Khi thập tự nở hoa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1570 | Cập nhật lần cuối: 5/4/2015 9:00:43 AM | RSS

Trong thần thoại Hy Lạp, một cô gái tên là Clytie đã yêu thần mặt trời Helios. Từ đó, cô không làm gì ngoài việc ngồi nhìn ngắm cỗ xe ngựa của thần Helios đi qua bầu trời. Sau 9 ngày, cô hoá thân thành một bông hoa hướng dương. Những người hiểu biết vẫn xem hoa hướng dương là biểu tượng của sự hướng thượng cao quý.

* * *

Ngôi nhà hai tầng màu vàng nhạt nằm án ngữ ngay ngã ba. Con đường mới trải bê tông, hai bên rìa chưa kịp đắp đất. Những bụi tre oằn oại trong gió. Gọi là bụi cho hay chứ thực ra mỗi bụi chỉ còn độc mấy cây tre cộc, còi cọc cùng đám măng lổng chổng. Ít tre, con đường thoáng hơn. Đám con gái đi đêm không còn sợ ma nữa.

Gió đầu đông chợt thổi lạnh nổi da gà. Hòa trở về nhà trong tiếng đêm khe khẽ thở. Nhìn lên căn phòng tầng hai vẫn sáng ánh điện, bóng dáng cô em gái đang ngồi bên bàn học. Hòa mở cánh cổng sắt nặng nề. Những chiếc bản lề phát ra tiếng kêu kèn kẹt. Bà Dư thấy động liền đặt thằng nhỏ chưa đầy mười tháng tuổi xuống giường chạy ra ngoài.

- Mày đi đâu mà giờ này mới về, bố mày đi uống rượu về không thấy đâu lại chửi đổng suốt.

- Con đi học hát với học cử điệu và tập văn nghệ về chứ đi đâu.

- Phải liệu về sớm chứ!

- Thế bố con chằng bảo đi đâu thì đi đến mười giờ là phải về. Bây giờ mới chín rưỡi.

- Ừ... thôi kệ mày!

Bà Dư thở dài bước vào nhà. Hòa lững thững theo sau. Vào nhà, Hòa thấy ông Nhu đang nằm dài trên ghế. Ông Nhu có thói xấu cứ đi uống rượu say về là lại chửi bới linh tinh. Chửi chán, ông mới lăn ra ghế ngủ. Bình thường hàng ngày ông đi từ sáng đến tối mới về nên nhiều hôm không ăn ở nhà bữa nào. Hàng xóm cũng ít khi gặp, chỉ khi nào có việc gì quan trọng lắm như cưới xin, lễ tết gì mới thấy ông có mặt. Nhiều hôm lễ nghỉ, người làng vẫn thấy ông Nhu đánh xe đi làm.

Bước vào phòng mình, Hòa thấy Hảo đang ngồi nhắn tin. Hòa đến gần giật lấy điện thoại màu đỏ trên tay Hảo. Đọc qua, Hòa thấy trong điện thoại có dòng tin nhắn viết dở “kun yo, e nho a nhju lem”. Hoà chưa kịp hiểu. Nhanh như cắt, Hảo lao tới giật mạnh. Chiếc điện thoại rơi bịch xuống đất. Từng bộ phận bắn ra tung tóe. Hảo chồm đến bóp cổ Hòa hét: “Sao bà cướp điện thoại của tôi?”. Hòa gạt tay Hảo rồi nói: “Mày xưng tôi với ai, học không chịu học suốt ngày điện với thoại, mày thích tao cáo với bố mẹ không?”. Hảo ngồi thụp xuống nền gạch men bong nhoáng vừa khóc vừa đưa tay lượm các bộ phận của điện thoại.

