Màu áo lam (Giải Viết văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1363 | Cập nhật lần cuối: 3/28/2016 9:02:00 PM | RSS

Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng Năm, công nhân viên chức các công ty, xí nghiệp đều được nghỉ lễ. Nhiều người rủ nhau đi chơi chỗ này tham quan chỗ kia một bữa để thư giãn đầu óc, tay chân. Mấy ngày trước, trong xóm trọ của Tí cũng có những tiếng bàn bạc rất xôm tụ từ anh chị em công nhân rủ nhau đi đây đi đó, hay ít ra tắt bếp một bữa, dắt nhau ra quán để mừng “Ngày đại lễ của giới Công nhân”.

Thế nhưng, không hiểu sao khi ngày giờ đã tới mà những người trong xóm trọ vẫn “án binh bất động” trước các đề xuất hoành tráng của mấy hôm rồi.

Sáng nay, Long, cậu bạn cùng phòng cũng hỏi Tí:

- Mày không đi đâu à?

Tí trả lời trong trạng thái uể oải:

- Tối qua tăng ca trễ quá, hôm nay đừ rồi!

Để có được ngày nghỉ hôm nay, các công nhân công ty của Tí tối qua phải tăng ca tới tận mười giờ đêm. Tuy nhiên, dẫu có lý do chính đáng để Tí có thể biện hộ cho việc mình ở nhà, nhưng Long và người bạn cùng phòng cũng như những người trong xóm nhập cư hiểu rõ, đó chỉ là lý do phụ so với điều không được nói ra chính là vì mức lương bèo bọt của giới công nhân. Và việc chọn “ăn lễ” bằng cách “đóng quân” tại phòng trọ được xem là kế sách tốt nhất cho những công nhân xa quê.

Tí ra vẻ rộng lượng như để che giấu đi nỗi buồn của mình:

- Mày và thằng Vũ sao không rủ mấy đứa kế bên đi đi, để tao coi nhà cho.

Lúc này Vũ mới lên tiếng:

- Tao thì có cái võng với góc bạch đàn ngoài sân làm bạn là được rồi, đi đi lại lại mỏi chân lắm, mai còn đi làm nữa!

Long cũng đồng cảm:

- Ông bà ta đã dạy rồi: “Liệu cơm gắp mắm”. Thời buổi kinh tế khó khăn mà! “Vung tay quá trán” có ngày ra đường mà nằm!

Căn phòng rộng chỉ vài mét vuông nhưng hiếm khi nào chứa tới ba chàng trai “vai năm tấc rộng thân mười thước cao” như hôm nay. Tuy ba người ở ghép chung trong căn phòng trọ, nhưng vì làm khác ca nhau, nên thường khi đồng nghiệp vừa tan sở thì Tí cũng bắt đầu vào ca. Với chiếc áo đồng phục màu xanh lam quen thuộc, được tô điểm bằng tấm thẻ đeo trước ngực áo bay lất phất mỗi khi có cơn gió nhẹ bất chợt thoảng qua, nơi những con người công nhân tỉnh lẻ này toát lên vẻ gì đó vừa gần gũi, vừa thân thiện, lại vừa chất phác nữa.

Ngoài kia, ông mặt trời đã lên cao, những tia nắng óng vàng như một lớp thảm đang được trải rộng bắt đầu từ góc sân. Trên ngọn cây bạch đàn rũ lá, tiếng ve râm ran réo gọi hè mau mau trở về. Lâu lắm mới có ngày được nghỉ, Tí định “nằm nướng” thoả thích, không phải tất bật dậy sớm nào là nấu nước, nào là vừa thay quần áo vừa cho nước vào tô mì tôm, rồi và vội vội vàng vàng thêm chén cơm nguội còn dư lại của tối hôm trước mới đủ sức trụ được tới trưa, xong còn tranh thủ đạp xe cho kịp giờ làm như mọi hôm. Hôm nay, có thời gian để “xả hơi” sau bao ngày lao động vất vả cũng là một phần thưởng mà nhiều người với số lương công nhân còm cõi như Tí hằng mơ ước. Tuy nhiên, ước mơ nhỏ nhoi của “chú gấu” muốn vùi ngủ đông giữa những ngày hè mau chóng vụt tắt. Tí lại làu bàu với chính mình: “Kỳ lạ thiệt, ngày Quốc tế Lao động mà ông mặt trời dường như làm việc còn siêng năng hơn, chẳng bù với mấy đám mây lười biếng hôm nay vắng bóng hẳn, nghỉ lễ Lao động chắc! Mấy đám mây đúng là vô tâm, cả đám lớn lẫn đám nhỏ… Sao chẳng có đám mây nào chịu đoái hoài tới ông mặt trời đang làm việc nhễ nhại mồ hôi? Cũng chẳng có đám mây nào vô tình trôi trên nền trời xanh để ông mặt trời được nghỉ ngơi đôi chút!”…

