Sống đạo giữa đời thường

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1880 | Cập nhật lần cuối: 5/29/2015 9:15:02 AM | RSS

Thầy Quý về cái xóm nhỏ này mới 3 tháng. Ông có dáng người gầy và nước da ngăm đen. Dù đã ngoài 60 nhưng đôi chân vẫn nhanh nhẹn và đôi mắt vẫn tinh anh. Thầy có 4 người con. Cô con gái đầu lấy chồng và ở lại Buôn Mê Thuột, cậu con trai thứ 2 đi tu và trở thành linh mục của dòng Xi-tô, anh con trai thứ 3 lập nghiệp và có gia đình ở Bình Dương. Cô con gái út lập nghiệp ở TPHCM. Từ Lâm Đồng, ông chuyển về đất Bình Dương xây phòng trọ cho thuê để an hưởng tuổi già. Ông luôn nói với mọi người rằng: “Tôi đã làm tất cả vì Chúa và Chúa đã cho tôi tất cả”.

Tình cờ gặp ông ở Lâm Đồng trong một chuyến thực tập 2 tuần của trường. Nhóm chúng tôi gồm 8 người nhưng chỉ có 2 người theo đạo Công giáo. Hai chúng tôi rất lo lắng không biết phải tìm nhà thờ và đi lễ Chúa nhật ở đâu vì cả hai không muốn bỏ lễ. Hôm ấy là sáng chủ nhật, chúng tôi vào nhà bác trưởng thôn nhờ giúp đỡ trong việc nghiên cứu. Thấy bàn thờ có tượng Thánh Gia, chúng tôi mới lân la hỏi về địa chỉ của nhà thờ. Bác trưởng thôn giới thiệu thầy Quý, người trông coi nhà thờ đang xây dựng ở gần đó. Chúng tôi trò chuyện cùng thầy như đã thân quen lắm.

Chiều đó, hai chúng tôi đi lễ. Thầy Quý để cho hai đứa đọc sách Thánh. Lần đầu tiên được đọc sách, cả hai đứa đều hân hoan vui mừng. Hai tuần thực tập trôi qua. Chúng tôi trở về TPHCM. Chỉ có tôi còn quay lại vài lần để thăm thầy. Rồi việc học, công việc ở thành phố hoa lệ đã cuốn chúng tôi vào guồng quay, chỉ còn thời gian gọi điện hỏi thăm thầy dăm ba phút. Chúng tôi không trở lại Lâm Đồng lần nào nữa.

Nghe tin thầy chuyển xuống Bình Dương, chỉ cách nơi tôi ở vài chục cây số. Chúng tôi dò đường xuống thăm thầy. Ngồi nghe thầy tâm sự: “Cả đời thầy lang bạt từ vùng đất Ninh Thuận, lên Đắk Lắk, xuống Lâm Đồng rồi về đất Bình Dương này”. Ở Ninh Thuận, thầy làm công tác giảng dạy ở các trường học trong tỉnh. Bên cạnh đó, thầy còn phụ trách công việc giảng dạy giáo lí hôn nhân ở giáo xứ Hạnh Trí và các giáo xứ lân cận.

Sống đạo giữa đời thườngMột thời gian sau, cả gia đình thầy chuyển lên vùng đất cao nguyên Buôn Mê Thuộc, lấy nghề trồng trọt và chăn nuôi để mưu sinh. Hồi đó, mảnh đất này còn hoang sơ lắm! Thấy dân Chúa chưa có nơi cầu nguyện, thầy đã tập trung 200 hộ lại, mỗi tối thứ 7, tất cả mọi người tụ họp tại nhà thầy đọc kinh, cầu nguyện. Thời ấy, vùng đất Buôn Mê Thuột nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung thường xảy ra những biến loạn. Một số người nghe theo sự xúi giục của những kẻ phiến loạn nổi dậy chống lại chính quyền. Vì thế, việc tập trung đàn chiên của Chúa vào ngày thứ 7 làm cho nhiều người thời bấy giờ nghi ngờ thầy xúi giục dân chúng nổi dậy chống chính quyền.

