Cành nho Chúa (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]2 người đã bình chọn
Đã xem: 1528 | Cập nhật lần cuối: 1/27/2016 9:07:16 AM | RSS

“… Hạnh Trí ơi! Hạnh Trí ơi! Mỗi khi chiều buông rộn vang tiếng chuông giáo đường…”

(Hạnh Trí mến thương)

Lời bài hát làm tôi rưng rưng nước mắt; cảm giác luyến tiếc, nhớ nhung gia đình và giáo xứ cứ lởn vởn trong đầu tôi.

Mới về nghĩ lễ được hai ngày, tôi phải tay xách vai mang vào lại Chủng viện. Tựa đầu vào cửa toa, tôi đưa mắt ra xa qua ô cửa sổ đối diện của toa tàu, trời như sắp đổ cơn mưa. Ai cũng mong mưa để xua đi tiết trời oi bức của những ngày hè. Gió thổi mạnh từng cơn, cuốn những chiếc lá khô và cát bụi bay hỗn loạn trong không gian. Đây là lần thứ hai tôi đi tàu, vẫn là những mùi đặc trưng: ẩm mốc, thức ăn, hơi người; cả những âm thanh hỗn độn: tiếng ho, khạc nhổ, tiếng xì xào nói chuyện của những vị khách xen lẫn âm thanh rầm rập khô khan dưới đường ray; lại thêm những kẻ đọc sách -nghe nhạc, kẻ ngủ gà ngủ gật lắc lư theo chuyển động của đoàn tàu. Khung cảnh trước mắt tôi như vẻ lên sự hỗn độn, mệt mỏi của xã hội bên ngoài.

Định đánh một giấc như họ để quên đi quãng đường dài hơn hai tiếng đồng hồ, nhưng tôi sực nhớ tới bài Chầu tối thứ bảy ngày mai chưa được chuẩn bị kĩ càng. Vội vàng lấy mấy cuốn sách đã mang về nhà đặt lên bàn, tôi tranh thủ tìm thêm ý tưởng để chiều nay ra Nha Trang hoàn tất bài Chầu. Gỡ cái earphones ra khỏi tai; như thường lệ, tôi làm dấu - đọc kinh, xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng để làm bài Chầu cho có tâm tình, dễ dàng nâng tâm hồn lên với Chúa. Mãi mê đọc và suy nghĩ, tôi bất giác ngẩng đầu lên, vẫn là ánh mắt đó, hắn nhìn tôi chằm chằm; đã mấy lần hắn nhìn tôi từ khi hai đứa cùng đoàn người bước lên toa tàu này. Tôi chẳng biết hắn là ai, nhưng hắn, có vẻ như biết tôi mà lại ngại ngùng. Thật ra, chuyện người giống người là chuyện thường tình.

Hắn còn trẻ, trạc tuổi tôi, nhìn mặt có vẻ thư sinh nhưng có lẻ là “ kẻ lưu manh giả danh tri thức đây”– tôi thầm nghĩ vậy. Như bị tôi đoán được ý đồ đen tối, hắn nhanh miệng chào hỏi và bắt chuyện một cách ngon lành.

– Chào bạn! Bạn ở đâu? Đi học lại hay là về nghĩ lễ ?

– Chào! Mình ở Ninh Thuận, ra Nha Trang học lại.

– Vậy hả? Mình cũng ra Nha Trang, đáp cùng ga rồi.

Tôi cười gượng với hắn, nhìn mặt hắn “gian gian”, tôi chẳng muốn nói chuyện. Cúi gằm đầu, tôi tiếp tục làm bài Chầu của mình. Hắn lại hỏi tiếp:

– Bạn tên gì? Đọc sách gì mà say sưa thế, cho mình xem được không?

Tôi tỏ vẻ miễn cưỡng nhưng rồi cũng đưa cuốn Tin Mừng cho hắn:

– Ừ! Mình tên Phi. Bạn đọc đi, sách về Đạo Công giáo của mình, không biết bạn có hứng thú không?

