Niềm tin nơi phòng hậu phẫu

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1630 | Cập nhật lần cuối: 5/5/2015 10:31:58 AM | RSS

Niềm tin nơi phòng hậu phẫu

- Hừ... hừ... hừ..., đau quá mẹ ơi!

Tiếng rên rỉ của bệnh nhân làm tôi thức giấc. Tôi ngước mắt nhìn qua ô cửa, xa xa những căn hộ chung cư còn lác đác sáng đèn. Chiếc xe máy rồ ga, rít lên một tiếng lanh lảnh rồi nhanh chóng biến mất, trả lại cho thành phố không gian yên tĩnh, khác hẳn với cái ồn ào náo nhiệt ban ngày. Căn phòng bốn giường bệnh, ba người chăm nuôi chìm trong tĩnh lặng.

- Tí...ít..., Tí...ít... - Máy đo nhịp tim và nồng độ ô-xi của bà cụ Xuân giường bên cạnh bỗng réo lên những tiếng kêu báo động.

Tôi cố gắng dồn sức lực vào đôi tay, chống đỡ cho cái thân nặng nề ngồi dậy:

- Chị Nga, chị Nga ơi! - Tôi gọi con gái cụ Xuân.

Có lẽ chị vừa chợp mắt và thiếp đi vì quá mệt. Chợt nhớ đầu giường có chuông cấp cứu, tôi vội nhoài người lần mò tìm nút bấm. Loáng thoáng vài bóng áo trắng vội vã bước vào phòng, rồi tiến thẳng đến giường bà cụ Xuân.

Từ từ thả mình nằm xuống, tôi thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Thở dốc. Tôi cảm nghiệm rõ cái mệt của bệnh nhân vừa trải qua ca phẫu thuật khá quan trọng. Tiếng máy đo nhịp tim và nồng độ ô-xi dần dần ổn định. Sự tịch mịch lại bao trùm căn phòng trắng sáng, nhưng có vẻ lạnh lẽo và nặng nề. Tôi thấy mình chìm trong cảm giác sóng sánh, bồng bềnh như nằm trên đám bèo dày đặc, theo dòng sông trôi đi, trôi đi mãi.

*

- Linh à, sáng nay em muốn ăn gì? Có cần chị mua giùm không?

Tôi mở choàng đôi mắt, chị Nga đứng ngay bên giường. Gương mặt cởi mở, khác hẳn thái độ dè dặt, xa cách mọi ngày, chị nhìn tôi có phần thân thiện.

- Dạ, chị mua giùm em hộp cháo thịt bằm nhé. Chị đợi em gửi tiền.

- Thôi, cứ mua về rồi tính.... Cảm ơn em đêm qua đã gọi bác sĩ giúp mẹ chị. Chị ngủ mê mệt quá, chẳng biết gì hết, may có em thức giấc. Thôi, em nghỉ đi, chị đi mua đồ ăn, tội nghiệp em nằm viện một mình.

- Không sao đâu chị! Các y tá, điều dưỡng chăm sóc em hai bốn trên hai bốn (24/24) mà; xung quanh còn có các bác, các anh chị người nhà bệnh nhân luôn sẵn sàng giúp đỡ em.

- Ừ, thôi chị đi nhé.

- Cám ơn chị nhiều! - Tôi nhìn theo dáng người nhanh nhảu của chị xa dần và khuất sau cửa kính lờ mờ.

*

- Ngày xưa, xém chút nữa là chị theo Đạo đó Linh ạ. - Chị Nga ngồi bên giường tôi, mắt hướng về phía ô cửa le lói những tía nắng vàng nhạt của một chiều cuối thu, cái nhìn xa xăm như cố nhớ lại thời trẻ trung đầy ước mơ và hoài bão.

- Sao lại như thế hả chị? - Tôi gặng hỏi.

- Ừ, hơn 20 năm về trước, chị đã từng theo học giáo lý dự tòng ở nhà thờ Kỳ Đồng. Tuần cuối cùng, chuẩn bị rửa tội, chị quyết định “bùng”. Các thầy nhờ người tìm chị dữ lắm, nhưng chị đã lặn mất tăm nơi nhà một giáo viên đồng nghiệp.

- Em vẫn chưa hiểu gì hết chị à. Vậy tại sao chị tới lớp giáo lý đó?

