Người hành khất (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1303 | Cập nhật lần cuối: 3/30/2016 9:03:02 PM | RSS

Người hành khất (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)Cứ tầm lễ sáng xong, khuôn viên nhà thờ trở lại yên ắng, người ta lại thấy một gã đàn ông, mặc bộ đồ gụ bạc thếch, yên lặng đứng ở thềm đá, trước tiền sảnh nhà thờ. Dưới chân gã chiếc nón lá đã bật vành úp lên cái bao tai, để thò ra ngoài cây gậy tre nhẵn bóng. Bất luận trời mưa hay nắng, mùa đông hay mùa hè, cứ giờ ấy, tầm ấy là y như lại có mặt gã. Ban sáng người đi chợ, người đi làm đồng qua, tất cả như vô tâm! Người làng đạo quen đến nỗi chả ai để ý xem cái lão (hâm) ấy đang làm gì, họa hoằn có mấy đứa trẻ ranh nhà ở gần, chờ lúc lão chắp tay, mất hồn vào tượng Chúa, chúng mới khom người đụng vào cây gậy của lão rồi reo lên:

-A ông ăn xin!

Và cùng lúc từ miệng ông thốt ra lời kinh nhật tụng:

- Xin Chúa cho con lương thực hàng ngày!

Bây giờ thì ông không còn nữa. Ông chết cũng được đến mấy năm.

Ngày còn học cấp hai, một trưa đi về, mẹ từ dưới bếp lên bảo tôi:

- Ông Phan sắp chết rồi con à.

Tôi lạnh cả người. Quái lạ! Hồi sáng đi học, tôi đạp xe qua nhà thờ, vẫn nhìn thấy ông chắp tay trước tượng Chúa, chỗ thềm đá nơi ông thường đứng, vẫn cái nón ấp lên bao tải và một chiếc gậy. Sao lại nhanh vậy ta? Tôi chưa kịp trả lời mẹ lại tiếp:

- Hồi nãy ông quản Hòa qua đây tìm con, rước cha kẻ liệt, ông bảo sáng có người đi chợ phiên, đã thấy ông nằm bất động nơi ngã Ba Cung. Người ta thuê xe đưa ông về nhà, không biết chừ có đỡ hơn không, thật rõ tội nghiệp!

Nhà ông cạnh nhà thờ, khi tôi đến, đã thấy người ra vào nhốn nháo, ai cũng muốn làm một việc gì đó cho người sắp ra đi, nhưng rồi ai cũng không có việc để làm, người này nhìn người kia tự hỏi.

Người nhà quê nhiệt tình trong mọi công việc, nhưng phải có người gánh vác, cầm càng. Đằng này ông độc thân, anh em xa gần không có. Nghe mẹ tôi kể lại, miếng vườn, ngôi nhà mà ông đang ở, là của một người đàn bà không chồng, tên là Ân. Bà xin ông trong một lần đi chợ, ở tít mạn Hoàng Mai, Nghệ An. Hai mẹ con sống với nhau bằng gánh hàng vặt của bà. Rồi ông nhập đạo. Khi tôi học cấp một, ông cũng ở tuổi bốn mươi. Đa phần người trong làng gọi ông là ông Phan. Người đàn bà tên Ân cũng không còn. Bẵng đi một dạo không thấy ông về làng, người làng đồn ông về quê, người ta hỏi ông có thật không. Ông trả lời: “Quê không có đạo chả về!”. Rồi ông cười. Mấy chiếc răng còn sót lại cũng cười theo.

Buổi đầu ông sống nhờ vào sự bố thí của bà con xóm đạo. Lân la nhà này nhà nọ, rồi ông trở thành người ăn xin. Mà ông lại là người đoảng tính, nói cà lăm, nên người làng có câu : "Lắp bắp như gặp ông Phan".

