Tiếng vọng ngày hôm ấy

[ Điểm đánh giá5/5 ]1 người đã bình chọn
Đã xem: 1668 | Cập nhật lần cuối: 8/14/2015 3:03:46 PM | RSS

Tôi sải những bước dài trên phố, mắt hướng về phía xa xa. Trong tai tôi vẳng lại giọng nói đầy ấm áp. Tôi cảm thấy chênh chao. Tiếng còi xe chen lẫn tiếng người như xoáy vặn vào tôi. Một cảm giác mà tôi đã từng gặp ở đâu đó trước đây. Những khớp gối như đang rão ra. Nắng cũng kém phần chói gắt giữa tiết trời hanh hao.

Đẩy cửa vào, tôi đổ bềnh xuống giường và suy nghĩ. Một buổi học không chán phèo như mấy buổi trước, tôi cho là vậy. Mọi suy nghĩ trong tôi hay hướng về một ý niệm mang tên là Chúa. Tôi được mẹ dạy cho thói quen cầu nguyện từ nhỏ. Nếp sống ấy cả chị và các em tôi cũng được thừa hưởng. Mỗi lần xa nhà, mẹ lại dặn đi, rồi lại dặn lại, mẹ mong tôi không sa vào cạm bẫy thế gian. Mẹ liệt kê đủ thứ muốn tôi tránh xa, nào là gái hư, nào là rượu, rồi thuốc lá, rồi lô đề, rồi đa cấp… rất nhiều thứ lộn xộn mà đôi khi tôi phát cáu. Có đến cả chục năm rồi, mẹ không còn ôm hôn tôi như hồi nhỏ nữa. Thoạt nhiên, tôi không để tâm tới điều đó. Nhưng nhiều lần như lúc nãy, tôi thường gặp những bà mẹ trẻ ôm con, dắt con đi dạo ở công viên phía sau nhà. Tôi bồi hồi nhớ lại, chứ để nói đến một tình cảm mẹ con đúng nghĩa, tôi nhớ là tôi chưa nói lời nào yêu mẹ kể từ lúc học Đại học đến giờ. Mẹ tôi cũng vậy, mẹ thường hỏi đủ điều mỗi lần tôi về nhà, nhưng nói mẹ thương con, yêu con trước mắt tôi, thì chưa.

- Các em thân mến! Con người là một loài động vật cao cấp, có phát xuất ban đầu tiến hóa từ loài vượn người mà ra.

Câu giảng lại vẳng lên. Thời điểm ấy, nghe xong tôi cảm thấy bản thân cần phải nói điều gì đó. Giữa hàng trăm bạn bè, chỉ riêng tôi là người theo đạo. Nhưng tôi hiểu rằng tôi không được mất bình tĩnh.

- Thưa các em! Con người là một loài động vật xã hội, một thực thể của tự nhiên.

Hai câu nói kia tuy cách xa nhau trong bài giảng, nhưng nó có sức ám với tôi. Vị giáo sư già vẫn đĩnh đạc giảng những điều, mà tôi cho là hết sức tâm huyết đối với ông. Tôi đoan chắc là ông đã chắt lọc cả đời. Không một ai thắc mắc, hay hỏi lại gì cả.

Vẫn như bình thường, môn học này tôi thích ngồi cuối, đơn giản là vì tôi cảm thấy thoải mái. Mấy lời giảng kia ông có giải thích là trích dẫn ở các nhà khoa học kinh điển. Tôi biết điều đó.

Hình ảnh mẹ lại ùa đến. Mẹ thường dặn tôi phải giữ thói quen đi lễ chủ nhật hàng tuần. Mẹ sợ tôi yêu phải một cô gái không cùng tôn giáo. Mẹ sợ tôi không đủ sức khỏe để theo học. Điều gì mẹ cũng sợ, cũng lo, dù chỉ là những thay đổi nhỏ nơi tôi.

Rướn người thở dài một hơi rõ lớn. Tôi cảm thấy nặng nề. Dường như tôi cũng cảm thấy trong người nao nao. Cuộc cãi cự hôm nay trên giảng đường chẳng biết có đi tới đâu không. Tôi vẫn băn khoăn tự vấn.

