Thầy xứ

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 2673 | Cập nhật lần cuối: 7/7/2015 6:42:44 PM | RSS

1. Lựa chọn khác

24 tuổi, sau khi hoàn thành 2 năm học tiểu chủng viện Thánh Phaolo, tôi được may mắn sống trong môi trường giáo dục bởi các Cha giáo tận tình chỉ bảo. Chừng đó, tôi cũng tự trang bị, trau dồi cho mình những hành trang cần có của một người tu sinh, cho những tháng ngày còn ở phía trước. Đi theo con đường ơn gọi, chắc không thể một sớm một chiều là xong, là thành chánh quả được luôn. Đó là cả một chặng đường dài miệt mài không ngừng nghỉ cất bước đi theo lý tưởng cao đẹp của mình. Tự bản thân mình nhắc nhở chính mình phải biết rũ bỏ biết bao nhiêu những đam mê, quyến rũ khác của thế trần, mà xác thịt con người thường khó cưỡng lại nổi. Cũng nhờ ơn Chúa sáng soi và những ngày liên lỉ cầu nguyện và xin ơn, tôi nhận thấy ở mình, ơn gọi theo Chúa. Và tôi đi. Những lý tưởng cao đẹp mà tôi nghĩ về đời sống tu trì đó, thôi thúc tôi, dẹp tan bao khúc mắc, vướng bận, những giằng co của chọn lựa giữa sống một cuộc sống bình thường như bao người với một đời sống tận hiến gian truân mà cũng hạnh phúc nhường bao. Tôi đã giữ nguyên niềm kiên trung như thế cho mãi tới ngày hôm nay.

Khi đã tốt nghiệp khóa học đào tạo tiểu chủng sinh, tôi đứng trước một sự lựa chọn tiếp theo nằm trong chương trình huấn luyện đó là đi giúp xứ. Lần đầu tiên trong đời của tôi. Tôi đã từ chối vị trí là một thầy giúp xứ ở giáo xứ miền xuôi X, để tự nguyện xin Cha quản lý được đến một giáo xứ miền núi xa lắc. Không ai có thể hiểu được quyết đinh ấy, ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, ngay cả chính bản thân tôi. Có lẽ sau khi được học tập với bấy nhiêu kiến thức mà tôi lĩnh hội được từ mái trường tiểu chủng viện, tôi nghĩ mình cần xốc ba lô lên và đến một miền đất xa nào đó, chứ không phải gần gần quê hương xứ sở của tôi. Bỏ lại vài cái nhìn e ngại và có vẻ bất lực khi không khuyên ngăn được tôi hãy chọn lựa lại, tôi soạn đồ và đi. Liệu tôi sẽ làm được những gì ra hồn ở nơi ấy? Hành trang mang theo đơn giản nhất có thể. Dự định của tôi là dành những tháng ngày ở giáo xứ đó, vừa giúp xứ, vừa trải nghiệm cuộc sống nơi vùng cao. Chân trời mới vẫy gọi, dẹp tan mọi đắn đo về mảnh đất lạ lẫm, và bao khó khăn có thể không lường trước được, tôi giữ nụ cười háo hức trên môi trong suốt hành trình về giáo xứ được trao nhiệm vụ giúp xứ. Có lẽ Chúa thấu suốt những gì tôi đang mong đợi ở phía trước. Và Ngài sẽ luôn đồng hành bên tôi, trên mọi nẻo đường.

2. Cung đường đi tới…

Thầy xứMọi chuyện dường như có vẻ ổn, cho đến khi…

Ngày tôi chào Cha chính xứ và mọi người thân yêu để lên đường về giáo xứ mình sẽ giúp trong những tháng tới đây, chuyến xe đò chở tôi đi qua những cung đường thật là ngoằn nghèo và ổ gà, ổ vịt lởm chởm đầy được, ruột gan được một phen lộn tùng phèo, thừa sống, thiếu chết. May thay, tôi không mắc chứng say tàu xe, không tới mức mệt lả trên quãng đường dịch chuyển.

