiếm chân lý, tìm kiếm ơn cứu độ, và cầu nguyện là sự giao thoa cảm xúc của tâm hồn con người hướng về một “Ai đó”.

Nếu một bài thơ thiếu những yếu tố đặc tính của Tin Mừng, thiếu sự gắn bó với một “Ai đó” thì bài thơ đó chưa thể gọi là thơ Tin Mừng, là Thi ca cầu nguyện.

Vì nếu đọc Tin Mừng chỉ để làm thơ, bài thơ đó sẽ rất khô khan, cứng nhắc, đó chỉ là sản phẩm của lý trí.Bởi thơ không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ, vì khi bước sâu vào chỗ tận cùng của ngôn ngữ, ta sẽ bắt gặp một dạng ngôn ngữ khác, đó là ngôn ngữ không lời, ngôn ngữ của “sự thinh lặng”.Nơi đó, ta sẽ gặp gỡ và gắn bó với một “Ngôi vị” là Thiên Chúa. Tin mừng sẽ hóa giải nội tâm của ta thành cung thánh, thành cảnh vực thần linh của thi ca.

Là một giáo dân sống giữa dòng đời, sứ mạng đặc thù của người giáo dân là “tính cách trần thế”, nên thơ của tác giả cũng mang đặc tính của sắc màu trần thế là những cung bậc gập ghềnh, sóng sánh, lao xao của những thực trạng đã và đang xảy ra trong cuộc sống và thế giới xung quanh. Nhưng tất cả những thực trạng đó nay đã được chiếu soi bằng ánh sáng đức tin, để diễn tả nỗi niềm tâm sự, và nhận ra căn tính đích thực của mình. Thơ được chiếu soi bởi ánh sáng đức tin đã nhắc nhở tác giả cần phải bước ra khỏi mình để hòa nhập với cuộc đời, với tha nhân và với Thiên Chúa.

Vấn nạn tiếp theo:

- Liệu Thơ và Kinh Thánh có thể hòa quyện được với nhau không?

- Liệu có thể tạo nên một nền Thi ca Công giáo dựa trên Kinh Thánh không?

Theo cảm nhận của tác giả, câu trả lời là “Được”.

- Trước hết đòi hỏi người đó cần một cuộc hành trình tiến sâu vào nội tâm, phải yêu mến, đón nhận và phải sống với chính “Lời” mà Chúa đã mạc khải trong Kinh Thánh.

- Người đó cần phải có những giây phút nếm cảm được niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ trong những cuộc tìm kiếm. Chính trong thinh lặng sẽ giúp người đó tiến sâu vào cảm nghiệm và đi đến sự kết hiệp với Thiên Chúa.

Có như thế ngôn ngữ của tác phẩm sẽ được thanh thoát, có sức sống nội tâm, cảm nhận được cái “thì thầm”, cái “giao cảm” của mình với Thiên Chúa. Và khi ai đọc những tác phẩm đó, họ không những có cùng cảm nhận mà còn có thể tìm thấy chính họ trong đó nữa.

Để kết thúc phần chia sẻ “Sự gắn bó giữa Tin Mừng và cuộc sống trong Thi Ca Cầu Nguyện”,tác giả đã mượn câu hỏi của Nhà thơ Linh Mục Phêrô Nguyễn Thiên Cung đã từng thao thức và đặt ra cho mình, đó là:

“Tại sao nền văn chương nghệ thuật “đời” ở Việt Nam phát triển như vũ bão trong những thế kỷ qua, còn trong Giáo hội Công giáo Việt Nam, khu vườn văn học nghệ thuật sao mà đìu hiu đến thế! Liệu phải chăng, ở Việt Nam, người ta vẫn còn lẫn lộn giữa hai thứ ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thần học. Và vì thế, bao giờ thi ca cũng dễ dàng bị “phán xét” qua lăng kính thần học khiến thi ca và nghệ thuật khó có đủ dưỡng khí để mà tồn tại và phát triển?”

Có lẽ đây cũng chính là câu hỏi cho những ai yêu mến Tin Mừng và Thi ca.

Nhà thơ Lê Hồng Bảo nối tiếp phần chia sẻ với những nhận định lý thú.Cũng như Hàn Mặc Tử, phần đông người làm thơ đều biết làm thơ tình trước khi làm thơ Đạo. Và cũng như Hàn, nhờ thơ Đạo mà người làm thơ trở nên thăng hoa hơn.Thiết nghĩ, đó cũng là mong ước của Chúa, của Giáo Hội và của các vị mục tử.

Từ đó cho đến khả năng làm ngôn sứ bằng ngòi bút còn cả chặng đường dài phía trước, người làm thơ cần phải am hiểu về Lời Chúa, về Tín Lý, về Giáo huấn của Giáo Hội…

Trong 3 tập “Có Một Vườn Thơ Đạo” xuất bản năm 2012, có sự góp mặt của 139 tác giả, trong đó có 51 tác giả là giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ. Chiếm 37%.Số còn lại thì hết 2/3 là cựu chủng sinh, tu sĩ.