Ánh nắng chẳng mấy chốc phủ đầy mái tôn cũ kỹ hấp nhiệt, lại được sự cộng hưởng của cái nóng như thiêu như đốt của tháng Tư, như muốn bốc hơi mau chóng những tảng băng mà “chú gấu” đang mơ tưởng, để có một lý do ẩn mình trong “cái bao diêm” chật hẹp và oi bức. Lúc này, Long và Vũ đã rời “bao diêm” từ lâu, rủ nhau ra “tám” với những đứa bạn chung dãy phòng trọ bên gốc bạch đàn cho quên đi cái đói ban sáng sau một đêm bao tử cật lực làm việc.

Trong khi ấy, Tí ra vẻ anh hùng, vẫn cố sức lim dim mắt. Lúc rỗi rảnh thế này, tâm trí của Tí gọi về sự kiện trước đây vài ngày, giá xăng dầu lại leo thang. Lẽ ra, nó cũng chẳng liên can gì với một người đang sở hữu chiếc “xế điếc” như Tí cũng như “các cua-rơ” chung dãy nhà trọ ngày ngày vẫn oằn mình cho xe quay đều quay đều tới xí nghiệp. Thấy vậy mà không phải vậy! Khi tăng giá, xăng “chẳng đi một mình” mà còn “kéo lê ì ạch cả đàn em đông đúc” các mặt hàng từ lương thực đến các nhu yếu phẩm… cũng đều tăng đồng loạt. Dường như có một quy luật bất thành văn nào đó! Rồi đây, tới lượt “những người khách không mời mà tới” nào giá điện, nước, phòng trọ cũng đỏng đảnh đòi ăn theo. Nghĩ tới đây, Tí chợt rùng mình trong căn phòng trọ đang nóng dần như bếp lò. Và rồi, Tí không sao chợp mắt tiếp được dù vẫn muốn chiều chuộng thân xác để “nướng” thêm một đỗi nữa cho tới khi mặt trời đứng bóng, hầu tiết kiệm được gói mì tôm nào nữa chăng!

Trời càng lúc càng tăng nhiệt, nhiều người trong dãy nhà trọ không ai bảo ai, lần lượt kéo nhau ra ngồi nấp bóng dưới những tán lá bạch đàn để trốn cái nóng hừng hực, vừa đỡ tốn tiền điện, lại có dịp để tán gẫu: nào là chuyện thất thường của thời tiết, chuyện thời sự trong khu xóm nhập cư, không thiếu chuyện về tình hình quê nhà đang trong cảnh “thắt lưng buộc bụng”. Chưa hết, họ còn kể cho nhau nghe về chuyện gia đình hay những ký ức thời thơ ấu vui đùa nghịch ngợm với mấy đứa trẻ trâu cùng trang lứa. Nhờ vậy mà người miệt đồng bằng có thể biết chút ít về văn hóa vùng thượng lưu, kẻ sống trong Nam biết được chuyện tận ngoài Bắc. Chỉ bấy nhiêu thôi mà lần nào cũng đem ra “xào nấu” như tin nóng hổi vừa mới ra lò. Ngẫu hứng, ai đó trong nhóm bất chợt xen vào vài câu vọng cổ hay chuyện khôi hài, góp tiếng cười rôm rả cho vơi nỗi nhớ nhà. Mỗi khi một người trong nhóm bắt đầu kể chuyện thì những người còn lại đoán được mình sắp được nghe chuyện gì, thậm chí còn nhắc tuồng hay “vuốt đuôi”. Dẫu vậy, tất cả đều trân trọng nhau và lắng nghe há hốc miệng, vì họ biết rằng rồi sẽ tới lượt mình cũng đóng vai người kể chuyện. Thỉnh thoảng, họ cũng có những tin mới để chia sẻ cho nhau, nhưng thường thì đó là những tin mà cả người kể lẫn khán thính giả ước chi chẳng có để mà kể mà nghe: đó là chuyện “ông bà già” ở quê đau bệnh; chuyện căn nhà vừa bị tốc mái do trận bão vừa rồi; hay chuyện bầy vịt mà đứa em mới gầy được mấy tháng trước gặp phải trận dịch cúm chết tiệt làm mắc gió gần như cả đàn, đúng là “đã nghèo còn gặp cái eo”!

