Ngày trở về (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1927 | Cập nhật lần cuối: 3/13/2016 4:08:40 AM | RSS

Đúng vào ngày tôi trở lại giáo xứ Bảo Lâm sau mười hai năm xa cách là ngày lễ Kính Thánh Augustino mà lẽ ra hôm nay tôi có mặt trong buổi Lễ Kính long trọng này. Thế nhưng, vào lúc này, đứng trên ngọn đồi lộng gió nhìn đăm đăm về hướng ngôi Nhà thờ Bảo Lâm vẫn nét cổ kính như ngày nào, từ tháp chuông Nhà thờ đến cây Thánh Giá màu trắng rực sáng dưới ánh nắng mặt trời, lòng tôi bỗng quặn thắt một nỗi buồn sâu thẳm.

Đứng lấp ló ngoài cánh cổng nhà xứ, tôi dáo dác nhìn quanh, không thấy bóng người nào. Tôi nôn nóng muốn gặp cha xứ ngay bây giờ, nhưng không thấy ngài đâu. Khu khuôn viên nhà xứ rộng rãi thoáng mát im ắng như tờ. Mùi hoa hồng thơm ngát lan tỏa; mấy khóm cúc trắng xen lẫn những bụi hoa vàng dày đặc dọc theo lối đi nổi bật cả góc vườn. Bên cạnh đài Đức Mẹ Tôi thấy một nam thanh niên còn trẻ đang đứng ngơ ngác. Tôi đinh quay trở ra thì anh chàng kia bỗng cất giọng sang sảng:

- Con chào Cha!

Tôi giật mình, quay lại nhìn chàng thanh niên có nụ cười tươi khoe hàm răng lấp lánh:

- Anh là ai? Sao anh biết tôi?

- Dạ … con đoán vậy thôi. Nhưng nhìn người con biết ngay không phải là giáo dân vùng này, phải là một linh mục mới đúng!

Tôi bật cười trước câu nói quả quyết của chàng thanh niên:

- Không, anh lầm rồi! Tôi ở Sài Gòn mới ra, không phải linh mục đâu.

Anh thanh niên ra vẻ ngỡ ngàng liền đổi giọng:

- Sao trông bác giống linh mục vậy? Cháu xin lỗi đã nhìn lầm!

- Không có gì! À… làm ơn cho hỏi thăm. Tôi muốn gặp cha xứ, anh có thấy ngài đâu không?

- Dạ không thưa bác. Cháu cũng đang muốn gặp cha.

- Vậy à!

- Dạ! Cháu là dân ngoại đạo ở làng bên cạnh. Cháu muốn theo đạo Kitô đến xin cha rửa tội cho cháu.

- Ồ!

Tôi kêu lên một tiếng như vừa bị ai đó thụi cho một cái. Nhìn anh chàng từ đầu đến chân tôi buột miệng hỏi:

- Anh biết nhiều về Chúa Giêsu chưa mà muốn xin cha rửa tội?

- Dạ, cháu chỉ biết chút chút thôi bác. Cháu nghe Cha xứ giảng nhiều về Chúa Giêsu, nhưng thú thật cháu chưa hiểu nhiều lắm.

- Nếu vậy thì chưa đủ đâu! Nhưng thử hỏi anh một câu nữa nhé, anh có thể nói cho tôi biết Chúa Giêsu sinh ra ở đâu không?

Bỗng dưng bị tôi sát hạch khiến chàng trai bối rồi

- Cháu… cháu không nhớ rõ lằm. Cháu có tham dự vài khóa giáo lý trong nhà xứ, nhưng cháu lại quên mất!

- Thế thì hỏng rồi! – Tôi tỏ vẻ thất vọng – Anh cần phải học giáo lý nhiều hơn nữa. Đã theo đạo thì cần phải học giáo lý càng nhiều càng tốt, như vậy anh mới có thể hiểu nhiều về Thiên Chúa…

- Dạ vâng! Vậy… chắc là …bác đây hiểu rất rõ về Chúa Giêsu?

Đến lượt anh ta hỏi lại khiến tôi trơ mắt nhìn anh. Bỗng anh ta cúi chào tôi:

- Dạ, cháu xin phép, cháu phải về nhà có chút việc, một lát cháu quay lại gặp cha xứ sau… Cháu rất muốn tìm hiểu nhiều về Chúa Giêsu, cháu biết bác hiểu rõ về Ngài, lát nữa quay lại cháu xin bác giải thích cho cháu được không ạ?