Hảo là em gái Hòa. Hảo học lớp chín còn Hòa học lớp mười hai. Từ nhỏ, Hảo nghịch ngợm như con trai, lớn lên đi học hay gây gổ đánh nhau nên bị nhà trường kỷ luật mấy bận. Trước kia, khi chưa có thằng cu Quý, ông Nhu tỏ ra rất cay nghiệt với hai chị em Hòa. Cứ nhìn thấy, ông lại tìm cớ bới móc, mắng nhiếc. Chắc có lẽ, ông bà nội của Hòa chỉ có mỗi mình ông Nhu là con trai nên áp lực dòng dõi đè nặng lên ông. Nhưng điều đó ảnh hưởng ít thôi, cái nỗi đau lớn nhất của ông Nhu nằm ở chỗ cứ đi uống rượu là ông lại bị xếp ngồi mâm của đám không có thằng cu chống gậy. Có lần đi đám cưới nhà anh em, đang khi chén chú chén anh, tự dưng có tay xỏ xiên xổ ra câu đối: “Nhà cao cửa rộng con rể ở - Tiền lắm của nhiều cháu ngoại tiêu”. Ông Nhu tức khí cầm cái bát ném thẳng vào mặt hắn. Cuộc ẩu đả xảy ra…

Bà Dư không làm gì nên tội nhưng mười mấy năm phải sống trong sự cay nghiệt của chồng. Chỉ đến khi thằng cu Quý ra đời, bà mới được giải thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy. Ngày đầy tháng của con trai, ông Nhu đặt móng nhà mới. Nếu không sinh được thằng con trai thì không bao giờ ông Nhu xây nhà – ông đã từng thề như vậy. Từ đó đi đâu uống rượu, ông Nhu cũng phải dương dương tự đắc chém được mấy câu thế này: “Ruộng sâu, trâu nái, hai gái đầu lòng, Võ Tòng thứ ba”. Về nhà ông cũng ít chửi vợ con.

…Hoà nghe kể, ngày còn trẻ, bố mẹ mình tham gia vào công việc nhà Chúa rất nhiệt tình. Mọi chương trình, hoạt động của giới trẻ hai người đảm trách hết. Thời gian đó, ông Nhu đứng đầu một ca đoàn hùng mạnh. Cứ vào dịp Noel, trong vở hoạt cảnh Giáng Sinh, ông Nhu đóng vai Thánh Giuse còn bà Dư vào vai Đức Maria. Hai ông bà đóng rất đạt. Đạt đến mức trở thành vợ chồng thật ngoài đời. Sau đám cưới, hai ông bà ít dần rồi nghỉ không tham gia hoạt động giới trẻ nữa.

Lúc bé Hòa được hai tuổi, ông Nhu đi làm phụ xe. Thỉnh thoảng về thăm, ông mua quà và đưa tiền cho vợ. Đến khi bà Dư sinh bé Hảo thì ông Nhu rất ít về, có thời gian ông biến mất tăm mấy tháng trời, tiền cũng không thèm gửi về. Người ta đồn rằng ông Nhu có bồ. Đám lái xe nhiều tiền thằng nào không dính cờ bạc hay chích hút thì kiểu gì cũng đi ăn “phở”. Người ta thường bảo phở Hà Nội và Nam Định nổi tiếng không phải vì ngon mà vì ở đó người ta có thể giúp cho những kẻ “chán cơm thèm phở” thỏa mãn.

Kể từ đó, ông Nhu sống như người không đạo. Ông không còn đến nhà thờ như trước mà ngồi nhà xem ti vi với hút thuốc lào vặt. Thinh thoảng lễ lớn, ông cũng lên xem chút rồi lẻn về như kẻ trộm. Thời gian trôi nhanh, mới đó mà đã mười mấy năm, ông Nhu không xưng tội. Khô khan, nguội lạnh một mình đã đành, đằng này nhiều khi ông còn gây khó dễ cho vợ con. Bà Dư ngồi cầu nguyện là ông mở nhạc thật to. Hòa đi nhà thờ về thì kiểu gì ông cũng càu nhàu vài câu. Ổng hay lải nhải, Đạo tại tâm, đến nhà thờ lắm có mang được gạo về ăn không. Từ một người sốt sắng, ông Nhu trở thành con người sắt đá. Hay ông giận Chúa? – Bà Dư nghĩ vậy.

