Ngã rẽ cuộc đời

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1446 | Cập nhật lần cuối: 7/17/2015 11:00:21 AM | RSS

Ông – một con người lãng quên Chúa đã hàng chục năm, thỉnh thoảng tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật như một hình thức.

Ông – một Pharisêu luôn tỏ ra am hiểu và nói về Kinh Thánh nhưng trống rỗng trước danh xưng Thiên Chúa.

Ông – một Kitô hữu thực sự, có đạo nhưng chẳng sống đạo. Ông tách gia đình mình khỏi cộng đoàn giáo xứ, tìm mọi cách trốn tránh nghĩa vụ và chối bỏ mối dây liên kết với cộng đoàn dân Chúa trong xứ đạo…

Nhắc đến tên ông, người ta nghĩ ngay một con người như thế, một lối sống như thế. Người ta bĩu môi, người ta chê trách, người ta hững hờ.

Một ngày nọ, ông bị trượt chân té ngã ở bậc thềm. Tuổi già mà. Ông nhập viện. Bác sĩ bảo ông bị tai biến nhưng may kịp thời nên cứu được. Ông qua khỏi giai đoạn mà nhiều người nghĩ chắc Chúa đến tìm ông. Nhưng bác sĩ không thể chữa được đôi chân vốn lành lặn nay trở thành khập khiễng. Gần hai tuần, ông xuất viện. Dân làng khuyên ông tìm đến với cộng đoàn An-tôn của cha xứ để các thầy giúp cho. Dường như đó là phương án cuối cùng nên cậu út chuyên cần lắm. Hai lần một ngày, cậu chở ông tới các thầy để châm cứu. Mấy tuần sau, ông đi lại bình thường. Người ta ngỡ ngàng, hân hoan khi ông được khỏe mạnh như trước. Nhưng chắc hẳn ngỡ ngàng và hân hoan hơn khi chứng kiến một sự “lột xác” mà cả trong tưởng tượng, người ta cũng chẳng dám nghĩ đến.

- Này bà kia, bà đi đâu thế?

Người phụ nữ mặc áo trắng, mái tóc đen dài buông xõa, hai tay dắt hai đứa trẻ chừng lên bảy, lên mười. Họ vẫn đi, không thèm ngoái đầu lại, mặc cho tiếng ông hét khản đặc. Họ hướng về ngôi thánh đường ở cạnh dòng sông. Đúng rồi, trước năm 1986, gia đình họ ở ngoài ấy mà.

Bà hỏi thăm gia đình ông Quang. Người ta chỉ cho bà quay lại ngoài con đê, đi vào trong xóm rậm rạp cây cối ở kia vì theo chính sách của Đảng, ông đã chuyển vào đó để khai phá đất mới.

Xa xăm lắm, mơ hồ lắm, nhưng cũng đủ để ông nhận ra họ là ai. Người vợ quá cố và hai đứa con trai của ông!

Ông mệt đừ, mồ hôi ướt sũng. Ông sợ hãi. Ông muốn chạy trốn. Đã bao đêm nay, người phụ nữ và hai đứa trẻ cứ tìm đến với ông trong giấc mơ. Ông phải đặt con dao đầu giường đề phòng bất trắc. Ông không muốn đi cùng họ. Mỗi lần tỉnh dậy, ông hoang mang, tê dại trong miền kí ức.

Ngày ấy, chẳng hiểu sao cô gái trẻ đẹp, ngoan hiền ấy lại chọn một gã thanh niên tàng tàng như ông. Ngoại hình chẳng có, tiền bạc không, lại hay nhậu nhẹt. Có chăng là thương anh hàng mỗi tối đánh xe bò kéo, nửa đêm đi bốc gỗ. Hay cô muốn “cảm hóa” con người ấy? Dân làng chỉ biết dùng “duyên, phận” để giải thích cho cuộc hôn nhân của đôi đũa lệch.

Họ sống hạnh phúc được một thời gian và có hai đứa con trai. Nhưng cái thói vũ phu đã ngấm trong máu ông chắc không thể mất được. Mỗi lần uống rượu say, ông lại hành hạ vợ con một trận, để sáng hôm sau, ê chề chẳng nhớ nổi cái thằng đàn ông khốn nạn, đê hèn nơi mình.

Cuộc sống nào ai đoán nổi chữ “ngờ”. Vợ ông mất trong một lần sang sông đúng ngày đứa út lên bảy. Người đàn ông vốn nguội lạnh nay lại thêm cảnh gà trống nuôi con. Vợ đi, ông cáu kỉnh, gắt gỏng và chìm trong ma men. Phải hơn nửa tháng sau, ông mới vực đi làm lại. Ông cưa gỗ cho một xưởng cách nhà hơn chục cây số. Sáng đi, tối về, chiếc xe đạp lộc cộc gõ nhịp trên quãng dường dài. Ông bỏ mặc hai đứa con ở nhà tự sống qua ngày. Mỗi ngày được một bữa, thức ăn lại chẳng có. Bữa sướng nhất có cơm với muối, không thì mấy hạt gạo sống nhai tạm cho đỡ đói. Có hôm nhà không còn hạt gạo nào, hai thằng bé phải xin nhờ hàng xóm.