- Ngày ấy, chị yêu một người có đạo và quyết định gia nhập để tiến tới hôn nhân. Nhưng đến tuần cuối khóa, hai người trục trặc nên chị đành bỏ dở. Chị nghĩ có lẽ Chúa không gọi mình!

Tôi im lặng, không biết phải nói thế nào, cũng không muốn hỏi thêm về chuyện riêng tư của người khác. Tôi sợ chị buồn.

Nữ y tá và chiếc xe đẩy hướng về phía giường bà cụ Xuân.

– Người ta chích thuốc cho mẹ chị - Vừa nói chị vừa bước đi nhanh chóng.

*

Buổi tối, phòng bệnh nhộn nhịp vì nhiều người thăm hỏi. Câu chuyện rôm rả qua lại phần nào làm ấm lên bầu khí vốn trầm mặc, lành lạnh của phòng hậu phẫu.

Chị Nga vừa ngồi trông cụ Xuân, vừa dướn mắt nhìn màn hình ti-vi treo trên tường. Chương trình "Ơn giời, cậu đây rồi" vừa kết thúc sau tiếng cười rộn rã và những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả.

- Em nằm ở đây một mình có buồn không? - Chị Nga chợt quay lại hỏi tôi.

- Biết làm thế nào được chị! Mới chân ướt chân ráo đến đây lập nghiệp, gia đình và các anh chị đều ở quê, em có báo tin, họ cũng không giúp được gì, còn thêm lo lắng nữa.

- Nếu là em, chắc chị nằm mà khóc quá! Có lẽ em theo đạo nên tin có Chúa giúp đỡ phải không?

- Đúng thế chị ạ. Chị biết đấy, việc làm của một sinh viên mới ra trường chỉ đủ chi trả mấy bữa ăn đạm bạc hằng ngày. Sức khỏe của em sau ca phẫu thuật này cần thời gian mới có thể bình phục, nguy cơ thất nghiệp rình rập sau lưng. Em chẳng có gì ngoài niềm tin vào Chúa quan phòng, luôn nâng đỡ con người lúc ngặt nghèo. À, sau khóa học giáo lý dự tòng ngày xưa, chị có bao giờ tìm hiểu thêm về Đạo nữa không?

- Thú thực với em, mối tình đầu mãi mãi dang dở, chị không còn lòng trí nào để đào sâu hơn. Sau này, thỉnh thoảng chị đọc cuốn Kinh Thánh mà các thầy giới thiệu trong lớp giáo lý hồi đó. Lúc đầu, đọc vài ba trang, chẳng thấy gì hay, nhưng dần dần, càng đọc nhiều chị càng khám phá ý nghĩa thú vị của Kinh Thánh. Chị thích đọc Cựu Ước hơn, vì có nhiều truyện mang tính lịch sử. Chị thích nhất những vần thơ giáo dục chí lý của sách Huấn Ca; chắc là do nghề nghiệp dạy học của chị chăng ?

- Mà Linh này, chị cứ thắc mắc hoài mà không biết hỏi ai. Sách Tân Ước nói tất cả mọi người sẽ sống lại vào ngày sau hết; vậy khi đó trên trái đất này lấy chỗ nào mà đứng cho hết ?

- Chị có nhớ câu chuyện Tân Ước về bảy anh em trong một gia đình cùng lấy một người phụ nữ không? Họ hỏi: Khi sống lại ai là chồng chính thức của phụ nữ ấy? Chúa Giêsu trả lời: Ngày sống lại, sẽ không còn chuyện dựng vợ gả chồng, tất cả chúng ta đều sống như thiên thần; mà thiên thần thì đâu cần nhiều chỗ đứng.

Tôi chẳng biết trả lời thế nào cho phải, đành giải thích đại khái theo cảm nhận riêng của mình.

- À, nhớ rồi, chị đã đọc đoạn đó.

- Mẹ hôm nay sao rồi bác Nga? - Hai em trai của chị hỏi vọng từ phía cửa ra vào.

Chị đứng dậy vội vã đi về phía người thân. Tôi bước ra hành lang, để cho chị một chút không gian gia đình. Về đêm, thành phố như khoác trên mình một bộ áo mới rực rỡ, khác hẳn ban ngày. Ánh đèn điện giăng mắc khắp nơi, lấp lánh tựa giải ngân hà trên bầu trời thu trong ký ức thơ ấu của tôi về một vùng thôn quê yên ả. Sài Gòn về đêm thật đẹp.