Nhiều khi, Hòa buồn lắm. Đi ra đường gặp người làng Hòa thấy tự ti, thấy mặc cảm. Gia đình người ta vui vẻ cùng nhau đi Lễ; gia đình mình không có nổi một bữa cơm yêu ấm. Có ngồi ăn cùng thì dấu ai có người ấy làm, kinh ai có người ấy đọc. Ông Nhu chẳng bao giờ đến nhà thờ lại còn ngăn cản không cho vợ con đi. Ai gặp ông ta cũng phải khiếp sợ mà lảng dần rồi tránh xa. Chẳng biết từ khi nào, ông Nhu nuôi bộ râu dài, đen ngòm, chi chít, san sát quanh miệng trông chẳng khác gì quỷ. Còn Hảo có vẻ học bố nên sống bất cần. Ai đời cứ tối đến là nó ngồi ệp vào bàn học. Nhưng ngồi đó, nó không đọc truyện thì lại viết thư vớ vẩn, đã thế dạo này lại có cái điện thoại nên nhắn tin suốt ngày đêm. Học hành chểnh mảng nên kỳ nào Hảo cũng chỉ đạt loại trung bình. Cứ khi nào mẹ hay chị nhắc đi nhà thờ đi Lễ là nó lại kêu, hết đau đầu lại đau bụng rồi chui tọt vào nhà vệ sinh ngồi trong đó rõ lâu. Riêng bà Dư muốn đi nhà thờ thì phải chờ khi ông Nhu không có nhà, hoặc khi ông say hoặc hôm nào ông vui vẻ. Bà chẳng biết làm gì hơn, lúc nào cũng thầm thĩ cầu nguyện. Bà xin cho ông Nhu và con Hảo thay đổi tính nết; xin cho gia đình bình an và sớm sinh được thằng con trai để nối dõi tông đường. Nhiều lúc bà thấy mình như sắp đổ gục nhưng tình Chúa nhiệm màu. Cuối cùng Chúa cũng ban cho bà thằng cu Quý.

Sau khi xây nhà xong, ông Nhu cùng với ông Cầu mở đại lý tạp hóa trên phố huyện. Ông Cầu phụ trách mảng bán lẻ và giới thiệu hàng. Còn ông Nhu thì chuyên nhận và giao hàng cho khách. Ông lái chiếc xe hơn một tấn đi đổ hàng khắpnơi trong huyện. Mới mở chưa đầy năm nhưng hai ông làm ăn phát đạt lắm. Hàng nhập về đến đâu hết đến đó. Dân làng đồn rằng, mấy tháng nữa ông Nhu sẽ mở đại lý ngay tại làng.

…Hai tuần nữa, giáo xứ của Hòa sẽ đón Thánh Giá đại hội giới trẻ. Trong làng, từ người già đến người trẻ háo hức chờ đợi. Cờ hoa, biểu ngữ được giăng dọc suốt hai bên cổng nhà thờ. Ca đoàn của Hòa cũng gấp rút học hát và tập cử điệu. Chiều mưa nhẹ, khi đang chơi bên nhà hàng xóm cùng đám bạn, Hòa thấy Cha xứ đến nhà gặp và nói chuyện với bố mẹ mình rất lâu. Hòa ngạc nhiên vì từ trước đến nay Cha xứ có khi nào đến đâu, trừ hôm làm phép nhà. Tối về, Hòa hỏi mẹ. Bà Dư nói Cha xứ đến đề nghị bố con đưa xe ô tô đi đón Thánh Giá trong dịp tới.

...

Chiếc xe được trang hoàng lộng lẫy. Xung quanh xe treo băng rôn “Thánh giá nguồn ơn cứu độ”. Các bạn trẻ trong ca đoàn của Hòa chung vai vác Thánh giá. Dòng người đưa đón thánh giá đông như trẫy hội. Nhiều cụ bà nhìn cây Thánh giá mà đôi mắt rưng rưng lệ. Từ trong đám đông có tiếng vọng ra: “Người ta lấy mất Thánh giá Chúa tôi rồi!”. Các bạn trẻ của hai giáo xứ chuẩn bị cho chuyến giao lưu đầy hứa hẹn. Con đường trở về miền quê yêu dấu với những cảnh tượng tuyệt vời đang lơ lửng trong đầu Hoà.

