Chỉ cần bắt đầu lại (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1111 | Cập nhật lần cuối: 6/22/2016 6:27:36 AM | RSS

Chị ngồi bệt trên tam cấp trước hiên như người mất hồn, gương mặt gầy hóp rám nắng vốn có của chị trông phờ phạc hẳn sau một ngày vất vả gặt lúa. Ánh mắt héo úa chị cứ hóng về phía cổng, nơi những cơn gió chiều cứ chốc chốc lại kéo lê xào xạc đám lá khô trên đất. Thỉnh thoảng chị lại đứng phắt dậy chạy ra cổng nhìn xa xăm về phía cuối con đường, nơi ánh hoàng hôn đang lượn lờ ve vãn những nhánh lúa trĩu hạt. Những cánh đồng lúa men dọc con đường đã nhuộm chín màu vàng của mùa gặt, chúng tha hồ thả mình nhẹ nhàng đung đưa theo nhịp gió cách bình thản như cuộc sống của chị trước khi Phúc bỏ đi. Từ nhỏ đến lớn, ngoài việc lên thị xã họp phụ huynh cho con chị, thì chị chưa bao giờ biết đến những nơi khác ngoài cái làng của chị. Với chị như thế đã đủ để chị cảm nhận cuộc sống, đủ để chị biết yêu thương và được yêu thương, biết hạnh phúc và cả đau khổ lẫn tủi nhục.

Trời sẫm tối dần, những con cò gọi nhau oàng oạc hợp thành từng đàn sãi cánh bay về nơi nào đó xa tít tận chân trời. Chị vẫn đứng đó nhìn xa xa vô định, những vạt nắng chiều yếu ớt dần nhạt đi để lại một màu đen tối mịt bao trùm lấy chị. Chị chợt bật khóc khi nhìn vào màn đêm nhằng nhịt trước mắt . Những con dế nép kỹ sau bờ ruộng cố phồng cánh gáy re re như để an ủi chị như mọi đêm của mùa hè, chúng chẳng hiểu được sự trống vắng như đang đè nén trái tim chị. Đôi lúc, chị cũng muốn được như chúng, sống thảnh thơi nơi đồng ruộng, còn bé thì vui chơi, lớn lên góp tiếng ca cho đời, rồi kết thúc cuộc đời ngắn ngủi khi đã truyền lại hậu thế. Còn chị được sinh ra và lớn lên trong cảnh nghèo, ba mẹ chị cứ thay nhau bệnh, nên từ nhỏ, tuổi thơ của chị gắn bó với con trâu, con bò, mót khoai, mót lúa. Đến tuổi cầm được cái cuốc, cái liềm thì ra đồng làm mướn tiếp nối công việc “gia truyền” của ba mẹ chị. Thương ba mẹ bệnh tật nên suốt ngày chị cứ cắm cúi nơi đồng ruộng để kiếm tiền thuốc thang. Đôi lần mẹ chị giục: “Út nè, con cũng lớn rồi, con coi có chỗ nào nương thân được thì nói để ba mẹ còn tính. Chứ con cứ như vậy hoài, mẹ với ba con cứ thấy không yên”.