Trong tập 5 này thì tỷ lệ đó đã thấp hơn.Trong 46 tác giả, có 5 linh mục và 6 tu sĩ.Chiếm 24%.Cựu tu sĩ chưa đến ¼ số tác giả còn lại, tức là 8/35.

Điều đó nói lên rằng, làm thơ Đạo thực sự là một nhu cầu mục vụ hiện nay. Từ hàng giáo sĩ, những người cầm bút hàng ngày, giờ đã lan tỏa rộng đến tầng lớp giáo dân phổ quát.

Uớc mong rằng, trong tương lai gần, hàng giáo phẩm Việt Nam sẽ có kế hoạch quan tâm, hướng dẫn, dìu dắt những người làm Thơ Đạo cũng như điều đã làm với các nhạc sĩ sáng tác Thánh Ca.

Tiếp đó, nhà thơ Cao Thành Thái chia sẻ niềm vui khi mình là một người may mắn được thụ hưởng những hoa trái từ công sức của tiền nhân, cụ thể ở đây là Ơn Gọi tiếp bước cha anh cộng tác xây dựng nền văn học Công Giáo, ít nhất qua việc học hỏi và trau dồi văn hoá Công Giáo hằng ngày. Giữa bộn bề công việc phục vụ cho xã hội và cho gia đình, Ơn gọi này đã chiếm lấy hầu hết thời gian còn lại của tác giả và ngược lại Ơn Gọi đó cũng đang trao tặng cho tác giả biết bao niềm vui và hạnh phúc trong Chúa.

Quả thực cầu nguyện với Chúa bằng thơ là lời cầu nguyện chậm nhất, kỹ nhất, kiên trì nhất và không có ai khác lọt vào làm chia trí. Còn hơn thế, khi cầu nguyện bằng thơ thì trời, trăng, mây, sao, mưa, dông, gió, bão với bốn mùa, với thiên nhiên, với cả hoàn vũ quyện cùng toàn bộ quá khứ, hiện tại, cũng như những dự phóng tương lai đều ập đến giúp trái tim chu tất lời cầu nguyện. Thơ ca đã đánh thức nhịp rung với hằng trăm lý do để viết ra lời cầu nguyện.

Trang mạng của Đồng Xanh Thơ Sàigòn được mở ra đã hơn ba năm tuy hoạt động chưa nhiều nhưng đã cho thấy một nhu cầu rất lớn của các anh chị em cầm bút, cần có nơi để hội tụ và cần được dẫn dắt.

Trang mạng còn là nơi gánh vác việc tập hợp các thành tựu văn học Công Giáo trong các lãnh vực văn, thơ, khảo cứu… Có biết bao các nhà thơ Công Giáo đã qua đời là những linh mục, tu sĩ nam nữ đã để lại các tác phẩm thi ca giá trị. Nếu có nhiều chuyên trang văn học Công Giáo được thiết lập bởi giáo dân và được các đấng bản quyền ủng hộ và quan tâm, đó sẽ là những chỗ dựa ban đầu để Giáo Hội Công Giáo Việt Nam suy tư về một Chuyên Trang Chính Thống Văn học Công Giáo. Lợi ích có được từ đây sẽ thật là lớn lao.

Tiếp đến, nhà thơ Cao Huy Hoàng cho biết mặc dù trang mạng Dũng Lạc không còn, nhưng thi ca Công giáo vẫn đang vươn nở và trang “Thi Ca Cầu Nguyện”, do tác giả đang chuyên trách, vẫn ra đều đặn với 246 số. Điều này một lần nữa khẳng định những người cầm bút Công giáo vẫn đang âm thầm dệt thơ bằng chính tiếng lòng của mình trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

Kết thúc chương trình, Linh mục Px. Bảo Lộc một lần nữa tổng kết lại các ý kiến chia sẻ của các tác giả và mong muốn việc mục vụ văn hóa cần được sự quan tâm đúng mức của mọi thành phần trong Giáo Hội.

Tác giả Mạc Tường đã thay mặt Ban tổ chức cảm ơn mọi người đến tham dự lễ kỷ niệm 75 Hàn Mạc Tử qua đời và hành trình tiếp bước. Việc hội tụ và gặp gỡ các nhà cầm bút Công giáo hôm nay là nhịp bước cho văn chương Công giáo ngày mai triển nở, mà điểm nhấn là việc phát hành tập 6 “Có Một Vườn Thơ Đạo” trong năm 2016.

Sau đó, các tác giả “Có Một Vườn Thơ Đạo” tập 5 và quý thi hữu đã cùng nhau chụp hình lưu niệm và giao lưu qua bữa ăn “agape” đầy tình thân thiết.

Đồng Xanh Thơ Sàigòn

____________________________

Lễ kỷ niệm 75 năm nhà thơ Hàn Mạc Tử qua đời (1)