- Được, được…- Tôi cười vồn vã – Nếu có dịp gặp lại anh bạn tôi sẵn sàng.

Dạ, cháu hiểu rồi. Cháu chào bác.

Chàng trai đi rồi tôi vẫn còn đứng thộn người ra, trong đầu miên man nghĩ ngợi. Bởi, hình như tôi vừa làm sai điều gì đó tôi luôn vấp phạm, đôi khi tôi quên khuấy đi cả những điều tôi luôn tự nhắc mình cố gắng hạn chế sai lầm càng nhiều càng tốt. Bao nhiêu lần tôi tự hỏi, đã xét mình kỹ chưa mà đã vội cao giọng dạy dỗ người khác! Đây có lẽ là điều khó nhất với một kè từng được coi là “đứng sát bên Chúa” như tôi, bởi lòng kiêu ngạo như một con quỷ luôn ẩn náu trong lòng tôi, chỉ chờ tôi sơ hở là nó tấn công ngay. Thật khó lòng tống nó ra khỏi người tôi .

Trở về ngôi làng xưa sau thời gian dài, tôi tưởng đâu sẽ có được những phút giây hân hoan khi gặp lại những con người xưa kia trong ngôi làng bé nhỏ này; nơi từng gia đình nhỏ; từng con người còn rất nghèo khó trong ngôi làng đầy khốn khổ đó; đó là những bác nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời, ngày ngày cặm cụi trên cánh đồng cháy nắng; những bà mẹ lam lũ vất vả ngày đêm lo từng bữa ăn giấc ngủ cho lũ con thơ vẫn in đậm trong lòng tôi; những con người đơn sơ mộc mạc ấy dù vất vả thế nào chiều đến vẫn lũ lượt kéo nhau đến Nhà thờ tham dự Thánh lễ, đọc kinh, cầu nguyện thật sốt sắng.

Thoáng nhìn vào căn phòng nhỏ, nơi tôi thường quỳ gối cầu nguyện hàng giờ trước Chúa ngày nào. Tôi nhớ mình nói nhiều với Chúa. Có lúc tôi khóc với Ngài. Nhưng bây giờ, nếu như có ai đó chợt hỏi tôi từng nói gì và cầu nguyện gì, thậm chí vì sao tôi khóc với Ngài. Thú thật, tôi không sao nhớ được! Song, có lẽ, đó là những lời tự biện, phân trần với Chúa nhiều hơn là những lời sám hối!

Khi tôi còn đang đứng thờ thẫn, chợt nghe tiếng cửa kẽo kẹt phía sau bức tường màu đỏ sẫm, nơi có tượng Đúc Mẹ đứng giang hai tay như muốn ôm lấy đàn con tội lỗi. Cánh cửa mở ra, tôi thấy cha xứ chậm rãi bước vào rồi quay lưng tư từ đóng cửa lại. Bất chợt trông thấy tôi ngài bỗng khựng lại, còn tôi đứng đó, vẻ bối rối, ngượng nghịu:

- Ô… có phải… Hoàng không nhỉ? – Cha xứ gỡ kiếng nhìn tôi – Đúng rồi, đúng là Hoàng rồi!

- Dạ vâng… con là Hoàng đây, thưa cha!

Tôi vui mừng tiến lại bắt tay cha xứ. Nhưng ngài biểu lộ niềm vui còn hơn tôi tưởng. Ngài không bắt tay tôi nhưng ôm chặt lấy tôi thật thắm thiết. Điều này khiến tôi thấy lạ, bởi tôi biết ngài trước kia từng là người khó tính nhất ở đây. Tôi cứ ngỡ. ngày trở lại đây của mình chỉ là một cuộc đón tiếp nhạt nhẽo hoặc những lời trách móc của cha. Nhưng không, tôi chưa bao giờ thấy cha xứ vui đến vậy:

- Trời ơi! Không thể ngờ có ngày gặp lại cựu linh mục phụ tá tại đây! – Cha xứ lại ôm lấy tôi một lần nữa rồi ngài nói giọng xúc động – Vào đây, vào nhà đi rồi muốn gì hãy nói.

Cha xứ cầm tay tôi lôi vào căn phòng khách nhỏ ấm cúng. Nỗi vui mừng càng hiện rõ trên gương mặt ngài, như thể lâu lắm rồi ngài mới gặp lại người thân của mình. Căn phòng khách vẫn như xưa, xung quanh vẫn bài trí đồ đạc, tranh tượng gọn gàng ngăn nắp như cách nay mười mấy năm tôi từng ở đó.