Tôi đưa tay quệt vệt mồ hôi đang chảy tràn cả xuống mắt, cay xè. Thời tiết mùa hè, nóng tới mức khó tin. Chiếc xe ô tô kiểu nửa mùa lại không có chức nắng cung cấp điều hòa cho hành khách. Hơi nóng lại phả vào từ khung cửa sổ, lại càng nóng thêm, mà nếu đóng cửa lại thì lại chết ngột. Khó tin hơn nữa và đen đủi thay, dọc đường, chiếc xe lăn ra hỏng hóc, chết cứng máy giữa mênh mông núi rừng, để tìm được giải pháp chạy chữa cũng tốn khá nhiều thời gian. Và tôi cùng bao hành khách khác ngao ngán chờ đợi.

Tôi dò hỏi bác tài xế, thì biết đường tới giáo xứ X thì cũng còn khoảng chừng một quãng khá dài, nhưng toàn đường núi, ô tô không thể nào len vào được, chỉ còn cách đi bộ hoặc có người ra đón thôi. Chào bác tài xế, tôi lẳng lặng xách đồ rời đi.

Bước ra khỏi xe, trời nắng nóng như đổ lửa. Người khát khô, tôi ngửa cổ uống nốt chai nước mang theo. Nhìn con đường hài hun hút trước mắt như thể cứ đi theo nó, thì sẽ chẳng biết đâu là điểm cùng tận mất. Chiếc ba lô với bao đồ đạc lỉnh kỉnh sau lưng tôi bỗng thấy như nặng trịch hơn. Hay là tôi đang có cảm giác mất sức dần dần. Cơn mỏi mệt bất chợt ập đến. Nhìn đồng hồ điểm đã quá giờ trưa, cơn đói đang gào thét trong bụng, tay chân bủn rủn. Nhìn thấy một gốc cây, tôi chao đảo ngồi xuống. Lấy hết sức bình sinh còn lại, tôi lôi điện thoại ra, liên lạc với Cha Tuân. Chưa bao giờ tôi thấy chiếc điện thoại cùng những món đồ công nghệ như ipod, laptop của tôi nó vô tác dụng như thế, không có cột sóng để kết nối được. Là những tiếng tút tút dài tràn đầy thất vọng. Bất lực. Dường như mọi rắc rối đều tìm đến cùng một lúc như vậy đó! Nỗi hoang mang và lo lắng trong tôi kéo đến khi một thân một mình giữa chốn rừng xanh hoang vu thế này.

Một lực nào đó đập mạnh vào vai tôi khiến mình chợt choàng tỉnh giấc, hình như tôi đã ngủ gật tự bao giờ. Mở mắt ra còn đang mơ màng, tôi thấy một bác nông dân hiền lành đang cúi xuống gần sát mặt tôi, nhìn chằm chằm vào tôi như một sinh vật lạc bỗng rơi từ trời xuống chốn hoang vu này vậy. Tôi gắng gượng lấy sức nhoẻn một nụ cười:

“Chào bác!”

“Này, anh làm gì ở đây đó? Trông anh không giống người dân ở đây.”

“Dạ! Đúng rồi ạ, tại cháu….cháu đang đi tìm….” – Giọng tôi ấp ủng và bối rối trước một người lạ như thế đó!

“Anh muốn tìm điều gì ở cái nơi này? Tôi nghĩ đây không phải là một nơi để du lịch đâu”

“Dạ! Không phải cháu đi du lịch đâu ạ! Cháu muốn hỏi rằng, ở gần đây, có nhà thờ nào không hả bác? Cháu cần tìm người quen ở đó!”

“Thế anh cần tìm ai ở đó? Mà anh có mối liên quan gì tới họ?”- Đoạn tới đây, thì tôi đã bớt lo lắng, vì hình như, tôi đang được nói chuyện với một người bản địa ở đây thì phải?

“Cháu muốn tìm gặp Cha Tuân- người quản nhiệm giáo xứ X, bác có biết ngài không ạ?”