Nghe mẹ chị nói vậy, chị chỉ cười cười: “Ba mẹ cứ lo, khi nào duyên đến thì hay! Con của ba mẹ mà sợ gì ế”. Lần nào cũng vậy, chị cứ cười trừ rồi phớt lờ chuyện cưới xin. Đến khi hai ông bà mất, thì cũng là lúc chị nhận ra chị đã qua cái tuổi xuân thì của người con gái. Quá lứa lỡ thời, cái tuổi của chị ở thôn quê may ra mấy ông góa vợ mới ngó ngàng tới, mà chị cũng nghĩ vậy, chị thầm tiếc về quãng thời gian xuân xanh đã qua. Nhưng mùa gặt năm đó, tình yêu của chị cũng chạm ngõ. Chị ngây ngô và choáng ngợp trước vẻ đẹp của tình yêu đầu đời. Nó vừa có hương vị nhẹ nhàng thanh thoát của mùi lúa non, vừa nồng nàn rạo rực của mùi lúa chín. Với chị, đó là những ngày tháng đẹp nhất của cuộc đời, chị sống hết mình với những gì chị có như một người từng trải để cảm nhận hương vị của tình yêu. Nhưng khi mùa gặt qua đi, tình yêu của chị cũng bị nó kéo đi mất để lại nỗi cô đơn hụt hững với cái bụng đang lớn dần. Chị sinh Phúc giữa những lời soi mói chỉ trích của họ hàng, làng xóm. Điều đó khiến chị càng thêm tủi và hận người chị từng yêu thương, tin tưởng. Nhưng rồi, sau tất cả chị nhận ra chị còn có bé Phúc, đó là cuộc sống của chị, là hồng ân lớn nhất mà Chúa ban cho chị. Chị chỉ tiếc một điều là trong sổ Rửa Tội không có tên ba của nó.

***

Vậy là đã hơn một tháng kể từ ngày Phúc bỏ nhà đi biệt tăm. Từ ngày đó, chị ít đi chợ hẳn mà chỉ quanh quẩn kiếm chút gì đó quanh nương cho qua bữa. Chị sợ cái nhìn soi mói, sợ phải nghe những lời bàn tán về con chị: “Con gái bà Út cuối làng mình đó, nghe nói nó học thì giỏi mà thích đua đòi hút chích theo tụi con nhà giàu, giờ bỏ đi mất tích luôn rồi”. “Cái thứ con nhà lính mà tính nhà quan đó thì chỉ có vậy thôi”. “Mấy bà nói xàm rồi, nó có hút chích gì đâu, con tui học chung khối với nó nói rằng nó bồ bịch gì đó với một thằng trong lớp, hai đứa cũng hứa hẹn dữ lắm, ai ngờ bây giờ nhà thằng đó chuẩn bị đi Mỹ, nên nhà nó cấm tiệt chuyện tụi này, giờ thằng đó cũng ẩn mất tăm. Con này hận tình bỏ đi, chắc có khi đi nhảy sông nhảy cầu chi rồi cũng có”. Mỗi lần đến chợ thì chị cũng chỉ dám lai vãng đến những quán ven chợ mua ít đồ rồi về liền. Chị biết tại sao Phúc lại bỏ nhà đi, chị sợ phải mất Phúc. Từ khi nó bỏ đi, ngày nào chị cũng cật lực làm việc để dành tiền đi tìm Phúc.

Càng nghĩ chị càng giận bản thân mình, khi nghe nó nói nó có thai, ngày nào chị cũng đay nghiến, la mắng nó cạn lời. Nó gợi lại trong chị nỗi oán hận về sự bội bạc của ba nó, người mà chị đã chôn vùi và tưởng chừng như quên lãng suốt 18 năm qua. Bây giờ, chính Phúc đã khơi ra và chị đổ dồn tất cả chúng lên đầu Phúc, còn Phúc chỉ ngồi cúi gầm mặt, tay ôm hai đầu gối thút thít khóc. Chị nghiến răng keng kéc, giọng đầy giận dữ hằn từng lời, mặt đỏ bừng bừng như muốn tím lại: “Thà tui chưa nói, còn đây tui nói với chị biết bao nhiêu lần rồi mà giờ chị thành ra như vậy, là sao hả? Có thằng nào đàng hoàng chị chỉ tui coi, hay cũng giống ba chị. Vô trách nhiệm, hèn hạ, hèn lắm… chị biết không? Giờ chị chửa như vậy, cái bụng chị ngày một to chình ình ra đó, thử hỏi tui còn dám gặp ai, còn thằng đó trốn chổ nào rồi? Hay hắn cũng trốn mất tăm như ba chị? Mười tám năm nay, tui một mình nuôi chị ăn học như người ta, chị thấy tui chưa đủ khổ hay sao? Hay muốn tui mang thêm nhục, đi đâu cũng cúi cái mặt xuống đất, rồi nghe người ta nói tui nuôi con ăn học để rồi chửa hoang, hả?”. - Chị mắng xối xả vào Phúc, nhưng chị không hiểu sao, khi chị càng rầy la Phúc, chị lại càng cảm thấy xót xa, càng thấy tim mình quặn thắt đau thật đa. Chị biết Phúc lớn lên thiếu tình yêu thương của người cha, nhưng chị vẫn không kìm nén được cơn giận của mình trước những gì đang diễn ra. Chỉ đến khi cơn giận qua đi, chị mới chạy vội ra góc khuất sau vườn đứng khóc một mình.