Sau khi giảng những điều gan ruột của mình, thầy hướng ánh nhìn xuống phía cuối lớp, và chờ những câu phản biện và câu hỏi. Sau khi xin phép, tôi đứng lên nói:

- Thưa thầy, em không đồng ý với quan điểm con người là động vật bậc cao, động vật xã hội như các nhà khoa học kia đã nói.

- Em có thể chứng minh cho tôi được không?

- Thưa thầy, em là một tín đồ Công Giáo. Kinh Thánh có chép, Thiên Chúa đã sáng tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài. Em luôn tự hào em là con cái của Thiên Chúa. Sự súc vật hóa trong nguồn gốc con người là sự hạ nhục với mỗi người. Thầy có thể cho em làm một bài test xã hội học ngay tại đây không?

- Em cứ chứng minh điều em nói, tôi vẫn lắng nghe đây.

- Thưa thầy, thưa các bạn, có luận thuyết cho rằng con người là động vật bậc cao, cho rằng con người tiến hóa từ con vượn người, lại có thuyết cho rằng con người là động vật xã hội. Trong số các bạn ở đây, bạn nào đồng ý cho rằng mình là động vật bậc cao, động vật xã hội, được tiến hóa từ vượn người thì giơ tay lên được không ạ?

Tiếng xầm xì vang cả khắp khán phòng rộng. Vị giáo sư già vẫn rất bình tĩnh. Thầy khiến tôi bối rối. Tuy nhiên, sự ngập ngừng ở các cánh tay của các bạn khiến tôi vững tin hơn vào bài test của mình. Chỉ có khoảng một phần ba số cánh tay được giơ lên. Tôi vui sướng bởi ít ra thì ở câu hỏi này, không đến một nửa lớp phản đối tôi.

Tôi bảo:

- Thưa thầy! Chỉ có chừng một phần ba lớp tán thành ạ. Em muốn được hỏi câu hỏi thứ hai ạ!

- Em cứ tiếp tục diễn giải quan điểm của em.

- Thưa các bạn, có những luận thuyết đã sỉ nhục con người, hạ thấp con người, mà vô hình chung chúng ta lại mặc nhiên chấp nhận nó như một chân lí bất di dịch. Luận thuyết con người là động vật bậc cao, có nguồn gốc từ vượn người đã sỉ nhục chính bố mẹ và tổ tiên chúng ta. Bây giờ các bạn hãy nghĩ đến bố mẹ của mình, trong số các bạn, ai đồng ý bố mình, mẹ mình là động vật bậc cao, động vật xã hội thì xin giơ một cánh tay ạ?

Tiếng vọng ngày hôm ấy

Cả căn phòng nhốn nháo. Tôi nghe có tiếng gào lên:

- Bạn không được hỏi như thế!

Tôi không còn thấy cánh tay nào của các bạn giơ lên nữa.

Tôi hướng lòng bàn tay xuống, bảo thầy:

- Thưa thầy, em đã chứng minh xong.

Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống. Trái tim tôi lúc ấy có đập loạn lên. Thầy vẫn hết sức chậm rãi:

- Các em, vấn đề nguồn gốc con người cho đến nay còn tranh cãi. Tôi, và các em phải hết sức tôn trọng những người bạn có đức tin khác mình. Đức tin là một điều rất lớn, các em chưa tưởng tượng hết được đâu.

Có tiếng vỗ tay ràn rạt. Tôi ngồi im lặng ngóng tiếp.

- Các em ạ, Kinh Thánh là một cuốn sách hay, các em nên tìm đọc xem sao. Tuy nhiên, tôn giáo và khoa học không cùng chung điểm nhìn. Kinh Thánh do nhiều người viết, và Kinh Thánh không thuyết phục tôi. Cũng vậy, thần học không có tiếng nói trong khoa học, và khoa học không xâm phạm vào thần học.

Cả một tràng pháo tay của các bạn vô thần vang lên. Tôi vẫn ngồi im.

Thầy nói tiếp:

- Nếu em tin là có Thiên Chúa, em hãy bảo Thiên Chúa của em hiện ra trước mặt cả lớp, tôi sẽ tin ngay.

Cả lớp lại rộ lên, chăm chắm nhìn tôi.

