Phía sau màn mưa

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1553 | Cập nhật lần cuối: 7/14/2015 10:55:22 AM | RSS

- Leng…keng…eng…kkennggg!!

Tiếng bát đũa thả xuống mâm cơm kêu loảng xoảng, cái mặt con bé Sâm nhăn như “khỉ” rồi đứng phắt người dậy, miệng cứ lẫm bẫm cáp lại lời lão rồi đi thẳng một mạch lên nhà.

- Mày còn dám cư xử vậy với tao à? Tao là thằng cha đã đẻ ra mày đấy, mày còn dám ngồi lên cả đầu tao thế à??? Tao nói trước, thằng đấy mà bước vào cái nhà này một bước tao chặt chân cả hai đứa mày luôn đấy. - Giọng lão khàn khàn cứ rướn theo bước chân nhanh của Sâm, bà Ngoan vợ lão nước mắt cứ đầm đìa suốt từ nảy giờ.

Trời mỗi lúc một mưa to, tiếng loa nhà thờ mở hát râm ran những bài nhạc xuân vui nhộn hòa vào tiếng mưa làm cho âm thanh trong màn đêm trở nên như một mớ hỗn độn và phức tạp, cảnh của đêm cuối cùng trong năm cũ chẳng khác gì tâm trạng của lão lúc bấy giờ.

***

Gia đình lão trước đây vốn là một gia đình mang tiếng gia giáo lắm, mới ngày nào lão vẫn còn rất tự hào khi được nhận bằng khen của Đức Giám Mục Giáo phận công nhận là người có công với giáo hội, lão được thế là vì lão đã từng làm 3 khóa giáo lý viên liên tục và 2 khóa ở trong ban hội đồng giáo xứ rồi, tính ra thì lão đã 15 năm liên tục phục vụ cho giáo xứ, giáo hội. Lão đi đâu cũng được người ta nể phục, vợ con lão lúc nào cũng tự hào lây.

Phía sau màn mưaẤy thế, chỉ vì một đứa con gái, đứa con mà chính lão sinh thành giáo dục đã khiến cho lão chẳng bao giờ dám ngẩng đầu lên với thiên hạ nữa.

Sâm, đứa con gái lớn và cũng là đứa con gái duy nhất trong số 5 chị em, cái hồi còn ở nhà Sâm vốn là một đứa con gái xinh đẹp, ngoan hiền và biết vâng lời, đặc biệt mọi người thường phục Sâm ở tính cách, lập trường quyết đoán và vững vàng. Tuy mang phận là một người chị cả, nhưng trong 5 chị em thì Sâm giống như một người anh cả hơn là người chị cả, bởi tình tình và sự mạnh mẽ của Sâm hình thành nơi Sâm một con người rất cá tính.

Thời gian trôi qua nhanh, Sâm càng lớn càng trưởng thành hơn, rồi cũng như những đứa trẻ khác trong làng, cứ học hết lớp 12 thì đua nhau xách balô đi vào Sài Gòn tìm việc làm. Cái ngày Sâm đi, lão vẫn còn rất tin tưởng vào con gái mình đã đủ lớn khôn lại được giáo dục và học hành đàng hoàng, sẽ vững bước một mình khi không có bố mẹ bên cạnh giữa cái đất Sài Gòn đông đúc ấy.

Thời gian đầu sống trong Sài Gòn, Sâm vẫn thường xuyên gọi điện về hỏi thăm gia đình, hàng tháng Sâm cố gắng chi tiêu tiết kiệm để gom góp tiền lương gửi về cho gia đình, cho bố mẹ lo các em ăn học. Có lần Sâm bảo sẽ không lấy chồng cho đến lúc cả 4 đứa em của Sâm đều học hành xong cả thì mới chịu.

***

- Reng…rengg..engg…!!!

Cả nhà đang ăn cơm bỗng tiếng chuông điện thoại reo, lão đặt bát cơm xuống chạy vội lên nhà nghe máy.

- Alo! Xin hỏi ai vậy?

- Alo! Bố ơi…, ... con đã về ...

- Mày còn nhớ đường mà về cái nhà này à?

Lão bổng nhiên đổi giọng quát một cái rõ lớn, rồi cúp máy xuống không đợi nghe thêm câu nói nào từ bên kia nữa.