Cái thời đó, có nhà nào đủ ăn để bố thì thường xuyên cho hai đứa! Thằng Tuấn đã gầy gò từ nhỏ, nay lại phải sống như vậy nữa. Mấy tháng sau, nó chết. Dân làng hiểu rõ vì sao Chúa gọi nó về sớm vậy. Họ thầm trách một người cha nhẫn tâm chẳng đoái hoài tới máu thịt của mình. Còn thằng Minh, ngày trước được mẹ chăm kĩ hơn nên còn sức gắng gượng. Nhưng sau khi anh nó mất, nó còn phải sống tệ, sống nhục hơn nữa.

- Mày là thằng vô tích sự, chết đi cho khuất mắt tao!

Ông đay, ông nghiến, ông dí đầu nó xuống sát đất. Ông tìm hạnh phúc mới cho mình. Một người đàn bà đã một đời chồng và hai đứa con. Bà chẳng điêu ngoa nhưng cũng chưa đủ hiền dịu để biết cảm thông và che chở cho thằng Minh. Từ đây là những tháng ngày nhục nhã của nó, không phải do mụ dì ghẻ mà bởi chính người cha ruột. Ông bảo nó siêng ăn nhác làm, là cái của nợ tốn cơm tốn áo mà chẳng được cái gì ra hồn. Rồi như một điệp khúc thường ngày, ông chửi, ông đánh. Ông làm cho nó một cái “giường” nhỏ ghép từ những ống nứa gãy, đặt một góc trong xó bếp. Ông nói rằng nó là con chó, không phải con trai ông, mà chó không được ngủ nhà trên, phải canh cửa dưới bếp. Có nhiều bữa bị bỏ đói, nó chạy xung quanh xóm xin ăn. Người ta thương cho nó nắm cơm, bắp ngô lót dạ. Nhưng người mà nó gọi bằng cha lại đi chửi xóm làng thậm tệ, bảo không cần kẻ nào bố thí cho nó… Lúc đầu người ta còn lén lút cho nó, sau làm ơn mà còn bị mắc oán, họ khuyên nó nên đi chỗ khác xa hơn để xin. Tối ấy, nó đói lả, cồn cào, không tài nào nhắm mắt. Nó nhớ đến vạt rau khoai sau bếp. Thế là có bao nhiêu rau, nó hái vào luộc ăn ngấu nghiến. Sáng dậy, cha nó biết chuyện. Ông đánh đập, chửi bới. Ấm ức quá, nó cãi lại:

- Ông không cho tôi ăn cơm, cũng chẳng cho người ta bố thí thì tôi hái rau trong nhà ăn mà sống chứ sao!

Câu nói như lời phản kháng mà bao nhiêu năm qua nó vẫn nhẫn nhục chịu đựng. Lối xưng hô ấy có lẽ đã đoạn tuyệt tình máu mủ. Hôm đó, có người trong xã bán hàng bún nhận nó về làm công và cho ở lại trong nhà. Được ăn đầy đủ, nó có da, có thịt, đẹp trai. Thấm thoắt tuổi đôi mươi, họ lo nốt cho nó khoản cưới vợ, xây nhà theo diện nó là một trẻ mồ côi.

Ông thẫn thờ, gục đầu, run lẩy bẩy. Ông sợ vợ con tới đòi nợ hay sợ hãi phần con người tàn nhẫn nơi ông? Sống trong những mặc cảm tội lỗi, ông day dứt, hối hận, giằng xé tâm hồn.

Mùa Phục Sinh năm ấy, người ta sững sờ chứng kiến sự “lột xác” của một con người. Sáng sớm, dù nắng hay mưa, lạnh buốt hay mát mẻ, một ông cụ ngoài bảy mươi vẫn chuyên cần cùng chiếc xe đạp cộc, gắn thêm cái đèn pin trước giỏ hướng về ngôi thánh đường. Dân làng bảo ông được ơn riêng chữa lành lặn đôi chân, được Thánh Thần thúc đẩy nên hoán cải đời sống. Nào ai hiểu cuộc chiến dữ dội trong tâm hồn ấy. Hơn một năm quay về với Chúa, thằng út của ông vốn nát be nát bét nay cưới được cô vợ hiền, nhanh nhẹn. Từ ngày có vợ, nó tu chí làm ăn, bỏ rượu, da dẻ hồng hào đẹp trai hẳn. Trong gia đình ấy, ngày ngày rộn rã tiếng cười nói, đêm đêm âm vang tiếng kinh cầu. Ông nghẹn ngào đọc chẳng hết đoạn lời Chúa trong sách I-sai-a, đôi mắt đẫm lệ:

“Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết;

Có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông…”

Bài dự thi Mã số 15-124

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015, Bản Tin 11