“À! Thì ra là thế. Cha Tuân- vị Cha chúng tôi. Người dân xung quanh đây, ai mà chả biết, từ trẻ nít cho tới người già cả. Nhà tôi chỉ cách nhà xứ có dăm ba ngõ nhỏ thôi!Mỗi sáng vẫn thường tới nhà thờ tham dự thánh lễ Cha dâng, thỉnh thoảng còn ở lại nói chuyện rất vui với Cha nữa mà.”

“Thật may mắn cho con.”- Tôi thấy mình vui vẻ trở lại, nét mừng rỡ không thể giấu giếm được. Bác quả là vị cứu đường đúng lúc cho tôi.

“Dạ! Con tên Đức. Người ở vùng xuôi mới lên. Nay con được cử lên xứ của Cha Tuân để giúp đỡ ngài trong công việc mục vụ. May cho con quá, đã gặp bác dọc đường đúng lúc con đang đi lạc và không sao tìm cách liên lạc được.”

“Chắc cũng đây là lần đầu tiên thầy đặt chân lên vùng đất này đúng không?”

“Dạ.”- Tôi thú thật. “Đúng là con chưa từng lên đây! Nhưng nay thì có cơ hội rồi ạ! Con sẽ giúp xứ trong vòng ba tháng ở đây bác ạ!”

“Thế thì tốt cho Cha xứ quá! Vì ở đây, neo người quá! Giờ thì, cùng tôi lên đường về nhà xứ, tôi nghĩ chắc Cha xứ cũng đang mong thầy lắm!”

“Dạ! Con cũng mong thế!”

Thế là tôi chỉ còn biết xách balô lên và đi theo bác. Dọc đường, bác kể tôi nghe chuyện về những cung đường, những nhành cây ven đường mà tôi chưa biết tên tò mò hỏi bác. Bác kể nhiều về vị Cha xứ ở đây. Bác bảo, đó là một vị Cha trẻ nhưng giàu lòng nhân hậu, bác ái. Cha hài hòa và thân thiện với tất cả mọi người. Về cuộc sống giản dị của Cha. Về những bài giảng dạy trong mỗi thánh lễ, mọi người say sưa nghe như thế nào. Bác kể, với niềm tự hào dâng đầy trong giọng điệu hài lòng và mừng vui khi có một vị chủ chăn như Cha Tuân. Tôi nghe cũng thấy háo hức trong lòng và khá là tò mò mong được gặp Cha.

Quãng đường đi như ngắn lại hơn thì phải, nhờ vào những câu chuyện sinh động mà bác kể. Mải miết bước đi, chắc được một quãng đủ xa, bác dừng lại trước một cái cổng sắt đã gỉ sét, cây cối mọc bò lên um tùm, bên trong ấy là mấy căn nhà cấp bốn lụp xụp. Ngước mắt lên có thể thấy cây thánh giá của nguyện đường, không gian chắc cũng không rộng lắm!

“ Tới nơi rồi đó thầy.”

“ Ở đây sao bác?”- Tôi không giấu được vẻ ngạc nhiên.

“Phải rồi! Chắc Cha xứ đang đợi thầy ở trong đó! Giờ thì tôi có việc phải trở về nhà rồi. Tôi hứa sẽ đến thăm thầy. Nhà tôi cũng gần đây thôi.”

“Con cám ơn bác nhiều lắm! Hẹn gặp lại bác!”

“Chào thầy.”

“Bác lại nhà.”- Tôi ôn tồn chào lại bác.

Và cuối cùng tôi cũng đã tới nơi rồi sao? Tạ ơn Chúa! Những tưởng cung đường sẽ rình rập với bao mối hiểm nguy, thế mà tôi đã đến được nơi đây an toàn như thế!

3. Giáo miền lạ

Tôi đẩy cánh công bước vào khu nhà rợp bóng cây xanh. Khẽ cất tiếng chào: “Con chào Cha chánh xứ X.” Và chờ đợi. Khoảng chừng một hồi sau khi đi mắt ngắm nghía khung cảnh xung quanh, có tiếng nói trầm ấm vang lên:

“A! Thầy Đức có phải không? Cha đợi thầy cả buổi sáng nay đó!”

“Dạ! Trên đường đi, có một chút trục trặc, sự cố nên con tới hơi trễ.”