– Ồ, vậy hả! Mình là Bảo, mình cũng biết một ít về Đạo của Phi đó, lúc học môn “Lịch sử văn minh thế giới”, thầy mình có nói sơ qua.

Chắc chẳng có gì tốt đẹp, hồi đi học cấp ba, tôi cũng đã từng bức xúc với những điều mà ông thầy dạy môn Công dân nói. Bỗng dưng, hắn hỏi tiếp:

– Mà Phi viết cái gì đấy?

– À! Mình phân tích những lời mà Chúa dạy thôi.– Tôi nói đại khái cho hắn biết vậy, chứ nhìn hắn có vẻ nhiều chuyện lại tò mò, không thể nào tin được.

– Cái này hay nè! Phi phân tích cho mình nghe đi, mở mang hiểu biết… hihi.

Hắn cười. Cảm giác ngột ngạt, nhớ nhà, lại chưa hoàn tất bài Chầu khiến tôi có cái nhìn thiếu thiện cảm với hắn. Tôi hơi khó chịu trong lòng nhưng rồi tự an ủi mình “ Họ muốn biết Chúa, không sao đâu, cố lên!”.

– Bảo đọc đoạn Lời Chúa này đi, có gì khó hiểu thì trao đổi với mình!

Tôi đưa tay chỉ vào đoạn “Cây nho thật” (Ga 15,1-8). Hắn bắt đầu đọc… Lát sau, hắn ngẩng đầu lên, đưa mắt nhìn chung quanh, hắn suy nghĩ điều gì đó hồi lâu rồi hỏi tôi:

– Chỉ có cây nho mới là hình ảnh về Chúa của bạn thôi hả?

Nghe xong câu hỏi của hắn, tôi nhớ ngay đến câu nói của Chúa Giêsu trong truyện “Đôi mắt Kitô” thuộc tuyển tập “Nắng mùa đông”, Giải viết văn đường trường 2014 mới đọc cách đây mấy hôm: “vì ta hiện diện trong hình ảnh của muôn loài con à”. Tôi trả lời:

– Chúa của mình ở khắp mọi nơi, Bảo sẽ thấy Ngài khi Bảo có niềm tin. Mà thôi, Bảo cứ xem cây nho như là một phép ẩn dụ mà tác giả sử dụng trong văn học đi.

– Mình cứ nghĩ nơi ông Chúa của Phi sống cũng trồng nho như vùng đất Ninh Thuận này chứ.

– Có thể vậy.

Cả hai cùng cười ồ lên nhưng lòng tôi thì cảm thấy điên lên vì câu nói đùa kiểu như thế; nhưng đâu ngờ, cuộc đối thoại lại trở nên kịch tính hơn, hắn tỏ vẻ khôn ngoan, chẳng phải dạng vừa, hắn hỏi tiếp:

– Vậy mình lấy cành của cây này ghép vào cây khác thì sao? Ở chỗ mình, người ta lấy cây Mai Chiếu Thủy ghép vào cây Lòng Mứt mà nó vẫn sống được đây. Sao sách này nói cành phải gắn liền cùng cây mới sinh hoa trái ?

– Ừ, thì sống nhưng không đồng nhất, tuổi thọ của thân và cành khó bằng nhau!

Tôi đáp ngay sau câu hỏi của hắn như thế rồi thoáng nghĩ: “Tại sao hắn lại nghĩ ra được những câu hỏi lắc léo như thế? Chẳng lẽ hắn vốn sẳn có ác cảm với tôn giáo mình hay sao?”. Cảm giác lo ngại, căng thẳng đến với tôi. Nhưng tôi kịp định thần, loại bỏ đi những cảm giác không hay, chần chừ thoáng chốc rồi nói tiếp:

– Giả dụ bạn là một người có Đạo, yêu một người con gái, muốn kết hôn với cô ấy nhưng cô lại là người không cùng tôn giáo. Gia đình và bạn muốn cô gái theo tôn giáo cùng gia đình mình, thì cách hay nhất là bạn phải làm thế nào để qua cách sống, thể hiện được những điều tốt đẹp của Đạo, rồi từ đó, cô gái sẽ dần được cảm hóa, tin theo… Niềm tin ấy như một chất nhựa quan trọng để kết nối và làm phát triển đồng nhất cành cây và thân cây, phải vậy không bạn?