- Ai gọi điện mà sao mặt ông lại thỏng ra như vậy ?

Giật mình vì câu hỏi của vợ, lão buồn rầu đáp :

- Là con Sâm … nó về rồi bà à !

- Ủa, con Sâm hả ??? – Vợ lão hối hả như sắp được gặp con thật.

- Ừ !!! – Tiếng ừ của lão kéo dài như là vừa nói lão vừa thở dài vậy.

Mới đó mà kể ra cũng đã 2 cái tết rồi kể từ ngày Sâm đặt chân vào Sài Gòn và cũng từ đó nó chưa bao giờ đặt chân về lại quê nhà, mặc cho nhiều lần lão gọi lên khuyên con đủ điều nhưng Sâm vẫn bỏ ngoài tai, nhiều người trong xứ đi vào Sài Gòn về cứ đồn đại là Sâm đang theo một người đàn ông không có đạo, rồi có người nói Sâm đã mang bầu.... Nên lần này tự dưng con gái lại về, linh tính lão cảm thấy như những lời đồn của người là đúng, lão sợ những lời đó là sự thật.

Thấy vẻ mặt lão ủ rũ, vợ lão ngạc nhiên rồi bà cất lên cái giọng than thở :

Bao nhiêu năm trông mong cho con nó về…cuối cùng…con nó vẫn còn nhớ tới cái thân già này đấy ông ơi...

- Ừ ! Nhưng tôi sợ lắm bà ơi , tôi sợ điều đó là sự thật…

Nghe thấy giọng nó, tự dưng tôi nổi giận mắng nó rồi cúp máy luôn. – Nước mắt lão rơi, lão quay mặt đi nơi khác để mấy đứa con không thấy nước mắt lão. Lão ít khóc, và dường như chưa bao giờ từng khóc trước mặt vợ con như thế, nhưng lần này lão không thể cầm được nước mắt… vì con gái của lão.

- Ông làm sao thế chứ? Đã 2 năm ròng rã biệt tăm bóng hình con, tôi thì cứ tưởng là mình đã phải mất đứa con gái duy nhất của tôi rồi chứ. Thật là cuối cùng hôm nay Chúa cũng đã thương nhậm lời mà soi đường mở lối cho con nó quay về nhà. – Vợ lão lại ôn tồn.

- Ừ, bà nói phải, tôi cũng thương con lắm chứ, nhưng nếu sự thật như người ta nói thì tôi và bà sẽ sống làm sao đây ?

- Nhưng nó có là gì đi nữa thì cũng là con gái của ông mà. - Nói thế rồi bà Ngoan bảo thằng Toản – em trai kế Sâm – xuống chở con gái về

Con đường ngoằn ngoèo từ quốc lộ đến nhà lão ước chừng 5 cây số, trời lúc này đang nhá nhém tối và dường như đang sắp mưa.

Toản đi chừng 20 phút sau thì quay về, tiếng xe máy oen oẻn vào tới tận trong sân. Ngồi sau Toản - một cô gái cắt tóc ngắn, dáng người gầy gò, trên tay bế một đứa trẻ chừng 7 – 8 tháng tuổi.

Vợ chồng lão từ trong nhà nhìn ra ngơ ngác không nhận ra ngoài kia chính là đứa con gái của mình, ngạc nhiên hơn khi thấy Sâm bế trên tay một đứa trẻ đang oa oa khóc vì trời lạnh.

Sâm bảo Toản mang hành lí của mình lên nhà cất giùm rồi không cần chào hỏi cũng chẳng cần đợi ai gọi, Sâm bế con đi thẳng vào ngồi bệt xuống mâm cơm mà cả nhà đang đợi sẵn, mặc cho mọi người trong nhà cứ ngơ ngác không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

- Ôi đói quá, ở nhà mình sao lạnh vậy? – Sâm vừa nói vừa lấy cơm vào bát rồi đưa lên miệng ăn lấy ăn để mà không làm dấu đọc kinh ăn cơm.

- Chị chưa đọc kinh mà đã ăn cơm kìa mẹ ơi mẹ… - Thằng út vừa hét lên vừa kéo áo mẹ.