*

Sau cơn mưa như trút nước, những con phố Sài Gòn ngập chìm trong biển người từ mọi ngõ ngách hối hả đổ ra đường. Len lỏi hồi lâu tôi mới về được nhà mình. Đang loay hoay xếp chiếc xe thế nào cho gọn, điện thoại trong túi áo kêu "reng", tôi mở máy, một dòng tin nhắn vắn gọn hiện trên màn hình nhỏ : "Chủ Nhật tới chị được rửa tội tại nhà thờ Kỳ Đồng. Em đến tham dự nhé. PN".

Ôi chị Nga, chị Phương Nga! Tôi thốt lên trong ngạc nhiên pha chút phấn khích.

Vậy là chị đã quyết định vào Đạo. Còn nhớ hơn một năm về trước, những ngày tôi nằm viện điều trị sau ca phẫu thuật tuyến ức, tôi và chị tình cờ quen nhau: tôi - một bệnh nhân đơn độc, chị - một giáo viên dạy toán đi chăm sóc mẹ già. Những câu chuyện bên lề, tản mạn đôi ba điều về cuộc sống, về tôn giáo… giúp chúng tôi trở thành bạn bè, nói là chị em có lẽ đúng hơn, vì chị hơn tôi 20 tuổi.

Sáng hôm đó, cầm tờ giấy xuất viện và toa thuốc trên tay, tôi đến chào cụ Xuân và chị. Chúng tôi không còn thời giờ hàn huyên nữa, thay vào đó là những lời cảm ơn, tạm biệt và không quên trao cho nhau địa chỉ, số điện thoại. Một cuộc gặp gỡ tình cờ, rồi quen biết nơi phòng bệnh tưởng chừng dễ qua; nhưng giống như chữ "duyên" mà chị vẫn nói, chúng tôi giữ mối liên hệ và trở thành bạn thân của nhau từ khi nào không rõ.

Cái tin chị gia nhập Đạo dù sao cũng bất ngờ đối với tôi. Hơn hai mươi năm trước, niềm tin đã nhen nhóm nơi tâm hồn chị, rồi nhanh chóng bị vùi dập bởi sự nghiệt ngã của cuộc đời. Khi nghe chị kể về cú sốc tình đầu làm tan vỡ cả niềm tin, tôi không thể nghĩ một ngày nào đó chị sẽ trở thành một Ki-tô hữu. Thực tế diễn ra không như tôi tưởng. Hạt giống nảy mầm bị mắc kẹt giữa bụi gai. Niềm tin của chị ngày đó không thể vượt qua những thách thức cuộc đời và lớn lên như mong ước của nhiều người, nhưng rõ ràng nó không chết. Tôi hồi hộp tự kiểm điểm, phải chăng lúc nào đó trong cuộc đời, mình đã gieo hạt gai để niềm tin nơi ai đó không thể phát triển bình thường; quan trọng hơn mình sẽ phải làm gì để phát quang những bờ bụi, tạo không gian thoáng đãng cho những hạt giống Tin Mừng đang nhen nhóm trong lòng người, ngày đêm nảy mầm dưới tác động ân sủng của Chúa Thánh Thần.

- Reng! Một tin nhắn nữa: "Thánh lễ lúc 8 giờ sáng em nhé".

Trong lòng lâng lâng một niềm vui, tôi muốn gọi cho chị ngay khi đó, nhưng ngần ngại, giờ này, chắc chị cũng vừa đi về, không có thời gian nhiều nên mới nhắn tin, một ngoại lệ trong cách giao tiếp của hai chúng tôi. Trong khi trả lời tin nhắn, những ý tưởng miên man thoáng hiện trong đầu, mình sẽ gọi cho chị sau, phải chuẩn bị quà tặng chị nhân ngày lễ Thanh Tẩy, không biết cái gì đã làm chị quyết định trở lại Đạo…

*

Ngồi như trời trồng trên ghế đá trước tượng đài Đức Mẹ, bên cạnh khuôn viên nhà thờ, không kìm được hai dòng nước mắt, tôi thấy trời đất quay cuồng như bão táp đang ập về.

- Cái gì rồi cũng qua đi em ạ! - Chị Nga siết nhẹ vai tôi vỗ về.