Cha xứ nhanh nhẹn với tay lấy chiếc bình trà đã pha sẵn còn nóng hổi rồi rót ra hai tách. Mùi trà gừng thoang thoảng bay vào mũi tôi một mùi thơm dễ chịu, ngất ngây, mùi của một thời ký ức xa xăm, khiến tôi càng thêm nhớ những ngày còn ở đây, cũng tại căn phòng quen thuộc này, khi ngoài kia tiết trời đông về, gió bấc thổi luồn qua khe cửa lạnh thấu da, có bình trà gừng nóng ngồi nhâm nhi thưởng thức mới thấy thú vị làm sao. Thế nhưng, vào lúc này đây, dù tiết trời ngoài kia khá lạnh, song tôi ngồi đó lòng như lửa đốt.

- Thưa Cha con… con xin lỗi Cha..- Tôi cất giọng run run

Cha xứ khoát tay:

- Thôi, chuyện cũ rồi, bỏ qua đi anh Hoàng, không ai nợ ai điều gì hết! Nếu anh cảm thấy có lỗi anh hãy xin lỗi Chúa.

Cha xứ nói và chỉ tay lên bức ảnh Chúa Lòng Thương Xót, nét mặt ngài tươi vui hơn lúc nào hết:

Tôi lấy trong túi ra chiếc phong bì:

- Thưa Cha. con gửi lại cha số tiền… con…

- Thôi, được rồi anh Hoàng. Ai cũng có lúc sai lầm. Nhưng hôm nay tôi thật vui mừng khi thấy anh trở lại đây…

Cha xứ nói giọng đầy hân hoan, còn tôi, mồ hôi trán bắt đầu rỉ ra:

- Vâng… con không thể không trở lại đây, vì con còn nợ Cha rất nhiều… Thưa Cha... số tiền này.

- Không – Cha xứ lại cắt ngang lời tôi – không nhắc chuyện quá khứ nữa. Còn số tiền anh đưa cho ban điều hành giáo xứ đi, tôi đã quên hết mọi chuyện từ lâu rồi. Hôm nay anh ở đây dùng cơm với tôi nhé. Đừng nghĩ ngợi gì nữa.

Chưa kịp ngồi chuyện trò với cha, khách lại kéo đến thăm cha đầy nhà. Tôi vội xin lỗi cha bước ra ngoài để ngài tiện tiếp đoàn khách, hình như cũng vừa từ xa đến. Đi dạo quanh vườn nhà xứ, tôi thoáng nghe tiếng cười nói ồn ào, khiến tôi liên tưởng đến những ngày còn làm việc mục vụ tại đây. Khách ghé thăm phần nhiều nhờ Cha xin lễ cầu nguyện cho một linh hồn nào đó, kèm theo những bao thư tiền xin lễ và cả tiền biếu riêng cha …

Ngày đó, khi vừa tốt nghiệp khóa thần học từ nước ngoài trở về, tôi lập tức bắt tay vào việc củng cố phát triển giáo xứ, làm thế nào để lôi kéo nhiều người ngoại vào đạo Công Giáo và giúp biến đổi những giáo dân sống xa Chúa, nguội lạnh trong việc đi tham dự Thánh Lễ, cầu nguyện… Tôi đã cật lực truyền bá đức tin cho mọi người, giúp họ có được đời sống đạo tốt hơn. Khốn thay, trong khi truyền bá cho mọi người lối sống đạo tốt, tôi càng ngày càng ít dành thời gian cho việc cầu nguyện, chăm lo đời sống Đức Tin của chính mình. Tôi miệt mài trong những suy nghĩ, ưu tư về những con chiên tội lỗi. Tôi lao vào các thư viện tìm tòi, rồi viết sách về các tội lỗi mà con người luôn mắc phạm. Những sách tôi viết được bề trên, giáo dân đón nhận nhiệt liệt. Có lúc tôi tưởng đã gặp được Chúa, Ngài luôn ở bên tôi, giúp tôi trở nên một linh mục hoàn hảo, nhưng càng nổi tiếng bao nhiêu tôi càng xao lãng đời sống cầu nguyện bấy nhiêu, tôi đã không thực hành chính những điều tôi nói và viết hằng ngày trên bục giảng.

