Bông hoa buôn làng (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1471 | Cập nhật lần cuối: 7/17/2016 11:38:27 AM | RSS

Bông hoa buôn làng (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)Ba má nó lấy nhau trong sự phản đối kịch liệt của ông bà nội. Ba là con trai trưởng trong một gia đình sùng đạo Phật. Ba theo học lớp giáo lý dự tòng để lấy má. Ngày mong chờ rồi cũng đến, ba chịu phép Rửa tội rồi lấy má về làm vợ. Ngày lễ cưới là giây phút linh thiêng của đôi vợ chồng trẻ, nhưng ẩn chứa sâu thẳm trong đôi mắt hai người là nỗi buồn trĩu nặng. Ngày lễ cưới không một người nào bên nội tham dự. Thêm vào đó, ông bà nội không tổ chức tiệc mừng cho ba má. Không đón dâu, không mâm cỗ, ba một mình qua nhà má làm lễ gia tiên.Bên ngoại lo được vài mâm cơm để chia vui cùng ba má. Cưới nhau xong, ba má nó dụng một túp lều tranh nhỏ trên mảnh đất đầy tranh và cỏ dại gần bãi mía của nông trường. Lấy nhau trong sự khó khăn, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần nên ba má nó rất trân trọng và yêu thương nhau.

Dù ba đã theo đạo nhưng ông bà nội vẫn phản đối kịch liệt, không cho phép ba tham dự Thánh Lễ. Nếu hôm nào biết ba đi dự lễ thì ngày đó coi như địa ngục của má, bà nội chửi má thậm tệ, còn đánh má nữa. Thương vợ nên ba nó đành ở nhà. Vào Chúa nhật hàng tuần, ba chở má tới cổng nhà thờ rồi quay trở về, canh chừng thánh lễ kết thúc rồi trở lại đón má.

Hoa trái tình yêu giữa ba má là ba anh em lần lượt chào đời. Nó là đứa con gái duy nhất ở giữa anh trai và em út. Tiếc thay, ông bà nội không cho ba anh em nó rửa tội. Dù vậy, má nó luôn cố gắng nuôi dạy ba anh em thật tốt. Chúng lớn lên trong sự khôn ngoan và đạo hạnh. Điều này như sợi dây liên kết tình cảm ba má thêm khăng khít. Má nó ngày đêm cầu nguyện để mong sao một ngày nào đó ba anh em được Rửa tội.

Má đi làm trên phố, tuy không xa lắm nhưng cuối tuần mới về vì má không biết đi xe. Bỗng nhiên hôm nay mới thứ sáu, điện thoại reo lên.

- Alô! Anh à! Anh đến đón em về nhé?

- Ừ, anh đến ngay.

Ba nó nhìn đồng hồ cũng đã 11 giờ đêm. Đang phân vân không biết có chuyện gì rồi lấy vội chiếc áo khoác mặc vào lên phố đón má. Chuyến đi định mệnh, đi được khoảng 2km, ba va vào chiếc xe công nông chở gỗ, vì trời tối, với lại sương dày đặc nên ba không thấy khúc gỗ thụt ra ngoài, đầu ba thúc vào khúc gỗ. Cú va chạm quá mạnh làm ba nó chết tại chỗ. Cái chết của ba để lại bao nỗi đau thương cho gia đình. Việc ba không còn nữa mọi gánh nặng đè lên đôi vai gầy guộc của má. Đôi vai ấy đã bao năm gánh lấy những vất vả, khổ cực nay càng thê lương hơn. Ba là trụ cột gia đình, từ nay không biết gia đình sẽ ra sao, việc học tập của chúng không biết má có gánh nỗi không.

Ngày đưa ba lên Nhà thờ tham dự Thánh Lễ cuối cùng trong đời, đoàn người khá đông, hầu hết là người Êđê. Nhà nó sống trong buôn nên mọi nghi thức hầu hết nhờ sự giúp đỡ của buôn làng. Nó bước sau quan tài của ba, nó dường như không còn sức bước đi, không khóc nỗi nữa, mà làm sao khóc được vì những giọt nước mắt cuối cùng đã không còn. Phải nhờ đến hai đứa bạn dìu hai bên nó mới đi cùng với ba lên Nhà thờ được. Khi tới cửa Nhà thờ, họ hàng bên nội lên Nhà thờ đưa xác ba về, dù ba đã được Rửa tội nhưng nhà nội nhất quyết không cho cử hành Thánh Lễ an táng cho ba. Họ gây áp lực lên Cha xứ, thậm chí sẵn sàng dùng bạo lực, Cha xứ đành nhượng bộ để họ đưa xác ba về. Vậy là ba nó không được chôn cất theo nghi thức công giáo giống ước vọng của má và ông bà ngoại. Họ an táng ba theo nghi thức đạo phật.

