Lời chuông chiều (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1488 | Cập nhật lần cuối: 9/16/2016 12:34:00 AM | RSS

Lời chuông chiều (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)Cuộc chạy đua không phân thắng bại giữa thời gian và mặt trời, khiến cho khuôn mặt của những vòm mây biến sắc: từ trong xanh hy vọng sang hồng tím của sự giận dữ và cuối cùng là xám xịt tức tối. Những cơn giông ùn ùn kéo đến báo hiệu cho cơn thịnh nộ sắp xảy ra. Phía cánh đồng xa xa có mấy người nông dân lấm lem bùn đất sợ hãi nhanh chóng vác bừa, kéo cày về nhà. Lác đác vài hạt mưa tròn trịa rơi vãi tung tóe, rồi nặng hạt dần. Cơn mưa đầu xuân mang không khí lạnh mỗi lúc một buốt hơn, len lỏi khắp cùng làng ngõ xóm. Văng vẳng đâu đó là tiếng chó con giành bú kêu ăng ẳng hòa lẫn với tiếng heo con mới đẻ éc éc không ngủ được vì lạnh, tiếng rắn rết như còi xe hết bình,… tất cả tạo nên dàn đồng thanh đặc sắc của vùng quê nghèo.

Mưa tạnh. Trời đã mấp mé canh hai mươi giờ, cái lạnh mỗi lúc một buốt hơn. Bầu trời loang lổ, rải rác vài ngôi sao bỗng xuất hiện lập lòe, heo hắt như những chú đom đóm con, để lại trên không trung một nỗi buồn sâu thẳm. Bà năm một mình ngồi trên sạp tre trước hiên đờ đẫn ngắm nửa vầng trăng bị những giọt mưa cắn nham nhở biến dạng và sinh khí như bị ai hút hết. Bà ngồi gập hai chân vào đùi, cái lưng còng veo như con tôm luộc. Một tay chống cằm, một tay cầm tràng chuỗi, miệng lẩm bẩm, mắt hướng về chốn xa xăm, hồn như lạc vào cõi vĩnh hằng để lại cái xác trơ trọi.

Ai cũng hiểu sự tình nhà bà, chỉ có bà là không hiểu. Bởi lẽ nó đã ăn sâu vào tận xương tủy đến nỗi bà quên bẵng đi cái hiện tại phũ phàng, mà ai nấy cũng chắp lưỡi: “Vậy sẽ tốt hơn cho bà ấy”.

Một đời đạo đức thánh thiện, bà được gả cho ông biện Bảy (cái tên thân mật mà mọi người gọi ông). Một gia đình gia giáo, đạo đức, ông bà có năm người con: bốn người con gái, chỉ duy nhất một cậu út (đứa con cầu khẩn) và cũng là đứa cháu đích tôn độc nhất. Nhờ Chúa nuôi, cả năm đều lớn lên khỏe mạnh và ăn học đến nơi đến chốn, đứa nào đứa nấy đều trở nên bài ca của cả xóm, cả xứ đạo.

***

Nói đến đây ai nấy đều nghẹn lòng. Không khí xuân ảm đạm đến lạ thường, mấy con quạ mù bay lộn chỗ đậu trước nhà bà kêu la inh ỏi. Bà lấy đá ném nhưng né rồi lại đậu, chúng nghịch như những đứa trẻ lên ba hiếu động.

Càng lúc càng ồn ào, náo nhiệt , tiếng quạ lẫn tiếng la hét, khóc thét của mấy người đàn bà và tiếng chắp răng, chắp lưỡi não nề của mấy người đàn ông làm cho không khí càng trở nên nặng nề. Một lúc sau, người ta nghe từng phát một tiếng chiêng nhà thờ. Cả xóm nhốn nháo như bầy gà mất mẹ.

- Ai chết vậy cà?

- Bữa giờ có nghe ai đau ốm gì đâu?

- Trời ơi??? Ông biện Bảy chết rồi.

- Gì??? Ông biện Bảy chết hả?

- Chúa ơi? Mà sao ổng chết? Có đau ốm gì đâu?

- Mau mau qua xem tình hình thế nào?

Miền quê là thế, thông tin nhanh hơn cả vận tốc gió.