Nói xong, tôi bỗng giật mình, cảnh tượng quanh tôi sao giống như cái truyện “Con là Kitô hữu” cũng trong cuốn sách “Nắng mùa đông” vậy không biết? Tôi sợ hắn và mọi người chung quanh nói Đạo mình bắt người ta bỏ thờ ông bà để thờ phượng Chúa nữa thì chết, tôi nhanh miệng nói với hắn:

–Mà nè ! Đạo của mình không ép người khác phải vào Đạo khi kết hôn đâu nhen. Đó chỉ là một lời mời gọi để gia nhập Đạo Chúa thôi. Bởi theo kinh nghiệm của Giáo hội sự không thống nhất tôn giáo trong một gia đình thì cuộc hôn nhân đó dễ đổ vỡ. Vì thế, các vị chủ chăn luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho đoàn chiên của mình.

Hắn gật gù rồi lại tiếp tục hỏi:

– À…à, thì ra là vậy. Mà cuốn sách này chỉ bó buộc cho những người theo Đạo của bạn thôi hả?

– Không phải đâu, bạn có thể nhận biết khi đọc kỹ nó mà. Mình phân tích cho bạn nghe nhé! Ví dụ trong đoạn Lời Chúa này, bạn cứ nghĩ cây nho là một Đấng tối cao của một tôn giáo nào đó, còn các cành nho là tín đồ của tôn giáo ấy; thì buộc họ phải có niềm tin tuyệt đối vào Đấng mà họ tôn thờ chứ. Sách lời Chúa của mình là thế, không bị giới hạn bởi một điều gì cả, cũng không bó buộc trong một khoảng không gian hay thời gian nào. Mọi cái đều có ý nghĩa sâu xa nhưng lại nằm trong thực tế của đời sống hằng ngày. Nếu bạn cảm nghiệm một cách chân thành tự khắc lời Chúa trở nên gần gũi với bạn vô cùng. Hơn nữa, dù bạn không phải là người có Đạo như mình, bạn vẫn được Chúa đón nhận như là con cái của Ngài.

Chẳng hiểu sao tôi lại nói được nhiều như vậy, xin Chúa Thánh Thần soi sáng để làm bài thế mà từ nãy đến giờ, tôi chỉ toàn nói không. Tôi cũng không ngờ, những lời nói của tôi lại làm cho những người chung quanh để ý tới như thế, ông Chú ở dãy ghế bên cạnh quay sang hỏi tôi :

– Con nói về Đạo như là cha nhà thờ vậy, con quen biết mấy ông đó hả ?

– Dạ ! Con được các vị ấy hướng dẫn ạ!

– Hèn gì! – Một tiếng chặc lưỡi phát ra.

Tôi cũng không hiểu được ý nghĩa của hành động đó. Lúc này, đoàn tàu đã đến cây cầu vượt đang xây ở Suối Tân, ngoài trời mưa đã nhỏ dần, chỉ còn nghe những âm thanh “ tí tách” kêu trên mái của toàn bộ đoàn tàu. Bỗng dưng, cô khách ngồi bên cạnh nôn thốc tháo, một vài tia bắn vào người tôi.

–Cô xin lỗi, cô mệt quá, xin lỗi con!

Cô ta lấy chiếc khăn tay lau những vết dơ trên áo tôi. Tôi cảm thấy khó chịu vô cùng, mùi thật kinh khủng. Nhưng không, “mình đang tuyên xưng niềm tin vào Chúa mà”, tôi nói khẻ:

– Dạ, không sao đâu, để con đi thay cái áo khác!

