Trải nghiệm làm thơ - Thanh Nghị

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1476 | Cập nhật lần cuối: 6/29/2015 10:56:55 PM | RSS

Trong tập: “ Lấp lánh sương mai ” tôi được ban biên tập chọn hai bài: “ Tín thác” và “ Đường lên núi Thánh” (trang 86, 87). Bài tín thác lấy cảm hứng từ một lần hát bài “ Phó thác” (Chúa ơi hồn con, xin phó thác trong tay Chúa luôn…; bài đường lên núi Thánh, lấy cảm hứng từ tập thơ: “ Đường lên núi Thánh” của thi sĩ Vĩnh An.

Khi viết hai bài này, thấy rất tâm đắc, nhưng khi được đăng với các bài thơ trong tập: “Lấp lánh sương mai” tôi thấy hai bài thơ của tôi non nớt quá. Tôi tự hỏi: Làm sao có được những dòng thơ hay như thế ? Từ đó, tôi nhớ lại một vài bài thơ đã đọc, đã cho tôi nhiều cảm xúc. Xin được nói lên những cảm xúc ấy.

Như Quí vị đã biết: đúng niêm luật, âm vận chưa thể là một bài thơ, nhưng phải có ý. Nhưng chỉ có ý thôi, chưa đủ, nó cần phải có tứ thơ, là điều tác giả đã cảm nhận, ghi lại bằng những dòng thơ đầy cảm hứng, mà độc giả khi đọc hoặc suy tư cũng nhận ra như là cảm xúc của chính mình, mà không diễn tả được. Ý, tứ thơ và lời diễn tả càng khéo léo và độc đáo thì càng làm cho hồn thơ tuyệt vời. Ví dụ:

Trong bài: “La Vang, tháng tám mùa thu” thi sĩ Lê Đình Bảng nói về những cảm xúc khi thăm lại miền địa đầu giới tuyến sau những tàn phá của chiến tranh. Bài thơ có mười khổ; vì thời gian không cho phép, tôi chỉ xin trích một khổ đã cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Thi sĩ đã nhìn ngắm giáo đường, nhìn những vết đạn mà tưởng như chính thân thể mình phải mang; và tuy nhìn lên bàn thờ trong cảnh đổ nát hoang tàn ấy, tác giả vẫn nhận ra sự linh thánh của nơi thờ phượng với tia nắng lung linh thay ngọn nến xưa; Nhưng ngay lập tức, tác giả lại thấy xót xa khi không thể có cành hoa để dâng lên Đấng mà thi sĩ đang hướng về:

Con lặng ngắm giáo đường in vết đạn

Đau nỗi đau da thịt của riêng mình

Trên bàn thờ, tia nắng rớt lung linh

Con thèm nhớ một mùi thơm hoa huệ.

Hay trong bài: “ Tháp Chàm” của nhà thơ Vĩnh An, có đoạn Thi sĩ đã viết:

Tôi về đây bên bờ sông mát,

Làm trẻ thơ nghịch cát ở ven bờ.

Em đội nước đi qua chiều nắng nhạt,

Gọi tôi về tình sử thủa hoang sơ.

Tác giả thật tài tình khi đưa người đọc trở về tuổi ấu thơ đã từng vùng vẫy thỏa thích trên dòng sông quê hương; và tài tình hơn nữa khi dùng hình ảnh người nữ đội vò “nước đi qua” trong ánh nắng nhạt của buổi chiều sắp tắt, để nói lên nỗi buồn của một đất nước đã không còn.

Đó là cái khó, cái tuyệt vời của những dòng thơ, mà không phải lúc nào muốn cũng viết được. Nhưng “thơ đạo” lại càng khó khăn hơn, vì không những phải có ý thơ, có tứ thơ mà phải có cả thần thơ. Một bài thơ có ý, có đề cập đến Chúa mà thiếu tứ thơ và thiếu tâm tình cầu nguyện, thì bài thơ sẽ thiếu cảm xúc và khô khan. Vì vậy, một bài thơ đạo có sức làm rung động lòng người và đốt nóng tình yêu của người đọc phải khởi đi từ một trái tim cầu nguyện thật sự.