- Ôi, thằng út đấy à, nhanh lớn quá nhỉ. – Sâm ngạc nhiên, xong rồi cũng chỉ lấy tay xoa đầu thằng út mấy cái và khen nó mấy câu chứ chẳng thèm để ý tới việc thằng út tố cáo với mẹ chuyện chị nó không đọc kinh trước khi ăn; cả việc Sâm ôm con về mà chẳng bận tâm xem mọi người trong nhà đang nhìn hai mẹ con với hàng ngàn cái khó hiểu trong đầu họ. Dường như sống ở cái đất Sài Gòn làm cho Sâm quên đi việc đọc kinh trước khi ăn và điều tệ hại hơn là chuyện nó "ăn cơm trước kẻng" nên chưa chồng mà đã có con là một điều hết sức xấu xa khó tưởng tượng trong con mắt người dân trong giáo xứ, mọi người sẽ nhìn Sâm với con mắt khinh thường và đầy tội lỗi.

Đợi Sâm ăn hết nốt bát cơm, bà Ngoan mới cất tiếng:

- Đứa bé này là sao hả con?

- À ! Cháu ngoại mẹ đấy . – Sâm nhoẹn miệng cười và đáp.

- Đồ bất hiếu. Mày đã cưới đâu mà tao có cháu ? – Lão giật thót lên rồi hét toáng khi nghe câu trả lời của Sâm.

- Thì lần này con về là để nói chuyện với bố mẹ đấy, rồi ít ngày nữa anh ấy vào ra mắt bố mẹ, xin thủ tục rồi chúng con sẽ vào lại Sài Gòn cưới. – Sâm vẫn cứ thản nhiên vừa ăn vừa nói.

Sự thản nhiên của Sâm khiến cho cơn giận của lão càng lên cao:

- Mày có mang thằng đó đi đâu thì đi chứ tao cấm mày mang về cái nhà này, thật khổ công tao sinh ra cái thứ con gái hư hỏng như mày. Tao…

- Bố không cho thì tụi con vẫn làm đám cưới, con lớn rồi con có quyền lựa chọn con đường cho riêng con . – Sâm ngắt lời lão rồi thả chén cơm xuống, bế con đi lên nhà trên.

***

Mưa mỗi lúc càng lớn. Chưa năm nào ở cái vùng quê nghèo nàn này lại được trận mưa xuân lớn như vậy, có lẽ trời cũng hiểu được tâm trạng của lão nên cũng trút nước mắt khóc thương cho hạnh phúc một thời của gia đình lão. Lão ngồi co chân dựa lưng vào tường rồi đăm chiêu nhìn mưa rơi, chốc chốc lại sụt sùi nước mắt. Lão buồn, cả gia đình lão cũng buồn ; nhưng Sâm có hiểu được cảnh tưởng này không thì không ai biết, chỉ biết nó đang cố làm cho cả gia đình phải thêm xấu hổ.

Lão thất bại trước sự ngang bướng của đứa con gái, rồi tương lai gia đình lão sẽ ra sao? Lão phải chọn con đường nào ? Cấm hạnh phúc của con gái để có thể sẽ mất luôn đứa con hay tác thành cho chúng nó ? Người ta sẽ nhìn vào con gái lão mà săm xía cả lão, cả gia đình lão… Tất nhiên rồi, phận làm cha mà lão không giáo dục được con thì lỗi là tại lão ; lão biết lão đang phải nuốt cái sự nhục nhã mà con gái mang cho, rồi đây lão sẽ phải đứng giữa cộng đoàn mà xin lỗi thay cho con, bao nhiêu công lao mà lão đã hy sinh cống hiến cho giáo xứ, giáo hội liệu có đánh đổi với lỗi lầm của con gái lão không ? … Lão nghĩ vậy rồi mặt lão lại tái bét lên như vừa gặp phải con ma.

- Đẹt…ẹt đẹ…e.e.ẹt.. !!

Tiếng pháo giao thừa đầu tiên đã nổ, trong đêm mưa một vài tiếng pháo cũng không làm cho không khí vui lên được. Cảnh vật trong đêm mưa khi đứng trước thời khắc giữa năm cũ và năm mới trông ảm đảm cũng như lòng người khi đứng trước những lựa chọn khó khăn giữa màn đêm của cuộc sống.

Bài dự thi Mã số 15-114

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015, Bản Tin 10