Từ ngày ba ra đi, nó trở nên trầm cảm, ít nói, kết quả học tập giảm sút. Đi học về, nó lủi thủi trong phòng, không chịu nói chuyện với ai hết. Hồi ba còn sống, đi học về là nó lăn vào bếp nấu cơm đợi ba về ăn, chơi đùa với ba. Giờ ba không còn, nó cũng không tha thiết với việc ăn uống, nhìn nó gầy đi rất nhiều. Ba mất, má nghỉ việc trên phố về làm cà phê để tiện chăm sóc nó.

Tôi là thằng con trai thân nhất của nó. Tôi tìm mọi cách giúp nó nhưng tình trạng không chuyển biến là bao. Một hôm, nó gọi điện bảo tôi đến chở ra thăm mộ ba. Tới nghĩa trang nó khóc sướt mướt. Tôi chỉ biết im lặng đưa vai cho nó tựa vào. Đột nhiên tôi hỏi:

- Em có muốn đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn ba không?

- Em không có đạo, làm sao Chúa nhậm lời chứ?

- Sao lại không, nếu em thành khẩn thì Chúa sẽ nhậm lời?

- Nhưng em không thuộc kinh?

- Không sao, anh đọc trước rồi em đọc theo anh.

Thế rồi chúng tôi cùng nhau đọc Kinh Tinh Kính, Kinh Lạy Cha, và Kinh Kính Mừng. Tôi viết kinh vào tờ giấy nhỏ đưa cho em và không quên dặn rằng buổi tối trước khi đi ngủ hãy lấy ra đọc và cầu nguyện cho ba. Tôi còn chỉ cho nó cách lần hạt nữa, vì tình thương đối với ba nên nó rất chăm chỉ làm. Một hôm nó nhắn tin:

- Anh à!.

- Sao vậy, có chuyện gì hả em?

- Em đốt tờ giấy anh đưa rồi.

Tôi hốt hoảng hỏi:

- Sao vậy, em không muốn cầu nguyện cho ba nữa sao?

Em nhỏ nhẹ trả lời:

- Em thuộc rồi nên đốt ấy mà.

- Em làm anh đau tim đúng không?

Tôi bất ngờ vì em thuộc nhanh thế.Vào cuối năm đó, tôi đậu vào một trường đại học tại Sài Gòn. Trước ngày đi, em hẹn gặp tôi, em nói muốn tặng tôi một món quà và bảo cho tôi một tin sốt dẻo. Tối đó, tôi không sao ngủ được, tôi lăn qua, lăn lại chỉ mong trời mau sáng gặp em. Sáng sớm, khi Thánh Lễ vừa kết thúc, tôi không về nhà như thường lệ mà chạy ngay đến chỗ hẹn. Đến cổng tôi đã thấy em ngồi trong đó rồi.Tôi chưa kịp ngồi xuống, em đã xỏ tay vào ba lô đưa cho tôi một món quà và nói:

- Mừng anh đậu đại học.

- Cái gì trog hộp vậy? - Tôi hỏi.

- Anh cứ mở ra xem đi.

Tôi mở ra. Đó là chuỗi tràng hạt màu trắng. Em bảo, ở môi trường xa gia đình anh hãy siêng lần hạt nhé. Em thấy lần chuỗi Mân côi làm tâm hồn bình an lắm. Tôi lên giọng:

- Em tính dạy anh à?

- Dạ! không phải đâu anh, em thấy thế nên chia sẻ thôi.

Chưa hết bỡ ngỡ tôi hỏi tiếp:

- Vậy còn tin sốt dẻo là gì vậy?

- À! Em sẽ xin má đi học giáo lý và Rửa tội theo đạo giống ba má.

Không từ nào diễn tả hết niềm vui của tôi. Tôi nhập học trong niềm vui vô bờ. Những ngày đầu còn đang bỡ ngỡ với môi trường mới. Tôi lại nhận được tin vui từ em. Em cho tôi biết không chỉ riêng em mà cả anh hai và út cũng theo học giáo lý để kịp Rửa tội vào dịp lễ Phục Sinh. Ba mất nên ông bà nội không còn gây nhiều áp lực lên gia đình em nữa. Má em trình sự việc cho cha quản xứ biết để ngài giúp ba anh em học giáo lý. Ngày em Rửa tội, dù bận việc nhưng tôi vẫn sắp xếp bắt xe từ Sài Gòn về tham dự Thánh lễ. Khi ba anh em bước lên cung thánh nhận lãnh Bí Tích, lòng tôi cảm động không sao diễn tả được. Khoảnh khắc đó in mãi trong tâm hồn một đứa khô khan như tôi. Đó cũng là giây phút làm tôi suy nghĩ nhiều về cuộc sống của mình, tôi cảm nhận được niềm vui khi làm con Chúa, tôi tự nhủ với bản thân phải sống gương mẫu để làm chứng cho Ngài giữa cuộc sống trần thế này. Từ ngày lãnh nhận Bí Tích, em siêng năng học giáo lý, tham dự Thánh Lễ và ít năm sau trở thành một giáo lý viên gương mẫu. Vào chủ nhật hàng tuần, em dạy giáo lý và kỹ năng cho các em thiếu nhi dân tộc Êđê, những đứa trẻ với làn da ngăm đen trong bộ áo cũ kĩ, và đôi chân trần.Cuộc sống khó khăn nên nhìn chúng gầy gò, ốm yếu so với độ tuổi và một mái tóc để dài. Nhưng ẩn sau những hình ảnh đó là khuôn mặt đơn sơ và tâm hồn trong trắng. Em coi chúng như những đứa em của mình. Sau giờ tan trường,em thường rủ nhóm bạn đến nhà rông nô đùa cùng tụi nhỏ. Hình ảnh cô giáo lý viên xinh xắn với chiếc răng khểnh cùng khuôn mặt rộng và đầy đặn in mãi trong tâm hồn bọn trẻ. Cuộc sống buôn làng trở nên nhộn nhịp hơn với lũ trẻ bằng những trò chơi, lời ca tiếng hát. Em không còn quá đau khổ về cái chết của ba nữa, chắc hẳn qua biến cố đó em đã nghiệm ra một điều gì sâu xa hơn.

