Những dấu chân non

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1616 | Cập nhật lần cuối: 7/6/2015 12:11:11 PM | RSS

“Viết để nhớ về thuở ấu thơ”

Buổi sáng, mặt trời chưa kịp vươn mình ra khỏi khóm tre thì lũ ve đã xướng lên “dàn đồng ca mùa hạ”. Hè về rồi. Một năm học đã qua có biết bao nhiêu điều muốn nói. Trẻ con trong xóm lại tụ tập với nhau để bày trò và tán gẫu. Mới một năm học thôi, thế mà đứa nào cũng muốn chứng tỏ “kiến thức của tao bây giờ thế này này…”. Gốc me bọn trẻ đang ngồi nay lại nhộn vui sau thời gian vắng bóng.

- Tao đã thuộc bảng cửu chương 9 rồi nha!

- Sặc! Vậy cũng khoe!

- Tao được học sinh khá nên má tao sẽ thưởng cặp mới. Hihi.

- Sướng dữ mậy! Tao chỉ cầu lên lớp để không bị ăn đòn!

- Hahaha…

Hiếu ngồi tựa gốc me, nghe các bạn kể chuyện lòng nó thấy vui vui.

Khu xóm của Hiếu nằm ở phía Đông đường quốc lộ 1A, nơi có đường tàu hỏa cắt ngang. Ở đấy, lũ trẻ lớn lên bằng tình thương của mẹ cha miệt mài bên ruộng vườn. Ở đấy, lũ trẻ quen lắm những trò đuổi bắt, thả diều, câu cá, đá banh, bắn bi, bắn ná, đánh cù, ném lon, ném đất… Tuổi thơ chúng gắn với những gì thật tha thiết, gần gũi với quê hương, xóm làng như con trâu, cái cày, cái cuốc hay lũy tre xanh cùng những đoàn tàu Bắc Nam vẫn ngang qua đều đặn. Nhưng ở đây, phần đông lũ trẻ không biết và không quen với nhà thờ cùng tiếng chuông âm vang sớm tối, càng không biết thánh lễ và những giờ giáo lý. Ở đây không có nhà thờ nhưng có một số ít giáo dân như gia đình H và một vài hộ khác. Các sinh hoạt tôn giáo của họ diễn ra tại dòng Phan Sinh ở xã cạnh bên.

Hiếu vừa học xong lớp 4. Trường học nằm cách làng một cây số. Để đến trường, lũ trẻ thường men theo đường ruộng, qua khỏi dốc đứng gần đường tàu rồi cứ thế mà đi. Tuy nhiên, việc đi lễ và học giáo lý của Hiếu thì nhọc hơn. Những năm đầu, ba mẹ cho Hiếu sinh hoạt tại nhà thờ quê Ngoại gần thị trấn, cách nhà mười ba cây số. Tại đây, nó đã được học giáo lý để lãnh nhận bí tích xưng tội và rước lễ lần đầu. (Sau này, vì hoàn cảnh xa xôi nên anh em Hiếu sinh hoạt tại dòng Phan Sinh). Nhà tuy xa nhưng ba mẹ luôn cố gắng đưa Hiếu đi nhà thờ đều đặn mỗi tuần. Dần dà, tự nhiên nó ý thức tầm quan trọng của thánh lễ và việc học giáo lý. Nó chăm chỉ học hành.

Cuối năm học vừa qua, Hiếu đã được rước Mình Thánh Chúa. Đó là niềm vui lớn của Hiếu và gia đình. Nó nhớ rất rõ niềm hạnh phúc lâng lâng khi được xếp vào đoàn rước cùng các bạn, có cha mẹ đi hai bên. Thánh lễ diễn ra sao trang nghiêm và linh thiêng quá. Cảm giác chờ đợi thật lâu, nhưng giây phút được rước Chúa vào lòng đã khỏa lấp niềm mong ước lâu nay. Nó thầm thỉ: “Lạy Chúa, con thật hạnh phúc vì có Chúa ở với con. Từ nay, con có Chúa là bạn đồng hành trên mọi nẻo đường. Xin cho miệng con không ngừng gọi tên Chúa!”. Hiếu vui thật sự. Chính vì niềm vui ấy, nó thấy mình có nhiệm vụ phải giới thiệu Chúa cho mọi người, nhất là bọn trẻ trong xóm.

