Tấm bài vị

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1688 | Cập nhật lần cuối: 8/13/2015 2:59:44 PM | RSS

Mưa rả rích rơi. Từng đợt gió lạnh buốt lèn qua khe cửa mà ùa cả vào. Căn nhà xiêu xiêu ôm trọn mưa, ôm trọn gió và ôm trọn một thân già đang ho húng hắng. Bác Năm, thực ra là bà cụ Năm, gọi bác để cho thấy bác trẻ. Chậc, nói đến đấy chợt thấy khó: Khi nào thì tui cảm được cái tê tay nhức chân của tuổi bác nhỉ? Bác ngoài 80 rồi, tóc bạc như mây trời vậy nhưng vẫn mạnh khỏe lắm. Bác ăn nói có duyên, miệng nhai trầu thì nhất, sang không ai bằng. Chỉ tội cái là không chồng con gì cả. Từ hồi mới về sống ở đây, tui đã thấy bác ở vậy. Hỏi ra mới biết bác trai mất lâu rồi. Uhm, cuộc đời! Những mất mát không ai muốn lại cứ xảy ra như cơm bữa. Ngẫm vậy tui buồn. Mà khi buồn thì tôi nhả một hơi thuốc. Mà khi tôi nhả thuốc, một làn khói nhẹ bay lên. Khói nhìn rõ lắm nhưng đến vài giây sau thì tan mất. Mặc kệ! Giờ tôi lặng nghe tiếng mưa. Trời không sáng nổi vì mưa. Tôi lặng nghe cả tiếng ho của bà Năm húng hắng trong mưa. Giờ mưa mới xong, bác đang lụi cụi gì đó trong bếp vậy? Chắc cơn mưa giông làm ướt mớ thóc chưa kịp gom vào chiều qua. Khổ, thân già, cái gì cũng loay hoay một mình cả.

- Bà ơi, bà ơi!- Có tiếng một đứa nhỏ nào đó. À, là thằng cu Mão, con ông Hai cách nhà tui mấy mái ngói.

- Cái thằng này, làm tau giật mình, chuyện gì vậy?- Tấm bài vịNhưng thằng nhỏ không trả lời. Nó vừa kéo bà chạy ra vừa la toáng chỉ một câu: “Mau mau cả hết”. Tui ngoái cổ nhìn ra. Bà Năm còn gõ đầu hắn: “Tau có già quá đâu, kêu tau bác thôi!”. Rồi hai cái bóng tiến ra dần phía xóm trên, xóm đạo.

Thằng nhỏ đưa bà đi nhận gạo ấy mà. Sắp đến lễ Giáng Sinh bên đạo rồi.

- Theo đạo có gạo mà ăn- Tui thì thào một mình- Phải, không biết tại sao cứ mỗi lần nhìn về phía tháp chuông nhà thờ ấy tui lại nhớ câu nói đó... Chẳng biết từ hồi nào nữa...

Tui xách giỏ ra chợ. Mấy người đi đường thấy đàn ông đi chợ thì xì xào. Kệ, bữa ni họ cười chi cũng mặc. Ông Hai, ông Sáu cũng bán buôn ngoài chợ đó thôi. Chà, chợ đò hôm nay đông đúc.

- A, chú chủ tịch xã, chú đi chợ há? Mua cho em con cá!- Một cô hàng cá gọi to khi tôi mới vào.

- Tui về hưu lâu rồi mà chị cứ gọi!

- Thì kệ! Một ngày ăn lương nhà nước thì mãi là thuộc về nhà nước mà!

- Chú mua cá đi chú!

- Cái chị này! Dẻo miệng quá!- Tui cười.- Thôi, chọn cho tui mấy con!

Cá nhảy đành đạch.

- Cám ơn chú chủ tịch, chú đi thong thả nhá!

Chợ búa vẫn vang vang đủ thứ âm thanh: nào là chào mời, nào tiếng nói chuyện rôm rả, tiếng quạt máy ù ù và cả tiếng dao chặt thịt phạn xuống thớt bình bịch… Tất cả hòa trong hương vị của mắm, của cá, của những bó rau tươi và của cả những trái bắp non mới luộc nên vừa tanh tanh vừa thơm thơm. Đang mải mê mẫn thì có tiếng gọi khiến tôi giật mình.

- Chú, chú mua gạo kẻo vài bữa nữa gạo thua!- Đó là tiếng cô Loan. Thường thì tui không mua cô.

- Cô đừng nói tui thẳng thừng chứ tui nói cô biết: Cô bán đắt dễ sợ! Cô bên ni đi đâu rồi cô?- Tui chỉ sang sạp hàng bên cạnh. Bà chủ liền gắt gỏng.

- Bả đi gì đó bên giáo xứ rồi. Chú thiệt là… Không mua thì thôi…đi đi cho!