Vài giờ sau, sân nhà ông đã chật người viếng thăm. Phần vì thương tiếc, phần vì tò mò về cái chết bất ngờ của ông. Đến nơi, mọi người ai nấy đều giật ngửa người, không còn dám tin vào mắt mình nữa khi thấy ông biện Bảy nằm sãi nghiêng trên giường, chung quanh bê bết máu đã sánh đặc. Vết thương trên bụng làm bằng chứng cho nhát đâm chí mạng. Ông nằm dạt sát giường, màu da xanh như tàu lá chuối, hệt cái xác cá khô. Hai tay ôm chặt tượng Chúa Giêsu bằng đồng đen. Cái tượng từ thời xa xưa ông bà để lại, nó rất quý vì bấy giờ đồng đen rất hiếm. Nghe đâu nhiều lần có mấy người làm ở bảo tàng tỉnh đến hỏi mua với giá cả trăm triệu, thế nhưng ông nhất quyết không bán. Ai cũng cho là ông bị điên vì quá sùng đạo, số tiền lớn như thế mà không bán. Có số tiền đó gia đình ông sẽ được đổi đời, “bán tượng ấy đi để mua hàng trăm tượng nữa mà về thờ không tốt hơn sao?”.

Có ai hiểu được tình yêu Chúa trong ông, ngoại trừ bản thân ông. Ông từng nói: “Không một giá trị nào có thể sánh bằng Chúa của tôi kể cả mạng sống tôi”. Và có lẽ sự thật giờ đây đã rành rành trước mắt, ngay giờ phút này ông đã chứng minh cho mọi người lời ông từng nói. Chuyện như không thể xảy ra nhưng đã xảy ra. Một người đạo đức suốt đời tận tụy phục vụ nhà Chúa không nề hà, than van như ông mà hôm nay lại gặp phải oan cảnh này, thật đau lòng. “Đúng là trời cao không có mắt” (lời nói trống không bâng quơ của ai đó giữa đám đông) càng kiến cho lòng người thêm trĩu nặng.

- Trộm ư? Sao nó chẳng lấy của???

- Chẳng lẽ ông Bảy kết thù kết oán với ai? Từ hồi nào tới giờ ông có thù với ai đâu?

- Hay là…(một sự nghi ngờ bâng khuâng hữu ý hay vô tình của đám bà tám xì xào rồi im bặt hẳn ).

Hàng trăm câu hỏi không lời giải đáp như thế cứ dồn dập huyên thuyên, xầm xì rồi to dần, to dần. Bên ngoài trời đã tối mịt, hiu hắt vài bóng đèn được thắp lên lu mờ như khung cảnh tang thương nhà ông Bảy. Người viếng thăm cũng thưa dần, chỉ còn lời ra tiếng vào bàn tán của mấy người đàn bà nhiều chuyện tụ năm tụ bảy chỉ biết nhìn đời bằng mắt thường và sống bằng môi miệng. Mấy bô lão lưng đã còng, mắt đã sụp vì không ngủ được, tay run lẩy bẩy ghì chặt chén trà thả từng ngụm đắng nghét, ngồi bàn chuyện lễ tang. Họ nhắc tới ông Bảy như một vị quan liêm chính, khôn ngoan một đời mà dại một phút vì quá tin con để rồi phải lãnh nhận cái chết tức tưởi, tàn nhẫn như hôm nay.

Giờ đây mọi chuyện mới vỡ lẽ, cái lạnh của không khí nào sánh bì với cái lạnh trong tâm hồn lạc lối. Quỳ trong nhà lao trống vắng đến rùng rợn, thằng út ôm tượng Chúa kể lại cái chết của cha mình như một bộ phim hành động.

***

Sáng hôm ấy, cái hôm mà trời đất u ám, không khí lạnh bao trùm. Mặt trời tái nhợt núp sau những tảng mây đen khổng lồ, gió cứ ào ạt từ đâu kéo đến tạt vào da thịt tê rần. Bà bảy vảy gánh rau ra chợ xỏm (công việc thường ngày của bà). Trời lạnh, chợ ế, rau cũng ế ẩm nên bà về sớm. Vừa về đến cổng bà nghe có tiếng cãi vã to trong nhà.
- Mầy làm gì vậy thằng con bất hiếu kia? Tao nuôi mầy ăn học hết tiền hết bạc, tao tự hào với cả xứ vì nuôi cho mầy ước mơ đi tu, mà giờ mầy xử với tao thế à? Mầy thành quỷ dữ rồi con ơi là con…(Giọng nói đứt hơi trong tiếng khóc tức tưởi, tủi nhục của người cha hy sinh cả đời vì con).