Tôi bảo:

-Thưa thầy! Nếu một Thiên Chúa mà hiện ngay ra trước mắt em lúc này, đó không phải là vị Thiên Chúa đáng để em tôn thờ, vì đã xâm phạm quyền tự do tối thiểu của em.

Lúc ấy tôi nghĩ về mẹ. Tôi cảm thấy chỉ có Chúa và mẹ đang ở trong tâm trí để nâng đỡ tôi.

Nằm oặn oẹo trên giường nghĩ lại buổi học ấy, tôi nhắm mắt lại, cảm giác của giờ học ấy lại xô về.

- Thưa các em, Chúa Giêsu cũng chỉ như các ông Thích Ca, Mô-ha-mét, cũng không khác gì những nhà bác học khác như Anhxtanh, Đác- Uyn, Niu-Tơn. Họ có điểm chung là đều mong muốn xây dựng một thế giới đại đồng, tràn đầy tình yêu thương. Đó là điều tương đối.

- Thưa thầy! Chỉ có Chúa là duy nhất, Ngài chính đường, là sự thật, và là sự sống muôn đời, Ngài là Đấng Cứu Thế duy nhất. Như Kinh Thánh đã chép lời của Chúa: Còn anh em, anh em gọi thầy là ai? Người thì bảo là Gio-an Tẩy Giả, người lại bảo là Êlia. Cũng vậy, đức tin em xác tín rằng, Chúa chính là con đường cứu độ duy nhất mà thôi. Em không thể coi nhà khoa học này cũng như Chúa, hay nhà bác học kia cũng như Chúa. Thờ ông này thấy thiêng thì thờ, không thiêng lại bỏ đi thờ ông khác. Không thờ tôi hai chủ, đó là nền tảng của Đức tin Công giáo thưa thầy. Có thể mọi thứ là tương đối, nhưng Chúa thì tuyệt đối.

Có một bạn phía sau tôi hỏi:

- Vậy Kinh Thánh các bạn gọi các bạn là các con chiên, bạn giải thích xem?

- Mối tương quan của Chúa với dân Người được thể hiện thông qua hình ảnh người mục tử và đàn chiên yêu dấu của mình. Người mục tử, tức là người chăn chiên luôn bảo vệ, yêu mến và coi sóc chiên của mình khỏi những kẻ xấu rình để bắt chiên đi. Kẻ xấu đó chính là hình ảnh của quỷ Satan muốn dẫn dắt linh hồn người ta vào cạm bẫy tội lỗi, khiến con người xa rời Thiên Chúa. Người mục tử là Chúa,và chiên là tín hữu. Điều này nói lên sự gắn bó mật thiết giữa Chúa và con người trong tình yêu vô bờ. Trong ngữ cảnh khoa học cho rằng con người có nguồn gốc từ loài vượn người, hay là động vật bậc cao, đó là sự quy chụp chứ không phải là một hình ảnh biểu trưng như con chiên trong Kinh Thánh nữa.

- Có lẽ chúng ta cần thêm thời gian để hiểu về nhau hơn. Đa số các bạn trong lớp đây chưa được đọc Kinh Thánh, các em nên tìm đọc, rồi chúng ta sẽ có những trao đổi thêm.

Ngày hôm ấy, buổi học kết thúc bằng những lời chúc tốt đẹp. Tôi vẫn ngạc nhiên về sự điềm tĩnh của thầy, thoáng đơn độc bởi chỉ có một mình theo Chúa trong một lớp học đông đúc. Nhưng tôi tin Ngài luôn ở bên tôi, nên lòng trí tôi hoan hỉ, có lẽ những phút trao đổi ấy vẫn còn đi theo tôi mãi sau này. Chúng tôi vẫn dành những sự tôn trọng khi gặp cũng như khi nghĩ về nhau. Cuộc chiến tinh thần giữa đức tin và khoa học vẫn cứ dai dẳng bám theo tôi hàng ngày. Tôi sẵn lòng đón đợi tất cả, với một niềm tin vững vàng là Chúa luôn ở trong tôi.

Bài dự thi Mã số 15-139

GIẢI VIẾT VĂN ĐƯỜNG TRƯỜNG 2015, Bản Tin 12