Cùng lúc ấy, Tí vẫn cố thủ trong bốn bức tường ngột ngạt. Mười lăm, ba mươi phút… rồi một tiếng đồng hồ… cũng vèo trôi qua. Bỗng có tiếng cốc… cốc… trên thành cửa thiếc. Tí vờ nằm im.

Lần này, tiếng gõ cửa kèm theo giọng gọi thật to: “Tí ơi”.

Thì ra thằng cu Tèo đồng hương đây mà. Mặc xác nó, Tí nói vọng ra, giọng nhừa nhựa:

- Ngày đại lễ của giới công nhân, cho tao ngủ thêm chút đi.

Nhưng giọng Tèo ra vẻ dứt khoát:

- Tao có chuyện vui cho mày đây, không mở cửa, tiếc ráng chịu.

“Chú gấu lười” từ từ nhổm dậy, nét mặt ra vẻ đầy tò mò. Nhưng Tèo chẳng buồn bước vào “dinh thự” của Tí mà chỉ nói vọng vô:

- Nhanh lên, tao rủ mày đi chơi một ngày, đừng có nằm nướng nữa, sắp thành ổ bánh mì cháy khét rồi đó.

Tí lưỡng lự:

- Tao đang cháy túi. Còn mười ngày nữa mới lãnh lương.

Tèo ra vẻ đắc thắng:

- Mày khỏi lo, để tao!

Tí giật mình vì một thằng bị tụi bạn chọc là “quê ở mỏ than” như Tèo mà nay sao hào phóng sảng:

- Thôi đi ông tướng, bộ mới trúng số à? Hôm nay chứ không phải ngày Cá tháng Tư đâu mà định lừa tao.

Giọng cười thành tiếng của Tèo ra vẻ bí mật:

- Tao nói thiệt. Rủ thằng Long, Vũ và mấy anh chị em ngoài kia đi nữa.

Chẳng điều đình được với Tèo, “gấu lười” đành từ bỏ “giấc ngủ đông”. Đợi Tí rửa mặt xong, Tèo bảo:

- Tao nghe nói nhân dịp ngày Quốc tế Công nhân, cha xứ tổ chức “Ngày hội cho người xa quê”, mau thay quần áo rồi tao đèo mày lên tham gia. Để tao ra rủ mấy anh chị em “hội gốc bạch đàn” đi nữa cho vui.

Từ trước tới giờ, Tí rất nhút nhát, chẳng tham gia đoàn hội gì cả, lần này thử chí nam nhi xem sao… Mấy người ở dãy phòng trọ cũng nhiệt tình hưởng ứng. Chẳng mấy chốc, những chiếc “xế điếc” lần lượt nối đuôi nhau tới nhà thờ gần đó theo sự chỉ đường của Tèo.

Tèo đạp xe đèo Tí từ từ tiến vào cửa nhà thờ. Xa xa, những nam thanh nữ tú trong các trang phục đủ sắc màu, khác hẳn bộ đồng phục công nhân với màu áo lam thường ngày, đang tập hợp nói cười râm ran. Tèo làm hướng dẫn viên giới thiệu nhóm của Tí với cha xứ và các tham dự viên. Sau giây phút làm quen, Tí và anh chị em cùng dãy nhà trọ mau chóng hòa nhập vào đám đông ấy.

Chương trình thật sinh động và dày đặc được cha xứ, quý thầy, quý dì cùng ban Hội đồng giáo xứ và các hội đoàn lên kế hoạch thực hiện thật chu đáo cho một “Ngày hội ngộ”: nào là sinh hoạt, vui chơi, thi đua giáo lý, ca hát, chia sẻ những vấn đề gặp phải trong cuộc sống, một bữa cơm nối kết tình thân giữa kẻ ở sông Hồng với người ở Cửu Long giang. Nhờ vậy mà những người công nhân thấy mình được quan tâm, và dần dần họ trở nên năng động hơn, tham gia nhiệt tình, nói cười tíu tít, quen thêm nhiều bạn mới cũng như gặp lại đồng hương. Các bạn ở dãy phòng trọ của Tí trước nay vốn xa lạ với nơi nhà thờ nhà thánh, thậm chí dịp Noel rộn ràng nhưng thường thì họ phải tăng ca, chỉ có một đôi lần tan ca về sớm nhưng cũng chỉ dám đứng xa xa xem diễn nguyện Mừng Chúa Giáng Sinh, nay có dịp đặt chân tới nhà thờ, họ thấy nơi đây như một “ngôi nhà chung” rộng cửa chào đón mọi người tới tìm gặp sự an bình.