- Tui chỉ lấy cái tượng đồng này bán đi thôi. Ông làm gì ghê vậy. Tui bán rồi tui mua chục cái khác đẹp hơn cho ông. Tui hết tiền mua thuốc rồi. (Lời nói ồm ồm với cha lạnh như tờ của thằng út).

- Cả Chúa mà mầy cũng bán ư?

- Bán tất. Cứ có tiền là bán?

- Tao đã nói là mầy không được lấy. Trời ơi, phạm thượng đó con ơi! Dừng lại đi con! Con đã từng hứa với ba là cho tiền con học ở thành phố rồi ra trường con đi tu cơ mà? Cớ sao lại ra nông nổi này hả con? (Giọng nói già nua trong nước mắt cầu con trở về của ông Bảy).

- Hết lần này nữa thôi. Tôi đau đớn, khó chịu lắm ông biết không?

- Tao đã nói là không được. Thà mầy giết tao đi còn hơn để tao nhục nhã với bà con lối xóm.

Tiếng xô đẩy, giành giật mỗi lúc một gay cấn… và rồi tiếng gọi “Chúa ơi” đứt quãng trong không trung bao la.

Bà bảy vứt gánh rau chạy vào và thét lên…. Ngôi nhà như vỡ tan tác để lộ vòm trời đen ngòm, gió rít vào khung cửa sắt bốc mùi lạnh tanh. Thằng út tay cầm con dao máu nhỏ giọt chảy vào tim bà đau đến vô cảm. Thằng út bất thần bỏ chạy như bay và mất dần theo tiềm thức của bà. Chỉ còn lại tiếng chuông chiều vang vọng lơ lửng.

***

Thằng út chạy mãi, chạy mãi về phía tiếng chuông. Bất chợt nó dừng lại trước cửa nhà thờ, đôi chân rã rời, từng khúc xương rời ra, dòng máu chảy chậm dần rồi ngưng hẳn. Nó quỵ gối xuống, thân thể như tan chảy thành nước, trái tim vỡ tan tành để lại nỗi đau tột cùng. Con dao đầy máu đang dần dần xuyên qua lớp da rồi đến từng thớ thịt đâm vào tim nó. Nỗi đau ấy dằn xé hơn cả cơn nghiện mà nó vừa trải qua. Nó lạnh nhạt nhìn Chúa, hai hàng nước mắt nặng trĩu kéo con tim quay về đúng vị trí. Một luồng gió mang theo sự can đảm lan tỏa khắp cơ thể nó. Giữa không gian cô tịch vang vọng bên tai nó tiếng chuông liên hồi: “Hãy trở về, trở về cùng Ta”. Nó vụt dậy rồi lặng lẽ lê từng bước chân nặng trịch quay về nhà và thú nhận mọi tội lỗi như lời sám hối cuối cùng với cha nó và rồi nó ôm tượng Chúa vào nhà lao để thức tỉnh mỗi ngày, bỏ lại đằng sau người mẹ già cô liêu. Thế nhưng ai đã mang lương tâm thằng út trở về, phải chăng là sức mạnh của tiếng chuông hay là sức mạnh của tiếng ai đó đang gọi nó. Một phút lầm lỡ, đua đòi theo chúng bạn cùng lứa ở cái thành phố hào nhoáng, đầy dẫy cạm bẫy đã biến nó từ một thư sinh chất phát, hiền lành học giỏi thành một tên nô lệ cho ma túy để rồi cơn nghiện đã khiến nó trở thành đứa con sát nhân giết cha. Chẳng còn tội lỗi và nỗi đau nào lớn hơn thế nữa. Tưởng chừng như mọi thứ đã chấm dứt, nhưng không, cuộc sống vẫn còn mãi ở đời này và đời sau. Và có lẽ ông Bảy đang mỉm cười mà về với Chúa vì sự hy sinh của ông đã đánh đổi linh hồn con trai ông quay về với Chúa.

Mã số: 16-111
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 10