Con sói rừng (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1576 | Cập nhật lần cuối: 5/9/2016 10:54:31 PM | RSS

Trong cái ngột ngạt vì khói của căn nhà nhỏ nằm dưới triền đồi, lão thầy cúng vẫn không ngớt lâm râm những câu thần chú. Lão trùm tấm khăn mỏng lên người, tay cầm lục lạc, ngồi trên một cái ghế gỗ. Lão vừa rung lục lạc vừa đọc thần chú rồi đứng lên ngồi xuống như kiểu người ta phi ngựa. Mặc cho người bệnh nằm trên giường vật vã vì đau đớn.

Người bệnh là Ma Dua, vợ của K’tuh con trai già làng K’mia. Chiều nay đi làm về thấy trong đầu như có muôn vàn con kiến thi nhau cắn. Ma Dua ôm lấy đầu kêu chồng:

- K’tuh, tao bị con ma nó nhập vào đầu rồi, tao đau lắm.

- Mày vào nhà nằm đi, để tao đi kêu thầy Ya coh vào bắt con ma cho mày.

Nói thế rồi K’tuh chạy vội qua con suối, đi dọc theo bìa rừng, sang làng bên, đến nhà thầy Ya coh. Khi thầy Ya coh đến nhà thì Ma Dua đang nằm mê man.

Ông thầy cúng bắt tay vào nghề. Lão rên, lão gầm gừ, lão cười lên nghe thật là ma quái. Chốc chốc lão lại chui ra khỏi tấm khăn mỏng để uống ngụm nước. K’tuh vội hỏi:

- Đã bắt được con ma chưa?

- Tao đang phi ngựa, gần kịp nó rồi, lúc nào kịp thì mới bắt được nó. Nói rồi lão lại chui vào tấm khăn mỏng tiếp tục công việc đuổi bắt con ma.

Thấy vợ đau đớn. Trong lòng K’tuh nóng như lửa đốt, nhưng không biết phải làm sao.

Con sói rừng (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)Vợ chồng cưới nhau được hai năm mà chưa có mụn con nào, hai người buồn lắm. Dân làng cho rằng Ma Dua bị con ma nó nhập nên không có con. Hai người dắt nhau đi khỏi làng vào tận trong rừng để sống. Bốn con chó săn là những con vật trung thành nhất đi theo vợ chồng K’tuh. Mỗi bước chân của hai vợ chồng trên nương trên rẫy, trong rừng sâu, dưới khe suối, trên ngọn đồi đều in theo dấu chân của bốn chú chó. Người và vật sống gắn bó với nhau thật khăng khít. Cuộc sống tuy vất vả nhưng hai người cảm thấy hạnh phúc bên nhau. Nhờ bàn tay khéo léo, hai vợ chồng đã tạo cho mình được một cuộc sống khá ổn định nơi mà họ tìm đến.

Hôm nay tự dưng Ma Dua lại ôm đầu kêu đau làm K’tuh lo lắng lắm. Đã khuya rồi mà thầy Ya coh vẫn chưa bắt được con ma. Lòng nóng như lửa đốt, K’tuh nhớ lại lời mấy người trong làng lúc trước có nói đến một ông cha đạo chỉ dùng mấy viên bột màu trắng có thể bắt được con ma ngay tức khắc. Nhưng để đến được nơi cha đạo phải đi vòng qua ngọn đồi, vượt qua con suối cạn, đi qua buôn làng Tou Néh thì mới tới nhà ông cha.

Thương vợ, nhưng còn sợ đường xa, K’tuh phân vân không biết có nên cõng vợ đi tới gặp cha đạo hay không. Đi tới đi lui một hồi, K’tuh quyết định cõng vợ đi gặp cha đạo. Mặc cho lão thầy cúng đang rung lục lạc mải mê đuổi ngựa để bắt ma. K’tuh vực vợ dậy rồi cõng lên lưng mà đi. Ma Dua đã mệt lả đi vì cơn sốt.