Hai hàng người xếp dài từ cửa nhà thờ ra tận đường. Thánh giá được đưa lên xe ô tô nhà Hòa. Mọi người dùng vải đủ màu sắc để giữ cho Thánh giá cân bằng. Sáng nay, bỗng nhiên trời trở lạnh, mọi người say trong hương vị mùa đông sớm về. Những chiếc lá cuối thu đang trút dần hơi thở. Người ta dự báo với nhau mùa đông năm nay sẽ rất lạnh. Cánh giới trẻ thì thầm to nhỏ, bảo nhau cố phải kiếm lấy cái chăn ba bảy độ để ủ ấm trái tim. Hai Cha xứ bắt tay và chào nhau.

Mọi việc xong xuôi, người ta mới thấy ông Nhu từ đâu xuất hiện. Hai ngón tay trỏ và giữa vàng khè kẹp chặt điếu thuốc. Lâu lắm rồi, hôm nay Hòa mới thấy bố mình mặc áo sơ mi cùng chiếc quần âu, râu ria cạo sạch.

Ông Nhu không nói không rằng, lạnh lùng bước lên xe. Ông đưa tay tra chìa vào ổ rồi khởi động. Lạ thay, chiếc xe không có động tĩnh gì. Làm đủ mọi cách, chiếc xe vẫn bất động. Mọi người xung quanh sững sờ không hiểu điều gì đang xảy ra. Ông Nhu tái mét mặt. Ông ngồi thừ ra ghế. Ông quản chạy đến gõ cửa. Ông Nhu giật mình. Ông cố gắng khởi động nhưng mọi nỗ lực đều bất thành. Ông bước xuống khỏi xe như kẻ mất hồn. Chưa bao giờ, người ta thấy ông Nhu rơi vào trạng thái này. Chính ông Nhu cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Từ ngày làm cái nghề này có bao giờ ông gặp chuyện tương tự như thế đâu. Rõ ràng sáng nay, chiếc xe vẫn chạy ngon lành. Kiểm tra kỹ càng mọi thứ, ông Nhu không thấy có vấn đề gì trục trặc.

Mọi người có mặt ở đó cảm thấy lo lắng. Không ai nói với ai một điều gì cả. Bầu khí trở nên ngột ngạt. Trong thời khắc ấy, Cha xứ bỗng xướng lên: “Thánh giá nguồn ơn cứu độ”. Mọi người cùng hô vang…

Một lần nữa, ông Nhu mở cửa bước lên xe. Lần này ông không tra chìa khóa vào ổ luôn mà ngồi dựa lưng vào ghế, đôi mắt lim dim để trấn tĩnh tâm can. Thấy mọi người đọc, ông Nhu cũng lẩm nhẩm đọc theo một cách vô thức. Lạ kỳ thay, vừa đọc xong ba lượt “Thánh giá nguồn ơn cứu độ”, bỗng có tiếng lạch cạch rồi chiếc xe nổ máy. Chưa kịp định hình xem chuyện gì xảy ra nhưng với phản xạ nhà nghề, ông Nhu liền đạp chân vào phanh và côn xe. Chiếc xe rú lên tiếng ghê rợn. Ông Nhu đưa tay đẩy cần số. Chân phải nhẹ nhàng nhấn ga. Tay bấm còi và điều khiển chiếc xe. Cộng đoàn thở phào nhẹ nhõm.