Khi đọc chùm thơ “ Sao không” Trong tập “ Chùm thơ cầu nguyện “ của thi sĩ Xuân Ly Băng, tôi thấy lòng mình tha thiết hơn với việc cầu nguyện và cũng muốn được say sưa lần chuỗi như chính sự tha thiết và say mê của tác giả. Sau bề dầy của thời gian mục vụ; ngài đã khám phá ra giá trị tuyệt vời của tràng chuỗi và rất tha thiết được nói lại với người khác bằng những dòng thơ yêu thương và trao gửi.
Trở về với tập: “Lấp lánh sương mai” trong bài: “Hình như” của thi sĩ Dzuy Sơn Tuyền đã diễn tả cái mong manh của cuộc đời qua cái mong manh của giọt sương trên ngọn cỏ, thì quả thật người đọc không dám thở mạnh, vì sợ làm giọt sương mà tác giả gọi là giọt nắng ấy biến mất; và từ sự mong manh rất mong manh ấy, thi sĩ đã hướng đến một nơi nương tựa vững vàng đến vô cùng là Lời và Tình yêu Thiên Chúa thì quả là tuyệt vời:

Cuộc đời như kiếp sương mai

Long lanh giọt nắng, tưởng hoài long lanh

Đâu ngờ một thoảng mong manh

Còn đâu sương đọng trên cành cỏ non

Chỉ Lời Chúa mãi trong con

Chỉ Tình Chúa mãi sắt son đời đời.

Trong tập “ Lấp lánh sương mai” có 81 bài thơ, mỗi bài đều có nét độc đáo riêng, nhưng thời gian không cho phép, tôi xin được nói thêm một câu cuối cùng, đó là câu kết của bài thơ “ Trở về” Linh mục thi sĩ Quốc Văn đã viết:

Tan nát bao phen con xác tín một điều

Chúa vẫn mãi yêu thương và thành tín.

Chỉ hai câu ấy thôi, tôi được nhắc nhớ về lòng thương xót của Chúa, nghe lòng rưng rưng vì thấy mình quá tội lỗi và cũng đồng thời nhớ lại biết bao lời đầy thương xót của Chúa trong Thánh kinh, để nghe lòng được ấm lại mà dâng lời tạ ơn:

“Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận! Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông. (Is 1, 18)

“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì ta, ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49, 15)

Và đỉnh cao của lòng thương xót là lời tha thiết xin Chúa Cha tha tội cho chúng ta: “ Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” ( Lc 23, 34 )

Quả thật, với lời thơ như thế đã trở thành "Lời kinh" như lời giới thiệu phần đầu tập thơ; nhưng còn là lời rao giảng Tin Mừng đầy xác tín, có giá trị làm rung cảm tận đáy lòng, vì đã “đi thẳng từ con tim đến con tim” (Lời Đức Thánh Cha Phanxicô một lần giảng trong lễ truyền chức cho 19 LM ).đây cũng là trách nhiệm những nhà thơ Công giáo, vì Chúa đã trao cho những nén bạc: nhạy bén hơn trong những rung cảm, thì phải dùng ân huệ ấy sinh trái đơm bông cho Nước Trời.

Giuse Maria Nguyễn Thanh Nghị

Đồng xanh thơ Sài Gòn

---------------------------------------

Bài liên quan:

Lễ Ra mắt Tập thơ "Lấp lánh sương mai"

Tiếng lòng

Hạt bụi nhỏ

Photo: Buổi Phát hành Tập thơ "Lấp lánh sương mai" (23.6.2015)

Sung sướng vì được thưa gọi “Cha ơi!”

Audio: Ra mắt tập thơ "Lấp Lánh Sương Mai"