Có những bài gỉang tôi biết Chúa thường nhắc nhở con chiên mỗi ngày “"Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy?" (Mt 16, 24)” ; “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó… Tôi biết. Song thực tế, mọi điều tôi rao giảng trước giáo dân hằng ngày, miệng tôi nói ra nhưng tôi chưa bao giờ thực hiện được “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó…” Tôi tự ý sống theo ý mình. Chỉ riêng căn phòng của tôi thôi đã tràn ngập những thứ xa hoa phù phiếm. Tôi tự thiết kế cho mình căn phòng khang trang đầy đủ tiện nghi như một phòng hạng sang trong khách sạn VIP. Tôi lố bịch đến độ mỗi lần đến thăm các sơ, trong khi các chị ăn uống đơn giản, ngủ giường chiếu, thì tôi được các sơ tiếp đải trọng thị, được ngủ giường nệm và ăn uống không thiếu một món ngon nào.

Tôi cả gan chống lại bề trên, thậm chí vượt quyền cha xứ. Tôi tham vọng muốn xây lại Nhà thờ cho thật đẹp, thật to, có thể nói tôi ao ước muốn có một ngôi Thánh Đường lớn nhất vùng. Thế nhưng, Cha xứ đã kiên quyết cản tôi lại, vì ngài cho rằng gíao xứ còn nghèo, giáo dân chưa đông thì chưa nên xây Nhà Thờ lúc này. Ngài khuyên tôi hãy dùng tiền giúp đỡ người nghèo sẽ có ích hơn. Có lẽ, do bị quỷ xui khiến nên tôi đã to tiếng với ngài. Thậm tệ hơn, trong thời gian đó, có một phụ nữ vốn là giáo dân đến gặp tôi ngỏ ý muốn giúp tiền để tôi xây Nhà thờ. Tôi thường xuyên đi với phụ nữ đó và đã bị bà ta quyến rũ khiến tôi mê đắm trong ái tình. Cha xứ biết chuyện nhiều lần khuyên tôi nhưng tôi bỏ ngoài tai tất cả. Tôi quyết định rời khỏi giáo xứ chạy theo tiếng gọi người đàn bà kia cùng số tiền tôi lấy đi của nhà xứ …

Trưa hôm đó, cha xứ mời tôi dùng cơm với ngài. Ngài thiết đãi tôi bữa cơm đạm bạc đậm tình cha con. Trong suốt bữa ăn Cha chỉ toàn nhắc lại những việc làm tốt của tôi trước kia, không hề đá động gì những việc làm sai trái, xấu xa của tôi. Tôi ngồi nghe từng lời khuyên răn của ngài, lòng tự hỏi, liệu tôi có rút ra được gỉ cho mình! Hay những lời cha… sẽ lại tan theo mây khói!

Tôi nghĩ, để sống được như cha có lẽ còn cả một quãng đường dài xa tít. Tôi khổ đau day dứt vì những lời cha khuyên, vì cuộc đời phức tạp của mình. Cha xứ yên vui thầm lặng trong địa vị khiêm nhu của ngài. Ngài nhỏ nhẹ khuyên tôi: chẳng cần phải làm gì cho cao siêu vĩ đại. Cứ lấy lòng khiêm tốn ra mà suy xét mọi việc trước sau, và luôn làm việc phục vụ tha nhân trong tình mến Chúa dạt dào. Tôi đã khóc một lần nữa, bởi những điều tưởng chừng như đơn giản ấy sao tôi vẫn cứ mãi loay hoay, vẫn mãi vụng về… Có lúc tưởng đâu tôi đã tỉnh ngộ! Nhưng không, tôi thấy mình còn u mê dại khờ lắm!

Lúc ăn cơm xong tôi gặp lại chàng thanh niên có nụ cười và hàm răng lấp lánh ban sáng. Anh ta kể cho tôi nghe vì sao anh lại muốn theo đạo Công giáo. Anh ta nói như thế này: ‘Cháu rất tiếc vì mình đã không sớm biết về Chúa Giêsu. Ba năm trước, cháu là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình cháu bị khủng bố buộc phải bán nhà đi trả nợ, ra ngoài ở nhà thuê. Mỗi tối, khi cháu trở về nhà, vợ và các con trông thấy cháu không muốn đến gần. Thế mà, bây giờ thì cháu đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ nần, mua được căn nhà nhỏ. Gia đình cháu đã tìm lại được hạnh phúc, các con cháu ngông ngóng chờ cháu về nhà mỗi tối sau giờ làm ca. Tất cả những điều này, không ai khác hơn, chính Chúa đã làm cho cháu. Và đó là tất cả những gì cháu biết về Người...’

Mã số: 16-027
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 3