Đạo làm dâu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1494 | Cập nhật lần cuối: 8/6/2015 3:18:30 PM | RSS

Ngày chị lên xe hoa, mẹ ốm liệt giường không dậy được. Nhà chồng chị vừa trải qua một sự kiện buồn, lẽ ra ngày cưới hoãn lại nhưng vì lý lẽ “bán sầu mua vui” của hai họ mà hôn lễ vẫn được cử hành. Mẹ đã tất bật tiếp khách, lo lắng, thương tủi con gái quá nhiều đến kiệt sức. Thế là ước mong chụp một tấm hình với mẹ trong ngày lễ hạnh phúc nhất cuộc đời chị đã không thể thực hiện. Chị không dám khóc, không dám buồn sợ mẹ chạnh lòng. Trang điểm, váy áo, hoa cài đầu, môi cười, mắt cười. Chị bước vào buồng thỏ thẻ bên tai mẹ:

- Mẹ! Đừng lo cho con gái, con sẽ không bao giờ chối bỏ Niềm Tin vào Thiên Chúa mà ông bà, ba mẹ đã dạy con từ thủa bé. Con yêu Kiên và con cũng sẽ khiến Kiên yêu Chúa. Có điều mẹ hãy cho con thời gian...

Cô dì chú bác đứng quanh giường động viên: “Con gái vui thế còn gì, sao phải buồn?”. Mẹ cầm tay chị, miệng cười mà nước mắt vòng quanh:

- Các chị không biết đấy thôi, con bé này nhà em tính nó rắn rỏi, miệng cười tươi thế, nhưng nước mắt chảy vào trong. Em lo là lo nó lấy chồng xa vất vả, mà về bên đó, họ không cùng tôn giáo, một thân một mình, giữ đạo làm dâu đã khó, liệu nó có giữ trọn đạo làm con Chúa? Rồi khi có con cái nữa, ai lo dạy dỗ chúng?

Trái tim chị nhói đau. “Ôi mẹ ! Lúc nào mẹ cũng kín kẽ, bao bọc che chở, chỉ sợ người khác nghĩ sai về con của mình, chỉ sợ con cháu không giữ trọn đạo nghĩa bao đời để lại”. Chị hoa cười nắng đẹp nhưng lòng như có cơn bão vừa đi qua. Lúc yêu Kiên chị quyết tâm, mạnh mẽ bao nhiêu thì ngày cưới lại ngổn ngang, âu lo bấy nhiêu. Chị không giấu được mẹ. Câu nói của mẹ khiến chị vội quay đi, vì sợ không kìm được cơn nức nở.

Khi còn nhỏ, chị vốn không được khỏe mạnh, suốt ngày ốm đau quặt quẹo, theo ba hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, những buổi trưa trời nắng như đổ lửa, mẹ vác cuốc tha thẩn khắp các sườn đồi, bãi hoang để kiếm rễ cỏ tranh, bông mã đề, dâu ngô…về sao sao, cắt cắt, ủ ủ bịch to, bịch nhỏ để dành cho chị uống. Nhưng căn bệnh ho gà của chị không giảm mà còn nặng hơn. Tối nào chị cũng thấy mẹ ngồi trước bàn thờ lẩm nhẩm đọc kinh. Chính mẹ đã chọn cho Thánh nữ Teresa làm bổn mạng cho chị vì một người bạn của mẹ đã tặng mẹ cuốn sách Một Tâm Hồn. Và mẹ đã say mê đọc nó. Có lần mẹ còn nói, nếu Chúa muốn, mẹ mong ước dâng chị cho Chúa.

Năm ấy, chạy chữa cho chị không được, mẹ nghe người ta nói đến Lòng Chúa Thương Xót ở nhà thờ Chí Hòa. Mẹ lại khăn gói, bồng bế chị lên Sài Gòn với niềm tin đơn sơ của một giáo dân quê mùa trộn lẫn với tấm lòng bao la của người mẹ. Chuyện chị khỏi bệnh giống như một phép lạ nhãn tiền mà không mấy ai hiểu được.

Đạo làm dâuNăm tháng thoi đưa, càng lớn chị càng như một bản sao từ mẹ. Rồi chị lên thành phố học, mỗi lần về quê, các bác trạc tuổi mẹ cười cười: “Ngày xưa mẹ con là hoa khôi đấy, bao người xóm trên nhòm ngó, nhưng mẹ không thích lấy chồng bên lương vì mẹ sợ mất đạo”. Câu nói xa gần ấy như chạm phải nỗi băn khoăn trong lòng người thiếu nữ 19. Mẹ chị lấy ba không phải vì ba đẹp trai hay tài giỏi nhưng mẹ thích ba vì cái chất hiền từ và đạo đức vốn có của một ông thầy tu. Ông từng là tu sinh dòng Phanxico, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn và gánh nặng gia đình trên vai người anh cả quá lớn nên ba đành phải hy sinh ước mơ. Ba lo cho cô Tư xong thì gặp mẹ. Và chị có mặt trên đời với cái tên: Têrêsa Nguyễn Trần Đỗ Quyên.

