Tiếng gọi (Giải Viết Văn Đường Trường 2016)

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1509 | Cập nhật lần cuối: 1/29/2016 10:42:47 AM | RSS

Chợt tỉnh giấc, Lâm thấy mình đã tới đồi thông. Lấy tay dụi mắt, cậu ta cựa mình, ngồi thẳng dậy. Ôi chao, đến là mỏi. Tê hết cả cánh tay vì phải dùng nó làm điểm tựa cho cái đầu. Ngủ trên xe bus như vậy quả là chẳng dễ chịu chút nào, nhưng đối với một sinh viên, việc làm này đã quá quen thuộc đến nỗi cậu ta thấy rất hài lòng khi được giấc ngủ ngon, dài từ Hà Nội về tới Vĩnh Phúc. Chỉ còn khoảng ba cây số nữa là đến điểm dừng của mình, Lâm không bỏ lỡ cơ hội đưa mắt sang ngắm nhìn hồ Đại Lải trước mắt. Đây là một hồ nhân tạo chứa nước phục vụ cho nông nghiệp, nhưng tới nay, nó trở thành một điểm du lịch của vùng quê này. Trong mắt Lâm, cậu thấy khung cảnh hài hòa, có đồi, có hồ, y như các nhà du lịch học nhìn thấy tiềm năng của một điểm đến có núi với biển nằm kề nhau vậy. Với một miền quê chẳng bao giờ thấy biển như nơi đây thì sự so sánh ấy cũng chẳng có gì là quá đáng. Và cứ nghĩ tới ngày mai, cả đám bạn rủ nhau lên chiếc cầu ở gần đập, rồi nhảy xuống hồ bơi lội, Lâm thấy phấn chấn hẳn lên. Một ngày tự do, không bài vở, không lo học hành, không có tiếng nói của cô giáo dạy Triết. Cậu ta mừng tới mức như muốn nhảy lên mà la hét. Đang mộng mơ với những kế hoạch cho ngày cuối tuần, Lâm giật mình vì đã đến điểm xuống. Cậu chỉ kịp chạy, phóng ào xuống trước khi cánh cửa đóng lại.

- Hù. Thật là may, xuýt nữa lại phải đi bộ trở lại thì mệt.

Vừa mải nhìn bóng chiếc xe bus đi qua trong làn khói bụi mù, Lâm nghe thấy khóc, tiếng đấm, tiếng đá uỳnh uỵch, tiếng chửi thề ồn ào bên đường:

- Chết mày đi, chết này! Cho chừa cái thói nhìn đểu.

- Hự… Hự…

- Quả đấm này dành cho con mắt của mày này.

Vừa nói, hai thằng bé vừa lao vào đánh, chúng lên gối, đấm những cú mạnh, thẳng vào mặt nạn nhân. Lâm vội chạy tới, hô to, hai kẻ du côn chạy biến mất, để lại người bị đánh lăn lộn dưới đất. Tiến lại gần, cậu nhận ra Hồng hâm ở xóm bên. Anh này hơn Lâm hai tuổi, nhưng khi sinh ra đã không bình thường. Người man mát, mắt thì bị lác, suốt ngày đi lang thang, chẳng biết làm gì. Tới giờ cơm là bà mẹ phải đi tìm về. Nhà chỉ có hai mẹ con. Bà mẹ cũng đã ngoài năm mươi. Chắc giờ này, bà lại phải khốn khổ đi tìm anh ta. Lâm đỡ lấy anh dậy. Anh ta nặng quá, hơn hẳn cái thân hình gầy gò, thư sinh của cậu. Người thì lấm lem, mùi hôi bốc lên, anh ta rên như người sắp về thế giới bên kia chuẩn bị nói những lời từ giã cuối cùng, thật khó chịu. Cái thân xác thì to béo mà đần, chỉ khổ cho bà mẹ - Lâm lẩm bẩm. Phải cố gắng lắm, cậu mới dìu được anh ta đi tới cổng làng. Tới đây, vừa hay gặp bà mẹ. Thấy cái mặt tím bầm, quần áo bẩn thỉu, bà đoán ngay ra sự việc. Chẳng hề quan tâm tới người đi cùng con trai mình là ai, bà kêu lên, tru tréo như đã quen:

- Trời ơi là trời, sao tôi lại khổ như thế này, sao ông trời không cho tôi chết quách đi cho đỡ khổ. Có mỗi thằng con mà chẳng trông chờ gì được. Suốt ngày chỉ đi lang thang, khi thì bị xe tông, khi thì bị bọn trẻ con nó đánh… to xác mà chẳng biết gì cả. Ông trời có mắt không khi cho tôi cái thằng con này.

Hồng hâm nghe thấy tiếng mẹ thì cũng mếu máo theo. Lâm gượng nhìn và định nói gì đó. Nhưng cậu không nói lên lời bởi chẳng biết phải nói gì và nói với ai, với Hồng hâm hay mẹ anh ta. Cậu im lặng. Bà mẹ dắt thằng con trai về, Lâm cũng đi về nhà mình.

***

Mở “list” nhạc trong chiếc laptop đặt ở bàn, Lâm nằm sõng soài trên giường, ngâm nga theo những bài hát cậu yêu thích.

“Xin Cha cho con một ngày để nhớ, để mơ

Thương yêu như là cơn gió buộc con

Xin Cha cho con an bình bên trong chính con

Con nay, bơ vơ không còn tha thiết đánh nhau trong lòng mình”.

- Thần thánh, Thiên Chúa chỉ là hình ảnh lý tưởng của con người về bản thân. Người ta phóng chiếu lên những nhân vật đó cái siêu thực. Khi cuộc sống đấy những bất hạnh, khó khăn, người ta mơ tới một cõi như thiên đường. Ở nơi đó, người ta thoát khỏi hiện tại, mơ tới một cuộc sống hạnh phúc. Bởi vậy, nó không có thực…. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân là thế.

- Rồi một ngày, tôn giáo sẽ biến mất.

- Nếu em tin Chúa an bài mọi sự, em còn đi học làm gì, ở nhà Chúa sẽ lo liệu cho.

- Trời ơi là trời, sao tôi lại khổ như thế này. Sao ông trời không cho tôi chết quách đi cho đỡ khổ.

- Em lý giải đi, tại sao Chúa để con người phải đau khổ? Thiên Chúa ở đâu?

- Mẹ ơi, đau quá, hu hu…

- Không, không phải như vậy…. Đó không phải là sự thật. Em không biết. Không phải thế.

Tiếng khóc, tiếng nói thách thức vang lên, Lâm hét lên thật to. Thì ra, Lâm đang mơ. Nhưng không, đó không chỉ là giấc mơ, nó còn là hiện thực. Dù muốn quên đi, nhưng những gì xảy ra trong ngày vẫn ám ảnh cậu. Chuyện tiết học trên lớp, chuyện người thanh niên dở hơi bị đánh… Tất cả còn in sâu trong tâm trí Lâm. Tất cả là thực đi vào trong mơ và cũng trở lại thực. Lâm không chạy trốn được. Lâm tin vào Chúa, nhưng những gì cậu tin sao mờ nhạt vậy, chẳng có gì làm cơ sở để có thể chứng minh cho người ta thấy và cũng chẳng có lý lẽ nào đủ để tự giải thích cho chính mình. Thách đố bây giờ không chỉ là lý giải cho người khác nhưng Lâm còn cần một câu trả lời cho chính mình. Những gì người ta hỏi cậu cũng rất có lý. Chúa của cậu ở đâu? Chúa thương con người ta như vậy mà sao Chúa để họ phải khổ? Chúa có đang nghe tiếng than khóc của loài người hay Ngài quay đi? Tại sao Chúa không làm những phép lạ cho tất cả thế giới này biết có Ngài hiện hữu, để Lâm khỏi phải hổ thẹn như vậy trước cái nhìn chế nhạo của những kẻ muốn chất vấn cậu. Bao câu hỏi dội lên trong đầu Lâm, hình như cậu đang nghi ngờ chính niềm tin của mình? Không, cậu chỉ muốn củng cố cái niềm tin yếu đuối đó thôi. Lâm ước gì có ai đó giúp, đưa cậu thoát khỏi cái đám bòng bong này.