Ông Nhu điều khiển chiếc xe cung nghinh Thánh giá chạy bon bon trên đường. Phía trước là xe hơi chở các Cha, theo sau là xe buýt chở các bạn trẻ. Con đường mới trải nhựa trông hệt như dải lụa vắt qua những cánh đồng. Cánh đồng vừa mới thu hoạch xong, gốc rạ đứng chỏng chơ, lất phất trong gió. Những thửa đất cao ít nước, người dân trong vùng trồng hướng dương. Những bông hoa vàng óng sắp trổ hạt khẽ đưa mình trong cơn gió se lạnh. Măt trời như đứa trẻ con chập chững đi, cố ló đầu ra khỏi đám mây bạc. Những bông hoa hướng dương thẹn thùng đưa mắt lên nhìn. Dường như, cơn gió lạnh lùng chưa đủ sức cám dỗ những bông hoa mang tâm hồn hướng thượng.

Khi thập tự nở hoa

Vừa ngắm cánh đồng, vừa lái xe, ông Nhu miên man phả khói thuốc. Ông đưa ra những giả thuyết về chuyện chiếc xe tự động nổ máy. Chợt nhìn xuống, ổ khóa không có chìa. Thật khó hiểu! Ông Nhu đưa tay vào túi quần rút ra chùm chìa khóa, không thấy chìa khóa xe ô tô đâu. Ông hoang mang, thò hết bên này lại ngó sang bên kia cũng chẳng thấy bóng dáng chiếc chìa khoá cần tìm. Chiếc xe không chìa khoá bon bon chạy. Ổ khóa vẫn chỉ vào chữ “OFF”. Ông Nhu trấn an mình: “Chuyện này chẳng có thần thánh hay ma quỷ gì hết chắc là do xe có gì trục trặc”. Suy nghĩ miên man. Ông Nhu đưa mắt nhìn ra ngoài... Trời! Chiếc gương chiếu hậu rịa thành từng ô nhỏ. Trong gương là hình ảnh một người đàn ông bị treo trên thập giá; quanh đầu đội mạo gai. Từ năm vết thương chính trên cơ thể, dòng máu đỏ rực chảy ra quện vào nhìn như năm bông hoa hướng dương. Trong giây phút cực khổ ấy, người đàn ông vẫn hướng đôi mắt về xa xăm. Bên dưới cây thập tự, người phụ nữ mặc áo trắng ngước mắt nhìn, dòng lệ đang tuôn chảy như con suối xa nguồn… Trong khoảnh khắc ấy, ông Nhu kêu lên: “Giê su! Lạy Chúa tôi!”…

…Một chiếc xe container chạy ngược chiều vượt xe tải cùng chiều lao thẳng tới xe ông Nhu. Nhanh thoăn thoắt, ông Nhu đánh lái sang phải. Chiếc xe sa xuống mương thoát nước, táp vào một lùm cây thoát nạn. Mất thăng bằng, xe nghiêng hẳn về một bên. Nhưng chuyện lạ xảy ra, cây Thánh giá đáng lẽ phải nghiêng theo xe nhưng đằng này lại đứng thẳng như có người giữ. Ai nấy đều trợn tròn mắt ngạc nhiên. Có người quỳ xuống bái lạy.

Lát sau, ông trùm đứng dậy mở cửa ca bin. Ông Nhu mặt mũi tái mét nhưng tuyệt nhiên không có một vết thương nào. Hòa chứng kiến cảnh tượng đó thì gào khóc nức nở. Nó tưởng bố nó đã chết. Chỉ khi mọi người bảo, ông Nhu vẫn bình thường thì Hòa mới thở phào nhẹ nhõm. Sau khi trấn tĩnh lại, ông Nhu bảo mọi người lên xe để về cho kịp.

Sau bao khó nhọc, phái đoàn đón Thánh giá đã về đến nhà thờ giáo xứ. Dọc hai bên đường mọi người cầm cờ cầm hoa để đón chào Thánh giá Chúa. Cộng đoàn hát vang lời ca: “Niềm tự hào của tôi là Thánh giá Chúa tôi. Niềm tự hào của tôi là…”.

…Không nói với ai lời nào, ông Nhu lặng lẽ đi vào tòa giải tội. Trên cây Thập Tự, năm bông hoa hướng dương nở tươi hướng về phía mặt trời. Ông Nhu biết mình đang nói chuyện với ai.

BÀI DỰ THI Mã số: 15-079

Giải viết văn đường trường 2015, Bản tin 07