Đường lên dốc xuống ghềnh thật vất vả, nhờ có ánh trăng đêm soi bước, K’tuh cõng vợ trên lưng mà chạy, anh sợ con ma nó bắt vợ anh.

Trời sáng thì K’tuh đến được nơi cha đạo đang ở. Trong ngôi nhà nguyện nhỏ vọng lên lời kinh trầm ấm. Khẽ đặt vợ ngồi xuống trên bậc cửa, rón rén bước vào với hơi thở hổn hển vì mệt, K’tuh lên tiếng:

- Ơ Ama, Ama giúp mình với.

Thấy có người gọi, cha cố quay lại. bỏ sách kinh xuống rồi bước vội ra ngoài.

- Ama, vợ mình bị con ma nó nhập vào đầu, Ama bắt nó dùm mình với.- Vừa nói, K’tuh vừa chỉ tay vào vợ.

- Anh ở đâu tới?- Cha cố hỏi.

- Ở Đaquyn, bên kia cánh rừng.

- Anh làm sao mà đem vợ anh sang đây được?

- Mình cõng nó đi từ lúc khuya... giờ mới tới nơi.

Khẽ nhún vai tỏ lòng kính phục, cha cố bảo:

- Anh cõng chị vào trong kia nhé... chỗ căn nhà nhỏ đó.- Vừa nói, cha cố vừa chỉ tay vào căn phòng phát thuốc ở cuối nhà nguyện.

K’tuh cõng Ma Dua vào phòng thuốc, cha cố bước lại gần, cha ngồi xuống chiếc ghế nhỏ, nắm tay bắt mạch. Khẻ mỉm cười, cha cố nói:

- Vợ anh bị sốt nặng... nhưng không sao đâu... không có con ma nào đâu... chắc vợ anh đi làm ngoài nắng... về lại tắm nước lạnh nên bị sốt thôi. Tôi cho vợ anh uống thuốc là sẽ khỏi ngay.

- Thế không phải con ma nó nhập vào đầu nó hả Ama?

- Không có con ma nào đâu... đây chỉ là bị sốt thôi.- Cha cố ôn tồn trả lời.

Cho Ma Dua uống xong liều thuốc, cha cố kêu K’tuh để cho Ma Dua nằm đó một chút là sẽ bớt sốt. Rồi kéo tay K’tuh ra ngoài, cha cố hỏi:

- Thế anh tên gì?

- Mình tên là K’tuh Ama ạ!

- Thế ở chỗ anh ở có đông người không?

- Đông lắm Ama… nhưng mà nhà mình thì ở trong rừng.

- Thế anh có thể dẫn tôi vào đó được không?

- Được chứ Ama.

- Vậy chiều nay tôi sẽ đi vào đó với anh nhé.

- Mình sẽ dẫn Ama vào... Ama đã chữa cho vợ mình khỏi con ma sốt mà.

- Không phải con ma đâu... đó là bệnh sốt thôi.

- Vâng... người làng mình từ xưa tới giờ cứ nói đó là con ma.

- Ừ... từ nay anh phải gọi đó là bệnh sốt thôi.

- Mình biết rồi Ama.

Chiều hôm đó, cha cố đã dùng xe máy của mình mà chở hai vợ chồng K’tuh về nhà. Cuộc đời cha cố gắn liền với cánh đồng truyền giáo, cha đi khắp nơi đến với những anh em người thượng, đặc biệt là người đồng bào Churu.

Cha sống với họ để hiểu được phong tục tập quán của họ, từ đó dần dần cho họ biết đến một Thiên Chúa là Đấng đầy lòng yêu thương, thay vì họ chỉ biết đến Yàng là vị thần mà bấy lâu họ tôn thờ nhưng không biết là ai.