Tôi đứng dậy, bước vội vào nhà vệ sinh cuối toa để thay cái áo…Quay lại chỗ ngồi, hắn tỏ vẻ quan tâm.

– Phi có sao không ?

– Ờ, không sao đâu, mình ổn mà! – Tôi cười với hắn.

– Mà nè, Phi học gì, ở khúc nào ngoài Nha Trang?

– Mình học tiếng Anh, gần Cao Đẳng Sư Phạm – Tôi chẳng biết vì sao mình lại không nói thật với hắn: “mình đi tu”, chẳng lẽ tôi sợ mọi người biết. Chỉ một câu trả lời không đúng sự thật mà lòng tôi khó chịu và ấm ức mãi.

– À! Mình biết rồi…đường Trần Phú hay Nguyễn Chánh gì đó phải không?

– Đúng rồi đó, đường Trần Phú.

– À…à…! mà Phi! Mình nghe bạn bè nói ở đó có khu nhà Đạo Chúa như bạn, chiều thứ bảy lại tụm ba tụm bảy học nhóm ngoài trời, mình đi biển, cũng thấy rồi.

Hắn nói đúng ngay Tòa Giám Mục nơi tôi sống, mà đó là những buổi anh em chúng tôi chia sẻ Lời Chúa với nhau. Nhân hắn biết những lần chia sẻ này, tôi ôn tồn nói với hắn:

–Bảo à! Theo mình được biết thì khoảng thời gian đó họ cũng phân tích cuốn sách này như mình đang làm vậy nè.

– Ờ! Mình chỉ nghe bạn bè nói vậy thôi, mà cuốn sách này quý giá nhỉ?

– Ừ! Nó quý giá lắm, vô giá nữa.

Hắn im lặng một hồi rồi kết thúc cuộc nói chuyện:

– Mà thôi! Làm phiền Phi nãy giờ, Phi cho mình xin số điện thoại và địa chỉ đi, có gì ra đó, được dịp thì mình liên lạc.

Sẵn giấy bút, tôi viết địa chỉ Facebook cho hắn; nói chuyện riết, thấy hắn cũng thú vị. Như thời cơ đã đến, lật mặt sau mẫu giấy, tôi viết cho hắn đôi dòng: “ Mình là một người đang cố gắng để trở thành Cha nhà thờ và là thành viên trong cái vòng tròn tụm ba tụm bảy đấy”. Ngay lúc đó, tôi mới có cảm giác nhẹ lòng, đã giải quyết được nỗi khó chịu trong lòng từ nãy tới giờ, tôi kẹp mẫu giấy vào trong cuốn Tân ước.

– Lát nữa xuống tàu, mình đưa địa chỉ cho Bảo nhé, giờ mình làm bài tí đã.

– Ờ! Vậy cũng được.

Dong dài những câu hỏi, những câu trả lời, buổi tranh luận với hắn làm cho thời gian trôi nhanh. Cũng nhờ hắn, tôi có thêm ý tưởng cho bài Chầu tối mai, chỉ hy vọng sẽ nâng tâm hồn anh em lên tới Chúa.

“ Xình xịch… xình xịch… Két…”. Tàu đã đến ga. Tôi đưa cho hắn cuốn Tân ước.

– Nè, giữ làm kỉ niệm! Địa chỉ mình ở trong đấy, có gì thì liên lạc… Chào Bảo nhé…!

Tôi nhanh chóng mang đồ xuống tàu, đưa tay vẫy tạm biệt hắn rồi đi nhanh cho kịp giờ nhập lại Chủng viện.

-----------------------------------

Chiều Chúa nhật, sau ngày gặp hắn; như quy định của Chủng viện, tôi được ra ngoài thư giãn. Tôi vào tiệm internet để tìm một ít thông tin. Tôi ghé thăm trang facebook cá nhân, một tin nhắn, một lời mời kết bạn, tất cả là của hắn. Tôi nhấp chuột, mở tập tin đính kèm:

“ Gởi người bạn thú vị!