Chị quen Kiên khi năm hai đại học. Anh không có đạo nhưng chân thành và giản dị. Anh chưa biết Chúa nhưng yêu chị anh hứa sẽ tìm hiểu về Đạo Chúa. Ba mẹ gàn chuyện yêu đương của chị vì nghĩ rằng khi yêu thì có điều gì mà người ta không thể thề hứa nhưng rồi sau đó thì lại thất hứa thật nhanh. Chị hiểu nỗi lo của ba mẹ nhưng chị yêu Kiên và anh cũng vậy.

Kiên đã không thất hứa, khi mỗi chiều Chúa Nhật anh lại lẽo đẽo chở chị qua nhà thờ Thánh Tâm dự lễ. Chị hay chọn hàng ghế cuối nhà thờ vì sợ anh ngượng ngùng và lạc lõng với những nghi thức mà chị và mọi người làm. Anh kiên nhẫn nghe chị giải thích về Dấu Thánh Giá, về Màu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chị cố nghĩ ra đủ mọi cách để cảm hóa tâm hồn Kiên. Mỗi lần đi sinh hoạt nhóm sinh viên Công giáo chị lại lôi anh đi cùng, chị mua sách cho Kiên đọc, những cuốn sách viết về những câu chuyện đời thường như Viết cho em, Sỏi đá nở hoa… Chị tải cho anh những bài hát Công giáo nhẹ nhàng mà sâu sắc về cuộc sống… Lần đầu tiên anh khen và nói thích bài hát Làm Dấu của Phan Đình Tùng. Chị mừng như đứa học trò được điểm 10. Chị biết nói về Chúa cho một người chưa biết gì về Ngài chỉ như muối bỏ biển Đông. Những ngày đầu anh khó hiểu và nản không muôn đến nhà thờ nữa. Những lúc ấy chị chỉ biết cầu nguyện. Vì tự sâu thẳm chị hiểu rằng: Chúa mới là tác nhân chính làm thay đổi cách nhìn phiến diện của Kiên về thứ tôn giáo mà người anh yêu đang theo. Chị là cộng tác viên. Phần Kiên, anh yêu chị và anh không muốn đánh đổi chị chỉ vì những bất đồng tôn giáo. Ba mẹ anh cũng nghĩ thoáng vì cho rằng tôn giáo là quyền tự do của con người, hai bác không ép buộc chị và Kiên.

Nhưng khó khăn hơn cả là ba mẹ chị phản đối ngay từ khi chị thưa chuyện yêu Kiên. Một phần vì ba mẹ không muốn gả con gái quá xa. Mặt khác mẹ chị lo xa:

“Con gái tại gia thì tòng phụ, xuất giá thì tòng phu, phu tử thì tòng tử… Bố mẹ lo rằng khi “thuyền theo lái, gái theo chồng” làm sao con có thể giữ đạo nổi khi thằng Kiên là con út trong một gia đình lương dân. Bao nhiêu đứa con gái trong làng này lấy chồng bên lương, không cùng thuyền cùng bến có mấy đứa được hạnh phúc đôi đường ? Như cái Thanh nhà bác Ki, sinh hai đứa rồi mà người ta đâu có cho rửa tội, đi nhà thờ thì mẹ chồng liếc ra, liếc vào… Con phải suy nghĩ thật kỹ rồi mai mốt thuyền đóng ván ba mẹ không thể giúp gì được nữa”.

Trong im lặng, chị hiểu những điều ba mẹ lo lắng, nhưng lý trí chị lại bắt bẻ: “Khi yêu người ta còn vượt qua được cả những hận thù huống chi là những khác biệt về tôn giáo”.

Với cá tính bướng bỉnh từ nhỏ của chị, Ba mẹ biết không thể làm chị từ bỏ ý định kết hôn với Kiên nên đành để hai người tự do qua lại tìm hiểu. Mùa xuân năm ấy, Kiên đã đăng ký lớp giáo lý dự tòng.

Có lần ngồi bên Kiên chị thỏ thẻ :

- Yêu em anh sẽ vất vả hơn những cô gái khác.

- Ngốc! Không được nói vậy, không thì anh sẽ trói em chặt hơn nữa đó.

- Anh phải cùng lúc hiểu Chúa và hiểu cả em. Em biết niềm tin vào Thiên Chúa của em, trong giới hạn về khả năng diễn đạt cũng như những am hiều giáo lý còn hạn chế. Nếu em nói khô khan quá thì anh cũng phải ráng nghe nhé! Ai bảo anh yêu con chiên của Chúa ? “Thiên Chúa là Tình Yêu”, đó là định nghĩa ngắn gọn nhất, đầy đủ nhất mà người ta hay nói về Ngài. Ngài dựng lên anh, nên em, muôn người và muôn vật. Ngài yêu tất cả nên Ngài cho ta quyền tự do.