- A ha, tui vừa bị đuổi. Khách hàng vừa bị đuổi khỏi quầy bởi chính bà bán hàng. Lần đầu tiên trong đời… Hahaha… Già đầu rồi lại bị đuổi khi đi mua gạo.

Tui về nhà. Đang hí hoáy rửa bó rau thì có tiếng chân lép bép sau lưng. “Chú há?”- Giọng bà Năm khe khẽ. Chuyện gì mà bà Năm nghiêm túc vậy ta?

- Dạ tui đây bác.- Tui rửa tay bước ra.

- Đi nhanh! Đi với tui!- Bà đáp.

- Đi đâu?

- Đi lên nhận gạo. Mau!Mau!- Giọng bà vẫn dồn dập.

- Ở đâu? Ai cho? Vì sao cho?

- Nhà thờ! Nhanh!- Tức thì bà kéo tui đi phăng phăng. Cái tiếng “ai theo đạo có gạo” tự nhiên lại trào lên trong đầu tui.

- Bác này…- Tui níu lại.- Tui dù sao cũng từng ăn cơm nhà nước, tui không theo đạo đâu.

- Chú nói gì vậy?”- Bà Năm ngạc nhiên.

- Ai bắt chú theo? Tầm bậy!!!

Tui trố mắt: “Theo đạo có gạo, suy ra có gạo phải theo đạo còn gì!”

Bà Năm cười ha hả: “Chú này thật là! Người ta cho không, không cần mình theo gì hết”.

- Mà tui không cần đâu.- Tức thì tui hất tay bà cụ ra.

Một giây, hai giây, ba giây trôi qua. Bà cụ nhìn tui trân trân.

Tui tránh đi: “Tui không thích bên đạo. Nói thiệt bác, mấy mươi năm làm bên xã, tui biết đạo đối xử với bà con ra sao, nhà nước đối xử với bà con thế nào nhưng tui...”.

- Không phải chú nói chú thầm thích một thế giới mà người ta nói thật sao?

- Phải...

- Thế thì chú đã biết rồi, tại sao lại không nghe theo sự thật? Chính miệng chú kể tui chuyện mấy bà bán gạo bên đạo bán giá phải chăng, đúng cân, đủ ký, không ăn gian, không nói thách còn gì?! Chú đã biết thì chú phải theo chứ!

- Không! Không!- Tui bối rối.- Tui là chủ tịch xã, con tui cũng đang làm trên huyện... Tui không đi đâu.

- Cái chú này! Nếu cái chức phó huyện của thằng con chú khiến hắn nhớ mà thương chú thì tui cũng cam. Đằng này thì...

- Phải! Phải! Thằng con tui quên tui lâu rồi. Tui biết! Tui biết, nhưng tui chưa bao giờ muốn chấp nhận điều đó. Đó không phải sự thật! Không phải!

- Chú thôi đi!- Bà cụ nói tha thiết.- Bên đạo, người ta tốt lắm.

- Tốt mà bỏ cha mẹ bỏ ông bà à?- Tôi vớ ngay câu đó.

- Ai nói? Người ta không bỏ ông bà đâu chú à. Mình hiểu lầm người ta thôi.

- Bác nói láo!- Tôi quát lên. Sao tôi lại xấc xược như thế nhỉ?! Bà ấy đáng tuổi chị tôi mà. Thấy bà Năm không cau mày, tôi tiếp:

- Chẳng phải sách Kinh Thánh của họ có câu: “Người nam phải bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt” đó sao? Vậy là họ bỏ cha mẹ, bất hiếu còn gì!

Thế là tui cắt ngang, quay lưng đi. Một cảm giác gì kỳ lạ dâng lên trong sâu thẳm tâm can. Phải! Phải! Đó là thứ cảm giác lúc nghe biết sự thật về chuyện hiểu lầm quan trọng đó, giữa đạo với đời, đời với đạo. Ui, tui vừa nói gì vậy kìa? Tui biết không phải vậy mà. Tui vừa nói gì với bà lão luôn thân thiện với tui vậy kìa? Tui nói láo người bạn già của tui? Tui gạt bà Năm như đã từng làm với nhiều lắm những con người đơn sơ từng gặp khi còn là chủ tịch xã, mặc dù tui biết điều bà Năm nói mới đúng. Cái chức chủ tịch xã nó đã... Tui không nói thật được dù chỉ một lời sao? Và cái cảm giác đó khiến tôi nhức nhối…

Thuở các linh mục Tây phương qua truyền đạo trên đất nước tui, họ đã hiểu lầm với cách dùng từ của dân. Đối với họ, từ “thờ” chỉ dành cho Thiên Chúa. Con người phải tôn thờ Thiên Chúa và chỉ thờ một mình Người thôi. Nhưng với người Việt thì chữ “thờ” có nhiều nghĩa. “Thờ” ngoài nghĩa “tôn thờ thượng đế” thì còn có nghĩa phụng sự, vâng lệnh cấp trên cao hơn mình như thờ vua trong thời phong kiến, do đó mới có cái gọi là “đạo vua-tôi”; chữ “thờ” còn có nghĩa là hiếu thảo nên người ta hay nói “thờ cha kính mẹ”; hoặc như nghĩa chung thủy trong chữ “thờ chồng”.

