Tĩnh tâm

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 757 | Cập nhật lần cuối: 4/13/2020 6:35:05 PM | RSS

Giữa ngược xuôi đời thường

Khoảnh khắc nào thinh lặng

Cho tôi nghe tiếng lòng

Gọi sớm mai đầy nắng

Khoảng không nào im ắng

Cho tôi được tĩnh lặng

Soi mình giữa bao dung…

Mở toang cánh cửa bít bùng

tôi từng khép giữa điệp trùng tháng năm

Cửa lòng rộng những ân tình

trái tim tôi rộng một bình minh tươi

Từ bi là ngọn gió trời

thổi tôi mát giữa đường đời thênh thang!

Tĩnh tâm

PHAN THỊ LIÊN GIANG

-----------

Cảm xúc của một người bạn khác đạo sau khi đọc bài thơ TĨNH TÂM:

Tôi là một Phật tử, đọc đi đọc lại mấy lần bài thơ TĨNH TÂM của tác giả Phan Thị Liên Giang, tự nhận thấy có chất thiền ở đấy ít nhiều, như một giao cắt xuyên qua khác biệt tôn giáo.

Khổ thơ đầu chính tự tình của tác giả, trải lòng, mở nội tâm: đời thường ngổn ngang bụi đời dâu bể, cô cầu mong chờ đợi thiết tha không gian thời gian cho sự tĩnh tâm. Sự thiết tha đấy cũng của tôi, của bao người trước vận động đời sống; tôi thường nghe thể hiện với cách khác của chính các tu sĩ Phật giáo hay Phật tử trong các thi phẩm. Cái chung, cái của mọi người. Khổ thơ đặt vấn đề, căn bản.

Khoảng không nào im ắng
cho tôi được tĩnh lặng
soi mình giữa bao dung....

Ba câu thơ tiếp liền mạch diễn đạt, lại nói hơn về mong cầu thiết tha đòi hỏi, pha lẫn khắc khoải và thất vọng vì những mong cầu đòi hỏi ấy dường như không có chỗ đáp ứng. Dòng đời quá ồn ã, khẩn trương, nghiệt ngã... Những từ “nào” như khắc khoải... Không có chỗ tĩnh tâm?

Mở toang cánh cửa bít bùng
tôi từng khép giữa điệp trùng tháng năm
của lòng rộng những ân tình
trái tim tôi rộng một bình minh tươi

Và theo đà sâu dần, ánh sáng lạc quan nhen lên: thì ra, sự mong cầu đòi hỏi bên ngoài chỗ cho tĩnh tâm không có, tác giả ngộ ra phải mở cánh cửa lòng mình, mở nội tâm nén chặt, từng nén chặt như then cài cửa, để có…chỗ tĩnh tâm, và khi mở lòng, người thơ đón nhận một sự bình an, một trái tim tươi mới: “trái tim tôi rộng một bình minh tươi”! Tư tưởng này hay, lý thú và chân xác - theo góc nhìn Phật tử, là tôi. Thay vì chạy hoài, đòi hỏi và thất vọng, nhận ra chính mình đủ điều kiện cho sự tĩnh tâm: mở cửa lòng. Phải chăng sự giải mã này đúng ý tác giả, vỡ chút nào thông điệp thi ca, vỡ những con chữ?
Và, tôi tự cho rằng mình đúng hướng trong cảm thụ, tri âm, khi nhẩn nha đọc hai câu kết:

TỪ BI và dấu chấm than cảm thán kết bài thơ. Biệt ngữ Phật giáo được dùng sau khi những chất liệu có tính Phật giáo đã được nói đến từ đầu. Bài thơ của một con chiên trong mùa Chay Công giáo đi vào lòng người bạn Phật tử nhẹ nhàng…

Nguyễn Thành Công