“Thôi không sao. Thầy thông cảm, vì con đường lên tới đây cũng rất khó khăn trong việc đi lại. Nhưng tạ ơn Chúa, cuối cùng, thầy cũng đã an toàn đến được với giáo miền này rồi.”

“Thưa Cha, một phần cũng là nhờ vào công chỉ đường của bác Vinh mà con tình cờ gặp được ở dọc đường đó ạ. Hình như nhà bác ấy cũng gần đây thôi ạ!”

“À, thì ra là ông trùm giáo họ Trị Sở - tên Vinh đó hả! May cho thầy quá! Mà thầy đi đường cũng mệt rồi. Cha trao thầy chìa khóa phòng 03 để sử dụng, nghỉ ngơi rồi cùng dùng cơm tối với Cha.”

“Con cám ơn Cha.”

***

Quả là như lời “quảng cáo” của bác Vinh tôi được nghe lúc dọc đường đi cùng. Cha Tuân là như thế đó! Hiền hậu và thân tình. Ân cần và chu đáo. Thoạt đầu, tôi cũng thấy ấm lòng và an tâm khi ở nơi đây.

Nếu nói giáo xứ X là một vương quốc, thì Cha Tuân quả là một vị vua được tôn sùng. Là vị Cha xứ phụ trách duy nhất, vì là nhà xứ có mỗi mình cha, một chú nhỏ giúp việc nhưng cũng đi học, và giờ đây có thêm tôi- một ông thầy giúp xứ còn lạ lẫm, liệu tôi sẽ giúp được những gì?

Có một thực tế tồn tại ở đây, cở sở tư trang không được đầy đủ và tiện nghi cho lắm! Bản thân tôi đang nhận ra đó là mình đang phải thay đổi hoàn cảnh sống để thích nghi dần với nơi đây.

Mỗi ngày, Cha xứ sẽ dâng lễ lúc 4h30 sáng, tức là tôi sẽ thức dậy muộn nhất là 3h30 để có thể kéo chuông rồi chuẩn bị đồ lễ và đọc sách, giúp lễ. Giáo dân đến nhà thờ tham dự thánh lễ, tuy số lượng không nhiều, nhưng cũng đủ làm nên không khí trang nghiêm, sốt sắng. Tiếng Cha xứ giảng đều đều, về những dụ ngôn trong sách Tin Mừng hằng ngày, những bài học ghi nhớ rút ra rừ đó… đi vào lòng người ta, thấm nhuần.

Nhân dịp đó, Cha nhờ tôi chép lại nhân danh của các giáo họ vì sổ sách cũ đã đến ngày cần thay thế.

Riêng tôi, thấy điều tốt lành ở xứ đạo này, thì đó chính là lũ trẻ. Những đứa trẻ ở đây rất ngoan nhưng lại nghèo khổ đến xót lòng. Quần áo chúng ít khi được lành lặn chứ đừng nói đến chuyện áo màu nọ, váy màu kia. Đa số chúng đều vất vả, lam lũ từ khi còn nhỏ. Đồ chơi, gấu bông, dường như là một thứ xa xỉ. Chúng không được quan tâm nhiều nên nhìn chúng ngơ ngác đến tội. Vì ba mẹ chúng còn phải vất vả làm lụng, không đi làm các con sẽ chết đói.

Cha Tuân dành một phòng hội để làm phòng học, có đóng một chiếc bảng gỗ và dạy học cho các em. Khi nhìn ánh mắt của bọn trẻ háo hức, mừng vui khi được tiếp cận những con chữ. Những khóe miệng ê a tập đọc. Những nét chữ nắn nót viết …Tôi thích tất cả những điều đó.