Vậy mà giờ, chị lại ước ao được nhìn thấy Phúc, được ôm Phúc vào lòng, được Phúc nhổ tóc bạc sau bữa cơm trưa, mỗi lần như thế, nó làm bộ như khó lắm mới kiếm được một sợi tóc bạc. Nó cứ chải qua, rẽ lại hồi lâu mới reo lên: “Á, có một sợi tóc bạc, tìm mãi mới thấy. Tóc mẹ còn đen quá nên hiếm tóc bạc ghê. Con tìm mờ con mắt mới thấy một sợi tí bẻo nè”. Nghe nó nói vậy, chị biết tổng nó nịnh chị, nhưng chị vẫn thấy vui, cười tít cả mắt. Những kỷ niệm ấy cứ quấn lấy chị mỗi buổi chiều từ đồng về, khiến chị cứ ngồi trước hiên ngó ra cổng đến tối mịt thầm hy vọng một điều kỳ diệu nào đó xảy ra. Chị vẫn giữ mảnh giấy nó để lại trên bàn cho chị, nét mực đã nhòe loang từng vệt nước mắt nhưng vẫn còn rõ từng từ: “Mẹ ơi! Mẹ biết không? Con thật hạnh phúc khi được có mẹ là mẹ của con. Con biết con được như ngày hôm nay đều nhờ sự hy sinh của mẹ, mẹ phải chắt chiu từng đồng, ăn uống tằn tiện để có tiền cho con ăn học. Nhìn mẹ cực khổ, con càng cố gắng học thật giỏi để mẹ được vui và để sau này con có thể bù đắp lại những ngày tháng gian khổ của mẹ. Vậy mà, con ngu ngốc trót dại khiến mẹ phải buồn phiền vì con, chịu thêm nhiều lời cay nghiệt của mọi người. Mẹ ơi, con hối hận lắm rồi. Con thật có lỗi với mẹ, với sự mong chờ và yêu thương mẹ dành cho con. Xin mẹ tha thứ cho những lỗi lầm của con. Mẹ thường nói mẹ đặt tên con là Hồng Phúc vì con là hạnh phúc lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho mẹ. Nhưng mẹ ơi, con lại thấy con là nỗi bất hạnh của mẹ, hết lần này đến lần khác làm mẹ phải bận lòng, phải lo lắng. Mẹ biết không, đối với con, mẹ là tất cả của con, mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất trên thế gian này. Mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe. Luôn nhớ mẹ và yêu mẹ nhiều! Con, Phúc”. Chị run run gấp lá thư lại rồi ôm mặt khóc như một đứa trẻ. Chị thều thào trong tiếng nấc: “Con ơi, mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi khi đối xử với con như vậy? Lỗi của con, mẹ phải trách nhưng mẹ không nên đổ lên đầu con những uất hận trong lòng mẹ, sao mẹ nỡ thốt ra những lời cay nghiệt đó với con. Mẹ xin lỗi!”.