Chính nhiều cách hiểu khác nhau của chỉ một chữ “thờ” đã khiến cho văn hóa phương Tây và phương Đông hiểu lầm nhau. Đối với các linh mục Tây phương thì đạo là tôn giáo, là hướng lên Thiên Chúa duy nhất. Đối với những người phương Đông thì đạo còn là những quy tắc ứng xử. Vì thế mới có đạo vua-tôi, đạo cha-con, đạo vợ-chồng. Cộng thêm sự ngăn trở về ngôn ngữ và sự nhạy cảm ban đầu nữa nên... Đó là những cái mà tui nghiệm được trong quá trình còn tại vị chức chủ tịch xã. Phải, tui đã gặp nhiều người lắm, tui được biết nhiều lắm. Nhưng, tại sao tui vẫn cố tình nói câu Kinh Thánh khi nãy để đánh lừa bà? Câu đó rõ ràng nói lên sự kết hợp giữa hai người khi họ cưới nhau.

Đã 9h tối... Ếch nhái bắt đầu kêu. Chiếc ti vi đen trắng vẫn đều đều cái âm thanh gì đó tui chẳng quan tâm. Đầu óc vẫn còn nặng cái cảm giác khi chiều. Còn nhớ đôi con mắt nhăn nhúm đang căng ra vì vui mừng của bà cụ lập tức tiu nghỉu lại khi nghe tôi nói láo. Tui chặc lưỡi cảm thấy phải làm một điều gì đó, tui mở cửa qua nhà bà.

- Chú đó hả?- Bà chào mà giọng buồn buồn. Tui mở lời:

- Bác còn giận tui chuyện lúc sáng sao?

- Không!- Bà Năm gắt.- Chỉ thấy tiếc thôi!

Tiếc?? Bà ấy tiếc chuyện gì?! Không phải giờ không theo đạo nên tiếc chứ, mà bà lão này muốn theo đạo vì được nhận gạo.

- Chú biết không…- Bà kéo tui ra khỏi vẫn vơ. Mắt bà Năm nhìn lên trần nhà rồi dừng lại nơi chỗ bàn thờ.- Ông bà cụ tui... thuở còn sống cũng không thích đạo, như chú vậy đó.- Giọng bà vẫn tha thiết.- Rồi tới một hôm trời mưa to, bão quất đổ cây đa trước nhà. Cây đổ ngay lên nhà làm toàn bộ mái ngói nhà ông tui bể hết. Vậy là cả mấy bà con phải tèm nhem quấn áo mưa ngồi run run ở góc bếp…

À tui nhớ rồi. Bà đang kể lại chuyện xảy ra năm tui mới về xã. Đợt đó có hơn 200 nhà sập mái.

- Chú biết sao không?- Giọng bà đột nhiên nghẹn lại...- Lúc đó, cán bộ xã đi giúp từng nhà nhưng chừa nhà tui ra. Họ nói nhà ông tui mái ngói, rứa là giàu, rứa là có của ăn của để nên họ bỏ mặc. Họ đâu có biết là lúa gạo nhà tui bị nước cuốn hết rồi đâu.

Nghe vậy tui xót xa. Chính tui đã ra quyết định đó, không phải để dành mà giúp nhà khác nhưng là...

- Thế là ông bà với tui và hai em nữa, giờ ở trong Sài Gòn rồi, đành ăn lương khô…- Bà Năm tiếp.- Lúc đó cũng có mấy người bên đạo tới giúp. Họ cho mì tôm, mì khô gói nhưng ông nhất quyết không cho bà cụ tui lấy. Tới khi nước lớn quá, cả nhà phải lên đồn đôn tránh nước lũ mà vẫn không thấy bên xã tới cứu, chỉ có mấy người bên đạo thôi.

Lúc này thì bà khóc. Hai hốc mắt đầy nước. Bà Năm nấc từng hồi mà tiếp: “Ông tui sợ quá rồi mới cho bà cụ tui và chị em tui qua bên thuyền cứu hộ của mấy người đạo. Đoạn ông trở lui để lấy bộ ảnh thờ ông cố…”.

- Nhưng mà lúc đó nước lên ngập mái hết rồi mà. Ông cụ không sợ sao? Để khi khác nước rút rồi về dựng lại bàn thờ cũng được mà.