Cha dạy họ biết canh tác theo kiểu định canh định cư thay vì họ canh tác du canh du cư khiến biết bao nhiêu mảnh rừng bị đốt hạ sau đó lại bỏ hoang. Cha cho họ biết tầm quan trọng của thiên nhiên trong đời sống con người, dạy họ biết phải bảo vệ rừng, đừng cho ai chặt phá, vì rừng là lá phổi đem lại không khí trong lành cho con người.

Nắm được vai trò quan trọng của già làng, cha cố tìm cách tạo mối quan hệ thân tình với già làng ngay lúc cha mới đến. K’tuh dẫn cha cố đến nhà bố mình là già làng K’mia, nơi đó cha đã ở lại để bắt đầu công việc truyền giáo. Cứ sáng đi chiều về, cha đến sống với họ, làm việc với họ, ăn uống với họ và nói cho họ biết Yàng chính là Thiên Chúa.

Cuộc sống và gương lành của cha đã khiến cho già làng K’mia cảm phục, từ đó ông đã kêu gọi buôn làng trong xã Đaquyn trở lại tôn thờ Thiên Chúa, từ bỏ hết mọi tập tục mê tín dị đoan trong văn hoá đã chế ngự niềm tin của họ suốt bao đời.

Thế nhưng thầy cúng Ya coh thì không trở lại, lão giận cha cố vì đã làm mất nồi cơm của lão. Lão tìm cách để hại cha cố và khiến buôn làng trở về với niềm tin từ xa xưa của họ.

Lão đi khắp buôn làng để doạ dẫm buôn làng là sẽ bị con ma đói về bắt vì không cúng tế. Dân làng nghe lão nói cũng sợ, vì trong tiềm thức của họ đã gắn liền với nổi sợ con ma từ bao đời, làm sao có thể mất đi một sớm một chiều.

Cha cố biết được đều đó nên đã trấn an buôn làng, cha nói cho họ biết là không có con ma đói, việc đói kém là do con người không chịu làm việc thôi. Thế rồi cha dạy họ cách trồng hoa màu, cày cấy, trồng cà phê, bỏ đi cây cần sa là thứ làm cho con người ra mụ mẫm, lười nhác. Từ đó cuộc sống của họ dần được cải thiện.

Mấy đêm nay, K’tuh nghe thấy có rất nhiều xe vào chở gỗ trong cánh rừng Đaquyn. Đêm về, tiếng máy xẻ gỗ rền vang cả một góc rừng, cứ mở mắt ra là K’tuh lại tưởng như mình đang ở nơi đâu khác vì cánh rừng phía trước đã trở nên trơ trọc. K’tuh đau lòng lắm vì xót xa cho những cây sao, cây lim, cây lát hoa, to lớn từng là biểu tượng của thần rừng đối với buôn làng. Cha cố đã kêu gọi mọi người trong buôn không được đốt phá rừng, vì rừng là lá phổi cho con người, thế mà những con người này từ đâu đến lại phá đi cái sự sống của họ.

Ngày hôm đó, khi màn đêm buông xuống, thì từng đoàn xe chở bọn lâm tặc vào để đốn gỗ. Lúc bọn chúng đi qua cổng rừng thì gặp phải ánh đuốc sáng rực của thanh niên trong buôn từ trong rừng tiến tới, đi đầu là già làng K’mia, tay chống gậy, đôi mắt rực sáng vì giận dữ, ông cất giọng vang rền:

- Rừng này là của chúng ta... sao người kinh lại vào phá đi. Chúng ta không cho người kinh phá nữa đâu... đi về đi.

Một tên trong bọn bước xuống, hình như là tên cầm đầu, hắn tươi cười nói:

- Rừng này của chung mọi người... không phải của ông... bọn này muốn chặt để trồng thứ khác... ông già đừng có làm như vậy... bọn này có nhiều muối và cá lắm.... ông già về đi cho bọn này cắt gỗ.... ngày mai sẽ mang muối và cá đến cho cả làng.