***

Sáng Chúa nhật, nhà thờ giáo xứ rộn ràng chuẩn bị cho thánh lễ giới trẻ hàng tuần. Không khí nhộn nhịp, mọi người đã đến khá đông, nhưng Lâm chưa thấy bóng dáng đám bạn thân đâu cả. Tranh thủ đứng chờ, cậu tiến tới bảng thông tin cuối nhà thờ. Tin tức Giáo hội, các hoạt động của nhà xứ,… được cha xứ đưa lên một cách ngắn gọn mà đầy đủ. Một mẩu tin nổi bật ở góc bảng thu hút Lâm. Nó nổi bật không bởi hình ảnh sinh động như các tờ bướm quảng cáo, nhưng vì đó là một tờ giấy cũ hơn các tờ giấy khác.

“ Đã bao giờ bạn tự hỏi mình về ý nghĩa của cuộc sống này?

Đã bao giờ, bạn thao thức muốn làm một điều gì đó tốt đẹp cho những người xung quanh mình?

Đã bao giờ bạn nhìn lên Thầy Chí Thánh Giêsu để khao khát, ước muốn?

Hãy đến với chúng tôi – nơi ươm mầm ơn gọi linh mục triều”

Tờ tin cũ mà đến hôm nay Lâm mới để ý tới. Chưa bao giờ Lâm nghĩ tới ý định này, nhưng nghe cũng có vẻ hấp dẫn. Thêm vào đó, tấm ảnh phía dưới với dòng chữ “anh em ứng sinh” càng làm cậu hào hứng. Những gương mặt vui tươi, tràn đấy sức sống như đang lôi kéo cậu sinh viên vậy. Nhìn trăm khuôn mặt trẻ, Lâm nhớ tới hình ảnh cả trăm người trên giảng đường đang nhìn cậu, và ánh mắt của Hồng hâm chờ cậu tới nâng dậy. Một bàn tay đặt trên vai làm Lâm giật bắn mình:

- Mừng lễ các thánh.

Lâm ngạc nhiên khi thấy Tùng, người bạn thân từ hồi nhỏ xuất hiện. Đã hơn một năm, nay mới gặp lại. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, mỗi người một con đường, Lâm vào đại học Kiến trúc, còn bạn thì đi tu. Buổi gặp gỡ này quả là bất ngờ.

- Sao cậu lại ở đây? Chẳng phải đang ở nhà ứng sinh sao?

- Đúng là thế. Nhưng ngày mai là lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, cha giáo cho anh em về quê thắp hương cho ông bà tổ tiên nên giờ này mình mới có mặt ở đây đấy. Cậu khỏe chứ?

- Tớ khỏe. Đang nhìn xem cậu ở đâu đây này.

Vừa nói, Lâm chỉ cho Tùng thấy tấm hình trên bảng thông tin. Trong ảnh, nhìn ai cũng như ai, Lâm không thể dò được chỗ bạn mình đứng nữa. Quay lại nhìn Tùng, Lâm thấy bạn mình chững chạc, rạng rỡ quá, khác hẳn cái vẻ u sầu, gầy còm cùng biệt danh “Tùng quắt” ngày xưa: chiếc áo sơ mi trắng, quần tây đen đúng chất nhà tu, nét mặt hiền hiền, cử chỉ điềm đạm toát lên sự thánh thiện.

- Đây là ảnh anh em chúng tớ chụp từ hồi tháng tư trong lễ quảng bá ơn gọi. Vậy mà cha xứ vẫn giữ lại trên bảng thông tin.

- Phải giữ tới hôm nay để cho tớ đọc chứ – Lâm cười hài hước, rồi vồn vã hỏi về cuộc sống của bạn - Ở đấy cậu làm những gì, thấy thế nào, bạn hiền?