-----

Những dấu chân nonBọn trẻ vẫn đang thao thao về đủ thứ chuyện của chúng. Cơ hội đã đến nhưng Hiếu chưa biết nên bắt đầu thế nào. Nó gãi đầu gãi tai. Nó nhớ lại lời cô dặn giờ giáo lý cuối năm:

- Các con đã được học và nghe giảng về Chúa, lại được rước Chúa vào lòng rồi, các con có nhiệm vụ đem Chúa đến với mọi người, nhất là bạn bè của chúng con. Hãy giúp các bạn nhận ra tình thương của Chúa qua những việc làm cụ thể nhất theo khả năng của mình. . . Các con nhớ chưa?

- Dạ nhớ ạ! (Cả lớp đồng thanh)

Hiếu đứng phắt dậy. Những lời ấy đang thúc bách nó. Nó nhủ thầm: “Lạy Chúa Giêsu, con nên làm gì?”. Và rồi nó chợt nãy ra sáng kiến. Nó chạy thẳng về nhà. Lúc trở ra, nó mang theo một bị táo, mấy trái ổi và chén muối ớt.

- Tụi mày ơi, ăn táo này- Hiếu hớn hở.

Bọn trẻ hồ hởi:

- Ngon quá! Cho tao một trái!

- Tao nữa.

- Hấp dẫn quá! Táo nhà mày hả Hiếu?

Hiếu “ờ” một tiếng rõ to. Rồi chớp thời cơ, nó đưa tay lên làm dấu thánh giá trước mặt các bạn. Một đứa trong nhóm hỏi liền:

- Ê, mày làm gì đó Hiếu?

- À, tao làm dấu thánh giá. Bên đạo tao trước khi ăn gì cũng làm dấu vậy đó!

- Hê, ngộ dữ mày!

Đứa khác tỏ vẻ quan tâm, miệng vừa nhai vừa nói:

- Vậy mày kể cho tụi tao nghe đạo của mày với nào!

- Ừ. Sẵn sàng! Đạo của tao là đạo Công giáo, tin vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là người Do Thái…

Hiếu vui lắm! Nó bất ngờ vì kế hoạch suôn sẻ quá. Nó say sưa kể những gì đã học được ở nhà thờ hay được nghe từ bà, mẹ và dì nó. Nó cảm thấy hài lòng với sáng kiến của mình. Nó tin Chúa Giêsu đang âu yếm nhìn nó, nghe nó nói và hỗ trợ nó sau lưng. Nó tự tin hơn và như thấy một dòng suối nhỏ đang chảy trong lòng nó mát rượi. Cứ thế, dòng suối tuôn chảy, nhè nhẹ cuốn theo những lời nó nói.

Có con chim sâu bay đến đậu trên cây me nơi bọn trẻ đang ngồi. Tiếng hót lích chích như hòa điệu cùng lời kể của Hiếu. Hiếu ngạc nhiên vì sự chú ý từ các bạn. Thật ra, mọi người đều biết gia đình Hiếu có đạo. Chỉ có điều nơi miền quê này, trẻ con quan tâm gì nhiều đến chuyện đạo hạnh của ai. Chúng chỉ thích những gì thuộc thế giới trẻ thơ của chúng. Đó là những lần tụ họp chơi đùa, chia nhau trái cây, rong ruổi trên cánh đồng bắt châu chấu, đi mót củi. . . Hiếu thích lắm. Nó nhớ vào những mùa rộ lên trò bắn ná hay ống thụt, cả bọn thường lén lút mẹ cha, bỏ ngủ trưa đi nhặt sỏi, hái cò ke về làm đạn dược. Và những lúc ấy, hẳn có đôi lần nó đã bình luận “đạo của tao” cùng chúng bạn, nhưng chỉ với hình thức chuyện tầm phào. Rõ ràng khi đó, Hiếu thấy các trò chơi hấp dẫn hơn đạo Chúa nhiều. Nó thấy trong các bạn có những cao thủ đáng bậc thầy của nó. Nhận thầy rồi, nó năng nghe cao kiến của thầy. Và dĩ nhiên, thầy của nó luôn là số một.