- Có chứ! Ông sợ lắm nhưng ông tui không nghe ai khuyên hết. Tay ông run run lập cập luôn. .. Nhưng đoạn cụ lấy được mấy tấm hình cụ cố rồi thì trời trở gió mạnh. Đang loay hoay thì không biết sao cụ để rơi cả mấy tấm bài vị. Còn nhớ lúc nớ cụ chưa kịp định thần thì thấy có người nhảy tùm xuống. Đó là một người bên đạo chú à, giờ chắc cũng bảy tám mươi tuổi rồi. Ông nớ lặn một hồi rồi trồi lên. Mặt đầy nước. Mà nước lũ thì chảy riết quá. Chú biết lụt ở chỗ mình rồi.- Bà quay sang tui: Ai cũng hết hồn tưởng ông đó bị nước cuốn luôn. May thay, lúc ổng nhô đầu lên thì hai tay đưa tấm bài vị lên. Tui chỉ nhớ lúc nớ ông tui cám ơn rối rít như con nít vậy... Mà ông nớ là người bên đạo đó chú! Mà hay hơn nữa là câu ông bên đạo đó nói kia, tui cứ nhớ mãi: “Nếu là bàn thờ nhà cháu, cháu cũng đưa đi trú bão với cả nhà luôn!”. Vậy đó chú, họ có bỏ ông bà đâu?- Tới đây thì bà mỉm cười. Nước mắt giờ lăn xuống len lỏi cả hàm răng giả.- Ông bà cụ tui hết hiểu lầm và bắt đầu thương đạo từ đó. Thậm chí, có lần ông còn muốn cho tui cưới chồng đạo để theo đạo nữa. Ông nói: “Đạo nớ cái chi cũng tốt hết, cả chuyện thờ ba mẹ cũng tốt hơn mình”.

- Là sao?- Tui nhăn mặt.- Sao lại tốt hơn?

- Thì họ không chỉ nhớ cha mẹ vào ngày giỗ hay vu lan như mình thôi nhưng còn nhớ cầu nguyện hằng ngày và nhờ cả Hội thánh cầu nguyện nữa đó. Mà cả Hội thánh là chú biết nhiều người cỡ nào rồi...

- Bà chắc không?

- Chính tai tui nghe mà không chắc được à? Tui đi lễ, đi học đạo được vài bữa thì gia đình có chuyện, phải vô ĐakLak một thời gian... Nhưng tui vẫn nhớ rõ lắm. Họ cầu nguyện cho ba mẹ họ hằng ngày trong Thánh Lễ đó. Tui vẫn nhớ có lời nguyện thế này này...

- Bà Năm nhớ kỹ hí...

- Chứ sao!

...

Tối hôm đó lên giường mà tui cứ trăn trờ mãi.

Rõ ràng bà Năm bảo bà muốn vào đạo không phải vì được nhận gạo nhưng là vì bà thương đạo lâu rồi. Làm sao có thể vậy được nhỉ? Bà ở với những người Phật tử, tiếp xúc với người Phật tử nhiều hơn với người Công giáo mà? Làm sao mà chỉ với những kỷ niệm ít ỏi như thế, bà đã bị đánh động rồi? Lúc nãy, tui cũng có hỏi bà từng đi chùa chưa. Bà bảo đi nhiều lắm, nhưng khi biết đạo thì không đi nữa. Tui thắc mắc thì bà chỉ trích dẫn câu của Đức Phật: “Ta là ngón tay chỉ lên mặt trăng ta không phải là mặt trăng”. Như vậy thì mặt trăng đó là chính Chúa Giêsu của đạo Công giáo?

Tui chợt thấy ngợp. Cảm giác này tui chưa từng thấy bao giờ. Sự thật về các cố Tây khi mới tới Việt Nam, sự thật về việc thờ cha kính mẹ của người bên Đạo giờ đang lần nữa sống dậy trong cái tâm thức khao khát một ngày sống chân thành. Và cả sự thật về bản thân tui nữa. Tất cả, tất cả...

Thế là sáng sớm hôm sau, tui áo quần sạch sẽ, cùng với bà Năm đi đến nhà thờ, thằng bé hôm trước chạy dẫn đường.

- Người ta xếp hàng đông thế làm gì vậy bác?- Tui nói nhỏ khi bước vào sân nhà thờ.

- À, họ tới nhận gạo đó.

- Giống như bà hôm qua. A, tui biết họ. Họ ở xóm lá sau lưng xóm mình.

- Ừ đúng rồi, mấy người bên đạo đứng sau, mấy người xóm lá đứng trước kìa.

- Họ nhường đấy.

Bài dự thi Mã số 15-137

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015, Bản Tin 12