Tôi ngỏ ý với Cha Tuân, rằng sẽ phụ giúp Cha để dạy giáo lý và chữ viết cho các em nhỏ trong những ngày hè này. Cha gật đầu đồng ý, có vẻ khuyến khích tôi. Và nói, nếu có khó khăn gì, con hãy cứ nói nhé?! Mất một khoảng thời gian làm quen, sau đó thì bọn trẻ nhanh chóng làm quen với tôi rồi bám riết, ríu rít hỏi chuyện với tôi về đủ thứ chúng tò mò và muốn biết. Chúng chăm chú lắng nghe tôi chú giải về những đoạn Tin Mừng, câu giáo lý… một cách tường tận cho chúng hiểu thấu. Bọn trẻ cũng rất sáng dạ và mau trí. Dường như tôi truyền tất cả tâm huyết mình có, những kiến thức về giáo lý và các môn học khác tôi đã được các Cha giáo truyền dạy ở trường Tiểu Chủng Viện, tới nay, tôi mới có cơ hội thực hành và truyền đạt đi những lớp kiến thức hữu ích đó. Tôi thấy mình may mắn.Và tôi thấy mình cũng có ích phần nào đó chứ! Đôi lúc sau những giờ học, chúng quay quần lại xung quanh tôi nghe kể chuyện thành phố, hoặc chíu đầu vào laptop chơi trò pokemon thần kì, màu mè, lập lòe. Tôi ngậm ngùi khi nhớ về những cuộc sống ở nơi phố thị. Ở đây, hạnh phúc của con người sao mà giản đơn quá đỗi.

Cha xứ và tôi mở lớp dạy học không công, tiền là một khái niệm dường như không tồn tại ở nơi đây. Bọn trẻ tới học hành, sau đó để lại ngô, gạo, khoai, sắn, trái cây…Nói chung là tất cả những gì ăn được, chúng đều mang tới tặng thầy và Cha. Như một cách tỏ lòng thành biết ơn da diết. Và tôi thấy cảm động về những điều giản dị, đơn sơ như thế! Tôi mong rằng, những đứa trẻ nhỏ ngây thơ, với tâm hồn sáng trong và cái đầu sáng dạ này, chúng sẽ là những mầm non của Giáo Hội và xã hội. Cho một tươi lai tươi sáng còn ở phía trước.

Tôi có tuyển chọn một danh sách những bài hát thánh ca êm ái và nhẹ nhàng, giàu thông điệp lời Chúa và thường mở to trên loa cho mọi người cùng thưởng thức. Biết đâu, tiếng nhạc cũng có những cảm thức đánh động lòng người.

Mảnh đất nho nhỏ trước khuôn viên nhà xứ, tôi làm sạch cỏ, trồng vào ấy những cây hoa dại kiếm được trong rừng về, màu sắc tươi tắn, đẹp lạ lùng, để cắm trang trí cho thánh lễ thêm phần sốt sắng và có bầu khí hơn.

Hằng tháng, Cha Tuân sẽ về Tòa Giám Mục cách đó cũng cả một đoạn đường khá xa để nhận bánh lễ, rượu lễ, nến, hương, sách kinh, sách giáo lý….Và mua một vài nhu yếu phẩm cần thiết để duy trì cuộc sống và công việc trong vòng một tháng. Cuộc sống khiêm nhường và nhiệm nhặt. Bằng một cách nào đó, Cha đã ở đây và duy trì cuộc sống kì lạ ấy cả bao năm qua rồi.

Khu nhà ăn luôn luôn để chế độ mở. Có đôi khi công việc nhà xứ lấn át hết cả thời gian ăn trưa. Thường thì tôi sẽ tự vào bếp nấu ăn. Cánh cửa nhà bếp được mở vì bởi lẽ thế này. Người dân ở đây rất nồng hậu và tốt bụng. Ai có thành ý muốn bổ trợ thêm đôi phần rau, hoa trái, thịt cá… cho bữa ăn của nhà xứ. Phòng khi không có người ở nhà, thì họ có thể để lại ở căn bếp. Chỉ là những mớ rau xanh do người dân tự trồng. Dăm ba quả trứng được lấy từ chuồng gà, chuồng vịt của nhà ai đó. Vài bìa đậu…Mỗi lần xuống nhà bếp để chuẩn bị bữa ăn, tôi có cảm giác, mình như nhân vật sống trong câu chuyện cổ tích vậy.