Nhưng đó là lúc trước. Bây giờ, Hiếu đã nghĩ khác. Sau những bài giáo lý và lần xưng tội rước lễ lần đầu, thầy của nó giờ là Chúa Giêsu. Nó say mê một ý tưởng độc đáo là từ nay, dù đi đâu, làm gì nó cũng có một người Thầy luôn yêu thương, chân thành và thấu hiểu nó. Người Thầy ấy sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi nó. Thế nên, nhiều lần nó hỏi lòng “tại sao không chia sẻ niềm vui này cho các bạn?”

Hiếu còn đang nói thì có đứa thắc mắc:

- Chứ ông cha đi tu có cạo đầu không Hiếu?

- Không, vẫn để tóc bình thường hà!

- Ủa, theo đạo vẫn được ăn thịt chó hả mậy?

- Chứ sao! Hihi.

Hiếu cố gắng trả lời các câu hỏi, nhưng vốn kiến thức còn ít nên nó cũng gặp khó khăn.

- Thế Chúa Giêsu có bất tử như Đức Phật không?

- À, vì yêu thương tao, tụi mày và hết mọi người nên Chúa đã chịu chết trên thánh giá, nhưng ba ngày sau Ngài đã sống lại và không chết nữa.

- Xạo mày! Chết rồi sao sống lại được? Dóc tổ!

- Đúng rồi. Với lại Chúa Giêsu của mày ở bên Do Thái cách đây 2000 năm, làm sao biết tụi tao mà thương với yêu? Nổ mậy!

- Tao nói thật mà!

Thấy những điều Hiếu nói không thuyết phục lắm, thằng Lớn bắt đầu chán. Nó lên tiếng:

- Thôi, để khi khác tụi tao nghe nữa nha Hiếu. Táo của mày ngon lắm! Bây giờ tụi mình chơi ném lon đi!

- Ờ, hay đó! Chơi đi!

Ý kiến đó được cả bọn tán thành. Hiếu ấp úng:

- Nhưng mà…tao nói thiệt đó!

- Thôi đi! Mày có chơi thì lại đây mau!

Biết không thể nói gì thêm, Hiếu vội vàng:

- Uh, chờ tao với!

Cả bọn xúm xít oản tù tì. Kết quả thằng Cùng bị phạt đầu tiên. Bọn trẻ vui vẻ cầm trên tay chiếc dép của mình. Đứng sau đường kẻ, Hiếu thấy thằng Cùng mặt buồn xo đang đứng gần vòng tròn. Thằng Lớn hỏi:

- Cùng, bắt đầu được chưa?

- Rồi! – Cùng đáp.

Trò chơi bắt đầu. Thằng Lớn đứng trước, giơ tay ném chiếc dép đầu tiên bay vèo. Chiếc dép đập vào lon sữa bò làm nó văng đi. Thấy thằng Cùng chạy theo cái lon, thằng Lớn mau chóng lượm dép rồi co chân chạy về mức. Cú ném quá chuẩn nhưng chẳng đứa nào ngạc nhiên vì thằng Lớn là cao thủ bắn chim và ném… xoài mà! Cả bọn theo nhau ném tới tấp, chỉ có thằng Hiếu là đứng nhìn. Nó thấy Cùng cứ lui hui chạy lượm lon, mồ hôi vã ra và miệng thở hồng hộc.

Nó thấy tội thằng Cùng.

Thấy Hiếu cứ đứng nhìn mà không chịu ném, hai đứa trong bọn nói lớn:

- Hiếu, mày không ném lẹ đi! Đứng đó làm gì?

- Ờ, mày choán chỗ quá!

Nghe vậy, Hiếu khịt mũi mấy cái rồi cũng giơ dép ném vèo. Cú ném đại khái của nó bay chệt cái lon. Rồi nó cũng chẳng chịu lượm dép. Thằng Lớn la to:

- Hiếu, lượm dép đi mày!

“Tu tu tu. . . ”- Tiếng còi tàu vang lên. Một đoàn tàu Bắc Nam chạy ngang qua. Hiếu vẫn đứng im, mắt nhìn về phía ấy. Cả bọn nhìn mặt nó, chẳng hiểu chuyện gì. Thằng Lớn lại lên tiếng:

- Mày bị gì vậy Hiếu? Mày có chơi nữa không?