- Thiên Chúa có thật không em ? Sự tự do ấy là gì ?

- Chắc chắn là Ngài có thật. Nếu không niềm tin của gia đình em và hàng tỷ người trên thế giới này là trống không, là vô nghĩa hay sao ? Sự tự do em nói là sự tự do để lựa chọn. Ngay cả việc lựa chọn Ngài… Em nhớ hồi học phổ thông em rất thích môn hóa học. Anh cũng thừa biết là H2O được cấu tạo từ hai nguyên tử H2và O2. Trong O2 lại có điện tích dương (Proton) và điện tích âm (Electron). Chẳng ai nhìn thấy chúng tại sao ta vẫn tin là có chúng trong nước ? Thiên Chúa cũng vậy ! Ngài luôn hiện hữu nhưng không ai nhìn thấy hình dáng Ngài. Anh chỉ thấy Ngài khi có “con mắt đức tin”.

- Là sao ?

Chị mỉm cười, dù chẳng biết Kiên có hiểu được những lời chị diễn đạt hay không? Chỉ thấy anh trầm ngâm rồi nói:

- Tin nghĩa là chấp nhận cả những khi anh không được “thấy tận mắt, bắt tận tay” đúng không ?

- Anh tiến bộ hơn em tưởng.- Chị nói tiếp vì chị biết Kiên là người kiên nhẫn và có thiện chí.

- Không phải những gì em tin được chứng minh một cách khoa học cũng không phải niềm tin ấy có lợi cho những người theo đạo mà vì: Đạo Thiên Chúa giáo có một lịch sử lâu dài, có những sử liệu bất khả kháng (Sách Cựu ước, Tân ước…). Lời Chúa được truyền đạt thông qua những nhân vật có uy tín như các ngôn sứ, các tiên tri. Lời đó được xác thực hóa qua thời gian.

Chị lôi ra cuốn Tân ước nhỏ và mở tới trang 290 câu 18 rồi đọc: “Thiên Chúa chưa bao giờ có ai thấy cả nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng có nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người sẽ tỏ cho chúng ta biết” (Ga1,18). Con người vĩ đại ấy là Chúa Giêsu – là chính Thiên Chúa xuống thế làm người. Ngài đã được sinh ra, sống như bao người rồi chết đi và phục sinh trong vinh quang. Để hiểu tại sao Ngài phải hạ cố để làm những điều đó hôm nay anh phải đọc hết chỗ em đánh dấu này nha!

- Đồng ý, vì em…- Kiên dí dí ngón tay lên trán chị âu yếm.

Chị chỉ tay lên bầu trời và nói:

- Đố anh biết trên bầu trời có gì ?

- Màu đen và những ngôi sao.

- Chưa chắc, nhiều hơn thế ?- Chị tủm tỉm cười.- Nhà bác học Newton bảo là : “Tôi đã nhìn thấy Chúa đi qua ống kính viễn vọng của tôi”. Vũ trụ này là một sáng tạo kỳ diệu của Chúa… Anh tin không ?

- Điều đó còn tùy ở cô giáo của anh nữa…

- Vậy là em được khảo bài bất cứ lúc nào…

Họ ngoắc tay nhau như hai đứa trẻ thề hứa một điều gì quan trọng…

Và cuối cùng cũng qua 6 tháng để Kiên theo học lớp giáo lý dự tòng tại một nhà thờ gần chỗ làm của chị. Suốt thời gian ấy chị vừa là người yêu và vừa là giáo lý viên của Kiên.

Ngày chị theo chồng, tiễn con ra xe, chỉ có ba dặn dò chúc phúc: “Cố gắng sống tốt phận làm dâu nhé con! Khi nào không biết xoay xở thì hãy cầu nguyện, Chúa sẽ giúp con”. Chị ngoái nhìn bàn thờ có hình gia đình Thánh Gia và mấy cây nến đang chảy nhòe nhoẹt, thầm nhủ : “Lạy Chúa, xin ở bên chúng con mọi bước đường.” Chị nhìn lại ngôi nhà thân thương của mình, ngoái nơi tuổi thơ đã neo đậu, nghĩ đến những buổi tối cả nhà quây quần đọc kinh, nhớ những mùa Dâng Hoa tháng năm ríu rít cùng lũ bạn quanh xóm… Nhớ những bản thánh ca du dương mà một thời chị đã từng hát. Từng giọt nước mắt rơi chầm chậm tựa tiếng chuông chiều xa xăm rơi vào khoảng không trống rỗng.