- Ở nhà ứng sinh, chúng tớ được học cầu nguyện, nhân bản, những môn về giáo lý, kinh thánh, đàn nhạc, tu đức,…. Ngoài việc học, chúng tớ có những giờ thể thao, lao động, sinh hoạt với giới trẻ, thực hành mục vụ, thăm hỏi người nghèo, lương dân. Nhìn chung đa dạng lắm. Thời gian qua, tớ thấy bình an và hạnh phúc vì con đường tớ đã lựa chọn. Phải nói thế nào nhỉ, thật khó diễn tả, nhưng cậu cứ vào tu sẽ biết.

Lâm tròn đôi mắt với câu nói không biết thật hay đùa của Tùng – Nhưng biết đâu được đấy – Cậu cười nhạt để đánh trống lảng cho sự bối rối của mình. Tùng chắc hẳn đang rất hài lòng với cuộc sống cậu ấy chọn. Còn Lâm, bước đường tiếp theo của cậu sẽ ra sao? Lâm đã luôn tự tin vào khả năng của bản thân, để khi ra trường, cậu có quyền nghĩ tới một cuộc sống ổn định với công việc thiết kế xây dựng và một gia đình hạnh phúc. Thế hệ của Lâm dí dỏm về một mục tiêu phấn đấu: một vợ, hai con, nhà ba lầu, xe bốn bánh, du lịch năm châu. Vậy mà giờ đây, Lâm thấy giấc mơ đó sao mà nhỏ nhoi vậy. Cậu đang khắc khoải tới một điều gì lớn hơn, vượt lên trên những tính toán cho bản thân, một cuộc sống đầy ý nghĩa và có giá trị. Dòng suy tưởng chưa kịp thành hình quấn lấy tâm trí cậu. Vừa hay, mấy người bạn tới, họ rôm rả chuyện trò. Bạn bè gặp nhau là đầy ắp tiếng cười mà không hết chuyện. Nhưng từ sâu thẳm tâm hồn, Lâm thấy mình dường như trống rỗng tột cùng. Lòng cậu đang khao khát, thao thức một điều gì đó mà chính bản thân cậu chưa thể gọi tên. Lâm chưa bao giờ được tiếp nhận một kinh nghiệm như thế này. Nó không rõ ràng như các hình khối trong những bản vẽ cậu được học trên ghế nhà trường. Càng không phải là những triết thuyết của các tư tưởng gia cậu đã từng đọc. Mắt Lâm mơ hồ hướng lên bàn thờ, nơi có vị linh mục dang tay đọc lời cầu nguyện. Chiếc áo lễ trắng phủ kín tầm nhìn suy tư của chàng trai trẻ. Ý chí dường như bị khựng lại, Lâm thấy lòng mình lắng xuống, một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát.

***

Chỉ chờ cha xứ bước ra khỏi phòng thánh, ông trùm Phong vội vã tiến tới thưa chuyện:

- Thưa cha, có anh Trường ở khu trên mới bị tai nạn, đang trong cơn nguy tử, xin cha đến ban Bí tích ạ.

Sau ít phút chuẩn bị, cha xứ nhanh chóng đi tới bệnh viện để ban Bí tích sức dầu. Trước mắt ngài, người thanh niên hiền lành, ngoan đạo yếu ớt trong hơi thở dần tàn. Tội nghiệp anh, tội nghiệp bà mẹ góa nuôi con. Hình ảnh này gợi lại cho ngài về những con người ở đâu đó, trong tiếng khóc than, rên rỉ năm nào. Phải chăng, nếu Chúa Giêsu ở đây, Người cũng sẽ chữa lành anh như chữa lành con trai bà góa thành Nain. Mở chiếc khăn thánh một cách cẩn thận, ngài cung kính nâng Mình Thánh Chúa trao cho người bệnh với một niềm tin tưởng, phó thác.

Mã số: 16-017
Giải Viết Văn Đường Trường 2016, Bản tin 2