- Khoan đã! Tao…

- Gì nữa? Mày lại muốn giảng đạo à?

- Không! – Hiếu cười – Lần này tao không giảng nữa. Tao muốn…

- Muốn gì? Lẹ lên!

- Tao muốn bị giùm thằng Cùng! - Vừa nói Hiếu vừa tiến lại chỗ Cùng đang đứng.

- !!!

Đoàn tàu đã chạy qua và chẳng có gì khác thường. Ấy vậy mà hết thằng Hiếu giờ lại đến bọn trẻ ngơ ngơ ngác ngác nhìn về phía ấy như người mất hồn. Câu nói của Hiếu làm cả bọn khựng lại mấy giây.

- Bị giùm? Mày bị giùm thằng Cùng?

- Ờ, đúng vậy! - Giọng Hiếu chắc nịch.

- Haha. Mày khùng hả?

- Thôi kệ đi! Bữa nay nó ấm đầu!

Thằng Lớn nãy giờ quan sát, mặt nó đỏ lên trước thái độ của Hiếu. Nó bĩu môi:

- Mày điên rồi! Tao hồi giờ chưa thấy ai như mày! Mày muốn làm thánh à?

Thằng Hiếu im lặng. Nó vẫn vui vì lựa chọn của mình. Bị bọn bạn rủa “điên khùng” liên hồi, nó đã thấy sóng gió nổi lên nhưng có gì đó thôi thúc nó cứ can đảm. Nó nhìn thằng Cùng, nở nụ cười rồi cúi xuống nhặt cái lon, đặt trong vòng tròn rồi đứng thẳng dậy.

- Tao sẵn sàng rồi đó.

Bọn trẻ thấy Hiếu cười thì không thể kiên nhẫn hơn. Chúng thấy ngứa tay với thằng Hiếu “điên” quá sức! Thái độ ngạc nhiên của chúng giờ đã chuyển sang sự khó chịu. “Phải cho thằng Hiếu một bài học”- Chúng nóng lòng.

Thằng Lớn chẳng nói gì thêm. Vẻ mặt lạnh của nó là câu trả lời. Nó không hài lòng về thái độ của Hiếu. Nó cảm nhận rõ ràng thằng Hiếu tự dưng tách riêng ra và đang đối đầu với chúng nó, những người bạn lâu nay. “Vì cái gì?”- nó tự hỏi. Lập tức, nó nhận ra chỉ vì chuyện đạo hạnh nãy giờ. Môi nó nhếch lên. Nó cười mỉa Hiếu. Nó đâu hiểu được những gì đã xãy ra với Hiếu lâu nay: những câu chuyện về Chúa, những lần đi nhà thờ, những bài giảng giáo lý…, nhất là cảm giác được rước Chúa vào lòng mới đây. Những điều đó đã âm thầm thay đổi Hiếu. Thằng Lớn đã không biết điều đó.

Theo lệnh thằng Lớn, bọn trẻ dạt ra hai bên. Nhìn chiếc dép tổ ong trên tay nó, đứa thì cười, đứa khác nhỏ to:

- Coi dép nó “bự” chưa kìa!

- Khặc khặc, chân nó to như quỷ sứ!

Mắt đăm đăm nhìn kỹ cái lon, thằng Lớn vung tay không hề chia trí.

Bốp! Kinh kinh kinh…

- Trúng rồi!

Bọn trẻ reo lên. Cú ném quá mạnh làm cái lon văng xa. Hiếu luống cuống chạy theo, vừa chạy vừa khom lưng xuống, với tay ra nhặt thật nhanh cái lon rồi đặt vào trong vòng tròn. Hàng loạt cú ném liên tiếp theo nhau. Những chiếc dép bay như một cơ đội, xà xà sát mặt đất. Cái lon bị mục kích một cách đáng thương, móp méo và chẳng nằm yên một chỗ quá ba giây. Mục tiêu của dép là cái lon, nhưng mục đích của bọn trẻ là làm cho Hiếu tỉnh lại.

Hiếu hiểu điều đó nhưng nó không hối hận. Nó đã thấy thằng Cùng bị phạt và đó là tất cả.