Căn nhà lợp tranh, tuềnh toàng trống hoác, nền đất ẩm mốc, nhiều chỗ trũng ổ gà, là nơi đi về của ông. Một cái phản gỗ, vừa là nơi ngủ, nơi để ăn. Chỗ trang trọng nhất trong nhà ông là bàn thờ. Nơi có tượng Chúa đóng đinh. Dưới chân còn nguyên một cành hoa dong đỏ ối, chắc sáng nay trước khi đi ông mới bẻ từ mấy bụi dong trong vườn dâng Ngài.

Công việc trong ngày của ông, hôm nào cũng vậy, cứ kinh sáng ở nhà thờ xong, dân làng đạo ai về nhà nấy, là y như lại thấy ông chắp tay đứng dưới tượng Chúa, bất kể trời nắng hay mưa, đọc thật to câu kinh mà khởi đầu cho ngày làm việc ông vẫn đọc: “Xin Chúa cho con hôm nay lương thực hàng ngày!”, rồi ông ra đi. Người vô tâm gọi ông là Phan “hâm”, ông cười… Không hâm mà đến nước phải đi xin ăn còn đem cho người khác! Ông bảo: Họ khổ mà. Ông cười, mấy cái răng còn lại cũng cười. Mặt ông dãn ra, hân hoan như người bắt được của ...

Bây giờ thì ông nằm đó, nơi tấm phản gỗ ông vẫn nằm, sau một ngày mệt nhọc hết làng này đến làng khác, có hôm về đến nhà, trong bao tải chỉ còn vài bắp ngô sống. Những thứ đáng giá trong lúc “hâm” ông đã đem cho nhừng người "họ khổ mà".

Hai tay giữ chặt lấy tượng Chúa, mắt nhắm nghiền, trên môi vẫn giật nhẹ như ông đang mơ…

Trăng đầu tháng cũng đã lên cao, dòng sữa bạc chảy tràn xuống căn nhà xiêu vẹo. Một khóm hoa dong đang mùa trổ hoa. Mảnh sân nhỏ, chật kín người ra vào.

Ở quê tôi, những năm trước đây thiếu linh mục, tiếng là giáo xứ, nhưng cả tháng không có lễ. Công việc nhà đạo một mình cha già Khuất coi, mà ngài lại ở tận giáo xứ Ba Làng, cách nơi tôi chừng hai chục cây số. Ngày nào cha cũng phải đi. Ba giáo hạt, mười hai giáo xứ, bao nhiêu là họ lẻ, với một linh mục đã già. Không có ơn Chúa, sức người làm làm sao kham được!

Con đường hàng ngày cha đi, cũng là con đường ông Phan đi hàng ngày. Nên với ông, cha vừa là cha,vừa là bạn. Ông biếu cha ngô, khoai, những thứ ông xin được, cha cho ông nắm cơm mà mỗi sáng chị nấu bếp đã gói sẵn trong lá chuối với ít muối vừng, để đến nơi làm việc ngài ăn trưa. Gặp hôm trời mưa, hai cha con cùng đi bộ, cha dắt xe đạp, ông bị gậy theo sau. Thật tội nghiệp, nên nghe tin có cha là y như ở đó đông kịt người, chỗ này lạy cha, chỗ kia lạy cha, cả trăm con người như bị thôi miên vào một người đang cúi sát xuống ông Phan. Tay đặt nhẹ lên tay ông. Ánh trăng soi rõ từng cử chỉ yêu thương của ngài, tự nhiên tim tôi thắt lại, có ai đó không nén được đã òa lên, xung quanh bao nhiêu người ràn rụa nước mắt. Trời ơi,… cha! Tiếng kêu như một kẻ chịu ơn mà không có gì để trả.

Mặt ông Phan như dãn ra, môi ông giật nhẹ. Chắc ông muốn nói gì đó nhưng không nói được. Bóng người hành khất vẫn trùm lên ông. Người bạn đường đang cúi sát xuống: Con có nghe được cha nói không?

Trăng vẫn vô tư chảy những dòng sữa trắng, soi rõ từng khuôn mặt đẫm lệ…

Mã số: 14-043
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 4