Có những bàn tay thầm lặng đã ân cần chăm lo cho bữa ăn của Cha và tôi như thế! Nghĩ đến niềm thương mến, sự quan tâm giản dị của những người giáo dân, tôi lại thầm thĩ với Chúa, cầu nguyện cho họ. Những mong sao họ có sức khỏe an mạnh để lao công không quản vất vả, nhọc nhằn làm ra những nông phẩm, của ăn cho đời sống được ấm lo, hạnh phúc và ngọt ngào. Còn về phần tôi, sống ở nơi này, tự thấy bản thân mình cũng chẳng giúp ích được là bao cả. Bấy nhiêu tôi có trong mình chỉ là những lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa. Cho tất cả mọi người. Tha thiết. Và thật lòng.

Có một dạo, tôi theo Cha Tuân đến thăm các gia đình trong xứ. Đa phần họ đều nghèo như nhau, nhưng đến với mái ấm của họ mới thấy giàu tình người nồng hậu nhường bao. Những tách trà thơm ngon, xoay tròn bên những câu chuyện được kể, đồng lòng cùng sẻ chia với họ. Tôi cũng thấy mình nghèo như họ thôi, chẳng có gì, bước đi theo Chúa chỉ có đôi bàn tay trắng với những mong làm nên tất cả, bằng chính khả năng của mình và lời nguyện cầu không ngơi ngớt trên môi miêng và trong tâm trí mình. Vậy thôi. Tôi nhắn nhủ với họ như thế! Hãy cứ luôn cậy trông và tín thác nơi Người. Ngài luôn biết ta cần gì hơn hết và ban ơn, bổ sức trên ta.

Dù là bận việc đồng áng, biết bao công việc không tên khác, họ không ham công, tiếc việc quá thể, họ vẫn cùng nhau tới nguyện đường mỗi ngày, tôi thấy mừng trong lòng vì điều đó!

Chỉ là ở nơi này, tôi thấy mình bỗng sống chậm lại như thế! Và tha thiết, tâm tình với Chúa hơn. Những công việc tôi làm được chỉ mong chúng có ích phần nào đó. Tôi chọn cách viết nhật kí để ghi lại cảm xúc của mình mỗi ngày khi ngày tàn. Những dòng chữ tâm tình được viết ra, những lời cầu nguyện thầm thĩ với Chúa gửi gắm theo cùng. Này Người có nghe thấy tiếng con không?

Đầu óc tôi thấy êm ái và dễ chịu biết bao, không còn ngổn ngang những muộn phiền, lo lắng nữa. Tôi thấy một tôi thật đổi khác, một phiên bản tốt đẹp hơn, phải không tôi ơi?

Trong những chiều bâng khuâng, trong lòng tôi thoáng dâng lên chút nỗi nhớ quê nhà. Sóng điện thoại chập chờn lên tôi không thể liên lạc về nhà được. Chẳng biết rồi mọi người ở nhà sẽ lắng lo cho tôi ra sao? Tôi chỉ muốn nói đơn giản rằng là tôi ổn, mọi người đừng lo. Chúa vẫn hằng ở bên tôi, và gìn giữ, đỡ nâng. Và lúc đó, tôi chợt nhận ra, chẳng rõ tự bao giờ, tôi đã thấy gắn bó và yêu thương xứ đạo này mất rồi. Và cũng là lúc tôi phải nói lời chào tạm biệt nơi ấy, sau ba tháng giúp xứ.

Về quê nhà thôi. Tôi đã được trải nghiệm biết bao điều ở nơi đây.

4.Hẹn gặp lại.

Trải qua ba tháng, tôi nhận được giấy nhận xét từ Cha xứ- những phản hồi tích cực ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của tôi. Tôi sẽ nộp tờ giấy có ý kiến đó cho Cha giáo phụ trách lớp tôi, cũng như bao anh em khác cùng khóa đi giúp xứ với tôi.

Tôi không nghĩ thời gian trôi nhanh như thế! Cuốn sổ tôi mang theo đã đầy ắp những con chữ tôi ghi chép. Những ngày tôi ở đây đã không trôi qua vô ích, Tôi đã làm được nhiều thứ, nhưng cũng có rất nhiều thứ chưa làm được.