Vì con tim có những lý lẽ mà lý trí không hiểu hết được.

Hiếu nhớ lại lần đầu tiên trong đời câu được con cá. Tất cả nhờ công thằng Cùng. Nó đã quan sát thật kỹ và ra hiệu cho Hiếu giật cần thật nhanh.

- Rô phi, rô phi đó Hiếu!

- Haha, thành công rồi! To quá nè Cùng!

- Ừ, bằng bàn tay táo đó chứ!

Phải, Hiếu đã làm được. Nó vui và biết ơn Cùng lắm. Nhưng đang lúc hò reo nhảy múa, nó thấy mặt thằng Cùng rất tươi, rất sáng dưới ánh nắng chiều. Lạ nhỉ! Và nó đã nhìn thật lâu. Từ đó, hình ảnh con cá đầu tiên bao giờ cũng gợi lại một gương mặt sáng. Và chính lúc này, gương mặt ấy lại hiện ra, hỗn mang cùng “cơ đội dép”, cái lon và những dấu chân in đầy trên đất.

Hiếu đã thấm mệt. Mồ hôi nó đầm đìa. Những lời châm chọc vẫn chưa ngưng. Những chiếc dép vẫn bay vô tình. Hiếu thấy mình đang bị bỏ rơi. Nó buồn. Tự dưng nó thấy nơi khóe mắt cay cay. Nó sợ bị phát hiện nên cứ cúi mặt xuống đất. Chẳng ai biết nó đã nghĩ “Chúa ơi xin giúp con!” bao nhiêu lần. Tội nghiệp! Bỗng:

- Á…

Một chiếc dép bay trúng mặt thằng Hiếu. Môi nó bị dập và đang rỉ máu. Bọn trẻ ngừng tay, mặt ngơ ngác. Thằng Lớn hỏi:

- Dép của đứa nào?

- Của thằng Rin đó.

- Ê, đâu phải tại tao! Tại thằng Hiếu nó không chịu né chớ bộ! – Rin bào chữa.

- Ờ đúng! Tao cũng thấy thằng Hiếu không chịu nhìn ngó gì hết.

- Ai bảo mày quăng mạnh quá chi! Nó khóc rồi kìa.

Cả bọn ồn ào. Tiếng Thằng Lớn:

- Tụi mày ồn quá! Thôi nghỉ đi!

Thằng Lớn vừa quay đi vừa liếc nhìn Hiếu. Vẻ mặt nó thật khó hiểu. Bọn trẻ cũng lục đục kéo theo.

Hiếu quỵ hai gối trên nền đất, một tay sờ môi bị rỉ máu, tay còn lại đưa lên quệt hai hàng nước mắt. Thật ra, môi nó bị dập cũng đau thật nhưng nó thấy chiếc dép bay tới thật đúng lúc.

Nó đã lo lắng và sợ rằng sẽ khóc. Nó đã cố nén để không khóc ở đây và lúc này vì như thế thì xấu hổ lắm. Nhưng khi chiếc dép đập vào mặt, tuy bất ngờ nhưng như thế cũng đủ hợp lý cho nước mắt chảy ra. Nó không kềm nữa, không giấu nữa. Mặt nó ướt mem. Nó thổn thức với Chúa vì nhận ra một điều:

- Chúa ơi, bây giờ con biết làm chứng cho Chúa không dễ lắm đâu!

Nắng đã lên cao và bạn bè đã đi đâu hết. Hiếu chống tay chực ngồi dậy thì thấy một bàn tay chìa ra. Bàn tay này là… Chợt nó thấy một tia ấm áp xuyên qua lồng ngực. Nó ngẩng đầu lên, tươi tỉnh hẳn. Đằng sau lớp sáng còn nhòe nước mắt, nó nhận ra đúng gương mặt ấy. Nắm lấy bàn tay, Hiếu đứng dậy. Nó bảo:

- Bằng con cá đầu tiên!

Hai đứa trẻ cùng đi vào làng, bỏ lại sân chơi đầy dấu chân chằng chịt. Chân chúng đi in hình mới trên đất – hình những dấu chân non.

Bài dự thi Mã số 15-121

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015, Bản Tin 11