Vào dịp tết hàng năm, chúng tôi dành nguyên một ngày đi chơi, ăn uống đủ thứ và kể lại những những kỷ niệm đã qua. Chúng tôi huyên thuyên suốt mà không hết chuyện.

***

Không khí Sài Gòn vào dịp cuối năm vẫn vậy, khô và nóng bức. Mọi người ai cũng vội vã với những công việc. Họ cố gắng hoàn thành mọi việc cần thiết để kịp bắt chuyển tàu cuối cùng trở về sum họp với gia đình. Tôi trở về phòng trọ sau một ngày làm việc vất vả, vừa nằm xuống nệm thì tiếng chuông nhà thờ vang lên. Nghe đâu hôm nay có Cha Pháp, người con của giáo xứ mới đi du học bên Mỹ về, Cha chú tể Thánh Lễ tối nay. Tiếng chuông nhà thờ làm tôi sực nhớ đến em. Năm nay tôi sẽ không được gặp em. Cách đây mấy tháng em bảo cho tôi biết em đi tu làm “ma soeur”. Năm nay em bước vào tập một nên không được về ăn tết. Ngày em đi tu, em tu tập tụi nhỏ lại, dặn dò chúng bao điều, đứa nào mắt cũng rưng rưng đẫm lệ làm em không sao kìm được nước mắt, em ôm tụi nhỏ vào lòng rồi khóc nức nở. Kể từ ngày em ra đi, bầu không khí trong buôn làng không còn vang vọng như ngày nào nữa, nhưng trong tâm hồn mỗi người, đặc biệt là của những đứa trẻ ngọn lửa tình yêu và nghị lực vươn lên trong cuộc sống đang bừng chảy, ngọn lửa ấy được thắp lên bởi một bông hoa đỏ rực, bông hoa được vun tưới bằng nước mắt và sự đau khổ. Để giờ đây, bông hoa ấy gieo xuống những mảnh đất màu mỡ. Mảnh đất tốt tươi nhưng đã bao năm khô hạn không có người gieo vãi. Lúc này, những hạt mầm đang nảy nở trên mảnh đất đó, nó sẽ sinh hoa trái và tiếp tục gieo xuống những mảnh đất xa xôi, hẻo lãnh nơi buôn làng.

Lòng tôi chạnh buồn vì tết này không được đi chơi cùng em, không được cùng nhau ăn vặt nơi nhưng quán vía hè ưa thích, không còn cảnh véo tai, nhéo mũi thủa nào nữa.Nhưng nghĩ lại, tôi phải vui mới đúng chứ, em đã bước đi trên hành trình bao điều kì diệu, những biến cố xảy đến trong cuộc đời làm em mạnh mẽ và tin thác vào Chúa hơn.Cuộc đời em giúp tôi hiểu ra được bao điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi vội tắm rửa đến kịp giờ lễ. Quỳ trước Thánh Thể Chúa lòng tôi tràn đầy niềm vui, tôi cầu nguyện cùng Chúa : “Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã đong đầy lòng thương xót trên bạn của con, hành trình của bạn con chỉ có Ngài mới vẽ theo đường nét kì diệu như thế. Tết năm nay, con không được gặp bạn, nghe đâu cả sang năn nữa. Nhưng lạy Chúa, điều đó cũng không sao phải không Chúa. Con sẽ cầu nguyên cho bạn và mong chờ đến ngày được tham dự lễ khấn lần đầu. Lạy Chúa, chắc giờ này linh hồn người ba đang hưởng hạnh phúc bên Chúa, chắc ba tự hào về đứa con gái bé bỏng nhưng nhiều ý chí và nghị lực. Chúa ơi, con cảm tạ Chúa và con sẽ chờ, sẽ chờ đến giây phút được nhìn thấy bạn con trong tu phục của một nữ tu, một người biết nương tựa vào lòng thương xót của Chúa và gieo bao hạt mầm yêu thương nơi những đứa trẻ Êđê ngày nào”.

Mã số: 16-097
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 9