***

Mấy ngày nay từ lúc chân ướt chân ráo vào Sài Gòn, chị hết đứng ở góc đường này lại đứng ở ngã tư đường nọ, rồi hết quận này đến quận khác, trên tay cứ khư khư tấm ảnh được phóng to của Phúc, kèm theo tấm bìa cứng với dòng chữ “TÌM CON” đeo trước ngực. Chị chỉ hy vọng Phúc ở đâu đó biết chị đang tìm nó, hay ai đó sẽ nhận ra Phúc rồi chỉ cho chị. Từng ngày trôi qua, niềm hy vọng mỏi mòn của chị cũng dần vơi theo số tiền mà chị mang theo. Khi không còn tiền để trang trải nữa, chị đành ngậm ngùi đón xe trở về quê. Trên đường ra lại bến xe, lúc ngang qua quận Thủ Đức, thì chợt tiếng chuông từ ngôi nhà thờ màu đỏ gạch bên đường vang lên liên hồi hòa vào dòng xe đang hối hả, chị với tới hỏi bác xe ôm, giọng lo lắng: “Bác ơi cho tôi hỏi, hôm nay là thứ mấy rồi vậy bác?”

Bác xe ôm cười cười ngỡ chị quá bận bịu với cuộc mưu sinh đến quên cả ngày tháng:

- À, hôm nay là chủ nhật rồi!

Vừa nghe nói là chủ nhật, chị hớt hải vỗ vỗ vào vai bác xe ôm, giục: “Thôi chết! bác cho tôi xuống đây đi, tôi quên mất hôm nay là Chúa nhật”.

Chị rảo bộ lên con đường dốc dẫn vào nhà thờ, rồi bước vào cổng với vẻ phờ phạc, tấm bảng vẫn đeo thòng trước ngực khiến mọi người có phần bỡ ngỡ và ngạc nhiên về chị. Thấy vậy, chú giữ xe bước đến, nhỏ nhẹ hỏi:

- Bác có cần giúp gì không?

- Chú cho tôi hỏi, cái giếng nằm ở đâu vậy chú? Tôi muốn rửa cái mặt một chút, chứ đi đường cả ngày bụi quá.

- Bác cứ đi thẳng hướng này, rồi rẽ trái là tới nhà vệ sinh.- Sau khi tận tình hướng dẫn, chú nhìn theo chị mà không khỏi mủi lòng thương.

Chỉ cần bắt đầu lại (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

Một lúc sau, chị bước ra rồi đi thẳng đến đài Đức Mẹ để cầu nguyện như chị vẫn thường làm ở quê. Chị nhớ, sáng nào sau thánh lễ, hai mẹ con cũng đều đến trước đài Đức Mẹ cầu nguyện một lúc rồi mới về. Phúc thường nói chị yêu Đức Mẹ hơn nó nên ngày nào cũng ngắm Mẹ lâu thật lâu, còn nó thì yêu chị hơn Mẹ nên một ngày mà không được gặp chị là nó không chịu nổi. Nghe nó nói, chị vui lắm nhưng thường trách yêu nó: “Con nói tầm bậy nghe, nhà mình được như vậy là nhờ Mẹ phù hộ giúp đỡ đó. Ngày nào mẹ cũng dâng con cho Mẹ hết, Đức Mẹ lo cho con chứ mẹ đây sao lo nổi. Đừng bao giờ quên ơn Đức Mẹ nha con”. - Chị nhắc nó mà nó cứ giỡn dúi đầu vào lưng chị “dạ dạ” rồi cười hì hì.