Đám cưới xong, hai vợ chồng chị lên thành phố làm. Hai năm sau ngày cưới, ba chồng chị mất. Trong đám tang, mọi nghi thức vẫn được làm như tục lệ của đàng nhà chồng. Khói hương nghi ngút, cúng vái, gọi hồn, trống kèn suốt ba ngày, … Đêm về, chỉ mình chị lẩm nhẩm những lời kinh cầu nguyện cho linh hồn ba chồng dù ông không là một Ki-tô hữu. Bổn phận làm con chị vẫn muốn sống trọn và chị tin Chúa sẽ cứu rỗi cả những linh hồn lương thiện. Lo tang cho ba xong, mấy chị em bàn bạc xem ai sẽ về ở với mẹ. Vì lâu nay, ba mẹ chồng chị vẫn ở một mình.

Các anh chị đều có cơ ngơi riêng. Chị cả ở vậy nuôi con, khi chồng chị tai nạn mất bẩy năm về trước, một mình chị đi làm thuê nuôi hai đứa con ăn học ở Sài Gòn. Người về ở với mẹ đương nhiên không phải là chị. Anh Tú-người khá giả nhất nhà làm công an ở một huyện cách xa nhà 60 km, vợ anh có một tiệm vải khá lớn. Anh nói : “Vợ chồng anh bận làm ăn không thể về được đâu”. Vợ chồng anh Quang thì đang làm công nhân ở khu công nghiệp Sóng Thần. Chị nói : “Vợ chồng em mà về với mẹ thì đói nhăn răng, giờ chỉ còn vợ chồng chú Kiên. Chú là con út liệu mà về ở với Mẹ.”

Mấy chị em đẩy tới đẩy lui, ai cũng có lý do. Ngồi nghe họ nạnh hẹ. Chị thấy chạnh lòng cho cả người còn lẫn người đã khuất.

Kiên xua tay : “Thôi thôi! Ba mới mất, mấy chị em mình như vậy, ba không vui đâu. Mẹ nghe được cũng buồn. Để vợ chồng em tính”.

Rồi vợ chồng chị về với mẹ. Kiên phải chuyển sang một chi nhánh của công ty xây dựng khác gần nhà. Còn chị nhờ chỗ quen biết xin về dạy ở một ngôi trường cấp II trong xã. Từ ngày vợ chồng chị về mẹ vui hẳn. Ngày hai bữa, chị nấu đủ hai món canh và kho mà mẹ thích. Mẹ ho vài tiếng, chị liền chưng tắc với đường phèn. Tối nào chị cũng xoa bóp, đấm lưng cho mẹ chồng như thói quen khi còn ở nhà. Chị để dành được ít tiền, thuê người đổ đất xốp, sửa lại mảnh vườn nhỏ, rồi chị trồng thêm bầu bí, đậu bắp và đủ các loại rau… Mẹ có chỗ lui ra, lui vào cũng bớt buồn mỗi khi vợ chồng chị vắng nhà.

Mẹ gặp ai cũng khoe: “Con dâu tôi là con nhà có Đạo nên nó khác lắm, không giống như mấy đứa lớn. Ở với con dâu là sướng nhất, nó hiểu ý mình hơn con gái”.

Rồi thời gian cứ thế trôi đi mải miết, chị luôn cố gắng sống ngoan hiền và đúng mực. Ngày mới về, mấy chị dâu bỉu môi bình phẩm: “Cô em dâu có đạo, nhiều nghi thức phiền phức…”.

Chị vẫn an nhiên đi qua những lời ra tiếng vào ấy vì chị biết chỉ có thời gian mới giúp chị sống chứng tá cho Chúa giữa gia đình và họ hàng đằng chồng.

Chiều cuối tuần, gió mùa về sớm. Hôm nay, Kiên đến đón chị sớm hơn mọi ngày. Anh nói muốn chở chị đi lễ. Lâu nay hai vợ chồng bận bịu tối ngày, anh áy náy vì thấy thiếu sót với vợ và hơn nữa anh cũng là một Ki-tô hữu kia mà. Trên con đường tới trung tâm thị xã, chuông nhà thờ bỗng rung lên một hồi : Boong…boong…boong… Trong thánh đường có vài người đến sớm nhưng vẫn ngồi trật tự. Chị kéo Kiên lên sát phía bên trái gian cung thánh, nơi có hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.Chị thỏ thẻ: “Em đã xin khấn Đức Mẹ và Mẹ đã nhậm lời anh ạ!”. Chị kéo nhẹ tay chồng đặt lên bụng mình: “Em có thai rồi, hai tuần…”. Mắt Kiên rưng rưng hạnh phúc. Anh nắm tay chị quỳ xuống. Bóng hai người đổ dài len qua ô cửa dưới vạt nắng chiều còn sót lại vàng thẫm…

Bài dự thi Mã số 15-130

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015, Bản Tin 11