Cuối ngày Hội ngộ, cha xứ dâng Thánh lễ kính Thánh Giuse Thợ, bổn mạng của người lao động, để cầu nguyện cho các công nhân-viên chức, không phân biệt lương giáo. Với “Nghi thức Sai đi” ở cuối chương trình, cha xứ mời gọi mọi người tiếp tục về lại nơi mình sống và làm việc thường ngày để loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh bằng chính đời sống yêu thương và chân thật của mình nơi công sở, nơi xí nghiệp và trong khu xóm. Các tham dự viên tạm biệt nhau trong sự quyến luyến như muốn thời gian ngừng trôi để ngày họp mặt được kéo dài thêm, thêm nữa…

Về lại phòng trọ, điện cũng bị cúp như thỉnh thoảng vẫn thường xảy ra và bầu không khí cũng còn oi bức, và cũng những con người quen thuộc ấy lại tụ tập với nhau dưới tán cây bạch đàn khi có dịp. Nhưng chiều nay, trong lòng mỗi người cảm thấy dường như cây bạch đàn nhả khí ôxy nhiều hơn, cây vẫn rũ lá nhưng dường như lại có cơn gió bất chợt thổi quanh gốc bạch đàn, và câu chuyện đã có phần khởi sắc hơn. Lúc này đây, ai cũng muốn mình là người được kể chuyện: người thì kể chuyện quen được bạn mới; người khác thuật lại trò chơi ban trưa cười muốn lộn ruột; người khác nữa chân thành: “Hôm nay không biết sao tui ăn cơm tới ba chén, thường ngày sức ăn đâu dữ vậy!”; và anh nọ cũng chia sẻ: “Nghe nói ông cha thì sợ nhưng nay có dịp tiếp xúc thấy ông cha dễ thương”; cô kia thì khen: “Mấy người đi tu sao vui tính chứ không âu sầu như mình tưởng”; cô khác chen vào: “Người Công giáo tích cực trong việc bác ái hén”… Và còn biết bao câu chuyện, cảm nghiệm hiện rõ nét vui tươi hớn hở trên khuôn mặt mỗi người. Có một điều trước nay vẫn vậy, đó là họ cũng vẫn trân trọng nhau, nhường nhau và lắng nghe khi có người kể chuyện. Lúc này đây, dù là người ngồi nghe, nhưng chính mỗi người trong họ cảm nghiệm điều bạn mình chia sẻ cũng thay cho lời mình muốn nói. Đâu đó, Tí còn tự hào khi nghe được người bạn lương dân kế bên căn phòng trọ của Tí chia sẻ: “Giờ mới biết những công nhân như mình cũng có ông thánh Giuse phù hộ, nên bữa cháo bữa rau mà mình vẫn sống nỗi”, và “Hài Nhi Giêsu mà hôm bữa đứa nào kể sinh ra trong hang bò lừa nghèo nàn thì ra chính là Chúa Phục Sinh”.

Riêng với Tí, điều để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cậu là phần chia sẻ về những cơ cực trong đời sống người công nhân xa quê, sự tương thân tương ái, và cách chia sẻ Lời Chúa mà người công nhân có thể thực hiện được trong xóm trọ. Nhờ lời Thánh Vịnh 118, “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”, Tí và Tèo cũng như anh chị em công nhân Công giáo từ nay tranh thủ dành ra một buổi trong tuần tập trung dưới tán cây bạch đàn ấy chia sẻ Lời Chúa, để tập sống Lời Chúa của Chúa nhật trong suốt một tuần, và giúp họ có cơ hội khám phá Tin Mừng mà Chúa Kitô phục sinh đã trao lại: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Sau ngày đó, Tí trở nên năng động hơn, nhiệt thành hơn; và nhất là, Tí đã trở nên chứng nhân cho Chúa Kitô bằng việc giúp đỡ đồng nghiệp và những người trong lối xóm mà trong lòng Tí cũng như người tham dự hãy còn vang vọng lời mời gọi của cha xứ, trích từ lời chia sẻ của vị Chân phước Giáo hoàng Phaolô đệ VI: “Ngày nay, người ta cần những chứng nhân hơn là thầy dạy”.

“Màu áo lam” nay đã phát huy được ý nghĩa màu sắc của nó: một màu áo của tinh thần trẻ, đầy sức sống và lòng hăng say của người môn đệ Chúa Kitô. Một điều đặc biệt không kém, hiện nay, Tí đã trở thành một ca viên trong ca đoàn giáo xứ, điều mà trước đây Tí chỉ dám tự hát cho chính mình nghe sau khi tiếng xe đạp cót két của người bạn cùng phòng ra tới cuối ngõ để vào ca.

Mã số: 16-042
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 4