- Chúng ta không cần muối và cá... chúng ta có đủ hết... Ama Nguyên dặn chúng ta không được phá rừng... vì rừng nuôi sống chúng ta... người kinh vào chặt phá… chúng ta không cho.

- Ama Nguyên là ai?

- Là cha đạo của chúng ta.

Nhận thấy những gương mặt của trai làng không có chút gì là lo sợ dưới ánh đuốc lập loè, tên cầm đầu có ý rút lui để về thương lượng với người gọi là Ama Nguyên, nhưng tên đàn em của hắn nói gì đó vào tai nên hắn lại nói với già làng:

- Ông già để cho bọn này đi qua... nếu không đừng trách bọn này không nể mặt.

Nói rồi hắn kêu đàn em tập trung lại khoảng hai chục tên, tay cầm mả tấu đầy vẻ đe doạ.

Đôi mắt già làng K’mia quắc lên giận dữ. Những thanh niên người Churu vẫn đứng yên không chút sợ hãi, tay cầm chắc ngọn đuốc sáng.

Thấy dụ dỗ không được, tên cầm đầu hất tay ra hiệu cho bọn đàn em xông lên. Bỗng từ trong rừng tiếng chó tru lên nghe thật khủng khiếp.

Hú..u..u..u... Hú...u...u..u... Hú....Hú...u...u..u… Khi tiếng chó vừa dứt thì K’tuh xuất hiện, theo sau anh là bốn con vật yêu quý, tám con mắt rực lửa nhìn vào những kẻ đang lăm lăm vũ khí trên tay khiến chúng phải lui lại. Bốn con chó lại tru lên một hồi nữa. Hú..u..u..u.... Hú...u...u..u...Hú....Hú...u...u..u… Trong lúc kẻ thù đang run sợ thì bốn con chó lao lên, gầm gừ khiến cho bọn chúng phải quay người chạy. Nhìn bọn chúng nổ máy xe chạy tán loạn mọi người đều cười ồ lên.

Kể từ hôm đó, không còn thấy bọn lâm tặc bén mảng tới nữa.

Bọn lâm tặc nhiều lần đến mua chuộc cha cố, nhưng cha đã từ chối một cách thẳng thừng. cha nói vói họ:

- Rừng của nhà nước... Nhà nước kêu gọi người dân cộng tác bảo vệ thì họ bảo vệ... chứ tôi không liên quan gì cả.

Nhận thấy không mua chuộc được cha, bọn lâm tặc quyết tâm tìm cách hãm hại.

Trong cái lạnh se nhẹ của buổi chiều Tây Nguyên, làn sương mỏng quyện với khói từ những chái bếp của buôn làng bốc lên, cha cố cho xe chạy từ từ trên con đường mòn dẫn ra khỏi buôn. Tuổi ngoài lục tuần nhưng cha vẫn còn khoẻ lắm. Bạn đồng hành với cha là chiếc xe cúp đời tám mốt.

Tên thật của cha là Trần Cao Nguyên, và quả đúng như tên gọi của mình, ba mươi năm trong đời tu trì cha gắn bó bới mảnh đất cao nguyên đầy sương khói. Đặc biệt là hai mươi năm làm linh mục, cha đã sống gắn bó một cách thân tình với anh em người thượng, nhất là người Churu. Mái tóc bạc trắng, khuôn mặt hồng hào khả ái với nụ cười trên môi làm cho cha trở nên dễ gần gũi với bất cứ ai gặp cha lần đầu.

Đang thả hồn theo gió với những suy nghĩ miên man trên con dốc kề triền đồi thì cha giật mình vì chiếc xe như bị giật mạnh lại bởi một sợi dây. Tay lái lảo đảo khiến cha ngã nhào theo chiếc xe vì bị mất lái. Triền đồi cao phải đến ba mươi mét, phía dưới là một con suối đá lởm chớm. Trời đã chạng vạng tối, nhìn thấy cha rơi xuống trong tiếng lào xào của cây và lá, bọn côn đồ vội vàng bỏ đi .