Suốt 18 năm qua từ cái ngày chị dâng Phúc cho Mẹ, ánh mắt của Mẹ đối với chị vẫn không hề thay đổi, chị vẫn cảm nhận được sự an ủi và tình yêu mà Mẹ dành cho chị qua đôi mắt đó. Giờ phút này, chị cũng muốn dâng Phúc cho Mẹ phù hộ, nước mắt chị lại ứa ra…chị khóc. Cứ nghĩ đến Phúc, chị lại khóc, chị cứ lo không biết nó xoay sở sống ra sao, chị lo nó phải ngủ bờ ngủ bụi, nhịn đói nhịn khát,… nghĩ đến đó là lòng chị đau buốt. Chị chợt có suy nghĩ bám trụ lại Sài Gòn, kiếm gì đó sống qua ngày để đi cho hết từng ngỏ hẻm, từng góc chợ tìm Phúc. Đang bần thần với mớ suy nghĩ hỗn độn thì bỗng có tiếng: “Mẹ… mẹ… mẹ ơi!”. Chị chưa biết tiếng gọi đó phát ra từ đâu, thì một vòng tay ôm ghì lấy chị từ phía sau, siết thật chặt. Chị chưa kịp quay lại nhưng chị cảm nhận được gương mặt đang áp sát vào lưng chị, làn da, giọng nói và cánh tay đang ôm chị, không ai khác chính là Phúc, con chị. Xoay người lại, chị ôm chầm lấy Phúc, chị vỡ òa sung sướng trong nước mắt. Chị ngỡ rằng chị đang mơ như những giấc mơ chị từng mơ. Nhưng cho dù là giấc mơ thì đây cũng là giấc mơ tuyệt vời nhất của chị.

Phúc nức nở đến nghẹn lời:

- Con xin lỗi mẹ, con đã sai rồi, con lại khiến mẹ phải khổ cực vì con rồi!

Nghe Phúc nói, chị khóc òa lên:

- Không sao, không sao. Mẹ con mình chỉ cần bắt đầu lại thôi con à.- Rồi chị ôm Phúc khóc hồi lâu mới mở nới lỏng tay ra nhìn Phúc. Chị nhẹ nhàng đưa tay gạt nước mắt trên má Phúc, ân cần: “Thôi! Chuyện cũng đã rồi, không sao hết, cứ về với mẹ”. Thoáng nhìn, chị hỏi: “Vậy bữa giờ con sống ra sao, sống ở đâu? Có khổ lắm không con?”.

Phúc thút thít, tay nắm chặt lấy tay chị:

- Dạ, con sống tốt lắm mẹ ạ. Cũng may ngày con đón xe vào đây, con ngồi bên một sơ. Sau khi biết chuyện của con, sơ giới thiệu con vào mái ấm này.- Nói rồi, Phúc quay lại nhóm người đang đứng sụt sùi khóc phía sau, nói:

- Đây là sơ chăm sóc tụi con, còn đây là ba chị cũng có hoàn cảnh giống con.

Theo hướng tay Phúc, chị thấy ba cô gái mặc áo bầu thùng thình trạc tuổi Phúc, có người bụng đã lớn như sắp sinh, đằng sau là một sơ dáng người nhỏ nhắn với gương mặt hiền từ. Chị chưa kịp nói gì thì Phúc nhanh nhảu giới thiệu chị: “Còn đây là mẹ của con nè sơ, đây là người mẹ mà em hay kể cho các chị nghe nè”. Vừa nói nó vừa ôm lấy chị.

Đúng lúc đó, từ phía nhà thờ vang lên tiếng ca nhập lễ. Sơ lau vội dòng nước mắt, tiến đến nắm lấy tay chị: “Cũng đến giờ thánh lễ rồi, con mời cô cùng vào nhà thờ với chúng con luôn. Lát nữa lễ xong, con mời cô về thăm cộng đoàn của chúng con. Khi đó, chúng ta tha hồ trò chuyện, cô nha!”. Rồi sơ nhìn qua Phúc: “Nào em, mình cùng vào”. Phúc quay sang chị, ánh mắt rực lên niềm vui sướng: “Mình vào luôn nha mẹ”. Phúc vừa nói vừa kéo dìu tay chị. Chị bước theo Phúc mà ngỡ như đang đi trên mây.

Mã số: 16-086
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 8