Không biết bạn có suy nghĩ gì về mình không? Chắc là có nhỉ… mình đoán vậy. Riêng phần mình, từng lời bạn nói, từng phân tích, từng ví dụ và cả hành động của bạn làm mình ấn tượng vô cùng. Xin lỗi vì đã không giới thiệu thật bản thân cho bạn biết, mà có lẽ còn làm bạn khó xử nhiều điều. Mình là sinh viên ngành Sân khấu điện ảnh tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Mình có tham gia nhóm Sinh viên Công giáo Tin yêu Nha Trang, chắc bạn biết chỗ đấy ha? Nói thật, mình cũng có chút ý hướng muốn tìm hiểu để sống đời sống dâng hiến. Chúa nhật thứ IV Phục Sinh vừa rồi, bạn nhớ chứ, mình có tham gia ngày Đại hội ơn gọi ở Ba Làng đấy. Mình thấy bạn diễn xuất trong vỡ kịch ngày hôm ấy hay đó, vừa đạt vừa ấn tượng nữa; nhưng mình không nghĩ lại được gặp bạn bất ngờ trên chuyến tàu, Chúa cho mình ngồi trước mặt bạn để chọc phá nữa chứ. Mình thấy bạn quen quen, cố gắng nhìn kĩ để xem có phải không? Rồi ý tưởng táo bạo đâu giục mình thử bạn như thế. Bạn thấy tài diễn xuất của mình như thế nào? Như vậy là đạt chưa? Giống một người không có Đạo chứ?

Cảm ơn bạn nhiều nhé! Nhờ bạn, mà mình khám phá ra Lời Chúa thật hữu dụng và thiết thực trong cuộc sống. Qua bạn, mình cũng biết được phần nào về cung cách của những người đang bước theo Chúa và cách họ làm sáng danh Chúa, để rồi mình có thể suy nghĩ và……. ở một tương lai không xa. Mình chỉ hy vọng vậy thôi. Đây là đôi dòng tâm sự thật lòng của mình, cảm ơn bạn đã cho mình một cuộc trò chuyện thú vị, cảm ơn bạn đã giúp mình nhận ra nhiều điều, cảm ơn vì tất cả. Hẹn gặp bạn một ngày gần nhất, tu học tốt nhé!

Chào bạn!”

Đọc xong những dòng thư của hắn, tôi thẩn người ra ghế, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Trên tàu, tôi cũng đã nghi ngờ hắn nhiều, người ngoại Đạo sao biết nhiều và lí lẽ vậy được cơ chứ. Nhưng rồi, tôi thầm tạ ơn Chúa vì đã cho tôi đủ khôn ngoan để biết cách mà cư xử với hắn và mọi người trên chuyến tàu. Tôi cũng xin lỗi Ngài vì đã nghĩ xấu về người khác.

Tối đến, một tối Chúa nhật bình yên, ngồi đọc lại đoạn Lời Chúa để làm Sổ Nội Tâm, tôi đã suy nghĩ thật nhiều, có lẽ tất cả là ý Chúa.

“Lạy Chúa! Cảm ơn Ngài vì những chuyện đã qua. Lời Ngài đơn giản nhưng sâu sắc, đã giúp con tiếp thêm sức mạnh cho một người có lòng tin vào Chúa.

Chúa ơi! Mỗi chúng con là một cành nho, cành nho Chúa tạo dựng, dù tươi tốt hay đang dần khô héo, xin Ngài thương nâng đỡ, cho chúng con kết hiệp mật thiết với Ngài; để rồi từ đó, chúng con có thể làm cho vườn nho của Chúa xanh tươi và đơm nhiều hoa trái. Xin gìn giữ ơn gọi mà Ngài đã dành cho mỗi người chúng con. Amen!”

Mã số: 16-015
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 1