Cuộc gặp gỡ nào rồi cũng đến lúc phải chia ly, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy khó nói lời tạm biệt như lúc này.

Những ngày tháng ở nơi xứ đạo nhỏ bé này cùng với Cha Tuân và những người giáo dân, mà tôi cứ ngỡ là quá đỗi thân thuộc, với tôi, vẫn còn quá nhiều kỉ niệm. Dù tôi không nói ra, xong ở một góc nào đó dâu trong trái tim mình, những ngày chưa xa ấy sẽ chẳng bao giờ có thể mất đi được.

Ngày cuối cùng chia tay với toàn thể cộng đoàn giáo xứ. Tôi có lời cám ơn chân thành tới Cha chánh xứ, cùng lời chào thân ái và cầu chúc bình an, ơn Chúa cho tất cả mọi người.

Đoạn đường rừng ngày trước tôi đi sao thấy thật dài biết bao, nhưng nay bỗng như ngắn lại, vì chẳng thể bước tiếp cùng mọi người được nữa.

Tôi ngoảnh lại phía sau. Bọn trẻ đang đứng thành hàng dài, đứa nào đứa nấy đều sụt sịt khóc. Chúng níu chặt vạt áo tôi, nấc lên từng hồi. Tôi cũng cảm động, rồi xốc lại chiếc ba lô, cười cười trấn an, miệng chúng lắp bắp bảo tôi phải hứa sẽ quay lại nơi đây thăm bọn chúng. Tôi chỉ biết nghẹn ngào mà ôm chặt từng đứa một vào lòng.

Đông đảo thành phần giáo dân khác cũng theo đoàn đi tiễn tôi. Tôi tiến lại gần, mỉm cười thật tươi và đưa đôi bàn tay ra nắm lấy tay từng người, từng người một. Thật ấm và thân tình.

Cha xứ vẫn với chất giọng trầm ấm, hiền từ của một vị chủ chăn, lại gần tôi, nắm tay và nói:

“Cầu chúc con luôn kiên trung với lý tưởng cao đẹp của mình. Mong rằng mỗi ngày qua đi, con luôn cảm nghiệm được ân tình của Chúa trên từng chặng đường ơn gọi. Mọi người sẽ cầu nguyện cho con. Mong một ngày con trở lại thăm giáo miền này.”

Niềm cảm xúc như dâng trào trong lòng, tôi chỉ biết khẽ gật đầu, miệng chỉ kịp nói được: “Con biết ơn mọi người nhiều lắm!”

Phía trước, con đường trải dài, quanh co, khúc khuỷnh đưa tôi về nhà. Nắng vàng rớt trên ô cửa kính xe, hong khô đi những giọt nước mắt không biết đã kịp rơi ra từ lúc nào.

Đã đến lúc nói lời tạm biệt với xứ đạo thân thương. Nơi đã cho tôi học được bao điều hay và những trải nghiệm để vững bước hơn trong đời tu trì của mình. Nơi tôi đã khám phá ra một phiên bản tôi rất khác, sống có lý tưởng hơn, mạnh mẽ hơn, trải lòng hơn, trưởng thành, biết yêu thương nhiều hơn. Chính thần khí Chúa đã thúc bách tôi đi và chính trong khi tôi đã mạnh dạn đi theo tiếng gọi của con tìm mình, Chúa đã giúp tôi đã nhận ra nhiều điều cần thiết cho bản thân tôi, để hoàn thiện hơn, ngày một xứng đáng là con cái Ngài thương.

Trên chuyến hành trình, miệng tôi lẩm nhẩm giai điệu của bài hát:

“Gặp nhau đây rồi chia tay….

Rồi mai này, chúng ta sẽ gặp nhau.”

Tạm biệt, giáo miền yêu thương của tôi. Rồi đến một ngày tôi sẽ trở lại nơi ấy!

Biết đâu!

(Thân tặng những người anh tôi đã may mắn được gặp gỡ và đã truyền cảm hứng cho tôi.)

Bài dự thi Mã số 15-112

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015, Bản Tin 10