Gió vẫn thổi, sương khói vẫn cuộn theo, tiếng chim lạc bầy kêu lên nghe ai oán, đâu đó tiếng chó tru lên thảm thiết.

Chiếc áo dòng hồi chiều cha mặc để làm phép rửa tội cho một người trong buôn đang gói trong bọc nilon để trên bàn, K’tuh sợ cha không có áo mặc để đọc kinh, trong lòng thấy nóng ruột.

K’tuh mượn con ngựa của bố phi thẳng tới nhà xứ, chạy qua đoạn dốc kề con suối dưới chân đồi, K’tuh thấy cái nón của cha cố vẫn thường đội nằm đó, biết có chuyện chẳng lành xảy đến cho cha, chần chờ giây lát, anh cột ngựa lại rồi lần mò xuống theo con dốc. Khi K’tuh đi tới chỗ đất sụp xuống tạo thành một cái khe nhỏ, cỏ đã mọc che gần kín trên bề mặt nằm ngang phía sau tảng đã lớn anh thấy chiếc xe máy nằm một bên. Nhảy vội xuống, anh nhận ra cha cố đang nằm úp mặt vào vách đất dưới khe.

K’tuh vội vàng vực cha lên trên triền dốc, đặt cha xuống anh nhận ra cha đã rất yếu, máu từ trán cha chảy ra nhiều quá, dường như cha đang muốn nói đều gì đó. K’tuh hiểu ý liên ghé tai vào. Miệng thì thào cha nói:

- Có người hại cha... nhưng đừng làm gì họ... cha tha thứ cho họ... nhớ bảo mọi người hãy giữ đạo cho tốt.... chắc cha không qua khỏi... cha xin phó linh hồn trong tay Chúa....

Nói thế rồi đôi mắt cha dần dần khép lại. Cái lạnh se của màn đêm Tây Nguyên như bị xé toạc bởi tiếng thét của K’tuh. Anh ôm lấy cha mà khóc, đâu đó tiếng chó tru lên từng hồi nghe thật ai oán.

Đám tang cha cố được cử hành một cách giản dị, nhưng đoàn người tiễn đưa cha thật là đông. Nhìn gương mặt của hàng ngàn con người đang dàn dụa nước mắt khóc tiễn người cha già đáng kính của họ mà trời đất như sầu như thảm. Những cơn mưa bất chợt đổ xuống như muốn hoà chung những giọt nước mắt của đoàn người tiễn cha.

Cũng trong ngày đó, một phép lạ đã xảy đến cách riêng với thầy cúng Ya coh. Người ta không hiểu nguyên cớ gì mà ông đã khóc vật vã bên ngôi mộ của cha cố vừa mới đắp.

Thầy cúng Ya coh trở lại đạo là một phép lạ hiển nhiên mà người ta nhận thấy trong cái chết của cha cố. Nhiều người đã trở lại đạo từ sự trở lại của thầy cúng Ya coh.

Cái chết oan khuất của cha cố đã bị những kẻ có tiền trong hàng ngũ bọn lâm tặc dìm đi trước pháp luật. Người ta chỉ biết đó là một vụ tai nạn mà thôi.

Sau cái chết của cha, bọn lâm tặc lại kéo vào để phá rừng, nhưng khi tới cổng rừng thì tiếng tru rùng rợn của những con chó khiến chúng phải lui lại. Trong bóng đêm mờ ảo, bọn chúng thấy một người đứng hiên ngang trên đống đá nơi cổng rừng, chung quanh anh là bốn con chó với đôi mắt rực lửa.

Kể từ đó bọn lâm tặc truyền nhau câu nói “sói rừng K’tuh” khiến cho những kẻ khác muốn vào phá rừng đều phải sợ.

Mã số: 16-063
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 6