Chiều weekend (Giải Viết văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]4 người đã bình chọn
Đã xem: 1493 | Cập nhật lần cuối: 4/13/2016 4:36:16 PM | RSS

Chiều weekend (Giải Viết văn Đường Trường 2016)Với nhiều người, Anchor cuối tuần là ngày nghỉ ngơi, thong thả để tận hưởng cuộc sống, đi đó đây thưởng ngoạn, thư giản với thú vui câu cá hoặc một môn thể thao tại câu lạc bộ, chuẩn bị cho một cuộc hò hẹn với người tình, hay đơn giản là vài phút tán gẫu với bạn bè tại một quán nước. Và với anh em chúng tôi, những người sống theo một ơn gọi riêng, cũng có một cuộc hẹn hằng tuần. Đến hẹn lại lên, chiếc Zace đời đầu chở số lượng người hết mức cho phép luân phiên nhau mỗi chiều “tuấn cùi” lên “trại phong” thăm “người hủi” ở Bến Sắn. Chúng tôi luôn đi tối đa số ghế ngồi để lỡ khi nào xe chết máy thì có nhân lực đẩy xe, nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ so với ý hướng tích cực hơn, để có nhiều anh em đến thăm trại.

Vừa nhìn thấy chiếc xe xanh dương rẽ vào, mọi người ở trại phong Bến Sắn hẳn đã quá quen chiếc xe của một cơ sở ở Sài thành chở những chàng trai trẻ ghé thăm. Và vì xem chúng tôi như người thân trong nhà, nên từ ngoài ngõ, bác bảo vệ hăng hái ra mở cổng, và không tiếc chi chào đón chúng tôi với nụ cười thật tươi thay cho lời thăm hỏi sức khoẻ. Qua khỏi cổng, trước tiên, chúng tôi đến khu các xơ Nữ tử Bác ái Vinh Sơn đang sống và phục vụ. Nơi đây, chúng tôi được xơ đón tiếp với những ly nước mát để làm dịu bớt cái nắng chói chang và oi bức của đầu giờ chiều. Sau đó, xe lăn bánh thêm vài tua tiến vào con đường đá đỏ của ngôi làng trại phong.

Chiếc Zace âm thầm tiếp tục cuộc hành trình của mình đưa chúng tôi luân phiên mỗi tuần đến một khu: nào là khu Đôi bạn dành cho người có gia đình, khu Độc thân Nam, khu Độc thân Nữ, khu Dưỡng lão, và thậm chí có cả khu Tâm thần là nơi những bệnh nhân cùng một lúc chịu đựng tới hai căn bệnh. Lần này đến phiên khu Dưỡng lão Nữ. Các bà cụ đón chúng tôi bằng những “tràng pháo tay” với những tiếng pháo... lép. Chắc ai cũng có thể đoán ra tại sao lại là những tiếng “pháo lép”, và điều này khiến chúng tôi ít nhiều cảm thấy đắng lòng. Chúng tôi được các anh có kinh nghiệm chuẩn bị tâm lý trước trên xe, rằng nên tế nhị cất đi chiếc đồng hồ đang đeo hay những vật dụng gì ở nơi khuỷu tay để khỏi khơi lại nỗi đau và sự tự ti của những người phong đã bị mất đi một phần thân thể. Những nụ cười toe toét chỉ còn vài chiếc răng của các bà cụ trông càng rạng rỡ là món quà quý nhất mà họ có, và sẵn sàng trao cho chúng tôi một cách không thẹn thùng. Anh em chúng tôi cũng đáp lại bằng thái độ trân trọng trong cách ăn bận tươm tất và vui vẻ trong việc phục vụ.