Một bữa nọ, mọi người đang tập trung đọc kinh vào ngày thứ 7 như thường lệ. Chính quyền xã ập vào nhà, tên công an xã hỏi thầy: “Các ông tụ tập ở đây nổi loạn phải không?”. Thầy trả lời: “ Hôm nay là ngày giỗ của ba tôi. Đạo Công Giáo chúng tôi thường không tụ tập ăn uống như các ông. Vào ngày giỗ, mọi người quây quần đọc kinh cầu nguyện cho người đã mất, có chăng chỉ uống thêm chén nước trà rồi ai về nhà nấy thôi”. Thầy cũng nói thêm rằng: “Bữa đó, cũng may nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng mà thầy lại để sẵn chiếc khăn tang thờ ba thầy lên bàn thờ nên cũng giống như một ngày giỗ bình thường”. Thầy kể tiếp, sáng hôm sau, xã trưởng sai người cho xe Cam - nhông bắt thầy lên xã làm việc. Tên xã trưởng bắt thầy làm bản kiểm điểm vì đã tụ tập, kích động dân chúng. Thầy nói với hắn ta rằng: “Tôi đã nói với các ông lí do rồi mà các ông không tin. Tôi không làm gì sai trái nên tôi không viết bản kiểm điểm. Các ông muốn làm gì tùy các ông”. Tên xã trưởng đập bàn dọa. Thầy nói: “Tôi đang nói chuyện với anh rất lịch sự, nếu anh có thái độ mất lịch sự, đập bàn đập ghế thì tôi cũng sẽ đối xử với anh như vậy. Anh đập bàn một cái thì tôi sẽ đập bàn hai cái”. Tên xã trưởng đuối lí, thấy chẳng có lí do gì giữ thầy lại, đành thả ông về. Ông lém lỉnh nói: “Các anh đưa tôi đến đây bằng xe thì các anh phải đưa tôi về. Nếu tôi đi xe máy lên thì tôi sẽ tự về. Đằng này, các anh chở tôi đến bằng xe mà lại bắt tôi về bộ. Nếu các anh không chở tôi về thì hãy giam tôi lại”. Tên xã trưởng đành cho người lấy xe chở thầy về tận nhà.

Tuy qua được tên xã trưởng một lần nhưng không thể theo cách này mãi được. Thầy đã kết thân với chính quyền, cố gắng quyên góp để xây dựng một nhà thờ cho bà con đến với Chúa. Sau khi nhà thờ thành lập một thời gian, cô con gái đầu lập gia đình và ở lại nhà chồng, thầy lại được giới thiệu xuống huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng giúp trông coi nhà thờ ở đây.

Bây giờ, thầy chuyển xuống sống gần anh con trai để an hưởng tuổi già. Về Bình Dương, thầy xây một dãy trọ, cho thuê để sinh sống. Thầy nói rằng: “Chúa đang trả công cho thầy vì trong khi các dãy trọ xung quanh đều thưa thớt người đến thuê phòng thì dãy trọ của thầy chưa xây xong đã có người đến đặt cọc xin ở”.

Giáng Sinh vừa rồi, muốn chia sẻ niềm vui Chúa Giáng Sinh cho mọi người trong xóm, thầy quyên góp tiền của những gia đình có đạo để tổ chức cho mọi người vui Giáng Sinh. Ở đây, chỉ có 4 hộ gia đình theo đạo Công Giáo. Thầy xin mỗi hộ góp 200 ngàn, còn lại thầy tự bỏ tiền ra mua quà phát cho thiếu nhi trong xóm. Em nào học giỏi được thêm một phần quà. Em nào ngoan cũng được thêm một phần quà nữa. Đêm ấy, cả xóm cùng mừng Chúa Giáng Sinh. Mọi người cùng trò chuyện, vui chơi không phân biệt tôn giáo.

Tôi cứ suy nghĩ mãi về những việc làm và về đức tin mạnh mẽ của thầy. Thầy đặt một niềm tin tưởng mạnh mẽ vào Thiên Chúa, làm mọi việc để vinh danh Chúa và Chúa đã cho thầy tất cả. Thầy không kể lể bằng lời nói nhưng nên thánh trong từng việc làm của mình. Chưa kể phần thưởng nước trời sau này nhưng ngay trước mắt thầy được đáp trả bằng tình yêu thương, quý mến của mọi người xung quanh. Thầy quả là tấm gương sống đạo giữa đời thường cho chính bản thân tôi và mọi người noi theo.

Bài dự thi Mã số: 15-064

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015, Bản Tin 05