- Nhưng mà... em mất hết rồi chị ạ. Anh ta bỏ đi, cuốn theo tất cả công lao làm việc của em suốt 2 năm qua. Bao hy vọng và niềm tin đều tan biến. Mất hết rồi chị ơi. Không biết rồi em sẽ sống ra sao ?

- Ráng lên em! Chị tin em vẫn còn là một cô bé Linh can đảm như ngày nào. Một thân một mình em trải qua bao nhiêu khó khăn cuộc đời và đã vượt lên tất cả. Chị biết em có nghị lực hơn người. Trong phòng hậu phẫu, chính niềm tin của em, thể hiện qua tinh thần lạc quan và thái độ đón nhận mọi hoàn cảnh làm chị suy nghĩ nhiều. Chị cảm nhận được sức mạnh niềm tin nơi Chúa. Chị cũng muốn có niềm tin như thế trong cuộc đời này. Đó là một trong những lý do khiến chị quyết định xin được rửa tội cách đây hơn một năm. Cứ bình tĩnh, chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách, vì chị tin Chúa luôn đồng hành với em! Hãy biết học cách cảm thông, biết đâu người yêu của em cũng có những ẩn khúc khó nói, nên anh ta bất đắc dĩ mới phải làm thế.

- Em cảm ơn chị nhiều lắm! Bây giờ, em không nghĩ được gì, em chỉ muốn buông xuôi tất cả. Em mất tất cả thật rồi!

- Không, không ai mất tất cả, cũng không ai được tất cả. Em vẫn nói với chị, một cách nôm na là Chúa đóng cửa trước thì Ngài mở cửa sau cho chúng ta đó sao? Chính lúc này, Chúa đang vác em trên vai. Cây Thánh giá năm ngoái em tặng chị trong dịp lễ rửa tội, em còn nhớ không? Chị luôn giữ bên mình. Chị tin rằng Chúa đồng hành và chia sẻ với mình trong mọi vấn đề lớn nhỏ. Những khó khăn, mất mát của em hôm nay, ngày mai Chúa sẽ bù cho cách này cách khác. Ráng lên em! "Dù cha mẹ có bỏ con đi nữa - Thì vẫn còn có Chúa đón nhận con". Thôi, lau nước mắt rồi vào dự lễ, chuẩn bị hát ca nhập lễ rồi.

Chị dìu tôi từng bước chân nặng nề trên những bậc thềm phong rêu tới cửa ngôi giáo đường cổ kính. Câu hát " Xin trời cho sương rơi..." được cất lên từ khi nào không rõ. Hai dòng nước mắt tôi vẫn ứa ra, chảy dài xuống gò má. Tôi nghe giọt nước mắt mặn đắng trên bờ môi. Đứng sát bên chị giữa nhà thờ chặt cứng người, lòng tôi vẫn chùng xuống bởi những khắc khoải, khổ đau… "Hãy thông cảm, vì biết đâu người yêu của em cũng có những ẩn khúc khó nói nên anh ta bất đắc dĩ mới phải làm thế". Hãy tha thứ, tha thứ và tin tưởng có Chúa ở cùng.

Trong cơn bộn bề, tôi đưa tay làm dấu Thánh Giá và đón nhận chúc lành của cha chủ tế. Một cảm giác dịu dàng, ấm áp như chạm vào tâm hồn, lan tỏa trong con người héo hon của tôi.

Chia tay chị, tôi trở về cuộc sống riêng trong căn phòng trọ của mình. Vị đắng cay của mất mát tiếp tục gặm nhấm tâm can. Lời nói đơn sơ xuất phát từ niềm tin của chị lại vang lên, khơi dậy trong tôi lòng can đảm đón nhận thực tế phũ phàng. Chị nói rằng chính thái độ tích cực đón nhận cuộc sống của tôi nơi phòng hậu phẫu, giúp chị nhận ra giá trị của niềm tin mà lẽ ra chị đã có được cách đây hơn hai mươi năm. Điều bất ngờ mà tôi khám phá giờ đây đó là chị, một người mới trở lại Đạo, đang sưởi ấm niềm tin của tôi. Tôi chợt nhận ra: mùa Giáng Sinh đang về.

BÀI DỰ THI Mã số: 15-049

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015, Bản Tin 05