Đến trại phong, có dịp cho chúng tôi được trở thành những “model designer” – những nhà tạo mẫu tóc nghiệp dư trong vài tiếng ngắn ngủi với yêu cầu đa dạng của các “khách hàng”: nào là cắt ngắn, tỉa sơ, cắt sát, hay cạo đầu cho... mát cho đỡ ngứa mà không thể gãi được. Thêm vào đó, các “thượng khách” còn tha thiết yêu cầu chúng tôi “khuyến mãi” những việc nhỏ khác như nhổ lông mi quặp làm xốn xang đôi mắt mà không biết cách nào để giụi hay lượm giùm đồ vật rơi dưới đất v.v... Tất cả đều được chúng tôi đáp ứng cách trân quý. Vừa cắt tóc, chúng tôi vừa tếu táo bắt chuyện để góp thêm niềm vui cho các khách VIP, qua đó cũng biết thêm nhiều hoàn cảnh, học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm từ những người từng trải với đời và học cách giao tiếp với nhiều người trong xã hội với những tính cách khác nhau; biết cả những phong tục, văn hóa từ những đồng bào dân tộc anh em hay những người Việt gốc các nước Đông Dương đang ngụ tại đây.

Một sự kiện được xem gây đậm dấu ấn trong tôi nhất, là sau khi hoàn thành kiểu tóc cho một bà cụ, bà cảm ơn tôi, hỏi thăm nào là tên tuổi, nơi chôn nhau cắt rốn... Và khi biết là người đồng hương, trông bà mừng ra mặt. Dường như từ lâu, con cái đã “lười” đến thăm bà; và cũng không biết từ lúc nào, con cái sợ bà lây nhiễm cho những đứa con của họ, họ cũng e ngại sự hiện diện của bà trong gia đình làm cản trở cuộc sống mưu sinh của con cháu. Còn bà, với mặc cảm khi ra đi đầy đủ tứ chi, giờ thì bị mất một phần thân thể nên cũng không muốn quay về nữa. Đối với bà, đây là nơi an toàn nhất để “giấu thân” như chàng thi sĩ họ Hàn, là “thiên đường” của bà nơi trần thế, nơi bà thấy được tình thương không những từ những người cùng cảnh ngộ mà còn đặc biệt từ các xơ, các thầy dòng và chủng sinh... đều đặn thăm hỏi và chăm sóc bà cùng những người chung quanh. Bà và những “cư dân trại phong” xem những người này như là sứ giả của Chúa gởi tới, những nam thanh nữ tú lành lặn và trẻ trung với tinh thần đầy nhiệt huyết. Họ phục vụ cách không quản ngại như thể họ đã có “kháng thể” với vi trùng lao, vi trùng cùi.

Từ đôi mắt đã bị kéo mây khiến bà không nhìn rõ được bóng người, nhưng dòng nước mắt không biết từ lúc nào lại lăn dài trên đôi gò má đã nhiều nếp nhăn của bà. Rồi bà nói tiếp: “Các xơ, các thầy là những ‘thiên thần của Chúa”. Với những gì còn lại của hai cánh tay mà giờ đây chỉ còn hai khuỷu tay trơ ra, bà nắm lấy bàn tay tôi xoa xoa. Hành động của bà dù không kèm theo lời nói nào, nhưng với trực giác và xúc giác của mình, dường như tôi đọc được từ đáy lòng bà cụ như muốn nhắn nhủ: “Hãy trân trọng đôi bàn tay quý giá mà Đấng Tạo Hoá ban cho và sử dụng chúng sinh ích vào những mục đích tốt”. Lúc đó, bất chợt tôi nhớ đến những dòng nhạc được nhạc sĩ Xuân Tưởng dệt nên trong bài “Lời Thiêng”: “Bàn tay con nâng lên cao, dâng Chúa hết những ý nghĩ, dâng Chúa trót xác thân con…”

Tôi xin dâng lên Chúa đôi tay này của anh em chúng tôi và của những người bước theo con đường dâng hiến, xin Chúa thánh hóa những người được Chúa gọi, xin Chúa hành động trong mỗi người chúng tôi, cho chúng tôi trở thành khí cụ mà Chúa muốn dùng theo ý Ngài. Và lúc đó, tôi càng biết phó thác hơn khi “... tương lai còn dài Chúa dắt con đi sợ gì những nỗi gian nguy.”

Mã số: 16-037
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 4.